Nhiên Hòa


Suy nghĩ cho Việt Nam từ sự kiện Viện Khổng Tử

.

Từ nhiều năm nay Trung quốc dù vẫn giữ chế độ cộng sản nhưng đã thành lập Học viện Khổng Tử tại nhiều quốc gia, và cũng bị nhiều quốc gia không cho phép, kể cả Hoa Kỳ, có lẽ vì họ hiểu mục tiêu chính trị của việc phục hồi Khổng Tử (1). Điều chúng ta cần tìm hiểu là: tại sao Trung cộng phải cần đến Khổng Tử? Theo tôi có nhiều điều có ý nghĩa trong sự kiện này. 

1. Mao và chủ nghĩa Mác “thuần túy” không còn hiệu nghiệm trong việc huy động và điều khiển quần chúng nữa, trước tình hình mới của chính Trung quốc và của thế giới. Tôi nhấn mạnh “thuần túy” vì đảng CSTQ vẫn phải dùng Mao và chủ nghĩa CS vì nếu không họ mất tính chính thống (chính nghĩa) để độc quyền lãnh đạo, nhưng trong thực tế họ đã phải vận dụng những phương pháp không phải của Mác, của Mao mà là của thế giới mà Mác và Mao muốn tiêu diệt, trong thời đại mà tác giả gọi là “cuộc cách mạng kinh tế” thay cho “cuộc cách mạng văn hóa.”  Sự thất bại của quốc tế cộng sản trước quốc tế tư bản khiến họ phải “đổi mới” không còn có thể duy trì chủ nghĩa Mác như “nguyên bản” gốc nữa.  

2. Dù theo chủ nghĩa gì, phương pháp hiện đại nào, tính chính thống “dân tộc” vẫn không thể bỏ qua như trước đây. Trước đây họ  chỉ cần theo chủ nghĩa quốc tế cộng sản là đủ. Trung quốc là một trong vài nước lớn trên thế giới và là một nước lớn nhất tại Đông phương. Trong lịch sử từ cổ đại đến ngày nay lúc nào các nhà lãnh đạo TQ cũng luôn tự cho mình là trung tâm mà các nước nhỏ chung quanh phải phụ thuộc vào (trong đó VN là nạn nhân suốt dòng lịch sử). Khi theo chủ nghĩa Mác, Trung cộng cũng không chấp nhận LX là trung tâm của quốc tế cộng sản, lãnh đạo tất cả những nước theo cộng sản. Ngày nay khi mà quốc tế cộng sản không còn nữa thì Trung quốc cần xác định lại vị trí của mình trên thế giới và trong vùng Á châu. Cả chủ nghĩa Mác và chủ nghĩa Mao không tạo được tính chính thống dân tộc Hán, do đó, trước làn sóng quốc tế của thời đại toàn cầu hóa phi Mác-xít, thiên Tây phương, Âu-Mỹ, tinh thần Đại Hán được phục hồi, và Khổng Tử được tôn vinh trở lại, với việc lập ra các Viện Khổng tử khắp nơi trên thế giới, để tái khẳng định tính Hán tộc đặc thù, vị thế Đại Hán vốn có, vừa phù hợp với trào lưu toàn cầu hóa, nhưng không bị lệ thuộc vào Tây phương Âu-Mỹ. 

3. Hai điều trên đây tất nhiên tác động mạnh mẽ vào ban lãnh đạo CS Việt. Suốt gần một thế kỷ qua kể từ ngày thành lập, đảng CSVN luôn tuyên truyền trước toàn dân về niềm tự hào dân tộc, về truyền thống chống ngoại xâm giành độc lập dân tộc của đảng. Khi có tranh chấp giữa LX và TQ, đảng CSVN, vẫn chấp nhận quốc tế cộng sản, đã chọn LX và đã đánh nhau với Trung cộng. Từ khi khối cộng sản quốc tế do LX lãnh đạo sụp đổ, đảng CSVN đã phải phục tùng Trung cộng để tiếp tục tồn tại. Nhưng Trung cộng vừa phục hồi tinh thần Đại Hán vừa sử dụng chủ nghĩa quốc tế Mác-Mao, khiến ban lãnh đạo CSVN bị đẩy vào thế kẹt, không thể chống Tầu, vừa vì không đủ sức, vừa vì đó là “đồng minh” quốc tế cộng sản duy nhất còn lại, nhưng cũng không thể theo Đại Hán mới, mà cụ thể là không thể chấp nhận việc Tầu cộng chiếm đoạt toàn bộ vùng biển Đông, dù trong thực tế không đủ sức nên không thể chính thức và tích cực chống lại. 

4. Từ thực tế trên, dù đảng CSVN vẫn còn nắm quyền và chế độ vẫn mang danh nghĩa cộng sản, hay “định hướng xã hội chủ nghĩa”, nhưng cả trong lý luận lẫn trong thực tế hiện đang xuất hiện một tình trạng khá phức tạp, đa dạng, nếu không muốn nói là nhiều tương phản. Trên danh nghĩa vẫn là theo “cộng sản” nhưng trong thực tế ngày càng nhích lại gần Mỹ và Tây phương để vừa nhận được các hỗ trợ kỹ thuật và kinh tế, tài chánh, để phát triển đất nước, vừa có chỗ dựa để hy vọng kiềm tỏa được phần nào áp lực từ Trung cộng, nhất là tại vùng biển đông. Trung cộng cũng đi theo hướng gần lại với Tây phương nhưng Tầu vẫn là một nước lớn với những tiềm năng từ quá khứ đến hiện tại, từ tinh thần đến vật thể, ngang ngửa với bất cứ nước lớn Tây phương nào nên còn chủ động được tình thế.   

5. Trước thực tế mới này, Trung cộng là bạn của Việt cộng trên lý thuyết nhưng Tây phương, nhất là Mỹ, đang là bạn trong thực tế. Mỹ không thể để cho Trung cộng cạnh tranh ngang ngửa với mình trên toàn thế giới, tung hoành tự do trong vùng biển đông. Mỹ sẽ dùng mọi cách để biến VN, dù còn độc tài cộng sản, thành “đồng minh” của mình trong việc ngăn chặn sự bành trướng của Trung cộng trong vùng biển đông và vùng ĐNÁ. Trong bối cảnh ngoại giao tay ba Mỹ-Việt-Tầu phức tạp, tế nhị đó, vừa cạnh tranh vừa hợp tác, vừa áp lực vừa thỏa hiệp, ban lãnh đạo cộng sản VN bị đặt trong một hoàn cảnh hết sức tế nhị, có nhiều cơ hội tồn tại và phát triển đan xen với những đòi hỏi thay đổi cho phù hợp tình thế mới. Xã hội phải cởi mở hơn, người dân, nhất là giới trẻ, được tiếp cận với thế giới “tư bản” nhiều hơn, người dân có nhiều quyền tự do hoạt động hơn miễn là không “chống lại nhà nước”, kinh tế “thị trường” nhiều hơn “quốc doanh”. Nói chung Việt nam, nếu nhìn từ mặt xã hội, từ phía quần chúng, nhất là từ giới trung niên, đang chuyển hướng sang phía “tư bản” nhiều hơn phía “cộng sản”. Sự giao tiếp giữa cộng đồng người Việt hải ngoại với cộng đồng xã hội trong nước ngày càng dễ dàng hơn, dù “phi chính trị” theo nghĩa không chống lại đảng và nhà nước cộng sản, nhưng cũng đang tác động mạnh mẽ vào mọi mặt đời sống của người dân, từ vật thể đến tình cảm và tinh thần. Dường như có hai mặt cùng tồn tại, một là mặt tầng do đảng và nhà nước vẫn độc quyền kiểm soát, và một là đáy tầng xã hội do và của quần chúng ngày càng có nhiều không gian tự do hoạt động hơn miễn là không công khai chống lại đảng và nhà nước.

6. Nếu đồng ý với những phân tích trên đây, chúng ta có thể rút ra được nhiều điều có thể vận dụng vào cuộc vận động xây dựng một nước Việt mới. Trước hết, Lý Đông A (2), một lý thuyết gia nổi tiếng từ thập niên 1940’s,  đã cho chúng ta một cách nhìn về xã hội có 2 tầng, mặt tầng và đáy tầng. Mặt tầng thuộc chính quyền, đáy tầng thuộc quần chúng. Khi quốc gia, xã hội ổn định, “thái hòa” thì mặt tầng và đáy tầng “thông lưu”, mặt tầng chính quyền thể hiện được ý chí, nguyện vọng và sức mạnh của đáy tầng quần chúng, quốc gia hưng thịnh. Khi mặt tầng thống trị đáy tầng, quốc gia suy vong, rối loạn, đáy tầng phải vùng dậy để làm cách mạng thay đổi mặt tầng.

Vận dụng cách nhìn này vào tình hình VN hiện nay chúng ta thấy nơi đáy tầng trong suốt mấy thập niên qua kể từ khi đất nước thống nhất nhưng nằm dưới sự thống trị của đảng cs, xã hội không thể ổn định, nhất là giới trẻ, không thể im lặng chấp nhận. Do đó đã và đang tiếp tục xuất hiện những hoạt động trong đáy tầng xã hội, vuột ra khỏi tầm kiểm soát của đảng và nhà nước cộng sản, dù thầm lặng nhưng có tác động mạnh và rộng trong xã hội và trong giới trung niên và trẻ, phần lớn nhờ hệ thống mạng, cả trong liên lạc, gặp gỡ, bàn bạc và hành động. Đồng thời trên thế giới, kỹ thuật liên lạc mạng ngày càng tinh vi và tiến bộ đã giúp rất nhiều cho giới hoạt động đối kháng tại những quốc gia độc tài như Việt Nam cộng sản. Tất nhiên cần có kỹ thuật bảo mật mạng, và đây là điểm then chốt quyết định sự hữu hiệu của phương thức hoạt động mới, và giới hoạt động trẻ cũng hết sức quan tâm giải quyết. Kết quả là hiện nay có 2 xã hội, một là xã hội “thực” do đảng và chính quyền còn kiểm soát được, và một do giới hoạt động trẻ tạo ra một không gian “ảo” nơi đó có người thực việc thực và ảnh hưởng thực ngày càng lan tỏa vào xã hội thực, dù âm thầm nhưng sâu rộng.

Hai mặt đó của thực tế đang diễn ra, một là phía đảng và chính quyền phải thích nghi với thế giới ngày càng nhiều “tư bản”, dù là “tư bản xã hội hóa” (3), hơn “cộng sản”, để tồn tại; hai là về phía xã hội hiện có hai mặt: một là “thực” của giới nhiều tuổi mà đảng và chính quyền còn kiểm soát được, và một dù “ảo” nhưng có ảnh hưởng thực trong thành phần dân chúng trung niên và trẻ, tức đa số người dân.

Nước Việt đang biến chuyển dần như thế, đáy tầng xã hội ngày càng gần với thế giới tự do và xa với Trung cộng, với giới trung niên-trẻ và năng động hơn, tiến trước và tiến nhanh hơn mặt tầng xã hội của giới nhiều tuổi và thụ động hơn. Mọi cố gắng nhằm vận động cho việc mở ra một nước Việt mới trong thời đại 2000 cần vận dụng được thực tế hai mặt này tại Việt Nam – một thực tế có sức mạnh “mềm” (soft power) tiến hóa tự nhiên mà ban lãnh đạo đảng CS, dù có thấy, cũng không những không thể ngăn chặn, mà còn khó tránh khỏi bị tác động theo hướng bất lợi cho họ về lâu về dài, nhưng đồng thời chính là hướng tiến hóa đương nhiên của thời đại mà dân tộc Việt, đại diện bởi thành phần trung niên, do nhu cầu tồn tại và phát triển, phải tiến vào.

Tiến vào nhanh hay chậm tùy thuộc sự vận động hữu hiệu của thành phần này, và của những người từ hải ngoại hiểu được và hỗ trợ được thành công cho họ. Hai hướng vận động cần cùng thực hiện: một là hỗ trợ cho thành phần trung niên từ đáy tầng xã hội tiến lên, và hai là tạo áp lực và điều kiện để thành phần tiến bộ trong đảng và nhà nước cộng sản tiến ra mở rộng không gian xã hội thoáng hơn cho thành phần trung niên hoạt động. Hai thành phần này, một trong xã hội một trong đảng, dù khác nhau trong động cơ cũng như bản chất, nhưng chấp nhận cùng tồn tại để tránh tạo bất ổn chỉ có lợi cho Trung cộng. Đồng thời xu thế chung của thế giới toàn cầu vừa tạo điều kiện vừa tạo áp lực để nước Việt chuyển đổi. Trong bối cảnh chuyển động đa dạng và năng động đó, vừa nội tại, vừa khu vực và thế giới, nước Việt mới dần dần xuất hiện. Từ trong đáy tầng xã hội trước, trong giới trẻ trước, sau sẽ tiến lên thay thế mặt tầng lỗi thời hiện nay. Thay thế bằng cách nào, bằng bạo loạn lật đổ hay bằng thành phần tiến bộ trong đảng tiến ra, hay bằng “chuyển hóa” từng bước từ trong ban lãnh đạo đảng và nhà nước? Theo tôi, với xu thế chung của thế giới hiện nay, và trong tình thế chung của Việt Nam hiện nay, bạo loạn lật đổ ít có khả năng xảy ra. Và như thế hai diễn biến ôn hòa từ trong nội bộ đảng có khả năng sẽ xảy ra, như đã xảy ra tại Liên Xô, để mở đường cho Việt Nam tiến vào thời đại mới.

.

Nhiên Hòa ĐVH
(20/12/2020)

__________

Chú thích:

(1) Vài lời về Khổng Tử và Học viện Khổng Tử: https://www.bbc.com/vietnamese/forum/2014/12/141229_tran_quang_duc_hoc_vien_khong_tu

Vì sao Viện Khổng Tử bị cấm cửa ở nhiều nơi trên thế giới? https://viettimes.vn/vi-sao-vien-khong-tu-bi-cam-cua-o-nhieu-noi-tren-the-gioi-post81802.html

(2) Trang nhà Thắng Nghĩa Lý Đông A:  https://thangnghia.org/

(3) Socialized capitalism: https://www.jstor.org/stable/3347591?seq=1    

https://www.cnet.com/forums/discussions/socialized-capitalism-137065/

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/diendan/suynghichovietnam.htm


Cái Đình - 2021