Trịnh Hữu Long


Một cách tiếp cận thực dụng, thực tế với Trung Quốc là cần thiết

.

Bất chấp chúng ta nuôi dưỡng những mong muốn nào về Trung Quốc, những điều sau đây là thực tế phũ phàng chúng ta phải chấp nhận:

1. Việt Nam ở ngay cạnh Trung Quốc, ở cửa ngõ thông ra biển của Trung Quốc. Không dời nước đi chỗ khác được.

2. Trung Quốc là nước lớn, và sẽ luôn luôn là nước lớn, bất kể Đảng Cộng sản hay đảng nào nắm quyền, bất kể Trung Quốc có bị tan rã ra làm 5, làm 7. Có tan ra thành 5, thành 7 thì từng tiểu quốc đó vẫn là nước rất lớn.

3. Kiểm soát các quốc gia láng giềng là việc bất kỳ nước nào cũng làm, không khác gì Việt Nam phải kiểm soát Lào và Campuchia, Mỹ kiểm soát Canada và Mexico. Dĩ nhiên cách Mỹ kiểm soát khác cách Trung Quốc kiểm soát. Nhưng nói vậy để thấy là Trung Quốc sẽ luôn tìm cách kiểm soát Việt Nam, bất kể chế độ chính trị là gì. Tôn Trung Sơn – người được cả Trung Quốc lẫn Đài Loan tôn thờ là quốc phụ – đã tuyên bố rõ Việt Nam là phần lãnh thổ bị mất của Trung Quốc, trước sau gì cũng phải thu hồi lại.

4. Châu Á là vùng có quá nhiều nước muốn xưng hùng xưng bá, Mỹ và phương Tây sẽ luôn luôn muốn chơi với tất cả để chống lại tất cả. Họ phải ghìm các tay giang hồ khu vực này lại bằng cách lấy thằng này đánh thằng kia chứ không dại gì trực tiếp nhúng tay vào khi chưa cần thiết. Mỹ sẽ dùng Nhật ghìm Trung Quốc, dùng Trung Quốc để ghìm Nhật, và cũng có thể dùng Trung Quốc để ghìm Ấn Độ khi tình thế thay đổi.

Đó là tình thế địa chính trị khó khăn mà Việt Nam phải đối mặt. Trong nhiều năm tới, chuyện Trung Quốc là cộng sản hay tư bản, độc tài hay dân chủ, gần như không có nhiều ý nghĩa lắm. Một nước Trung Quốc dân chủ vẫn muốn yên ổn biên giới của mình, một nước Trung Quốc manh nha dân chủ hóa càng cần ổn định biên giới của mình theo nghĩa là chủ động kiểm soát được tình hình.

Một cách tiếp cận thực dụng, thực tế với Trung Quốc là cần thiết. Đẩy chủ nghĩa dân tộc lên quá cao thì Việt Nam ăn đủ, như Lê Duẩn từng hoang tưởng trong những năm cuối đời và cuối cùng gánh thảm bại.

Ở cạnh Trung Quốc là cơ hội để làm ăn, cũng như để kêu gọi các nước lớn khác tới. Nếu đủ thực dụng, hạn chế lý tưởng hóa/cực đoan hóa vấn đề thì có thể ăn nên làm ra, không thì vừa bị Trung Quốc chi phối, vừa chẳng kiếm ăn được gì. Chửi Trung Quốc thì dễ, nhưng sống yên ổn và thịnh vượng bên cạnh Trung Quốc mới khó.

Vấn đề lớn là chừng nào chính quyền còn không thừa nhận thực tế lịch sử quan hệ với Trung Quốc thì người dân sẽ tiếp tục quay lưng với chính quyền và phản đối mọi chính sách đối ngoại với Trung Quốc, bất kể chính sách đó hợp lý hay không hợp lý.

.

Trịnh Hữu Long
17-2-2021

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/diendan/motcachtiepcanthucdung.htm


Cái Đình - 2021