Phan Văn Song


Nỗi lo mất gốc:

Từ Việt Cộng dựng tượng Hồ Chí Minh ở hải ngoại, đến Trung Cộng cưỡng chiếm Biển Đông: Mánh Mung hay Côn Đồ?
Không! Lợi Dụng “Kẽ Hở” của người ngay.

Bẵng đi một thời gian khá lâu, sau những thất bại làm “đánh bóng, đánh xi” hình ảnh Hồ Chí Minh ở Pháp, năm ngoái Việt Cộng lại ngoan cố muốn dựng lại tượng tên già mất nết ở một xứ cựu cộng sản: ở Đông Đức, tưởng rằng dân bản xứ dễ bị đánh lận con đen, bỏ qua chuyện cũ. Nhưng may quá, vẫn còn tinh thần của người Đức bản xứ, đầy kinh nghiệm sống với chế độ cộng sản, may quá còn cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản đầy cảnh giác nên việc dựng tượng ở Moritzburg bất thành. Cuối năm ngoái, 2016, lại bổn cũ lập lại, kỳ nầy ở một công viên nằm cạnh Giòng Sông Xanh thơ mộng của thành phố lãng mạn Vienne - Wien, thủ đô nước Áo, quê hương gia đình nhạc sĩ Strauss với những vũ điệu Valse de Vienne nhịp ba đầy thơ mộng. Một lần nữa, những cộng đồng tây phương của các quốc gia cựu cộng sản, cựu nạn nhơn cộng sản cùng cộng đồng người Việt hải ngoại ở Tây Âu đồng loạt, viết kháng thư đến những nhà cầm quyền và lãnh đạo thành phố. Mong rằng, hữu hiệu! Và hữu hiệu thật, tin vào giờ chót ngày hôm qua cho biết Hội đồng Thành Phố Wien đã cô đọng dự án! Mong rằng hủy bỏ! Cám ơn tất cả những bạn hữu quý mến dân tộc đàng hoàng Việt Nam, những người bạn Tây và Ta.

Tôi nghiệp thay dân tộc ta ngày nay!

Ở nhà, biển dơ, đất độc, nhà cửa, xóm làng bị Hán Tàu xâm chiếm, dân tình than oán, vật giá leo thang, biểu tình chống đối, dân chúng bất mãn… Trái lại, nhà cầm quyền cộng sản tỉnh bơ, chỉ biết cho Công An côn đồ đàn áp.

Ra nước ngoài, TPP bị Tổng Trump vứt bỏ, chỉ có nước đi khấu đầu lạy lục Tàu, quần đảo bị tước đoạt, hải phận mất, ngư dân thất nghiệp, đồng bằng ngập mặn, nông dân thất thu… Nhà cầm quyền và Đảng Cộng sản chỉ biết… dựng tượng Hồ Chí Minh.

Dựng tượng trong nước, ở làng ở xã để thay thế tượng Phật, cầu cúng van vái để Trăm Năm Cộng Sản làm giàu, Ngàn Năm Cộng Sản ngự trị, thôi cũng dễ hiểu!

Thế nhưng, ngoài nước? Để làm gi? Để chứng minh với các quốc gia có bang giao ấy rằng chế độ Việt Cộng có một ông già hiển thánh, các anh thương giúp đỡ dùm? Hiện nay, chế độ hết người hùng, Lê Văn Tám? Who know? Ở xứ Tây nói ai biết? Nguyễn Văn Trỗi? Ai vậy? Chỉ còn Hồ Chí Minh. Ờ thì, cũng có một thời “đi Tây”, không du học sanh, cũng du thủ du thực, cũng có tên gọi là “làm cách mạng”, thực sự chỉ một tên điềm chỉ viên - indicateur của Mật Thám - Sureté Pháp, một tay tuyên truyền xách động - agent “agit-prop” của Cộng sản Quốc tế - Komintern. That’s it! Vì là hậu duệ, là học trò, là nhơn viên của Đảng Cộng sản Pháp nên có một thời tên tuổi hắn ta được Đảng Cộng sản và phe thân cộng xã hội chủ nghĩa Pháp biết đến. Do đó một thời gian, sứ quán Việt Cộng và nhóm người Việt thân cộng ở Pháp vận động với cơ quan UNESCO có ý dựng lại tên tuổi hình ảnh đấu tranh (dỏm) của hắn! Nhưng mưu sự tại Đảng, thành sự bởi cộng đồng tỵ nạn Việt Nam ở Pháp! Nên bất thành!

Xin Lưu Ý: Nhóm người Việt thân Cộng tự đặt tên nhóm là “Việt Kiều Yêu Nước”. Nhưng, thật sự chẳng Việt Kiều tý nào, vì tất cả đều mang quốc tịch Pháp, và cũng chả Yêu nước tý nào, vì tất cả đều phục vụ, làm giàu, xây dựng tài sản, con cái hậu duệ nầy đều sống làm ăn của cải tài sản đều ở Pháp! Thậm chí sau 30 tháng Tư 1975, họ mang cả gia đình cha mẹ bà con qua “tỵ nạn” ở Pháp, và vào quốc tịch Pháp!  

Kẽ hở:

Phàm mọi luật lệ, mọi quan hệ giữa hai đối tượng dân sự và có khi cả hình sự đều có những “kẽ hở”, những “ngoại lệ”, những trường hợp gọi là “giảm khinh”, cũng có khi do những “hà tì” bởi những thủ tục. Do đó, mọi sanh hoạt của xã hội có tổ chức, từ giao dịch kinh tế đến thương trường và đến cả chánh trường, quốc nội hay quốc tế ngoại giao đều được điều hòa bởi những thủ tục và luật lệ, tư pháp, công pháp, quốc nội hay quốc tế, tùy môn, tùy ngành, tùy vùng, chuyên nghiệp. Cũng do đó, vai trò của những luật gia chuyên môn rất cần thiết, chẳng những thông đạt chuyên nghề, mà phải nhuần nhuyễn sử dụng, lợi dụng tất cả những “kẽ hở” của luật lệ, để tạo những “điều kiện thuận lợi” cho thân chủ mình.

1/ Việt Cộng dựng tượng Hồ Chí Minh:

Với ngoại quốc, Việt Cộng lợi dụng “Kẽ hở” của tình hữu nghị, giao hảo giữa nhóm tả phái ở Âu Châu Pháp, tả phái Đức ở Đông Đức Cựu Cộng sản, nhóm Xanh tả phái xu hướng xã hội chủ nghĩa của xứ Áo, xứ trung lập dễ dãi hiền hòa, Việt Cộng xin dựng tượng Hồ Chí Minh, làm ô nhiễm hình ảnh thanh bình của những vườn hoa, những công viên an bình, xanh đẹp.

Kẽ hở của nền Văn Minh Tự Do:

Nhờ văn hóa văn minh của Tây phương, kể cả của Pháp của thời thuộc địa. Tuy là lúc bấy giờ, chánh sách thuộc địa rất khó khăn với người dân tại đất nước bị trị (Đông dương thuộc Pháp). Trái lại, dễ dãi phóng khoáng tại xứ sở quê mình. Luật lệ Pháp, tại Pháp, tôn trọng quyền tư tưởng, quyền lập đoàn, lập đảng rất dễ dãi, kể cả với những nhà tranh đấu chống đối đường lối thuộc địa của chánh phủ Pháp – mặc dù Công an Cảnh sát vẫn theo dõi, nhưng nếu không có hành động phá hoại an ninh thì vẫn để yên – Hiến pháp, luật lệ nước Pháp tôn trọng quyền đi lại, lập đoàn, lập hội. Nhờ đó mới có mặt, nào những Ngũ Long, nào tờ báo Le Paria… những Phan Văn Trường, Phan Châu Trinh, Nguyễn An Ninh, hay những Tạ Thu Thâu cùng nhóm cộng sản trốt kýt, hay ngay cả Hồ Chí Minh, ăn lương Cộng sản quốc tế Komintern, cũng vẫn được hoạt động, được huấn luyện… chống chánh sách thực dân Pháp ở Đông dương.

Sở dĩ những tư tưởng cách mạng, chống đối chánh quyền Pháp thuộc địa, chống đối tư tưởng kinh tế tư bản chủ chủ nghĩa hoạt động được, có khi thành công, là do tinh thần pháp trị, luật lệ dân chủ đã bảo đảm tôn trọng quyền tư tưởng, quyền chánh trị của người dân. Karl Marx, hay Engels, thành công, ra sách được, có tên có tuổi, cũng nhờ chế độ tự do, dân chủ trọng nhơn quyền.

Tại những quốc gia Cộng sản chủ nghĩa ngày nay, thử hỏi có bao giờ có bao nhiên đảng, bao nhiêu phần tử bao nhiêu tiếng nói chống đối? Có bao nhiêu tác giả sản xuất được một áng văn kiểu Tư Bản Luận? Tôn trọng quyền tư tưởng, tôn trọng dân chủ, ấy là kẽ hở của chế độ Tự Do. Cộng sản là Vua lợi dụng kẽ hở. Thời Việt Nam Cộng hòa, lợi dụng kẽ hở của chế độ Tự Do, Việt Cộng xúi dân đi biểu tình, nào Phật Giáo xuống đường, nào dân biểu phản chiến… nào ca sĩ chống chiến tranh… hưởng an nhàn chế độ nhưng chống chế độ.

2/ Trung Cộng tung hoành ở Biển Đông

Trung Cộng ở Biển Đông cũng lợi dụng “Kẽ hở” được tạo ra trong luật pháp quốc tế liên quan đến việc dùng vũ lực hay cưỡng ép và quyền tự vệ của các quốc gia nạn nhơn. Trung Cộng khai thác lỗ hổng này trong luật pháp quốc tế khi sử dụng vũ lực để buộc các nước láng giềng chấp nhận quyền bá chủ của Trung Cộng ở Đông Nam Á. Với việc sử dụng các lực lượng trên biển không đối xứng (chủ yếu là các tàu cá và tàu hải cảnh), Trung Cộng thôn tính Biển Đông và Biển Hoa Đông một cách chậm và chắc. Bằng cách khai thác kẽ hở trong luật pháp quốc tế do Tòa án Quốc tế (ICJ) tạo ra, họ đã tiến hành việc này khiến các quốc gia trong khu vực khó có thể phản ứng một cách hiệu quả. Phương diện pháp lý này của chánh trị quốc tế về các tranh chấp biển ở Đông Á không được nhiều người hiểu biết, nhưng đó là cốt lõi của chiến lược của Trung Cộng trong khu vực.

Chiến lược của Trung Cộng:

Trong mưu đồ lớn này, Trung Cộng phải vượt qua kháng cự từ ba nhóm đối kháng.

Thứ nhất, Trung Cộng phải áp đảo Nhựt Bổn và Đại Hàn ở Biển Hoa Đông và Hoàng Hải. Với kế hoạch: chia để chinh phục. Phải chắc chắn rằng Nhựt Bổn và Đại Hàn ghét nhau nhiều hơn là họ ghét Trung Cộng. Chừng nào mà Nhựt và Hàn còn ấp ủ nỗi đau lịch sử thì Tàu Cộng còn thủ lợi.

Thứ hai, Bắc Kinh phải “Phần Lan hóa” các quốc gia xung quanh Biển Đông bằng cách đưa vùng biển nửa kín này vào quỹ đạo của nó. Với kế hoạch: sử dụng cây gậy sắt trong bàn tay nhung với các nước yếu như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, Brunei đi vào vòng thần phục. Sự chia rẽ trong ASEAN làm lợi cho Trung Cộng.

Cuối cùng, Bắc Kinh phải thủ thế để ngăn ngừa khả năng can thiệp và ngăn trở của hai cường quốc biển láng giềng khu vực: Huê Kỳ và Ấn Độ. Kế hoạch: gây sức ép “hạn chế” trong khu vực nhưng không vượt mức biến thành chiến tranh trên biển. Đặc biệt, tránh né những “quá khích” dễ đụng chạm vào các thỏa thuận an ninh của Mỹ với Nhựt Bổn, Đại Hàn hoặc Philippines. [1]

Trong mưu đồ của ba kế hoạch này, Trung Cộng gây sức ép qua hết các bực thang của sức ép mức thấp, song cẩn thận không đến mức bị xem là “tấn công vũ trang” trong luật pháp quốc tế, và do đó mở đường cho quyền tự vệ của cá nhân và tập thể.

Bắt đầu vào năm 1999, khi Trung Cộng tuyên bố “lệnh cấm đánh bắt cá” theo mùa khắp Biển Đông, dù họ không có thẩm quyền pháp lý để quy định việc đánh cá ngoài vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý (EEZ) của mình. Nhưng lệnh cấm đánh bắt cá nầy vô tình cai quản luôn cả các nguồn cá trong vùng EEZ của Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia, và Brunei.

Trung Cộng cũng đã không ngớt đề cao quyền lịch sử đối với các đảo và các cá thể địa lý, và hầu như tất cả các vùng biển liên quan của toàn bộ Biển Đông.

Thế giới đều mất kiên nhẫn với yêu sách lạ lùng, ngang ngược của Trung Cộng về “vùng nước lịch sử” ở Biển Đông. Yêu sách biển được dựa trên các nguyên tắc được quy định trong Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển (LOSC) mà Trung Cộng tham gia năm 1996. Tuy nhiên, cái quá mức của yêu sách nầy của Bắc Kinh là dựa trên đường chữ U, gồm 9 đoạn vốn được Trung Hoa Dân Quốc - Đài Loan công bố năm 1947. [2]

Chiến thuật của Trung Cộng:

Bắc Kinh khai triển số lượng đáng kinh ngạc các giàn tàu thuyền và máy bay dân sự và thương mại trợ giúp áp đặt yêu sách của mình và hù dọa nước khác. Tàu đánh cá và tàu ngư chính là đội tiên phong của chánh sách này, dẫn đến các cuộc đụng độ thường xuyên với tàu tuần tiễu an ninh biển trong EEZ của các nước láng giềng. [3]

Trung Cộng bắt đầu sử dụng tàu cá làm lực lượng không chính quy lần đầu tiên vào đầu thập niên 1990 cho hai đảo Mã Tổ [Matsu] và Kim Môn [Jinmen] để tạo sức ép lên Đài Loan trong những lúc có căng thẳng chính trị. [4] Tới nay Trung Cộng vẫn sử dụng chiến thuật này chống Nhựt ở Biển Hoa Đông và chống lại Philippines, Việt Nam và Malaysia ở Biển Đông. Trung Cộng cũng sử dụng các đoàn tàu cá đối với Đại Hàn ở Hoàng Hải. Năm 2009, lúc đối đầu với tàu đặc nhiệm USNS Impeccable khi tàu này tiến hành khảo sát quân sự cách Đảo Hải Nam 75 hải lý, Trung Cộng đã sử dụng một đội tàu gồm một tàu tình báo hải quân, một tàu ngư chính, một tàu hải dương học và hai tàu chở hàng nhỏ hoặc tàu đánh cá. Một số tàu có vẻ được bố trí với nhơn viên thuộc lực lượng đặc biệt Trung Quốc. [5]

Năm 2013, Trung Cộng nhét thêm giàn khoan dầu vào cái rổ các lực lượng bán quân sự trên biển – giàn khoan HD 981 thuộc Tổng công ty Dầu khí Ngoài khơi Quốc gia Trung Quốc (CNOOC) đặt gần quần đảo Hoàng Sa trong EEZ của Việt Nam.

Xin Lưu Ý và Không Quên: Năm 1974, lực lượng Việt Nam Cộng Hòa, của Miền Nam Tự Do bị thủy quân lục chiến Trung Cộng đẩy khỏi quần đảo Hoàng Sa trong một cuộc xâm lược đẫm máu, VỚI sự cổ vũ đồng lõa của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Miền Bắc Việt Cộng – thà giao đảo biển cho ngoại bang Tàu Cộng còn hơn để cho Ngụy!

Trung Cộng “lưu tâm đến kẽ hở” trong Luật quốc tế:

Để cho chiến lược của mình có tác động, Trung Cộng đang ép buộc dần các nước láng giềng phải chấp nhận bá quyền của Bắc Kinh, nhưng tránh đối đầu quân sự. Trung Cộng sử dụng vũ lực thông qua các tàu hải cảnh, tàu đánh cá, và bây giờ cả giàn khoan để thay đổi quan cảnh chánh trị và pháp lý trên biển ở Đông Á, nhưng họ vẫn cố ý giữ tàu hải quân xa ngoài chân trời để tránh nguy cơ kích động chiến tranh.

Hiến chương của Liên Hiệp Quốc điều chỉnh luật về việc sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế. Mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là nhằm ngăn chặn “các hành vi xâm lược và vi phạm hoà bình khác.” [6] Theo Điều 2 (4) của Hiến chương, “tấn công vũ trang” (hay chính xác hơn, xâm lược vũ trang - aggression armée trong bản dịch tiếng Pháp chính thức) là trái pháp luật. Điều 2 (4) cũng nói rằng đe dọa sử dụng vũ lực cũng là vi phạm như việc sử dụng vũ lực.

Hơn nữa, việc Trung Cộng sử dụng rất đầy tánh chiến lược đội tàu đánh cá như là một thành phần của “chiến tranh pháp lý” vượt khỏi việc khai thác lỗ hổng giữa sử dụng vũ lực và tự vệ trong luật về sử dụng vũ lực (jus ad bellum); điều đó cũng ảnh hưởng đến luật trong chiến tranh (jus in bello). Tàu cá có khả năng sẽ được sử dụng làm các tàu chiến trong bất kỳ cuộc chiến tranh khu vực nào.

Để kết luận:

Cũng như cộng đồng người Việt tỵ nạn ở hải ngoại cùng với một số đông nhơn dân trong nước chúng ta đã ý thức, nhận rõ, cảnh giác từ bao năm nay, Công sản Quốc tế, Tàu lẫn Việt đều lợi dụng mọi “Kẽ hở” của những người Ngay, của các chế độ Dân Chủ Tự Do. Do đó:

Không thể thay đổi não trạng, không thề thay đổi thủ tục, tập tục của Việt Cộng được! CHỈ CÓ THAY THẾ!

Quê hương tiêu tùng, ô nhiễm, biển nhiễm độc, đồng bằng nhiễm mặn, đất nước nhiễm Tàu. Đấu tranh Nhơn Quyền, Đòi Hỏi Dân Chủ! Bao Nhiêu Năm Không Thay Đổi Chế Độ Được.

CHỈ CÓ thay thế Ban Lãnh Đạo. dẹp bỏ Đảng Cộng Sản.

HÃY THAY THẾ, dẹp bỏ Đảng Cộng sản và ban lãnh đạo Việt Cộng đi!

Khi Người Dân Nắm Chánh Quyền: Dân Chủ, Nhơn quyền Có Ngay! Mong lắm!

Hồi Nhơn Sơn, Xuân Đinh Dậu, 2017
Phan Văn Song

________________

GHI CHÚ:

 [1] Huê Kỳ có thỏa thuận quốc phòng với 5 nước ASEAN: Thailand, Philippines, Japan, South Korea, và Australia. Một số trong các thỏa thuận này và Đạo luật về quan hệ với Đài Loan là chủ đề của một pod cast của FPRI năm 2014, có thể truy cập ở đây: http://www.fpri.org/multimedia/2014/06/us-security-commitments-asias-changing-strategicenvironment-look-japan-taiwan-korea-and-philippines-audio.

[2] Những nước có yêu sách đánh cá lịch sử thể tìm kiếm quyền truy cập từ các quốc gia ven biển cai quản những khu vực đó theo Điều 62 của Công ước Luật Biển.

 [3] Lyle J. Goldstein, “Chinese fisheries enforcement: Environmental and strategic implications,” 40 Marine Policy 187 (2013).

[4] Wendell Minnick, Fishing Vessels in China Serve as Proxy Enforcers, Defense News, August 18, 2014, p. 15.

[5] Một số “ngư dân” có vẻ không là ngư dân làm ăn chân chính- trẻ, ăn mặc đàng hoàng, thể thao, liên tục trên biển trong khu vực Đông Nam Á mà da không bị rám nắng, và không thể vận hành thiết bị đánh cá (!). Quan sát này đã được một cựu đô đốc 2 sao ở Đông Nam Á và một trưởng Hải quân đã nghỉ hưu của một trong những quốc gia xung quanh Biển Đông cho tôi biết.

[6] Điều 1(1), Hiến chương LHQ.


Cái Đình - 2017