Đỗ Thái Nhiên


Hoa Máu trên giòng sử

Sau nhiều năm bị khống chế bởi ách cai trị hà khắc của CSVN, ngày 10/6/2018, từ Nam, qua Trung, thẳng ra Bắc, quần chúng Việt Nam lừng lững đứng lên chống chế độ độc tài bán nước, chống luật ba đặc khu, luật an ninh mạng. Con đường nào là con đường Cách Mạng Việt Nam? Cách mạng bạo động hay bất bạo động? Tại sao cứ mỗi lần lịch sử thắng lực phản động, người đời lại ca tụng: Lịch sử đã thăng hoa, hoa lịch sử còn được gọi là hoa máu, là huyết hoa? Phải chăng trong bất kỳ dạng thức cách mạng nào, Đường Cách Mạng vẫn là đường máu, máu của Tiên Rồng rực đỏ?

Cách mạng là thay đổi đời sống, làm cho đời sống trở nên Người hơn, nhân văn hơn, hạnh phúc, tự do và công bằng hơn. Chuẩn mực khách quan nào là chuẩn mực để phân biệt cách mạng và phản cách mạng? Lịch-sử-quan là khoa học có khả năng trả lời nghiêm chỉnh câu hỏi vừa nêu. Duy vật sử quan đã sai lầm từ lý luận triết học cho đến đời sống thực tiễn của loài người. Sử quan khởi đi từ tiền đề triết học Con Người đã minh định: Lịch sử là lịch sử của mọi suy nghĩ và hành động trong nỗ lực bảo vệ và phát triển dòng sống Người. Hướng tiến của lịch sử là hướng xây dựng một xã hội dân chủ đa nguyên. Xã hội đa nguyên là xã hội vận hành trong sự tôn trọng đa tư tưởng trên nền tảng lấy nội dung Quốc Tế Nhân Quyền làm chuẩn mực duy nhất cho công lý dân chủ.

Cuộc biểu tình ngày 10/6/18 cho thấy: nơi này quần chúng bị công an đàn áp tàn tệ, nơi kia quần chúng và công an hỗn chiến, điển hình là Bình Thuận. Biến cố 10/6 là bức tranh bạo động hay bất bạo động?

Ứng xử giữa con người với con người có ba hình thái:

1) Thường thái: Xã hội thái bình. Mọi bất đồng ý kiến đều được con người thương thảo với nhau bằng ngôn ngữ của lễ độ và chừng mực. Tất cả toan tính bạo động đều không được nghĩ đến.

2) Bệnh thái: Cá nhân hay tập thể sử dụng bạo động để cưỡng bách người khác phải hành động theo ý muốn của mình một cách bất công, trái với luật pháp và/hoặc đạo đức. Bạo động như vừa kể gọi là bạo động bệnh thái. Nhà cầm quyền độc tài các loại bao giờ cũng tồn tại nhờ vào bạo động bệnh thái.

3) Phi thường thái: Đây là loại bạo động cần thiết. Bạo động phi thường thái có tác động chế ngự tức thời bạo động bệnh thái. Nó là đôi tay thép bảo vệ quyền được sống như một con người của mỗi người và mọi người.

Bạo động phi thường thái xuất phát từ người dân nhằm giải trừ nhà cầm quyền độc tài, bán nước. Trong hoàn cảnh này người dân đã hành động theo ý tưởng: Dân vi quý, xã tắc thứ chi, quân vi khinh (Quyền sống của người dân là tối thượng, kế đến là quyền tồn tại của xã hội, sau cùng mới là chỗ đứng của giới cai trị).

Bạo động phi thường thái là vũ khí sắc bén của phong trào cách mạng. Vì vậy, để có lý do đàn áp quần chúng cách mạng, giới thống trị độc tài bao giờ cũng lớn tiếng đồng hóa bạo động phi thường thái với tội ác khủng bố. Mọi hoạt động chống ngụy quyền đều bị xem là khủng bố. Bạo động phi thường thái so với khủng bố khác nhau như ngày với đêm. Khủng bố là hành động tạo tử khí để gây sợ hãi nhằm buộc mọi người phải tuân theo mệnh lệnh phi nhân của kẻ khủng bố. Khủng bố đích thực là bạo động bệnh thái.

Nhằm tránh đổ máu không cần thiết, giới đấu tranh cho dân chủ nhân quyền thường áp dụng phương pháp đấu tranh bất bạo động. Bất bạo động phổ quát là bất tuân dân sự, là bất hợp tác với nhà cầm quyền phản cách mạng… Thế nhưng, nhà cầm quyền độc tài khắc nghiệt kiểu CSVN bao giờ cũng thẳng tay đàn áp mọi hình thức đấu tranh, kể cả đấu tranh bất bạo động. Từ đó giới đấu tranh cách mạng không thể không phối hợp hai hình thái đấu tranh: trận địa này bất bạo động, trận địa khác bạo động phi thường thái. Chiến thuật đấu tranh phối hợp này được biện giải bởi các luận cứ sau đây:

Cứu nước như cứu lửa. Hơn thế nữa, đất nước hiện đang bị ngụy quyền bán cho giặc ngoại xâm Bắc phương. Trong hoàn cảnh cực kỳ nguy biến này, lịch sử đòi hỏi tổ quốc phải được cứu nguy bằng biện pháp mạnh nhất và khẩn cấp nhất. Biện pháp vừa kể chính là bạo động phi thường thái.

Nghĩ về những giông tố trong dòng đời, thi hào Nguyễn Du đã nêu bật chân lý :

“Có khi biến, có khi thường,
Có quyền nào phải một đường chấp kinh”

“Khi thường” là nhà cầm quyền do-dân-thực-sự-tự-do-bầu-lên. “Chấp kinh” là người dân có nghĩa vụ tuân hành luật pháp pháp-trị, tuân hành mệnh lệnh của giới cầm quyền.

“Khi biến” là nhà cầm quyền vừa là ngụy quyền, vừa là tội đồ bán nước. “Có quyền” là tòng quyền, là quyền biến trong việc người dân dành hành động chống lại nhà cầm quyền theo phương pháp đấu tranh bạo động phi thường thái.

Muốn cuộc cách mạng dân chủ nhân quyền nhanh chóng đạt mức thành công, người dân phải biết bảo vệ lực lượng cách mạng. Bảo vệ là thế thủ. Thế thủ hoàn hảo nhất chính là thế công. Thế công kia chẳng là gì khác hơn là hành động bạo động phi thường thái.

Tiên lễ, hậu binh. Lễ là bất bạo động. Binh là bạo động phi thường thái. Lễ của dân là những năm tháng người dân khốn khổ tìm đến cơ quan công quyền khắp nước để kêu cứu về sự việc ruộng vườn của họ bị bạo quyền cưỡng chiếm phi pháp. Binh của dân là những lần người dân phản kháng nhà nước bằng con đường bạo động phi thường thái.

Những điều trình bày ở trên đã dẫn đến lẽ phải rằng: bất bạo động và bạo động; chấp kinh và tòng quyền; tiên lễ, hậu binh; tĩnh và động giao thoa hằng cửu, vạn vật không thể thuần tĩnh hay thuần động… Đây là qui luật vận hành của toàn vũ trụ. Riêng đối với xã hội loài người, xin đừng quên: Bạo động bệnh thái là hành động phạm pháp của phường thảo khấu, của băng đảng khủng bố, của nhà cầm quyền độc tài các loại. Bạo động phi thường thái là hệ quả tất nhiên của luật tắc “Cùng tắc biến, biến tắc thông”.

Ngày 5/1/2012, nông dân Đoàn Văn Vươn đã nổ súng chống lại nhà cầm quyền Tiên Lãng, Hải Phòng để bảo vệ đầm nuôi tôm của gia đình. CSVN phạt Đoàn Văn Vươn 5 năm tù giam. Máu ở đây là máu cống hiến cho lịch sử.

Ngày 23/10/2016, nông dân Đặng Văn Hiến đã quyết liệt bắn vào “người nách thước, kẻ tay dao” của công ty Long Sơn, Tuyên Đức, Đắk Nông khi công ty này tràn vào phá hủy vườn điều của người dân. Sau lưng Long Sơn hiển nhiên là nhà cầm quyền CSVN. Đặng văn Hiến nhận án tử hình. Máu ở đây là máu cống hiến cho lịch sử.

Câu chuyện nông dân Đoàn Văn Vươn và nông dân Đặng Văn Hiến đã diễn tả sự thật rằng: mặc dầu bị bóc lột tàn ác và trắng trợn, người dân Việt Nam bao giờ cũng ứng xử với bạo quyền CS theo đúng cung cách tiên lễ hậu binh, bạo động phi thường thái là chọn lựa sau cùng. Trong đấu tranh cách mạng, tĩnh và động là hai cánh tay của một quả tim Việt Nam.

Xin đừng tạo phân cách giữa cách mạng bạo động và cách mạng bất bạo động. Động và tĩnh cùng một gốc. Đôi bên hãy nhìn nhận nhau, thương yêu nhau, bảo vệ lẫn nhau.

Xin đừng mặc cảm tội lỗi khi phải sử dụng bạo lực phi thường thái. Bạo động phi thường thái chính là lưỡi gươm sáng suốt của lịch sử.

Dọc theo con đường cách mạng dân chủ nhân quyền, bạo động và bất bạo động bao giờ cũng hội tụ trong nhiệt huyết Tiên Rồng. Có như vậy lịch sử mới thăng hoa. Đó là chân ý nghĩa của hoa máu trên dòng sử, gọi tắt là Huyết Sử.

.

Đỗ Thái Nhiên


Cái Đình - 2018