TS. Nguyễn Văn Trần


Đảng Cộng Sản Hà Nội tham hay ngu

I - Về chủ quyền Quốc Gia

Từ thế kỷ 17, năm 1686, chúa Nguyễn Đàng Trong đã tổ chức một Hải Đội Hoàng Sa để thường xuyên tuần tiễu đảo Bãi Cát Vàng, tức Hoàng Sa, và triều đình nhà Nguyễn cũng đã vẽ bản đồ vùng đảo này để xác định vùng lãnh thổ của Việt Nam.

Sau khi thực dân Pháp đặt xong nền cai trị ở Việt Nam, năm 1885, nhà cầm quyền Pháp ký kết với nhà Mãn Thanh Hiệp Ước Thiên Tân, phân định biên giới bằng cột mốc. Hai năm sau, Pháp ký tiếp Hiệp Ước Brévié, phân ranh lãnh hải vùng vịnh Bắc Việt.

Từ đó, mọi tranh chấp vùng biển được LHQ giải quyết theo công ước về luật biển.

Đến thời Đệ I và Đệ II Cộng Hòa, Hoàng Sa và Trường Sa vẫn thuộc lãnh thổ của Việt Nam.

Như vậy, từ thế kỷ 17, Hoàng Sa và Trường Sa liên tục thuộc chủ quyền và lãnh thổ Việt Nam.

Về mặt pháp lý, chánh quyền Việt Nam, và sau đó, chánh quyền thuộc địa ở Việt Nam, luân phiên nhau hiện diện thường trực, với những tấm bia minh xác chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa này. Ngược lại, Bắc kinh chỉ lên tiếng đòi chủ quyền chớ không có bằng cớ về sự có mặt liên tục quản lý hành chánh hai đảo này.

Hôm 06-12-2007, chánh quyền Bắc kinh thêm lần nữa, ngang nhiên phê chuẩn việc thành lập thành phố Tam Sa, bao gồm Hoàng Sa với Trường Sa, là đơn vị hành chánh cấp Huyện trực thuộc Tỉnh Hải nam. Trước đây, năm 1988, Bắc kinh đã từng ban hành nghị quyết cho đảo Hải nam trở thành Tỉnh bao gồm luôn hai đảo Hoàng Sa và Trường Sa thuộc lãnh thổ Hải nam.

Trước hành động ngang ngược của Trung quốc vi phạm luật pháp về chủ quyền quốc gia việt nam, đảng cộng sản cũng như Nhà nước ở Hà nội có thể có thái độ thích nghi không? Nếu có, thì phản ứng như thế nào?

II - Khi Bắc kinh trịch thượng xác định chủ quyền

Hôm 09-12-2007, trước phản ứng tự phát, đồng loạt và quyết liệt của nhân dân Việt Nam, khởi đầu với giới thanh niên, sinh viên, chống lại hành động bá quyền của Bắc kinh xâm chiếm lãnh thổ Việt Nam, thì nhà cầm quyền Trung hoa thêm lần nữa, lên tiếng xác định “chủ quyền không thể tranh cãi của Trung quốc đối với các quần đảo và vùng biển lân cận ở khu vực biển Nam Trung hoa”. Bắc kinh còn ra lệnh cho Hà nội phải có “biện pháp hiệu quả, ngăn chận những sự việc (tức các cuộc biểu tình của nhân dân Việt Nam) làm tổn hại đến quan hệ song phương”.

Sở dĩ Bắc kinh ngang nhiên và trịch thượng xác định chủ quyền trên Hoàng Sa - Trường Sa, và cả vùng lãnh hải, bởi Hà nội đã chánh thức thừa nhận chủ quyền của họ. Năm 1958, Bắc kinh vẽ bản đồ mới, tự qui định lãnh hải là 12 hải lý, thay vì 3 hải lý như trước đây, thì Chủ tịch Hồ Chí Minh chấp thuận. Tiếp theo, Thủ tướng Phạm văn Đồng gởi công hàm xác nhận chủ quyền của Bắc kinh về lãnh hải, bao gồm cả Hoàng Sa và Trường Sa.

Ngoài ra, trước đó, ông Ung văn Khiêm, Bộ trưởng Ngoại giao của Chánh Phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa cũng thừa nhận chủ quyền của Tàu, và ông Hoàng Tùng, Trưởng Ban tư tưởng TW, tuyên bố: “Thà giao Hoàng Sa và Trường Sa cho Trung quốc, cùng phe xã hội chủ nghĩa anh em còn hơn để tụi Ngụy Sài Gòn quản lý”!

Năm 1988, Trường Sa bất ngờ bị Tàu tấn công, chiếm giữ một vài đảo. Báo Sài Gòn Giải Phóng viết: “Hoàng Sa và Trường Sa có thuộc chủ quyền Trung quốc không có nghĩa là chủ quyền về lãnh thổ của ta bị mất, mà chỉ tạm thời do Trung quốc cùng phe xã hội chủ nghĩa anh em quản lý. Một ngày nào đó, chúng ta cần lấy lại, Trung quốc sẽ hoàn trả cho ta”!.

Từ thời Hồ Chí Minh, khi tự nguyện thừa nhận chủ quyền của Tàu trên lãnh thổ và lãnh hải, đến cuối thế kỷ qua, Lê Khả Phiêu, Tổng Bí thơ đảng cộng sản Hà nội, lén lút và độc đoán nhượng đất và biển cho Tàu, đảng cộng sản và Nhà nước Hà nội không hề ý thức về sự mất còn gia sản của tổ tiên, gầy dựng bằng máu, bằng xương, để lại cho các thế hệ sau!

Trong nếp suy nghĩ của người cộng sản khi Tổ Quốc Việt Nam là “tổ quốc xã hội chủ nghĩa”, thì Việt Nam có bị một nước xã hội chủ nghĩa khác đô hộ, đó không gì khác hơn là sự thay đổi người cầm quyền mà thôi”.

Theo bản đồ mới của Bắc kinh về lãnh hải, thì Đà Nẵng không còn biển. Nên năm 2000, Giang Trạch Dân đến Hội An tắm biển, nằm phơi bụng phệ, không cần cận vệ, để chứng tỏ cho mọi người thấy rằng chủ quyền của Bắc kinh được bảo đảm an ninh tuyệt đối.

Xưa nay, trong lịch sử, mất nước do quân giặc hùng mạnh dánh chiếm được, xảy ra rất ít, mà mất nước vì lòng người không biết giữ nước lại rất thường.

Nhưng mất nước vì lòng người không muốn hoặc không biết giữ nước, còn có cơ hội lấy lại nước, khi mọi người phản tỉnh về ý thức trách nhiệm, thấy dân tộc bị ô nhục, sự nghiệp xương máu của tổ tiên bị tiêu tan,… chớ mất nước “vì phe xã hội chủ nghĩa anh em” thì không phải mất ở lãnh thổ bị chiếm đoạt, mà mất ở tâm hồn không còn Việt Nam, con tim không còn luân lưu dòng máu kiêu hùng của tiên tổ nữa.

Đất nước Việt nam đối với người cộng sản Hà nội chỉ là nơi họ sanh sống tạm, như người ở trọ, trong thời gian họ cầm quyền, để mai này, khi rời khỏi chánh quyền, họ sẽ về theo “cụ Mác cụ Lê”, như Hồ Chí Minh, nơi đó mới là tổ quốc thật sự của họ.

III - Đảng cộng sản tham hay ngu?

Vấn đề chết sống là Hà nội có dám phản ứng để bảo vệ đất nưóc đã mất vào tay ngoại bang không?

Không dám phản ứng vì Bắc kinh mạnh?

Không đúng. Năm 1979, Hà nội đã dám phản ứng bằng võ lực khi Đặng Tiểu Bình dạy cho Hà nội một bài học. Và tôn sư đã bị môn sinh đánh nặng đòn.

Trước đó, Hà nội đã từng mở chiến dịch rầm rộ chống bá quyền phương Bắc, không cần giữ quan hệ truyền thống “môi liền môi, răng liền răng”.

Sở dĩ Hà nội dám phản ứng vì ỷ có chỗ dựa là người anh em xã hội chủ nghĩa vĩ đại Liên-xô. Nhưng phản ứng này chỉ có tính cách nhằm xác định lập trường phe cánh.

Ngày nay, nếu phản ứng với Bắc kinh là để bảo vệ đất nước vẹn toàn bờ cỏi, Hà nội sẽ có được sự yểm trợ quan trọng và hùng hậu hơn trước rất nhiều, đó là quan hệ quốc tế, hậu thuẫn của toàn dân trong nước và người Việt hải ngọai.

Từ năm 1995, Hà nội đã lần lượt tranh thủ cho mình một vị trí mạnh trong cộng đồng thế giới. Trong vừa qua, Hà nội là Hội viên không thường trực của Hội Đồng Bảo An LHQ. Với vị thế ngày nay, nhà cầm quyền Hà nội có thể công khai lớn tiếng phản kháng Bắc kinh để bảo vệ chủ quyền và lãnh thổ Việt nam. Đó là chánh nghĩa quốc gia và lẽ phải pháp lý quốc tế. Hà nội không có lý do gì khiếp sợ sức mạnh của Tàu.

Thế mà Hà nội không làm, lại còn tìm cách can thiệp để ngăn chận phong trào dân chúng biểu tình chống Bắc kinh. Phải chăng vì bị áp lực của 16 chữ vàng đè nặng đến ngóc đầu lên không nổi? Hay là chống Bắc kinh đồng nghĩa với sự đánh mất thế lực yểm trợ, và do đó, vị thế cũng như quyền lực sẽ mất về phe cánh khác, tuy cũng cùng đồng chí trong đảng cộng sản với nhau?.

Sự kiện Bắc kinh thể hiện chính sách xâm lược ngày nay tuy là một bất hạnh cho đất nước, một sỉ nhục cho hồn thiêng sông núi, sự tức tưởi của bao nhiêu chiến sĩ vị quốc vong thân, nhưng đây lại là một cơ hội tốt cho Hà nội, nếu những người cầm quyền ở Hà nội biết nắm bắt, thực hiện thật sự toàn dân đoàn kết, trên cơ sở cùng chung lòng bảo vệ Tổ Quốc Việt Nam lâm nguy, thì không cần nghị quyết 36 hay bất kỳ một thứ chánh sách Đại đoàn kết nào khác.

Công an chỉ lo nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự xã hội, không đàn áp biểu tình ôn hòa và chánh đáng. Báo chí có đầy đủ quyền tự do thông tin trung thực về chủ quyền quốc gia bị Tàu vi phạm, để vận động lòng yêu nước và sức mạnh toàn dân làm hậu thuẫn cho chánh quyền. Nhà cầm quyền Hà nội cần thay đổi thứ bậc ưu tiên trong chánh sách đối ngoại để cân bằng quan hệ giữa Việt Nam và thế giới. Quân đội hãy trở về đúng vị trí bảo vệ tổ quốc, anh dũng chống ngoại xâm.

Lòng yêu nước sẵn có của người dân Việt Nam chỉ sôi động, khi nào người dân thấy rõ họ thực sự là thành viên chủ động của cộng đồng dân tộc, với đầy đủ trách nhiêm và quyền lợi.

Để bắt đầu, những người lãnh đạo ở Hà nội ngay bây giờ, hãy suy nghĩ với cái đầu Việt Nam, hãy nhìn đất nước bằng con tim Việt Nam, tức tách rời hẳn cái chủ nghĩa xã hội thảm hại kia, và hãy mạnh dạn thật lòng cùng với toàn dân trong và ngoài nước, chung nhau thảo luận tìm một phương sách bảo vệ bờ cõi, phục hồi lãnh thổ và lãnh hải.

Chúng ta đừng quên rằng Bắc kinh không bao giờ từ bỏ mộng bá quyền tiến xuống phía nam, khi nội tình của họ ổn định.Trên vị thế ngày nay, Hà nội, sau khi giải quyết nạn xâm lăng của Bắc kinh, nên quan hệ thêm chặt chẽ với các nước Nam Thái Bình Dương, trong ASEAN, và đặc biệt với Úc và Tân Tây Lan, để kêu gọi cùng nhau thành lập một tổ chức mở rộng, có khả năng quân sự cao, đủ sức mạnh tự bảo vệ an ninh vùng Đông Nam Á, theo mô hình Hiệp ước Liên Phòng Đông Nam Á trước kia (SEATO).

Sự kiện Bắc kinh ngày nay xâm lấn xuống phía Nam, chắc chắn sẽ là động cơ thúc đẩy các quốc gia trong vùng, luôn cả Huê kỳ và Âu châu, sẳn sàng hợp tác, yểm trợ vai trò phòng thủ an ninh chung cho địa phương trọng yếu này.

Trước sức mạnh và ý chí liên đới vì an ninh chung của toàn vùng, Bắc kinh sẽ phải chấp nhận sống hài hòa, tôn trọng chủ quyền quốc gia lẫn nhau, để cùng phát triển giao thương.

Nhớ lại lúc Hà nội đưa chiến tranh vào Miền Nam, Hồ Chí Minh hạ quyết tâm “xẻ dọc Trường Sơn” để tiến chiếm Miền Nam, hay “nếu phải đốt hết cả dãy Trường Sơn để giải phóng Miền Nam, ta sẵn sàng làm” chỉ vì Hồ Chí Minh muốn chiếm lấy Miền Nam về tay phe xã hội chủ nghĩa. Chủ trương làm chiến tranh giải phóng của Hồ Chí Minh không bộc lộ lòng yêu nước nên sự hi sinh của nhân dân hoàn toàn vô nghĩa. Họ chết oan uổng cho tham vọng của Hồ Chí Minh phục vụ phe xã hội chủ nghĩa.

Sự cuồng tín của Hồ chí Minh thể hiện vừa cái tham, tham danh, vừa cái ngu vì quên đất nước, đồng bào và dòng họ.

Ngày nay, nếu đảng cộng sản và Nhà nước hà nội không chống lại Bắc kinh để đòi lại lãnh thổ và lãnh hải, thì cộng sản trước sau không phải là người yêu nước. Nói cách khác, rõ hơn, đảng cộng sản chỉ là đảng bán nước lấy tiền bỏ túi riêng.

Người xưa nói “Tham quân bất như hôn quân”! Đảng cộng sản là một hệ thống tham nhũng siêu việt, vượt qua các tệ nạn tham nhũng ở Việt nam từ trước đến giờ.

Nhưng nếu tham nhũng mà biết giữ gìn đất nước để ăn lâu dài, thì vẫn còn khá hơn thứ tham nhũng mà không biết giữ nước, đem bán nước để ăn được nhiều và nhanh một lần.

Đó là thứ Vua vừa tham vừa ngu. Đó cũng là thực tế của Nhà nước cộng sản ở Việt Nam ngày nay.

TS.Nguyễn Văn Trần

 


Cái Đình - 2016