Nguyễn Tường Quân


Nhạc sĩ Lam Phương, người làm tròn sứ mệnh của âm nhạc

 

Chúng ta thường nghe đến 2 từ” dòng nhạc”, là để chỉ về một thể loại nhạc như dòng nhạc dance, dòng nhạc ballad, dòng nhạc trữ tình,… Thế nhưng, trong dòng chảy âm nhạc Việt Nam, có những người nhạc sĩ đã tạo nên một “dòng nhạc” mang tên chính mình. Một trong những người nhạc sĩ vĩ đại đó là nhạc sĩ Lam Phương. Ông đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho nền âm nhạc Việt Nam và người mộ điệu đã dành cho gia tài đồ sộ những tuyệt phẩm của ông một mỹ từ: dòng nhạc Lam Phương.

Tiểu sử

Nhạc sĩ Lam Phương tên thật là Lâm Đình Phùng, ông sinh năm 1937 tại làng Vĩnh Thanh Vân, quận Châu Thành, Rạch Giá, nhà ở bến sông chùa Thập Phương. Những hình ảnh đầu đời đã gắn liền trong tâm trí ông là hình ảnh những con đò đưa khách sang sông, những hàng dừa xanh ngát, những tiếng ru ơi a trưa hè, cũng như những đồng lúa bao la quanh ông đều là những nét quyến rũ để sau này ông đưa vào trong các tác phẩm của mình.

Chân dung nhạc sĩ Lam Phương

Nhạc sĩ Lam Phương là con đầu lòng, lớn lên với mẹ và năm người em trong cảnh nghèo nàn xác xơ. Cha ông đã bỏ đi theo người đàn bà khác từ lúc ông còn nhỏ. Năm 10 tuổi, mẹ gửi ông lên Sài Gòn học, sống ở nhà người bác ruột. Ông bắt đầu tự mày mò học nhạc, rồi may mắn được nhạc sĩ Hoàng Lang và nhạc sĩ Lê Thương chỉ dẫn. Nhạc sĩ Lê Thương chính là cha đẻ của trường ca Hòn Vọng Phu 1, 2, 3, Con Mèo Trèo Cây Cau, Thằng Cuội. Còn nhạc sĩ Hoàng Lang thì chắc là các bạn sẽ ít biết hơn vì các tác phẩm của ông không quá nổi tiếng, bởi vì sự nghiệp chính của ông là một thầy giáo dạy nhạc ở trường Petrus Ký, là trường trung học phổ thông Lê Hồng Phong bây giờ. Ông cũng có những tác phẩm khá hay như Hoa Cắm Trên Đầu Súng,.… (Ghi chú: Nhạc sĩ Lam Phương đã qua đời ngày 22.12.2020 tại Califormia, Hoa Kỳ)

Cái nghệ danh Lam Phương từ đâu mà có?

Chính là sự biến tấu từ 2 chữ trong tên của ông: Lâm Phùng, đọc trại đi thành Lam Phương, cũng mang ý nghĩa là phương trời màu xanh.

10 tuổi ông được mẹ gửi lên Sài Gòn học, ở trọ nhà bác ruột và 5 năm sau ông bắt đầu sáng tác, từ đó miệt mài trong cuộc sống của một người nghệ sĩ. Năm 1958 ông vào quân đội. Đêm giã từ trung tâm huấn luyện, ông xúc cảm chia tay chiến hữu của mình bằng nhạc phẩm Tình Anh Lính Chiến, mà hầu như người lính nào thời bấy giờ cũng hát, cũng nghe.

Sau một thời gian ngắn trở về địa phương, ông lại được lệnh tái nhập ngũ và ông tham gia Đoàn văn nghệ Bảo An và sau này là Đoàn văn nghệ Hoa Tình Thương và cuối cùng là Đoàn văn nghệ Biệt động Trung ương cho đến ngày giải phóng miền Nam. Ông còn cộng tác với trung tâm quốc gia điện ảnh và tham gia một số phim như Chân Trời Mới, Niềm Tin Mới.

Sáng 30/4/1975, ông lên con tàu mang tên Trường Xuân, gia nhập cùng đoàn người với con số lên đến 365.000 quyết vượt trùng khơi. Rất may sau nhiều ngày lênh đênh phó mặc số phận cho đại dương, con tàu Trường Xuân được tàu cứu vớt thuyền nhân của Đan Mạch tiếp cứu. Trên con tàu, ông ngậm ngùi sáng tác ca khúc Con Tàu Định Mệnh, và mạch cảm xúc này kéo dài theo những ngày bấp bênh trên biển đến khi ông đặt chân lên bến bờ đất nước Hoa Kỳ cho ra đời ca khúc: "Vĩnh Biệt Sài Gòn" mà hầu như không một người thuyền nhân nào không biết. Thuyền Nhân là tên gọi đầy bi hùng mà lịch sử nhân loại đã dành cho những con người vượt biên ra khơi sau ngày 30/4/1975.

Nếu nói rằng nghệ thuật luôn luôn phản ánh dấu tích của thời đại thì nghệ sĩ Lam Phương chính là người đã làm gần như trọn vẹn chức năng ấy của nghệ thuật. Với hơn 200 tác phẩm trải dài trên nhiều thể loại, nhiều nội dung, ông đã dùng cả cuộc đời của mình để gắn bó âm nhạc với vận nước và quê hương bên cạnh những bài ca về tình yêu đặc sắc khác.

Các ca khúc tiêu biểu của nhạc sĩ Lam Phương

Chiều Thu Ấy

Nghe Chiều Thu Ấy, Sĩ Phú hát:

Ca khúc đầu tiên ông sáng tác năm ông 15 tuổi mang tựa đề Chiều Thu Ấy. Với ca khúc này ông đã đi chào bán cho các trung tâm băng nhạc tại Sài Gòn nhưng không ai mua vì thấy ông còn quá nhỏ. Ông quyết định vay mượn bạn bè để tích góp được 600 đồng và tự sản xuất ra thành phẩm của mình.

Khó khăn lại ập đến khi các nhà phát hành không chấp nhận sản phẩm của ông. Ông phải đi bỏ mối tại các tiệm bán nhạc nhỏ lẻ trong suốt một năm ròng sau mỗi chiều đi học về. Và trong suốt một năm đó, ông chỉ bán được vài trăm bản.

Trăng Thanh Bình

Nghe Trăng Thanh Bình, hợp ca (Asia 29):

May mắn cho ông trong một năm đó ông đã được một hãng sản xuất ký hợp đồng độc quyền với ca khúc thứ 2 của mình là Trăng Thanh Bình với trị giá hợp đồng là 1.200 đồng. Khi này ông đã trả được hết số nợ và ông cũng đã thấm thía câu nói vạn sự khởi đầu nan.

Kiếp Nghèo

Nghe Kiếp Nghèo, Thanh Tuyền hát

Một trong những nhạc phẩm thể loại tango đầu tiên góp phần làm nên tên tuổi của ông chính là ca khúc Kiếp Nghèo. Một nhạc phẩm nói lên chính cuộc đời cơ cực của ông khi mới lên Sài Gòn. Khi ông viết bài này, ông mới 17 tuổi. Nhạc sĩ Lam Phương lên Sài Gòn năm 10 tuổi, năm 17 tuổi mẹ và các em của ông cũng dắt díu nhau lên cái xứ gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông này để mưu sinh. 7 năm thắm thía cái khổ cùng cực khi 7 con người cùng nhau sống chen chúc trong căn nhà nhỏ phố lao động nghèo khu Đa Kao đã là chất xúc tác để ông cho ra đời ca khúc mà sau này nó len lỏi đến từng ngõ ngách đất Sài Gòn.

Ông tâm sự “Đi về giữa đêm mưa, trong cái cư xá lầy lội, nghèo khổ, tôi thấy mình thật cô đơn, bé nhỏ và hình như bị đời ruồng rẫy đến vô tình. Tôi đi mãi cho tới khi về nhà, không kịp thay quần áo, ôm cây đàn và cứ thế viết về kiếp nghèo, về phận bạc của mình”.

Thành Phố Buồn

Nghe Thành Phố Buồn, Chế Linh hát

Quý vị độc giả, nếu trong quý vị có ai đã từng sống những năm 70’s dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, chắc các vị cũng biết lương 1 vị đại tá trong quân đội, tính luôn cả phụ cấp là khoảng 50.000 đồng, hay 1 vị giám đốc công ty cũng khoảng 50.000 đến 70.000. Còn nhạc sĩ Lam Phương khi bán tác phẩm này đã kiếm được 12.000.000 đồng. Ca khúc lập kỷ lục về giá bán 1 tác phẩm âm nhạc và kỷ lục về số băng đĩa được bán ra thời bấy giờ.

Ca khúc được sáng tác năm 1970 khi ông đi công tác với ban văn nghệ Hoa Tình Thương. Đứng nhìn thung lũng Đà Lạt từ trên cao khu nhà tập thể, cảnh sắc đẹp đến thẫn thờ nhưng buồn đến nao lòng đã cho ông cơ hội để phô diễn tài năng của mình và cho ra đời một tuyệt phẩm cho đến nay vẫn là một tượng đài khổng lồ mà khó có một ca khúc nào về Đà Lạt vượt qua được. Tuy nhiên, sau 1975, ca khúc bị cấm lưu hành vì bị cho là quá ủy mị.

Có một điều thú vị là đa số trong chúng ta đã hát sai lời ca khúc: Trong phần điệp khúc có câu “Rồi từ đó TRỐN phong ba em làm dâu nhà người”. Nguyên tác, tác giả đã dùng từ “trốn’ trong trốn chạy chứ không phải “chốn” trong nơi chốn mà chúng ta vẫn lầm tưởng.

Nguyên bản ca khúc Thành Phố Buồn

Ngay sau đó là ca khúc Tình Bơ Vơ được ra đời nhưng không bán chạy bằng Thành Phố Buồn. Nói là không bán chạy là so với ca khúc Thành Phố Buồn, chứ bản thân đây cũng là một ca khúc “hit” của nhạc sĩ Lam Phương. Câu chuyện bên lề của ca khúc Tình Bơ Vơ chính là mối tình đầu của ông, nữ ca sĩ Bạch Yến, người đầu tiên hát ca khúc Đêm Đông của nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương mà quý vị rất yêu mến.

Ca sĩ Bạch Yến đi du học âm nhạc bên Pháp, bỏ lại nhạc sĩ Lam Phương ở Việt Nam nên ông viết bài Tình Bơ Vơ. Trong bản chép tay ca khúc Tình Bơ Vơ, chữ Đêm Đông trong ca khúc được ông viết hoa để chỉ hình ảnh nữ ca sĩ Bạch yến vì Bạch Yến thời bấy giờ đang nổi tiếng với ca khúc Đêm Đông. Mãi sau này đến năm 2007, Bạch Yến mới được một người bạn kể lại cho nghe điều thú vị này.

Bức Tâm Thư

Nghe Bức Tâm Thư, Phương Dung hát

Một dòng nhạc khác tuy không quá nổi tiếng nhưng sức phổ biến của dòng nhạc này cũng không hề nhỏ. Đó là dòng nhạc thời chiến. Nhạc sĩ Lam Phương sống ở Việt Nam dưới thời Việt Nam Cộng Hòa. Vào những năm 1970, miền nam Việt Nam đã bắt đầu bước vào giai đoạn đầu căng thẳng của cuộc chiến giữa miền nam Việt Nam và bắc Việt Nam. Nổi trội nhất là ca khúc Bức Tâm Thư với lời ca vui vẻ, hào sảng, động viên những người trai trẻ cầm súng chiến đấu với câu hát trứ danh:

“Vài hàng gửi anh trìu mến
Vừa rồi làng có truyền tin
Nói rằng nước non đang mong
Đi quân dịch là thương nòi giống”

Chuyến Đò Vĩ Tuyến:

Nhân dịp tôi ngồi viết đôi dòng về nhạc sĩ Lam Phương khi trời vào tiết thu tháng 7, không biết quý đọc giả có nhớ sự kiện gì đặc biệt trong lịch sử Việt Nam và thế giới không nhỉ?

Đó chính là Hiệp định Geneva đã được ký. Nói đến chiến tranh là nói đến thời loạn ly. Sau khi hiệp định Geneva đươc ký vào ngày 20/7/1954, một số lượng lớn người dân miền bắc đã di cư vào miền nam. Lúc này Vĩ Tuyến 17, trên bản đồ địa lý là con sông Bến Hải, đã chia cắt Việt Nam thành 2 miền. Có những gia đình vì nhiều lý do đã rơi vào hoàn cảnh không thể đoàn tụ cùng gia đình trong cuộc di cư này nên vĩ tuyến 17 trở thành ranh giới hạnh phúc của họ.

Chuyến Đò Vĩ Tuyến do nhạc sĩ Lam Phương viết cũng để nói lên tình cảnh chia ly này và ước mong ngày đoàn tụ không xa của những gia đình thời loạn ly. Ca khúc gắn liền với tên tuổi nữ ca sĩ có tiếng hát nức nở bậc nhất tính cho đến thời điểm này. Ca sĩ Hoàng Oanh với cách hát đặc trưng là lối ngâm thơ trước khi vào bất kỳ phần trình diễn nào.

Nghe Chuyến đò vĩ tuyến (Asia 12), Hoàng Oanh hát

Ca khúc này được nhạc sĩ Trúc Hồ của trung tâm Asia làm một bản phối mà cho đến nay được đánh giá là bản phối hay nhất cho ca khúc này. Cũng chính bản phối này được trình diễn lần đầu tiên tháng 07 năm 1996 tại sân khấu ngoài trời ở Toronto, Canada. Nữ ca sĩ Hoàng Oanh hoàn toàn sững sờ trước tạo hình không gian trên sân khấu. Đây đúng là không gian của một đêm trăng thanh gió mát. Phía sau lưng mình là màn ảnh rộng bật chiếu lên cảnh dòng sông có con đò lênh đênh trên sóng nước. Phía trước, ánh đèn mờ mờ ảo ảo. Dưới khán giả ngồi im phăng phắc, không một tiếng động. Dàn nhạc trổi lên âm điệu nhẹ nhàng cho đoạn ngâm thơ mở đầu với nhiều hình ảnh lịch sử. Rồi đến lượt tiếng đàn độc huyền cất lên nghe não nuột tâm hồn. Và nữ ca sĩ Hoàng Oanh cứ thế thả hồn vào trọn một tiết mục đến khi khản giả vỗ tay cô mới bừng tỉnh.

Đáng tiếc là bản ghi hình này trung tâm Asia chưa công bố lại rộng rãi.

Nhạc sĩ Trúc Hồ

Một thông tin quý giá mà tôi sưu tầm được để minh chứng cho sự phổ biến của nhạc Lam Phương trong thời chinh chiến, đặc biệt là trong quân đội đó là câu chuyện từ một nhân chứng sống, cựu Trung Tá, quản đốc đài phát thanh Quân đội. Trung Tá Phạm Hậu. Ông kể rằng, 6 giờ sáng hàng ngày, trên đài phát thanh của Quân đội sẽ vang lên bài Ngày Hạnh Phúc của nhạc sĩ Lam Phương.

Đến khi chiến tranh giữa 2 miền vào giai đoạn khóc liệt nhất 1968 – 1975, nhạc của nhạc sĩ Nhật Trường - Trần Thiện Thanh nổi tiếng là nhạc dành riêng cho thời chiến, được phổ biến khắp nơi nhưng các đài Phát Thanh vẫn không nhận được những yêu cầu phát nhạc của Lam Phương như Tình Bơ Vơ, Kiếp Nghèo, Thành Phố Buồn,… mà tôi đã kể ở trên. Có lẽ rằng, sự nhạy cảm trong con người ông đã đem vào ca khúc của mình những tâm tư có thể xoa dịu những tâm hồn đang lo âu sống trong những ngày khói lửa.

Trong 1 trận đánh phục kích, tiểu đoàn 2 của Thủy quân lục chiến Trâu Điên đã bị thất bại bất ngờ ở Phong Điền, Huế, vùng chiến thuật 1. Một tuần sau trận chiến, người anh trai của trung tá Lê Hằng Minh, ngồi tìm lại những kỷ vật của em mình, thấy trong ba lô của em trai mình có rất nhiều nhạc của Lam Phương.

Phút Cuối

Quay trở lại với dòng nhạc tình của nhạc sĩ Lam Phương, một ca khúc làm rạng danh không biết bao nhiêu thế hệ ca sĩ. Đó là ca khúc Phút Cuối.

Nghe Phút Cuối, Chế Linh & Thanh Tuyền hát

Người đẹp thứ ba mà nhạc sĩ Lam Phương gặp gỡ và say đắm là ca sĩ Hạnh Dung trong Biệt đoàn văn nghệ Trung ương. Cô không nổi tiếng lắm bởi cô là nhân viên dân chính do Biệt đoàn tuyển dụng và chỉ hát cho lính nghe. Tuy vậy, chuyện tình Lam Phương - Hạnh Dung cũng để lại cho chúng ta những tình khúc rất đặc sắc mà giờ này chúng ta vẫn tán thưởng nồng nhiệt như những tác phẩm buổi ban đầu Lam Phương mới sáng tác.

Chẳng hạn như bài “Bọt Biển” ghi dấu kỷ niệm hai người hẹn hò bên bờ đại dương, hoặc bài “Giọt Lệ Sầu”, ông viết khi thấy tình yêu của mình đi vào bế tắc. Thậm chí có lúc ông đã chán nản sáng tác bài “Tình Nghĩa Đôi Ta Chỉ Thế Thôi”.

Một lần, ông theo Biệt đoàn ra công tác ngoài Côn Đảo, trình diễn cho các đơn vị quân đội ngoài ấy. Đêm cuối cùng mọi người gặp nhau họp mặt liên hoan để tiễn chân các cô ca sĩ sáng mai về Sài Gòn trước. Lam Phương tạm biệt Hạnh Dung vì phải tạm nán lại Côn Đảo vài hôm nữa. Ông liền viết bài “Phút Cuối” rất cảm động.

Tình Chết Theo Mùa Đông, Giọt Lệ Sầu

Nhắc đến những phút giây tuyệt vọng của nhạc sĩ Lam Phương, không thể không nhắc đến 2 ca khúc được giới mộ điệu liệt vào hàng những ca khúc nghe một lần mà sầu một đời của ông. Đó là 2 ca khúc Tình Chết Theo Mùa Đông và Giọt Lệ Sầu với những ca từ khơi lên niềm đau và nỗi trăn trở của bất kỳ ai đã lỡ bước vào con đường yêu.

Nghe liên khúc Tình Chết Theo Mùa Đông & Giọt Lệ Sầu, Thái Châu & Hương Lan hát

Tình Chết Theo Mùa Đông được sáng tác khi nữ ca sĩ Bach Yến, mối tình đầu của ông quay lại Sài Gòn sau 10 năm định cư và lưu diễn bên Hoa Kỳ. Sự trở về của bà làm ông dấy lên những ray rứt chưa bao giờ nguôi của mối tình đầu. Câu hát nổi tiếng “Đừng nhắc người ơi, 10 năm rồi con gì. Anh sợ, anh sợ những ngày biệt ly”.

Ca khúc gắn liền với tên tuổi người ca sĩ đầu tiên thu âm nó là ca sĩ Thái Châu và Giọt Lệ Sầu được thể hiện hay nhất theo nhiều người đánh giá là qua giọng ca gắn liền tên tuổi mình với dòng nhạc Lam Phương, nữ ca sĩ Hương Lan

Biển Tình

Nhắc đến ca sĩ Hương Lan thì có 1 câu chuyện thú vị xoay quanh nữ ca sĩ này với 1 ca khúc cũng nổi tiếng không kém bất kỳ ca khúc nào. Ca khúc Biển Tình.

Nghe Biển Tình, Hương Lan hát

Trong một lần công tác tại Khánh Hòa, Nha Trang, ông đã cùng một bóng hồng khác trong cuộc đời mình đi dạo và ngồi bên nhau trên bải biển tuyệt đẹp. Nữ ca sĩ Minh Hiếu. Ngay trên bãi biển này, ca khúc Biển Tình đã ra đời như một minh chứng cho tình yêu của 2 người với những giai điệu vô cùng lãng mạn và hạnh phúc. Có một nhân vật thứ 3 xuất hiện trên bờ biển này nhưng người đó hoàn toàn vô tội, không biết kế bên mình có 2 kẻ đang yêu, chính là cô bé Hương Lan khi ấy mới 12 tuổi mà sau này là danh ca bậc nhất của Việt Nam. Cô bé nằm ngủ ngon lành trên bãi biển mà theo như nhạc sĩ Lam Phương kể thì chính Hương Lan mới là vị khán giả đầu tiên nghe ca khúc Biển Tình của ông.

Lầm

Nghe Lầm, Đan Nguyên hát

Chúng ta có thể thấy nữ ca sĩ Minh Hiếu đã mang đến cho nhạc sĩ Lam Phương hạnh phúc tột cùng. Thì còn 1 người phụ nữ khác đã mang đến cho ông rất nhiều hạnh phúc mà cũng lắm đau thương. Người phụ nữ mà ông đã cưới làm vợ và sau này ông bảo lãnh sang Mỹ. Cũng chính bước ngoặt bảo lãnh vợ mình sang Mỹ mà dẫn đến một biến cố lớn. Nữ ca sĩ Túy Hồng khi đặt chân lên đất Mỹ đã ly hôn ông để chạy theo mối tình khác. Và đây chính là nguồn cơn cảm xúc lớn nhất để ông sáng tác ra ca khúc nổi tiếng mang tên Lầm với câu hát đầy sự uất nghẹn: “Anh đã lầm đưa em sang đây. Để đêm trường nghe tiếng thở dài. Thà cuộc đời yên trong lòng đất. Được trở về tiếng khóc ban sơ. Hơn là mang kiếp mong chờ”.

Cho Em Quên Tuổi Ngọc

Ca khúc này tôi đặc biệt yêu thích vì lần đầu tiên tôi biết đến nó, tôi cứ nghĩ đây là 1 bản nhạc tây theo phong cách bán cổ điển được nhạc sĩ Lam Phương viết lời Việt chứ không thể ngờ đây là một ca khúc hoàn toàn mang quốc tịch Việt Nam. Ông sáng tác cho nữ ca sĩ Bạch Yến trong thời gian bà chu du biểu diễn khắp nơi trên thế giới với cả 2 ngôn ngữ là Việt và Pháp. Bài hát thể hiện rất rõ trí tưởng tượng phong phú của ông khi ông viết về sự bấp bênh trong cuộc sống xứ người trong khi đó nữ ca sĩ Bạch Yến dù bà chỉ thỉnh thoảng gửi về cho ông đôi dòng tâm sự. Tên tiếng Pháp của ca khúc là C’est Toi, nghĩa là Chính Em.

Nghe Cho Em Quên Tuổi Ngọc, Bạch Yến hát

Ca sĩ Bạch Yến là một nữ ca sĩ mang tầm vóc quốc tế thực sự vì cho đến nay bà vẫn là nữ ca sĩ duy nhất của miền nam Việt Nam đã đi du học âm nhạc ở Pháp và sau đó được Mỹ mời định cư và biểu diễn tại Mỹ cũng như nhiều nước khác trên thế giới. Bà có thể hát và giao tiếp bằng tiếng Anh, tiếng Pháp một cách thuần thục. Các bạn có thể thấy qua video clip tôi đã chia sẻ.

Tạm kết

Thưa quý độc giả, như tôi đã trình bày đầu bài viết này, nhạc sĩ Lam Phương có hơn 200 ca khúc nên những ca khúc trên đây chỉ là một số nhỏ những ca khúc nổi tiếng của ông. Còn rất nhiều ca khúc tuyệt vời khác của nhạc sĩ Lam Phương như Một Mình, Bé Yêu, Trăm Nhớ Ngàn Thương, Tất Cả Là Em, Mưa Lệ, Mùa Thu Paris,… Trong những bài viết sau, tôi sẽ kể hầu cho quý đọc giả nghe nhiều hơn những câu chuyện thú vị xung quanh ca khúc những ca khúc này.

Xin chân thành cảm ơn quý đọc giả đã đọc bài viết này!

.

Nguyễn Tường Quân

_____

Dẫn nguồn:

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/amnhac/nhacsilamphuong.htm


Cái Đình - 2021