Nguyễn Khắc Anh Tâm


Môt phác họa tình hình thế giới

 

Kính anh,
...

Trở về với thời sự quốc tế thì chắc thiên hạ ai cũng cho là dạo này tình hình quá nhiễu nhương... nào là tình hình biến động ở Trung Đông, ở Afghanistan, Iraq, ở Syria, chưa được giải quyết xong thì lại tới tình hình biến động giữa nhóm Hamas (nhóm võ lực của Palestine) và Do Thái. Đã vậy, ở Đông Âu chúng ta còn thấy tình hình biến động giữa Ukraine và Nga, hay nói đúng ra là giữa Nga đối đầu với các nước thuộc Đông Âu và khối Nato. Và dĩ nhiên là ở Á châu, tình hình giữa rợ Hán cùng các nước thuộc khối ASEAN – trong đó có Việt Nam – tại biển Đông... càng ngày càng rối loạn.

Và thiên hạ không hiểu tại sao tình hình lại nhiễu nhương đến độ như vậy...

Thật ra thì tình hình thế giới vẫn nhiễu nhương từ trước tới giờ, loài người suốt mấy ngàn năm đi xây dựng văn hoá từ thuở man sơ cho tới ngày giờ này chỉ có chừng 200 năm là hoà bình, còn bao nhiêu thì loài người đã, đang và chắc chắn sẽ tiêu diệt nhau, làm khổ nhau rất ư là chí tình. Lúc trước thiên hạ chưa thấy nhiễu nhương vì nhúm than hồng chưa đủ cơ duyên để bùng cháy, và cháy cả một khu rừng chứ không phải trước giờ không hề có những yếu tố để có thể tiêu huỷ cả một khu rừng.

Anh thử nhìn lại Trung Đông, từ lịch sử đến văn hoá và kinh tế của họ, thì anh cũng sẽ thấy, không nhiễu nhương mới lạ. Có thể nói là bây giờ mới nhiễu nhương là còn chậm chứ lẽ ra phải nhiễu nhương từ thuở Ba Tư mới đếm số 1 trong một ngàn lẻ một lần phải đếm.

Anh thử quay qua Đông Âu thì thấy, Nga là một quốc gia nhiều tài nguyên nhất thế giới nhưng người dân lại có cuộc sống nghèo nhất trong những quốc gia có thể được gọi là cường quốc, chính quyền tham nhũng và bị lũng đoạn nhiều nhất, ngày xa xưa văn hoá trùm kín thế giới vậy mà đến nay chỉ còn lại những tiếc nuối không đâu rồi từ đó đi dần tới mặc cảm tự tôn, thích chiếm đóng, và thích gây khó khăn cho kẻ khác không phải để mình được lợi mà để chứng tỏ tao vẫn có khả năng làm khổ mày.

Rồi anh quay qua châu Á, ngoài Nhật, và Đại Hàn, còn lại thì vẫn ù lì, dậm chân tại chỗ, không có được những bước đột phá. Y như tình trạng của những quốc gia vùng Nam Mỹ, chỉ tiếc nuối quá khứ và dường như vì quá tiếc nuối quá khứ, nguời ta không dám tiến tới tương lai vì sợ, cho nên người ta càng xa dần quá khứ vàng son để mình có thể tiếc nuối chăng?

Kinh tế vẫn là chiến thuật hay nhất nhưng không có nghĩa là cần thiết nhất cho mỗi một quốc gia vì chúng ta thấy rõ thế giới vẫn có những quốc gia đang chơi trò tao lỡ cùi, mày nghĩ sao mà cho rằng tao sợ hủi?

Âu châu phần đông chịu ảnh hưởng chính trị của khối NATO khi không lại lơ là, bắt tay với Nga để buôn bán, nhất là lệ thuốc về khí đốt thiên nhiên (natural gas) đến độ điên cuồng. Khi tình hình biến động, Âu châu không hiểu cho rằng họ cần Nga nhưng không có Nga thì họ chỉ khổ chứ Nga mà không có khối Âu châu thì Nga chẳng những khổ mà bị sụp đổ. Khi anh A và anh B buôn bán với nhau mà anh B chỉ có thể mua bán được với anh A thì nếu anh A mà khổ, anh B chắc sẽ không thọ qua hết con trăng này.

Vậy mà anh A không dám cắn răng chịu khổ cho anh B hết... làm tàng. Nghĩ cũng lạ. Chủ nghĩa cá nhân của các nhà chính trị Âu châu – vốn chỉ đếm trên đầu ngón tay, đã làm tê liệt cả khả năng đề kháng của Âu châu, và để Nga lấn áp trong khi Nga ở vị thế bất lợi.

Ở mặt khác Nga với rợ Hán vẫn bắt tay nhau để làm khổ Hoa Kỳ và khối NATO. Mối thù không được làm trùm thế giới từ thời 60’s coi bộ vẫn làm cho những lãnh tụ già nua, có đầu óc hủ bại của Nga... căm tức.

Tống Thống Obama chủ hoà, vô tình làm cho tình hình thế giới thêm rối loạn ở chỗ không ai thấy vị thế lãnh đạo của HK như thời 60’s, 70’s v.v... dạo trước nên mạnh ai giữ hồn kẻ ấy, không ai dám nghĩ tới chuyện đoàn kết để đề kháng. Thủ tướng Mã Lai ngang nhiên tuyên bố trước ống kính truyền hình của Hoa Kỳ rằng Mã Lai không nên bị bắt buộc phải theo Mỹ mà bỏ Trung Cộng được.

Dân chúng Hoa Kỳ muốn thế giới coi trọng mình nhưng lại không muốn tốn kém thứ gì khác ngoài... nước miếng, chứ không muốn bỏ tiền, bỏ công. Sau đó lại đổ thừa Tổng Thống này, Tổng Thống  kia đã làm Hoa Kỳ không còn được vị nể (?!?)

Hỏi thử anh, như vậy mà thế giới không nhiễu nhương mới lạ?

Anh có thấy tình trạng hỗn loạn giữa nhóm Palestine – mà đúng ra là Hamas – và Do Thái không anh? Hamas đang mất ảnh hưởng trong vùng nên chi họ "chơi liều", chọc giận Do Thái để ra vẻ ta đây ngon; từ đó họ mới hòng (1) nuôi mối hận thù trong quần chúng đối với Do Thái và Hoa Kỳ; (2) tuyển quân; (3) ăn nói ngang hàng với các nhóm khủng bố khác để tạo ảnh hưởng trong vùng.

Do Thái làm sao diệt cho nổi đám này. Chưa kể, nếu tấn công quá mạnh họ có thể bứt rễ, rồi từ đó họ từ "lộ diện" mà trở nên du kích chiến như bọn khủng bố Al Qaeda thì nguy. Do Thái nếu khôn ngoan thì không nên đánh đấm mạnh. Hamas chỉ cần hư danh là sẵn sàng đối đầu với Do Thái, chứ họ đâu có hy vọng thắng. Do Thái càng đánh đấm mạnh, họ càng cố thủ là họ sẽ đạt được chút hư danh. Vô tình Do Thái lọt vào bẫy của họ để họ tạo thêm thanh thế.

Obama quá nhu hoà chứ nếu không, lúc này là lúc kẻ có tài ra tay.

Có lẽ ông không có tài lãnh đạo luôn cũng không chừng

Trung Cộng đang bao vây Hoa Kỳ bằng cách tạo ra mặt trận kinh tế với Hoa Kỳ tại Á châu, Phi châu và bây giờ lại lấn qua Nam Mỹ. Còn Hoa Kỳ thì có ý muốn quay mũi dùi qua Á châu nhưng vẫn còn chần chừ, em chả, em chả cho nên Á châu ai cũng phải đi hàng hai cho đỡ... thiệt mạng.

Hoa Kỳ đã thua Trung Cộng thật rồi. Tiếc thật!

Và Á châu khổ rồi.

Vấn đề năng lượng, nhiên liệu, rồi tới vấn đề nước nôi (water – H2O) từ 10 năm nay đã trở thành một mối lo ngại to lớn của Trung Cộng cho nên Trung Cộng không thể dừng chân làm kẻ... lấn áp để sống còn.

Nga đang tạo tình thế hỗn loạn tại Đông Âu, nhưng vì Hoa Kỳ không ra mặt để đối đầu mãnh liệt, đem khí đốt thiên nhiên bán với giá thị trường (có nghĩa là không cần rẻ mà cũng không cần mắc hơn) cho toàn thể Âu châu cho nên Âu châu cũng như các nước ở Á châu, thù ghét Trung Cộng nhưng không dám đối đầu... thật mạnh.

Âu châu cần khí đốt thiên nhiên từ Nga một cách trầm trọng thật nhưng không có họ chỉ khổ, còn Nga mất thị trường Âu châu Nga sẽ xụp đổ. Tại sao không lấn tới?

Thiên hạ không thể thái bình bằng những cử chỉ lừng khừng của những quốc gia đang ở thế cường quốc. Đó là một bài học căn bản mà Hoa Kỳ lẽ ra phải nhận thức từ lâu.

Với tình trạng này thì tình trạng hỗn loạn sẽ có cơ may kéo dài thêm hơn một cách không cần thiết, và không khéo sẽ gây nên một cuộc chiến tranh lớn lao hơn, từ một quốc gia đến một vùng, gây bao nhiêu chết chóc mà vẫn không thể thay đổi thế cờ. Đâu cũng hoàn đó...

 

Nguyễn Khắc Anh Tâm

 


Cái Đình - 2014