Mặc Ngôn


Chính danh và Thời cuộc

.

Tôi nhận được vài bài viết và thư nhắc đến khái niệm Chính danh gần đây và có cảm tưởng rằng một số người có tâm huyết nghĩ rằng ta vẫn có thể dậm chân tại chổ, đi theo vết xe đổ, và chỉ cần học lại người xưa để bàn chuyện cứu nhân độ thế. Dĩ nhiên người xưa đã để lại nhiều kiến thức và phương cách hành xử ta nên học theo, nhưng hình như đa số chúng ta quên rằng mọi việc đều chỉ có giá trị tương đối và các tiêu chuẩn cho “hay”, “đúng” và “đẹp” chỉ có nghĩa hay giá trị trong vài bối cảnh nào đó. Nói thể có nghĩa là chúng ta không thể áp dụng những tư tưởng hay lý thuyết đề ra cho một xã hội tin vào thiên mệnh trong thời cuộc của thế kỷ 21 này. Trừ khi ta tin được rằng Donald Trump có thiên mệnh làm bá chủ thế giới.

Muốn biết một tư tưởng có giá trị hay chăng trước tiên ta phải hiểu tác giả của nó nói gì và trong bối cảnh nào. Trong trường hợp Chính danh, những người có cơ hội học về các học thuyết Khổng Mạnh ngày xưa, hay sau này tò mò đọc về “thuyết” (tôi sẽ giải thích sau về lý do của các ngoặc kép) Chính danh, thường thấy các bài viết về Chính danh trích lời đối thoại giữa Khổng Tử và Tử Lộ bắt đầu với câu “Danh bất chính tắc ngôn bất thuận…”. Trích như thế là bỏ qua cái bối cảnh của cuộc đối thoại, mà bỏ qua bối cảnh thì người đọc không thể hiểu hai chữ chính và danh nghĩa gì!

Khổng Tử là người tin vào thiên mệnh – thiên mệnh theo nghĩa được làm vua là do mệnh trời nhưng ta không thấy sách nào trong Tứ Thư - Ngũ Kinh giải thích tại sao nhà Chu mất thiên mệnh để đất nước phải loạn lạc quanh 300 năm qua thời Xuân Thu. Và kinh sách cũng không nói đến chuyện hình như rằng trời không còn muốn ai được làm vua Trung Quốc nữa nên Khổng Tử không thành công trong chuyện tìm được chúa hiền mà phò tá. Khổng Tử bắt đầu làm quan từ tuổi 19 nhưng cho tới năm 50 tuổi vẫn chưa được vua nào thử tài, cho dù tiếng tăm thì đã có từ thuở tam thập nhi lập. Quanh 20 năm, ngài dẫn học trò đi quanh các nước chư hầu đề truyền bá tư tưởng và mong tìm được chúa hiền – hay thông minh? – mà thờ nhưng phải chờ tới tuổi ngũ thập mới được vua Lỗ Định Công trọng dụng. Thế nhưng Lỗ Định Công không phải là chúa hiền nên chỉ một kế Nữ Nhạc của Tề Cảnh Công là đủ để Khổng Tử bị thất sủng sau vài năm và đành bỏ nước Lỗ ra đi, tái diễn cuộc sống lang thang.

Lần lang thang thứ nhì này bắt đầu quanh năm 54 tuổi, và kéo dài 14 năm, cho tới khi đại phu Quý Khang Tử, người cầm quyền chính ở Lỗ, sai sứ sang nước Vệ đón về Lỗ. Giai đoạn “lục thập tri thiên mệnh” xảy ra trong khoảng thời gian đó. Quý Khang Tử chịu sai sứ đi đón Khổng Tử về nước vì nghe theo lời Nhiễm Cầu, một trong mười đại đệ tử của ngài, ngoài chuyện có lẽ là người mở trường tư đầu tiên trên thế giới, Khổng Tử có lẽ cũng là người chuyên đào luyện chính trị gia tương lai đầu tiên trên thế giới. Trước đó, Khổng Tử đã được Quý Khang Tử dùng ngài trong nhiều năm như một thầy dạy không chính thức qua lời giới thiệu của Nhiễm Cầu. Thầy thì đầy lòng nhân nhưng trò không nghe lời thời thầy và quyết định tăng thuế điền ở Lỗ. Điều oái oăm thứ nhì trong việc Khổng Từ được hồi hương là ngài đã từng chỉ trích Nhiễm Cầu vì cậu học trò này không theo đường thầy, chỉ thích tham chính thay vì trọng lễ hay có lòng nhân. Và người viết này phân vân không biết Khổng Tử nói về thiên mệnh của vua hay của chính ngài! Trên nguyên tắc cụm từ thiên mệnh – được đặt bày ra từ đời nhà Chu để mị dân và hợp thức hóa chuyện lật đổ nhà Thương – chỉ được dùng cho triều đại hay cho vua đang trị vì nên Khổng Tử, một người bác học làu thông kinh sử, không thể dùng nó để nói về chính ta. Thế thì sau tuổi 60, ngài “tri thiên mệnh” như thế nào? Nếu đã hiểu mệnh trời thì tại sao đã biết rằng không còn cách gì cứu vãn nhà Chu hay lập lại thời vàng son Hạ-Vũ mà vẫn còn nghe lời một tên đệ tử và một đại phu không có lòng nhân?

Bối cảnh của đoạn đối thoại về khái niệm chánh danh là thế này: (trích từ Luận ngữ, chương Tử Lộ, 13-03)

Tử Lộ viết: “Vệ quân đãi Tử nhi vi chính, Tử tương hề tiên?”

Tử viết: “Tất dã chính danh hồ.”

Tử Lộ viết: “Hữu thị tai? Tử chi vu dã. Hề kỳ chính?”

Tử viết: “Dã tai Do dã! Quân tử ư kỳ sở bất tri, cái khuyết như dã. Danh bất chính, tắc ngôn bất thuận; ngôn bất thuận, tắc sự bất thành; sự bất thành tắc lễ nhạc bất hưng; lễ nhạc bất hưng tắc hình phạt bất trúng; Hình phạt bất trúng tắc dân vô sở thố thủ túc. Cố quân tử danh chi tất khả ngôn dã, ngôn chi tất khả hành dã. Quân tử ư kỳ ngôn, vô sở cẩu nhi dĩ hỹ.”

[Dịch: Tử Lộ nói: “Vua nước Vệ đang chờ Thầy đến chấp chánh, Thầy tính làm việc gì trước tiên?” Thầy nói: “Dĩ nhiên phải chỉnh sửa cái tên trước.” Tử Lộ nói: “Có thật vậy không? Thầy nói viễn vông quá. Chỉnh là làm gì?” Thầy nói: “(trò) Do chất phác quá! Người quân tử khi không biết thì không nói (im lặng như cung khuyết). Tên mà không đúng thì lời nói không thuận; lời nói không thuận thì công việc không xong; công việc không xong thì lễ nhạc không thịnh; lễ nhạc không thịnh thì hình phạt không đúng; hình phạt không đúng thì dân chúng không biết cư xử thế nào. Thế nên người (đáng) mang tên quân tử có thể nói được, nói được thì hành động được. Ngôn ngữ của người quân tử không thể cẩu thả.”]

Tôi sẽ bàn về phần còn lại của đối thoại sau nhưng giờ đây xin người đọc để ý đến ba câu đầu và chữ chính (hay chánh, tùy miền phát âm).

Chữ Hán có hai đồng âm cho chính: 政và 正 .

  1. Chữ 政 (trong câu …đãi Tử vi chính) có nghĩa là cai trị, điều hành, pháp lệnh, sách lược, v.v... và đó là chữ chính trong các cụm từ chính trị, chấp chính.
  2. Chữ 正 (trong câu …tất dã chính danh hồ) có nghĩa là đúng, phải, ngay thẳng, đều, v.v… khi dùng như tĩnh từ, nhưng nó cũng còn có nghĩa là chỉnh, sửa cho ngay ngắn khi dùng như động từ.

Thể thì Khổng tử dùng chữ 正 – chính theo nghĩa nào? Câu hỏi này gợi ý cho người đọc rằng nếu không có căn bản văn phạm và cú pháp của tiếng Tàu thì ta có thể hiểu tầm phào cổ văn. Muốn biết chữ chính có nghĩa gì thì phải đọc lại câu hỏi của Tử Lộ. Tử Lộ hỏi Thầy sẽ làm gi trước nên Khổng Tử phải cho một câu trả lời về việc làm và chữ chính phải nói về một động tác. Trong khi đa số các bài viết tiếng Việt dịch chính danh là “tên đúng”, người Âu Mỹ lại dịch thành rectification hay correction of names thay vì correct names. Và như thế có nghĩa là câu dịch đúng của câu trả lời đầu của Khổng Tử phải là: “dĩ nhiên phải chỉnh sửa cái tên trước.”

[Cũng như những người có chút học thức trước 1975, thời bé tôi cũng nghe ít nhiều về “thuyết” Chính danh. Nhiều đúng hơn là ít vì thân phụ tôi là một sáng lập viên của hội Cổ Học Quảng Nam và sống với hoài bão chấn hưng cái học Khổng Mạnh. Ông không trực tiếp dạy hay ép con theo Nho học nhưng chiều chiều lại bắt thằng con đọc lại cho ông nghe những bài ông viết trong ngày, và một trong những đề tài ông bàn đến là Chính danh. Cứ đọc được chừng nửa trang là thằng con ngủ gục và không chữ nào vào đầu nó! Cách đây hơn 10 năm, tôi tình cờ thấy đoạn trích văn Luận Ngữ 13-03 trong cuốn The Empire of the World của Nicholas Ostler và để ý ngay lối Ostler dịch cụm từ 正名 – chính danh. Và thế có nghĩa là sau hơn nửa thế kỷ, thằng con lại tiếp tục việc cha đã làm ngày xưa, nhưng dưới một lối nhìn khác!]

Nhưng nếu thế thì “danh” phải hiểu như thế nào? Hai thầy trò đang bàn về chuyện chấp chánh với triều đình Vệ Xuất Công. Vệ Xuất Công là vua đời thứ 29 của nước Vệ, nhưng được lên ngôi một phần chỉ vì cha đang sống lưu vong ở Tần chứ không phải vì được trực tiếp truyền ngôi theo lối thiên mệnh; và một phần vì chính y ngăn cản không cho cha về nước. Người để lại tiếng xấu trong sử sách vì giành ngôi vua với cha thay vì lo việc trị nước thì có đáng được thiên mệnh hay được Khổng Tử phò tá? Nhưng hai thầy trò đang nói chuyện phò tá Vệ Xuất Công (làm vua trong 5 năm cuối đời Khổng Tử) thì ta phải hiểu thế nào về việc tri thiên mệnh của Khổng Tử?

Khổng Tử đang nói về cái danh của người trị nước, tức nhiên là của nhà vua. Câu nói tiếp theo trong cuộc đối thoại là “Quân tử ư kỳ sở bất tri, cái khuyết như dã.“ (Khi người quân tử không biết thì… ngậm miệng!) Và chính hai chữ quân tử này là nguyên ủy của những bàn cãi vô bổ về cách áp dụng “thuyết” Chính danh – nếu có thuyết đó thật – như thế nào. Khổng tử nói rất nhiều đến vai trò người quân tử và nêu ra những tiêu chuẩn rõ ràng và cao siêu để bảo người nào có thể được xem là quân tử. Người quân tử không nghĩ sai, nói sai, hay làm sai. Người quân tử rất thận trọng trong lời ăn tiếng nói. Người quân tử sống đạo đức, đầy lòng nhân và lòng vị tha. Người quân tử được xếp hạng dưới thánh nhưng khó mà có người phàm tục nào có thể hội đủ tiêu chuẩn để được xem là người quân tử. Ai ai đã nghe đến danh từ quân tử đều có những ý niệm chung chung như thế, với một kết quả kỳ thú là khó mà tìm một từ tương đương trong Anh hay Pháp ngữ để dịch danh từ 君子. Phạm Quỳnh dịch qua Pháp ngữ thành le Sage. Ostler dịch thành the Wise man. Điều oái oăm trong cuộc đối thoại Tử Lộ-Khổng Tử này là rất có thể rằng lối dịch “sai” thông thường thành Gentleman lại có thể là “đúng” cho trường hợp này. Quân tử là từ được dùng ngày xưa để chỉ các người “con vua”, hay ít nhất có dòng dõi hoàng tộc. Và Vệ Xuất Công trước khi được lên làm vua là một nhà quý tộc – gentleman – quân tử!

Không những người đời bàn sai quanh các chữ “quân tử” và “chính” (vì cứ nghĩ rằng đây là một tĩnh từ), nhưng còn vì hiểu sai họ bàn sai luôn về chữ “danh”. Danh nghĩa là tên nhưng không phải là cái tên cúng cơm cha mẹ đặt, hay tên mà người Tàu ngày xưa có khi được một chức vụ, địa vị quan trong nào đó. Nếu chỉ là những tên đó thì làm sao mà chỉnh sửa cho đúng? Sửa tên Vệ Xuất Công thành tên gì bây giờ! Đúng theo tiêu chuẩn nào? Dĩ nhiên là “quân tử” trong câu nói giải thích chữ danh không phải chỉ Khổng Tử vì a) người quân tử không tự xưng là quân tử – khiêm nhượng là một đặc tính của người quân tử; và b) không có lý do gì Khổng tử lại phát ngôn… lạc đề như thế. Tại sao Khổng Tử lại cần sửa tên của ông? Ông đang muốn nói về cái danh của người ngồi trên ngai vàng. Vệ Xuất Công không lên làm vua theo lối đường đường chính chính mà bằng thủ đoạn, kể cả chuyện bắt cha tiếp tục sống lưu vong. Người làm vua như thế không “nhân danh” tổ quốc, nhân dân, thiên địa, v.v…. Cách sửa danh độc nhất mà ta có thể nghĩ ra cho Vệ Xuất Công là rước cha về rồi nhường ngôi báu để không còn bị người đời gán cho các danh bất hiếu, vô tín nghĩa, vô lương tâm, v.v…

Và thế có nghĩa rằng chuyện chấp chánh cho nước Vệ là chuyện không tưởng vì vua nước Vệ không xứng đáng với cái danh quân tử! Vua đã không đáng làm vua thì thánh Khổng cũng không có cách gì mà giúp chuyện trị nước. Tri thiên mệnh là phải! Tại vì thế mà thay vì nhận lời qua nước Vệ thì Khổng Tử đành ẩn nhẫn sống kiếp lưu vong cho tới ngày được về quê hương.

o0o

Nếu Chính danh là chuyện không làm được vì phải xứng đáng với cái danh quân tử mới mong làm chuyện an bang tế thế thì Khổng Tử có hề nêu ra thuyết Chính danh? Tôi tìm hoài mà chỉ thấy cụm từ “chính danh” dùng có một lần trong chương Tử Lộ của Luận Ngữ. Khổng Tử dùng chữ 正 – chính, theo nghĩa đúng, ngay thẳng, v.v... nhiều nơi, cũng như nói đến chữ政 – chính của chính trị nhiều lần nhưng tôi tìm không ra nơi nào ngài đề xướng cái gọi là thuyết Chính danh!

Chính danh, theo nghĩa tôi hiểu, và theo từ hồi còn bé, là hành xử nhân danh những người mà ta muốn phục vụ, tựa như câu khấn “Nhân danh cha, con và thánh thần – Amen” của Kitô giáo. Khấn như thế để mong rằng ta sẽ luôn tuân thủ quy luật của giáo hội và khỏi lo chuyện lỡ dại hay lầm lỡ phạm tội. Nhưng ta có nên nhắc lại rằng chính vì nhân danh thượng đế mà họ phục vụ thay vì nhân danh nhân loại, các chế độ phong kiến và thuộc địa bành trướng và vững bền trong nhiều thế kỷ dưới sự dìu dắt, hướng dẫn hay hỗ trợ của giáo hội La Mã và của các nhà truyền giáo? Ngày Thanksgiving vừa qua, con gái tôi than ăn nhiều no bụng quá, tôi cười gửi cho con một bài báo của NPR viết về quan điểm của những người thổ dân da đỏ trên đất Mỹ về ngày đó và bảo con sang năm con chỉ việc theo người da đỏ tẩy chay ngày Thanksgiving và khỏi lo chuyện vi phạm ẩm thực dưỡng sinh! (Tôi có ít bạn quá nên có thể không ai biết rằng tôi không đời nào chúc một người Việt nào Happy Thanksgiving.) Thế thì những người Việt ly hương trên Mỹ quốc nên nhân danh gì để có thể hãnh diện sống làm người và có thể an giấc hằng đêm vì lương tâm không cắn rứt?

Donald Trump thắng cử với chiêu bài America First – chiêu bài mà ta có thể hiểu là hàm ý “nhân danh” tổ quốc Mỹ hay dân tộc Mỹ. Từ America tượng trưng cho cái gì? Tại sao một cái tên xuất phát từ tên một nhà phiêu lưu và địa dư học – Amerigo Vespucci, người góp phần trong việc lục địa Mỹ của người da đỏ bị chia chác thành thuộc địa của người da trắng và vô tình khai màn việc bắt cóc người da đen Phi Châu để cung cấp nô lệ cho các đồn điền ở Mỹ Châu – lại bị một quốc gia trong nhiều quốc gia trên lục địa Mỹ dành làm tên riêng? Theo những gì Donald Trump đã đang nói và làm, America chỉ gồm những người da trắng gốc Tây Âu và theo Thiên chúa giáo. Trump chỉ nhân danh những người đó để huênh hoang rằng y có thể đưa Hiệp chủng Quốc lên hàng đầu thế giới trở lại trên mọi lãnh vực. Còn bao nhiêu người Việt bỏ phiếu và ủng hộ Trump nhớ cái tên HCQ đầy ý nghĩa đó? Trump có nhân danh người Việt tỵ nạn để được làm chúa tể thế giới không? Có phải chăng vì danh không chính nên ngôn của Trump chẳng thuận tí nào? Tôi có cần nhắc các người đọc rằng cụm từ fake-news ra đời từ lúc Trump tranh cử và có nói quanh bao nhiêu đi nữa, tay chân của y là những người tung fake-news không ngượng miệng. Không ngượng miệng không đồng nghĩa với ngôn thuận! Mẹ Trump theo Presbyterian nhưng Trump theo nhánh nào hay tôn giáo nào nào thì chắc chỉ có thượng đế của y biết. Thượng đế nào đó có chịu để Trump nhân danh người và vừa hỗ trợ các nhóm quá khích thiên hữu, Nazi, KKK, vừa dời tòa đại sứ Mỹ đến Jerusalem?

Tôi kết thúc bài tản mạn này với câu hỏi: Chúng ta, những người Việt ly hương, nên nhân danh gì để có thể hữu hiệu góp phần cứu quê hương thoát nạn Hán hóa?

.

Mặc Ngôn
Tháng Chạp-2107


Cái Đình - 2017