Nguyễn Hoài Vân


Phải chăng Trung Hoa đã trở thành một nước “Đạo chủ”?

Chính sách đẩy mạnh sản xuất bằng mọi giá đã khiến Trung Quốc, từ một nước mang chiêu bài Xã Hội, trở thành một thí dụ của tư bản chủ nghĩa man rợ, đối tượng nghiên cứu của Marx vào cuối thế kỷ 19. Gần đây với sự phát triển của tư bản tài chính, Trung Hoa đã tiến thêm một bước, và trở thành một quốc gia “đạo chủ”, một chính thể trộm cắp...

Một trong những căn nguyên của sự “nâng cấp” ấy là số nợ kỷ lục của Trung Hoa, lên đến hơn 28 ngàn tỷ USD, 282% GDP, hơn gấp rưỡi Hy Lạp với số nợ “chỉ” bằng 177% GDP ...

Đáp số của bài toán gắt gao này không dễ tìm. Một mặt, nhu cầu mua hàng Trung Quốc trên thế giới có giới hạn. Mô hình xuất cảng ồ ạt không thể kéo dài mãi mãi, nhất là trong các giai đoạn khủng hoảng. Mặt khác, công quỹ Trung Hoa không ngừng phải trợ giúp các công ty quốc doanh càng ngày càng lún sâu trong thua lỗ, nợ nần. Tiền vào khó kiếm, tiền ra không ngăn nổi, giải pháp được chính quyền Bắc Kinh lựa chọn là... móc túi người dân một cách quy mô và có tổ chức.

 

Diễn biến như sau :

Đầu năm 2015, toàn bộ guồng máy truyền thông, kể từ “Nhân Dân Nhật Báo”, nỗ lực khuyến khích dân chúng mua cổ phần của khoảng 2500 hãng lớn, với những hứa hẹn hoa lợi lớn lao và bảo đảm. Một trăm triệu người nhẹ dạ lọt bẫy, cùng với tài sản chắt chiu từ nhiều năm làm lụng vất vả. Vào tháng sáu, thị trường chứng khoán tăng vọt đến gần 150%. Bất kể thực trạng của những công ty được bán trên thị trường với trị giá hoàn toàn siêu hình, người ta vẫn không ngừng cổ võ dân chúng mua thêm cổ phần. Để rồi, chỉ một tháng sau, lâu đài dối trá bắt đẩu rạn nứt, và từ từ sụp đổ.

Phản ứng của chính quyền là lập tức ngăn cấm việc bán lại cổ phần các công ty đang tụt dốc, với những biện pháp kềm chế mạnh mẽ, kể cả bằng bạo lực, đối với các văn phòng mua bán chứng khoán. Cụ thể là anh mua một chiếc xe không chạy được, nhưng anh không có quyền đem nó đi bán, dù dưới dạng sắt vụn! Bên cạnh đó, ngân hàng nhà nước được lệnh lấy tiền của dân, để thu mua cổ phần của các công ty kia một cách quy mô, huy động nhiều tỷ mỹ kim.

Đến tháng Tám, chính phủ quyết định phá giá đồng nhân dân tệ, móc túi người dân thêm một chuyến!

Một sự thật hiển nhiên được phơi bày trước mặt mọi người. Đó là: thị trường chứng khoán là một chi thể của chính quyền. Nó thuộc về chính quyền, như cánh tay thuộc về một cơ thể. Điều này đưa đến một hệ lụy đáng quan tâm, là uy tín của chính quyền Trung Quốc từ nay lệ thuộc vào sự lên xuống của... thị trường chứng khoán (Orville Schell – W.S. Journal) !

Một sự thật khác, vô cùng bi đát cho những người đã mất bao tiền của dành dụm được, là chính quyền đã hành xử như một tập đoàn trộm cắp. Tập đoàn này phục vụ cho quyền lợi của khoảng 200 gia đình nắm giữ các đại công ty. Người dân có cảm tưởng tiền bạc mà họ bị mất, được chuyển vào túi những đại gia ấy. Nói cách khác, quyền lợi của giới tài phiệt nắm trong tay vận mệnh quốc gia không phù hợp, nếu không nói là xung khắc, với quyền lợi của người dân.

Tình trạng hiện tại có thể đựa đến hai hệ quả nghiêm trọng :

– Chính sách đẩy mạnh tiêu thụ nội địa để bù lại viễn tượng giảm bớt xuất cảng sẽ khó có cơ hội thành công. Khi người dân bị móc túi, mất tin tưởng ở chính quyền, lo ngại cho tương lai, thì họ sẽ tìm cách dành dụm, bằng những phương tiện riêng, có khi bên ngoài kinh tế chính thức, thay vì lao vào tiêu thụ.

– Không chuyển hướng được kinh tế cho một mô hình phát triển mà họ nghĩ là lâu dài và bền vững, phải đương đầu với sự chống đối có hy vọng ngày càng gia tăng trong nước, giới cầm quyền Trung Hoa có thể bị cám dỗ nhảy vào các phiêu lưu quân sự, đặc biệt là trong vùng Đông Á.

Khi làm ăn phát đạt, không ai nghĩ đến đánh nhau, gây đổ vỡ, thu hẹp thị trường... Nhưng khi mất niềm tin vào tiềm năng phát triển của một hiện trạng kinh tế, thì người ta có thể không ngần ngại phá tan tất cả, để tìm lại con đường phát triển từ một thực trạng hoang tàn, đổ vỡ, như đã được thấy trong lịch sử.

 

Nguyễn Hoài Vân

 


Cái Đình - 2015