Lê Ngọc Vân


Đừng nhắm mắt nhắm mũi đánh Quốc Gia Hồi Giáo

Có lẽ bạn sẽ nghĩ là dân Irak thở phào nhẹ nhõm khi toàn thế giới (trong đó có Hòa Lan) cùng hợp lực trong trận chiến chống lại Quốc Gia Hồi Giáo (IS). Nhưng khi Boris van Westering thuộc tổ chức giúp đỡ phát triển Hivos cùng với một nhóm nhà hoạt động nhân quyền xông vào cuộc, ông nghe được một tiếng nói hoàn toàn khác. “Người ta nhắm mắt nhắm mũi như bầy cừu chạy theo sau quần đồng minh chống lại Quốc Gia Hồi Giáo.”

Một bé gái yezidi trốn chạy khỏi bạo lực của IS

Phần lớn dân chúng chưa nghe tên nhóm yezidi bao giờ, thế nhưng vào mùa hè năm nay nhóm này bất chợt mọc ra: một nhóm giáo phái thiểu số ở phía bắc Irak bị nhóm IS khinh rẻ, coi là vô thần. Những người này bị mắc kẹt trong vùng có hòn núi trọc và có cơ nguy bị chết vì đói khát. Nếu họ rời ngọn núi, họ sẽ bị IS thủ tiêu.

Những người yezidi không phải là nạn nhân duy nhất: mỗi khi IS chiếm được một làng xã hay một thành phố, những người Shiite, tín đồ Thiên Chúa Giáo, người xứ Turkmenia và những người Sunni hợp tác với chính quyền bị xử tử hàng loạt mấy trăm người một lần. Đám IS tiến sâu thêm gây ra một làn sóng dân tị nạn khổng lồ. Cả Erbil, một thành phố có nhiều người Tây phương cư ngụ vì nơi đây có kỹ nghệ dầu hỏa, đang bị đe dọa sẽ sụp đổ. Lời kêu gọi ‘phải làm một cái gì đó’ ngày càng lớn. Không thể để tiếp tục như vậy được nữa!

Có lẽ bạn sẽ đoán là những nhà hoạt động nhân quyền Irak sẽ thở phào nhẹ nhõm khi Hoa Kỳ bắt đầu không kích Irak vào tháng Tám vừa qua (2014), nhưng chuyện không đơn giản như vậy, Boris van Westering biết điều đó. Ông vừa trở về từ Libanon, nơi ông đã theo một khóa huấn luyện cùng 21 người khác, những người muôn làm chút gì đó để cải thiện đời sống tại Irak. Họ sinh hoạt tích cực trong những hội hay những nhóm đang hoạt động cho nghiệp đoàn lao động, cho các chiến dịch cải thiện nữ quyền, tranh đấu cho tự do báo chí hay nhân quyền. “Và đương nhiên là họ cảm thấy ngột ngạt vì bọn IS”, ông Westering kể lại. “Vài người trong họ cư ngụ tại những thành phố đang bị IS đe dọa sẽ cày nát. Thế nhưng lại chẳng có ai muốn chạy trốn. Có duy nhất một phụ nữ Thiên Chúa Giáo chuẩn bị hòm rương để sẵn, nhưng những người khác muốn ở lại, chỉ vì đã có quá nhiều người hiện đang lâm cảnh ngặt nghèo.

Mọi giúp đỡ chống lại IS trong lúc này đều đáng hoan nghênh, có lẽ bạn nghĩ vậy.

“Bạn đừng quên là những người này đã từng trải qua nhiều trận. Lần trước, khi Hoa Kỳ nhảy vào can thiệp, điều đó chỉ dẫn đến thêm nhiều bạo động, và không có người dân Irak nào hiện giờ nghĩ rằng Hoa Kỳ bây giờ ra tay là để giúp dân chúng. Họ chỉ muốn giữ cho khu vực dầu hỏa của họ ở Erbil được an toàn, người dân nghĩ như vậy. Trong khi đó thì cũng có những người dân thường bị chết do không kích. Nhưng chuyện tồi tệ hơn là: các nước Tây phương chỉ biết bàn cãi về một sự can thiệp về quân sự chống lại IS.

Vậy thì còn chuyện gì sẽ xảy ra nữa?

“Chẳng có một chiến lược nào được dự trù sẵn. IS là một tổ chức ghê tởm, mọi người chúng ta đều đồng ý như vậy, nhưng chuyện đó nó không phải từ trên trời rớt xuống. Ở Irak có biết bao nhiêu chuyện bất công, mất an ninh và tham nhũng… khiến cho người ta, ngay cả trong trường hợp họ đánh bại IS, sẽ lượm vũ khí đang để sẵn đó rồi lại lập nên phe nhóm mới. Nếu những chuyện đi lạc hướng như vậy không được giải quyết, bạn sẽ không bao giờ thắng được những kẻ quá khích.

Tương tự, chính phủ vừa qua, dưới sự lãnh đạo của thủ tướng Maliki thuộc nhóm Shiite, đã cô lập hoàn toàn những  người Sunni. Không phải là tất cả những người Sunni vì thế thích sống trong một nhà nước Hồi giáo Sunni “được công nhận”. Hãy tưởng tượng: người nào đó trốn chạy bọn IS và đến được vùng được gọi là an toàn, tiếp đó vợ của anh ta bị cưỡng hiếp. Cảnh sát chẳng thèm để mắt tới mà cũng sẽ chẳng có ai truy tố tên tội phạm. Ít nhất, chuyện đó làm cho những người Sunni đang bận tâm.

Chắc chắn một điều là đàn bà sống trong những khu “an toàn” hoàn toàn chẳng an toàn chút nào. Khi chuyện duy trì trật tự không còn, luật rừng sẽ được mang ra áp dụng. Điều đó có nghĩa là, thí dụ người đàn bà đó bị tụi IS cưỡng hiếp, thì trong vùng an toàn của dân Kurd bà ta lại bị chính ngay gia đình giết vì danh giá giòng họ bị xúc phạm qua biến cố này.

Những người cùng trong nhóm được huấn luyện với tôi, họ chiến đấu hàng ngày chống lại những chuyện sai phạm như thế. Công việc này vốn luôn luôn nặng nề, nhưng do cuộc chiến chống lại IS, lại càng có ít sự lưu tâm đến những vấn đề này hơn hồi trước. Tình trạng thì ngày càng tồi tệ thêm, thí dụ trên đường phố càng ngày càng có nhiều lính tráng võ trang vũ khí nặng. Chuyện này thật sai lầm. Bởi vì càng nhiều sự vô luật pháp, càng có nhiều môi trường để những nhóm quá khích có thể phát triển.

Cuộc chiến chống IS “có vẻ giống như một phong trào”, ông Van Westering nói. “Nếu chúng ta thực sự muốn chầm dứt bạo lực, không phải chúng ta chỉ có gửi máy bay F16 qua đó, mà phải nới rộng sự ủng hộ cho những kế hoạch trong xã hội dân sự và tiếp tục tạo áp lực lên chính phủ Irak để đòi hỏi và ép buộc họ phải ban hành một số luật lệ. Đúng, nó là một chuyện dài hơi – không chỉ tính bằng năm, mà phải tính bằng thế kỷ. Những vần đề như vậy không dễ gì chì trong vài ba tháng có thể dứt bỏ bằng cách thả bom”.

Nguyên tác: Vecht niet als kip zonder kop tegen Islamistische Staat, Sacha Kester (trích từ de Volkskrant, 26/09/2014)
Người dịch: Lê Ngọc Vân


Cái Đình - 2014