Hoàng Giang


Giới hạn của tự do nằm ở đâu?

Hơn 12 năm trước, ngày 06/05/2002, Pim Fortuyn, chủ tịch đảng LPF Hòa Lan bị bắn gục vì những lời phê phán nặng nề của ông về Hồi giáo và về chính sách dành cho người tị nạn mà ông cho là quá dễ dãi.

Hơn 10 năm trước, ngày 02/11/2004, Theo van Gogh, nhà đạo diễn Hòa Lan, sau khi tung ra cuốn phim Submission với nội dung phê phán Hồi giáo, đã bị bắn, đâm, và cắt cổ. Cộng sự viên tích cực của ông, bà Ayaan Hirsi Ali, phải bỏ xứ Hòa Lan qua Hoa Kỳ…

Từ đó đến nay, đã có nhiều vụ sử dụng bạo lực, khủng bố để làm câm miệng vĩnh viễn những người đang hành xử quyền tự do ngôn luận, mà theo lý luận của người gây tội ác, họ chỉ làm việc trừng phạt những người đã xâm phạm đến những “cấm điều tuyệt đối”.

Nếu bên sử dụng bạo lực là các cấp chính quyền trong quốc gia, chính quyền đó sẽ bị (một phần thế giới) kết án là độc tài khát máu. Nếu bên sử dụng bạo lực là cá nhân hay một nhóm riêng lẻ, họ sẽ bị tuyệt đại đa số nhân dân trên thế giới kết án khủng bố, sát nhân.

Vụ đột nhập tòa soạn vào ngày 07/01/2015 để bắn chết 10 người trong ban biên tập của tờ tuần báo châm biếm Charlie Hebdo tại Paris (4 cây biếm họa và 6 nhân viên tòa soạn) cộng thêm 2 cảnh sát viên đã đưa tầm mức của tội ác qua hình thức khủng bố lên một nấc chưa từng thấy trong suốt nhiều năm. Đó là vì ngoài chuyện quyền tự do ngôn luận bị chà đạp trắng trợn, còn có vấn đề lớn hơn: quyền tự do báo chí bị đe dọa nặng nề. Bởi hành động này mang tính răn đe trong một bối cảnh xung đột toàn cầu không mấy tốt đẹp.

Đó là, khi điểm lại những sự kiện tương tự trong thời gian qua, khi cá nhân sử dụng bạo lực khủng bố (với hung khí, gây chết người), người ta thấy đa phần có yếu tố tôn giáo là động lực chính. Và một lần nữa nhiều ngón tay chỉ vào dân Hồi giáo nói chung, hay ít ra là chỉ thẳng vào những tổ chức quá khích đã tán trợ và giúp đỡ vật chất lẫn tinh thần cho những hành động khủng bố này. Hiện tại hai nhóm Al Qaida và IS được coi là đứng sau những màn khủng bố có liên quan đến Hồi giáo mà họ coi như là một hành động không đi ngược lại lý tưởng trong cuộc thánh chiến của họ chống lại ảnh hưởng của Thiên Chúa Giáo và văn minh Tây phương đang tiêm nhiễm vào xã hội Hồi giáo.

Bỏ qua những tranh luận hay giả thuyết của phe “thuyết âm mưu” (cho rằng có bàn tay lông lá của tài phiệt hay của Do Thái đứng sau lèo lái), hành động giết những nhà báo trong khi đang “tác nghiệp” này là một hành động hoàn toàn sai lầm, không có một lý do nào để bào chữa. Là vì: vụ việc xảy ra ở Pháp, một nước mà những chuyện châm biếm hài hước như thế đã là một phần của cuộc sống. Tuần báo “Con Vịt Buộc” (Le Canard Enchaȋné) với nghĩa bóng “Tờ báo bị xiềng” sống mạnh suốt 90 năm nay với hàng trăm ngàn ấn bản, cho dù tờ báo đầy những bài châm biếm hay những tranh hí họa. Có khác, là tờ Charlie Hebdo đi sâu hơn, cái hài hước nhói buốt hơn và mang tính khích động hơn. Sự thâm thúy trong những tranh châm biếm của Charlie Hebdo lên đến cao độ khi nhắm vào những tôn giáo, ban biên tập tờ báo không từ bỏ một đấng tối cao, một sự thiêng liêng nào. Jesus, Maria Đồng Trinh, Mohamed, nhà thờ, đền, Giáo Hoàng… đều bị mang ra làm trò cười qua hình thức phỉ báng, hạ nhục. Có người ta đã tạo ra một website để giải thích những điều ẩn sâu dưới những bức biếm họa của Charlie Hebdo  (http://www.slate.com/blogs/browbeat/2015/01/07/charlie_hebdo_covers_religious_satire_cartoons_translated_and_explained.html).

Thí dụ bìa số 1057 (19/09/2012) với bức biếm họa có hàng chữ "Untouchables” (Những Kẻ Không Thể Đụng Đến Được) ngụ ý một kẻ giầu có bị tê liệt (Hồi giáo), mướn một tên có thành tích tội phạm (Do Thái)  làm người chăm sóc cho hắn ta..., và rồi cả hai cùng nói "Không được nhạo báng!" (Faut Pas Se Moquer). Những người không sống trong môi trường xã hội có sự tham dự của cộng đồng Hồi giáo và cộng đồng Do Thái và không theo dõi thời sự thường xuyên thì sẽ không sao thấm được sự cay độc của bức tranh này.

Như vậy, ta phải cho là những cây biếm họa của Charlie Hebdo phải là những bậc kỳ tài?

Không phải thế. Trong quá khứ, đã nhiều lần Charlie Hebdo bị lôi ra tòa vì người ta cho là “đi quá giới hạn của tự do báo chí”, nhưng Charlie đã không bị hề hấn gì. Có lẽ cũng nhờ vào văn hóa Pháp một phần.

Sự khác biệt giữa trào phúng của “Con Vịt Buộc” với biếm họa của Charlie Hebdo là: Le Canard Enchaȋné châm biếm nhẹ nhàng, “văn chương” hơn, trong khi Charlie Hebdo châm chọc xóc óc, tô đen thêm những vết nhơ của đối tượng bằng ẩn dụ so sánh tục tỉu, và chưa biết ngán ai. Đối tượng bị Charlie Hebdo châm chọc nặng nhất là hai tôn giáo: Thiên chúa giáo và Hồi giáo, luôn cả những người có quyền lực tối cao trong hai tôn giáo này.

Với Hồi giáo, một trong những cấm điều của họ là vẽ hình đấng tiên tri Mahomed, thì Charlie Hebdo chẳng những vẽ hình, mà còn bêu riếu. Đó có lẽ là những giọt nước làm tràn ly chứa chất giận dữ nơi những kẻ cuồng tín Hồi giáo.

Người ta bảo rằng: Ngòi bút có sức mạnh của một đạo quân. Như thế, nếu Charlie Hebdo có ngòi bút, ta có cây súng, vậy đấu thử xem sao. Đã rất nhiều lần nhân viên tòa soạn bị hăm dọa, website tờ báo bị hack v.v…, điển hình là muốn bước vào tòa soạn Charlie Hebdo không phải dễ. Tức là, đã có cảnh báo, mà không biết điều, thì phải ra tay.

Thế nhưng… ta đang sống ở nước Pháp, một nước có truyền thống văn hóa, phong tục khác hẳn những nước Hồi giáo. Nói nào ngay, giả sử Charlie Hebdo là tờ báo của Hoa Kỳ và cũng với ngòi bút châm chọc xóc óc kiểu như thế, thì sống được bao lâu? Tóm lại, phải xét vụ việc theo toàn cảnh.

Điều đáng nói ở đây là cả tòa soạn Charlie Hebdo, tuy biết đang đi trên con đường chông gai, và họ sẽ đi đến huyệt trước tuổi già, nhưng họ quyết giữ vững chủ trương, và không biết lùi bước. Họ xứng đáng được ngưỡng mộ là những người sống chết cho một lý tưởng: tranh đấu cho một sự tự do báo chí tuyệt đối. Dân Paris nói riêng, và dân Pháp nói chung vì thế đã chia xẻ tâm tư qua khẩu hiệu tự nhận “Tôi là Charlie”, với cuộc biểu tình lớn nhất trong lịch sử nhân loại, với 1 triệu rưỡi người riêng ở thủ đô Paris ngày 11/01/2015 để chia sẻ nỗi đau buồn và nói lên sự phẫn nộ của họ.

Nhưng có bao giờ ta tự hỏi: mức nào là giới hạn của tự do? Nhìn lại những trường học: có những em học sinh bị bạn bè chọc ghẹo tới mức phải tự tử hay trong cơn nóng giận đã làm càn đến gây án mạng. Đó có phải là hậu quả của một thứ tự do quá trớn hay không?

Trong một bài phỏng vấn của RFA đăng ngày 10/01/2015, nhà văn Chu Tất Tiến cho rằng: “Tự do báo chí là quyền tự do rất quan trọng trong thế giới tự do, thế nhưng đôi khi có vấn đề nhạy cảm mình cũng nên hạn chế ở trong một giới hạn nào đó. Tự do báo chí, tự do phát biểu ý kiến của mình về tôn giáo, văn hóa xã hội gì cũng được nhưng đừng có đưa nó vào mục tiêu chế giễu tôn giáo của người ta vì đó là điều rất nguy hiểm. Mình không thể lấy tự do báo chí để xâm phạm vào một tôn giáo khác.”

Ông Ying Qlang, một người phát ngôn của Tân Hoa Xã nhận định: "Đã đến lúc thế giới tây phương phải công nhận nguyên ủy của khủng bố và phải cân nhắc về chuyện giới hạn quyền tự do báo chí, để ngăn ngừa gia tăng bạo lực trong tương lai".

Chắc chắn đây là một điều mọi người nên suy nghĩ, nhất là những người làm công tác báo chí. Riêng tôi, tôi rất muốn… chỉ cần 10% số người xuống đường ở Paris hôm nay nói lên một lời phê phán về sự ngang nhiên chà đạp quyền tự do báo chí ở một số nước bằng những thủ đoạn khủng bố đê hèn, trong số đó có Việt Nam.

Hoàng Giang
(01/2015)


Cái Đình - 2015