Phan Văn Song


11-11-2018: Tử Sĩ tại Xứ Người:

Người lính Khố Xanh

Bằng quân mạc thoại phong hầu sự,
Nhất tướng công thành, vạn cốt khô!”
(Anh chớ luận bàn hầu bá nữa. Thành công một tướng, vạn xương khô)

Tào Tùng – Nguyễn Phước Hậu dịch.

Tháng 11, tháng của Nhớ Thương

Hằng năm, tháng 11 đến với những người âu châu truyền thống thiên chúa giáo là tháng của hiếu thảo, tháng của kỷ niệm, tháng của mùa tảo mộ, tháng của những thương, tháng của những nhớ, tháng của tri ơn, tháng để trả những món nợ ơn tình với tiền nhơn, với người xưa, với gia tộc, gia phả, gia đình. Từ sau đệ nhứt đại thế chiến, ngày 11 tháng 11 cũng là ngày toàn dân các quốc gia tây âu tưởng mộ, tri ơn các tử sĩ và trả ơn chiến sĩ đã hy sanh trong cuộc thế chiến nầy. Người Anh Mỹ vào dịp ấy thường cài trên ve áo một chiếc hoa coquelicot-poppy đỏ, và người Pháp thì một chiếc hoa muguet-cornflower xanh, biểu tượng thương nhớ souvenirs-remempance, tri ơn tất cả các người lính của các lực lượng quân đội tham chiến có nhiệm vụ bảo vệ lãnh thổ hay một quan niệm, một ý thức, một tư tưởng văn minh, một suy nghĩ văn hóa của đất nước mình.

Vừa qua vào đầu tháng 11 năm nay, ngày mồng hai, cũng như mọi năm, anh em chúng tôi, những cựu quân nhơn, những Mũ Đỏ, thành phần người Việt tỵ nạn cộng sản Hán ngụy ở Pháp, thành viên Hiệp hội Nhảy Dù Pháp, chúng tôi tham dự ngày này, do anh em một Hội đoàn bạn, người Pháp Hiệp hội Quốc gia các Cựu Cư dân Đông dương – ANAI – Association Nationale des Ancien d’Indochine tổ chức, mà anh đàn anh Mũ Đỏ Hoàng Cơ Lân đã đặt tên là Ngày Giỗ Lính.

Phải, Ngày 2 tháng 11, Ngày Tảo Mộ truyền thống của các người dân Pháp, Ngày Fête des Morts ngày tiếp liền sau Ngày Lễ Các Thánh – Toussaint đầy thánh thiện tôn giáo của Thiên Chúa giáo, là một ngày giành cho gia đình, để tập họp giỗ tổ giỗ tiên giỗ giòng giỗ họ… Nếu như Lễ Noël –Christmas, lễ Giáng Sanh là lễ của một tiểu gia đình chỉ cha mẹ cùng con cái xum họp Mừng Chúa Cứu Thế ra đời; thì ngày mồng 2 tháng 11 là ngày của toàn đại gia đình cả con lẫn cháu tề tựu, tập họp lại… tất cả các con cháu nhiều tiểu gia đình anh em, bà con, cùng họ cùng tổ, trở về làng cũ, về căn nhà chung, đoàn tụ với ông bà, cha mẹ họ hàng, sống xa hay sống gần, hôm ấy phải tụ về một gốc, để cùng nhau hội họp, dắt nhau ra nghĩa trang thăm viếng chăm sóc các mồ mả tổ tiên, ôn lại gốc gác, nhớ lại cội nguồn.

Hôm ấy, nhóm Mũ Đỏ chúng tôi, trang phục cựu quân nhơn nhảy dù, áo đen, quần xám, sơ mi trắng cà vạt đỏ; đầu đội mũ đỏ, ve áo gắn bằng dù, huy hiệu binh chủng, huy chương đầy đủ, có mặt từ sáng sớm, quân kỳ, quốc kỳ vàng ba sọc đỏ, phất phới cạnh quốc kỳ Pháp và các quân kỳ các binh chủngbạn, cùng với một tiểu đội Lê dương – Légion Étrangère, lập hai hàng danh dự đi đến Đài Chiến sĩ trận vong đặt tại khu tử sĩ của nghĩa trang thành phố Nogent sur Marne – ngoại ô thủ đô Paris, Pháp Quốc. Vì trong khu tử sĩ của nghĩa trang Nogent sur Marne, có 200 mồ chôn của 200 tử sĩ Việt Nam bỏ mình trong Đại Thế chiến I, nên khu tử sĩ trận vong của nghĩa trang Nogent sur Marne được bà con Việt Nam tỵ nạn cộng sản Hán ngụy vận động, để được đặt một tấm bảng bằng đá có khắc hình bức tượng Thương Tiếc đã một thời trước ngày mất nước 30 tháng tư 1975, gác cửa Nghĩa Trang Quân đội Biên Hòa của các tử sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Và để đáp lễ, thị xã Nogent sur Marne cũng cho xây một Đài Chiến Sĩ Trận Vong với câu chữ Hán Thiên Âu Hách Nghĩa Việt để dịch câu văn bằng tiếng Pháp Sous le ciel européen, la fierté des enfants Vietnamiens – Dưới trời âu, sự hãnh diện của con cháu Việt. Câu viết bằng Hán Việt để tỏ cái lòng thành những người con Việt ngày nay sống tại Pháp đối với, chẳng những 200 tử sĩ gốc Đông dương Việt Miên Lào, mà cả với các tử sĩ người Pháp quê quán ở địa phương Nogent sur Marne, nay yên nghỉ trên mảnh quê hương của họ. Viết bằng Hán Việt cũng để thành kính nói rõ cái hãnh diện của hậu duệ con cháu gốc Việt ngày nay tỵ nạn sống tại đất Pháp đối với các tiền bối cùng gốc gác, cùng quê hương nay đã yên nghỉ trong lòng đất Pháp. Tham dự Thế Chiến thứ Nhứt, cạnh quân đội đồng minh Pháp Anh Mỹ có gần 50 ngàn lính đến từ Đông dương vừa tham chiến tại mặt trận vừa phục vụ ở hậu cần, tài xế, công nhơn các xưởng sản xuất quân trang, quân cụ.12 ngàn người đã hy sanh, 200 nằm ở Nogent sur Marne, phần còn lại rải rác trên các nghĩa trang trên nước Pháp.

Khố Xanh:

Trong cái không khí vừa vui, vừa bùi ngùi đầy xúc độngcủa những ngày gặp gỡ, tụ họp của những người như chúng tôi, cư dân của một tỉnh lẻ nhà quê của xứ Pháp, lâu lâu mới được lên thăm thủ đô Paris, được các chiến hữu thổ công... của thành phố đầy hoa lệ nầy chu đáo dẫn dắt chu du, khi hủ tiếu, lúc bò kho …Trong cái không khí đang đầy hãnh diện được đội lại chiếc mũ đỏ, được gặp những chiến hữu nhảy dù vừa cả xứ Ta, vừa cả các xứ bạn, Pháp, Anh, Bỉ,… hay cựu Lê dương vỗ vai, cảm động thấy người bạn ngoại quốc kẻ trân trọng chào lá cờ vàng thương yêu, người nâng niu hôn lá cờ vàng thân quý, tất cả vồn vã tươi cười chào các người bạn Nam Việt Nam… Đang trong những ngày vui, đầy cảm động ấy, thì bỗng nhiên nhận được những cú điện thoại, tiếng bấc tiếng chì chất vấn qua ông anh đàn anh, rằng chúng tôi, đám nhảy dù, bọn Mũ Đỏ Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi vô duyên, đi giỗ lính Khố Xanh! Và ông anh đàn anh của chúng tôi lại càng vô duyên hơn: “giỗ người quê ta, mà lại nói tiếng tây… làm sao anh khố xanh ngu dốt hiểu được (sic)!

Thằng tôi, khờ khạo, nghe được câu trách móc qua, bỗng vừa nổi quạu, lẩm bẩm chưởi thề, vừa khóc… Phải tôi khóc, vì thương cho thân phận tỵ nạn, ngày mai, chết sẽ nằm trong đất người, còn con cháu sẽ bị cấm không được làm giỗ, vì chúng tôi thân phận lính Khố Xanh.

Phải, thằng tôi cũng như phần đông những người việt tỵ nạn cộng sản Hán ngụy, đều sanh trưởng ở Việt Nam. Chúng tôi gốc di cư. Mẹ tôi, gốc Huế, cùng với cha tôi cũng gốc Thừa Thiên, di cư vào Sài gòn lập nghiệp, cư ngụ ở xóm Vạn Chài, sau lưng Đình Thành Công, đường Paul Bert, nằm cạnh Chợ Tân Định. Tôi được sanh ra ở nhà Bảo Sanh nằm ở góc Paul Blanchy/Paul Bert, nhao được chôn sau nhà, cạnh Rạch Thị Nghè mà tây gọi là Arroyo chinois. Do đó ngày nay về hưu nghề thầy giáo dạy học ở xứ tây nầy, cá nhơn thằng tôi là một Thầy giáo Khố Xanh. Ông đàn anh của thằng tôi, sau khi chạy nạn cộng sản Hán ngụy, qua tây mở phòng mạch bác sĩ cũng là Bác sĩ Khố Xanh nốt…!! Trừ phi, những người sanh bên Tây, học trường tây, ra nghề nghiệp tại tây mới không là Khố Xanh, chứ tất cả ai sanh đất Ta, lớn bên Ta, qua Tây học chữ Tây hành nghề Tây, làm việc bên Tây đều là Khố xanh cả… Vì vậy, xin lạy quý bạn đừng mắng chưởi Khố Xanh! Tất cả chúng ta đều là Khố Xanh cả! Và tội nghiệp các tiền bối đã chết trận ở những cuộc chiến quốc tế ấy…!! Quý vị có chắc chắn rằng chết ở Việt Nam mới không là Khố Xanh không? Vì có người định nghĩa lính Khố Xanh là lính đi đánh giặc mướn đó mà!

Vậy thì khi Lê Duẩn tuyên bố rằng “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, Trung Quốc...”, e rằngLê Duẩn với lý luận Cộng Sản đánh giặc mướn nầy, thì lính Cộng Sản cũng là lính Khố Xanh sao? No comment!

Xin quý thân hữu, xin quý bà con đừng vội chối bỏ, nhanh nhẩu vội vàng xóa bỏ những chặng đường lịch sử. Đi tắt, vội vàng chê bai, chưởi bới, mạ lỵ các người xưa đã tình nguyện đăng vào lính tirailleurs indochinois, kẻ đi qua Pháp chiến đấu chống Đức ở những trận bên bờ sông Marne, giải phóng thành phố Reims… hay người đổ bộ trên bờ biển Gallipoli chống quân Hồi Giáo Thổ Nhĩ Kỳ…, hay có người là những anh lính thợ nổi tiếng khéo tay được tuyển vào những nhà sản xuất đạn dược… Cũng đừng quên, chính những người lính thợ gốc Bắc kỳ, đến Marseille, lúc Pháp vừa thua trận đầu hàng sau tháng 6 năm 1940, đã nhập cảng nghề nông trồng lúa cho kỹ nghệ nông nghiệp lúa gạo Pháp ở vùng Camargue… Và cũng nhờ được nhập cảng vào một không khí tự do, vào một không gian thợ thuyền Pháp, mà tinh thần chống Pháp, tinh thần dân chủ, tinh thần tự do phát biểu tự do ngôn luận đến với những người lính thợ Việt Nam. Do đó, họ là thành phần nòng cốt, thành phần căn bản, tạo nền tảng cho các phong trào đầu tranh đòi độc lập, đòi dân chủ với những Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường… Nguyễn An Ninh… hay cho các nhà cách mạng Đệ Tứ sau nầy như Phan Văn Hùm, như Tạ Thu Thâu, như Trần Văn Thạch …

Từ Khố Xanh, Khố Đỏ… đến Quốc Gia Việt Nam

Lịch sử hiện đại Việt Nam ta lắm phức tạp!

Tuy nhận định lịch sử ngày nay, đã quá rõ ràng. Muốn đất nước Việt Nam còn, muốn dân tộc Việt Nam tồn tại. Chúng ta phải rõ ràng phân định giới tuyến Quốc Gia Tự Do vs Cộng Sản Độc Tài Toàn Trị. Đó là hai chiến tuyến Ý thức/Tư Tưởng/Văn Minh/Văn Hóa rõ ràng:

– Quốc gia: Giữ bản sắc Dân tộc Đại Việt, tiếng nói rõ ràng, với những âm sắc rõ ràng phân biệt TR, CH… S,X, … chữ quốc ngữ thật sự không biến thể thay đổi kiểu Bùi Hiền đang đề nghị… Tiếng nói rõ ràng tử ngữ đa nguyên không có từ chung chung như đăng ký xài chung cho tất cả từ đăng bạ, ghi tên, giữ chỗ,… Nhơn bản… lấy con Người làm trọng, Đạo đức, tử tế, trọng lễ, trọng kẻ trên, nhừng kẻ dưới,… Tôn trọng Nhơn quyền, Dân Chủ, trong một thể chế Pháp trị rõ ràng.

– Cộng Sản Độc Tài Toàn Trị ngày nay, quý bà con đã thấy rõ… Và đau lòng hơn là đang dâng đất dâng biển cho Tàu… Tàu mà ngày nay cả thế giới đang chống… Vì đã lộ rõ chơn tướng xảo quyệt, lưu manh, độc tài, toàn trị...

Lịch sử ngày nay cũng cho chúng ta thấy vai trò của những vị tiền bối chiến đấu chống độc tài cạnh quân đội Pháp. Thấy rõ trong các cuộc chiến chống độc tài quân phiệt… rõ ràng đã có sự góp mặt của người Việt Nam…. Đừng quên, một Đỗ Hữu Vị anh hùng phi công chống Đức, một Duy Tân anh hùng chống quân Nazi có vai trò trong cuộc giải phóng đất Pháp… để tạo một vai quan trọng để đối trọng trong tương lai thương thuyết giải phóng Việt Nam. Vận xui khiến ông bị tai nạn rớt máy bay, đại sự không thành. Hay… những binh sĩ Nhảy dù của 5ème Bataillon de Parachutistes Vietnamien – TĐ 5 Ba Quằn với Trung Úy Đại Đội Trưởng Phạm Văn Phú nổi tiếng chống Cộng… tham chiến từ Nà Sản tới Điện Biên Phủ… Cũng đừng quên những Tiểu đoàn Khinh Quân của Quân đội Quốc gia Việt Nam… tiền phong chống Cộng mở đầu cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa!...

Và Việt Nam Tự Do:

Thiên hạ ngày nay tranh nhau xem Ngày Quốc Khánh có phải Ngày 26 tháng 10, hay Ngày mồng một tháng 11? Mà quên rằng Ngày Quốc Khánh phải là Ngày Quốc Gia Việt Nam ta được thành lập.

Pháp cướp Việt Nam trên tay Vua Nhà Nguyễn, năm 1885, thi Pháp trao Độc lập lại cho Vua Bảo Đại Nhà Nguyễn, với hiệp Ước Élysée.

Và Chánh Phủ đầu tiên của Quốc gia Việt Nam bắt đầu Ngày 1 tháng 7 năm 1949…

Như vậy, đề nghị ngày nay ở Hải Ngoại chúng ta nên nhớ Ngày 1 tháng 7 như Ngày Quốc Khánh của Việt Nam Tự Do. Cờ Việt Nam Tự Do đã và sẽ phất phới tư Nam Quan đến Cà Mau, Tiếng Gọi Công Dân Quốc Ca của Việt Nam Tự Do đã và sẽ hát vang từ Nam Quan đến Cà Mau. Còn nếu chỉ nói về Việt Nam Cộng Hòa chúng ta chỉ nói nửa nước…

Mong rằng, mơ rằng từ đây chúng ta hãnh diện với Việt Nam Tự Do!!

Mong rằng, mơ rằng Mũ Đỏ chúng ta luôn luôn cố gắng không quên truyền thống của những Tiểu Đoàn 6 Nhảy Dù, Tiểu Đoàn 5 Ba Quằn của những năm 1954… đến Tiểu Đoàn 6, Tiểu Đoàn 8 ở An Lộc, Xa Mát năm 1972, hay Tiểu Đoàn 11 ở Charlie...

Và một lần nữa xin quý thân hữu, quý chiến hữu, quý bà con đừng vội mắng những tiền nhơn, đàn anh, đàn chú, đàn bác Khố Xanh, Khố Đỏ, Khinh Quân, Quốc Gia… Phải cám ơn quý vị ấy đã tạo truyền thống Người Việt Quốc Gia, Người Việt Tự Do, Người Việt Dân Chủ, Người Việt Tử Tế … đã giữ ngọn lửa chống Độc Tài Toàn Trị Gương Sáng cho chúng ta ngày nay.

.

Hồi Nhơn Sơn, viết cho ngày 11/11/2018
Kỷ Niệm 100 năm Ngày Hòa Bình giả tạo 1918
Để góp giấc mơ một Ngày Hòa Bình thật sự cho Dân Tộc Việt Nam .

Phan Văn Song


Cái Đình - 2018