Phù Sa Trầm Lặng


Nguyễn Quyết Thắng – Thơ và nhạc

.

Nguyễn Quyết Thắng là một trong số các huynh trưởng trẻ của Phong Trào Duca Việt Nam, tên anh gắn liền với "Đứa học trò trở về", " Vắt Tay Lên Trán", "Gọi tên đất Mẹ", "Hát Từ Tim - Hát Bằng Hơi Thở ", "Suốt Ðời Lang Thang"... luôn bên cạnh Nguyễn Ðức Quang.

Anh là người được sinh viên học sinh biết nhiều qua những lần "lang thang" trong sân trường, những đêm sinh hoạt lửa trại, anh sáng tác rất nhiều nhạc đấu tranh dùng trong sinh hoạt cộng đồng, rất hăng say, rất nhiệt thành...

Tôi là cô bé tóc dài, ôm trái tim nồng nhiệt lang thang về Ca Ðoàn Trung Ương lúc các anh đã đường dài rong ruổi, từ sinh hoạt thân thiết của tỉnh lỵ bé nhỏ, tôi bỡ ngỡ bước vào môi trường mới màu sắc khác thường... Lần gặp Nguyễn Quyết Thắng khi anh đến thăm Ca Ðoàn Trung Ương, hát "Ðứa Học Trò Trở Về", các bạn lại yêu cầu anh hát "Suốt Ðời Lang Thang" thật bất ngờ, lần đầu tiên nghe anh hát, không phải là bài hát đấu tranh, thì ra bên cạnh những bài hát hăng say, thôi thúc, có một Nguyễn Quyết Thắng khác mà cho đến bây giờ tôi mới được làm quen.

Lục bát là một thể thơ mà chúng ta rất hãnh diện, rất tự hào, thuần túy Việt Nam. Lục bát đơn sơ, ngọt ngào, nhịp nhàng, lúc gần gũi như ca dao, lúc thướt tha bóng bẩy như Kiều. Lục bát đầy nhạc tính, đọc lên đã là hát, dù là nguyên vận hay biến thể, cũng rất ư là... nhạc. Chính vì nhạc tính đó mà rất ít nhạc sĩ có can đảm phổ thơ lục bát, quanh quẩn chỉ có bài "Ngậm Ngùi" của Huy Cận do nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc, nghe mãi cũng... ngậm ngùi.

Riêng tôi, khi nghe Nguyễn Quyết Thắng hát "Suốt Ðời Lang Thang" tôi có một cảm xúc rất đặc biệt, bảo ngạc nhiên, cũng không đúng, bất ngờ, như đang bế vận được giải vây, như nắng hạn gặp mưa rào... bài hát ngắn giản dị như hơi thở, gần gũi như nhịp tim...

Sau nầy, trong lúc đàm luận cùng một người bạn chuyện nhạc và thơ, nhắc lại ngôn ngữ trong thơ và nhạc, chúng ta có lợi điểm là tiếng nói chứa đầy âm sắc, có thừa nhạc tính, thơ đã là nhạc, nhưng muốn phổ nhạc một bài thơ thì cũng rất nhiêu khê, nhạc và thơ không hài hòa giai điệu thì chỉ khổ thi sĩ lẫn người nghe. Ðiều nầy tôi nghĩ rằng Nguyễn Quyết Thắng không gặp một trở ngại nào, thơ phổ nhạc của anh như một bức tranh màu sắc nhẹ nhàng, anh viết thật gần gũi, thật đơn giản, thật tình tứ, thật ngây thơ, thật học trò...

Tôi chỉ được nghe anh hát đôi lần, âm hưởng phiêu diêu, dòng đời trăm ngã... Ba mươi năm sau, lại được tin nhau, thật tình cờ, thật xôn xao. Nhưng tôi lại gõ lầm khung cửa, mở lối vào "Ban Mê, về nhớ" cái hình ảnh xế chiều, đôi chân mệt mõi, tiếc nhớ bồi hồi, chán chường chờ đợi... Chẳng lẽ, anh đã mất đi sức sống nồng nhiệt của ngày nào, của thời hát như chim reo vui, hát như chân bước vội, hát như lòng thênh thang... Tôi cố gắng hình dung lại người bạn cũ, ngày ôm đàn lang thang trong sân trường đại học, tối lửa trại cùng hát cho nhau nghe. Ba mươi năm, dù thương hải biến di..., tôi vẫn không thể chấp nhận hình ảnh anh chán chường mê mệt, tiếng hát như lời thở than, hát như mỏi mòn chờ đợi tiếc nuối, hát như ban chiều thoi thóp ánh dương...

Cho đến lúc mở được khung cửa khác, khung cửa đang kiếm tìm, nghe bài hát "Em Bước Xuống Chùa" tôi thấy lại được bức tranh xưa, hình ảnh tươi sáng của ngày nào, và "Ngàn Năm Nào Ngưng Ðọng" đúng là tha hương ngộ cố tri, tôi tìm lại được ngừơi bạn thân quen ngày tháng cũ, tôi tìm lại được Nguyễn Quyết Thắng của một thuở "Con Người" niềm hân hoan hạnh phúc, tôi lao đao bơi ngập, tôi nao nức quay cuồng... Thời gian là kẻ thù, là khí cụ tàn phá, nhưng may mắn quá, thời gian không giết được trái tim và khối óc của bạn tôi, của những con người từng chia nhau nụ cười, nước mắt, cùng vui sướng, âu lo...

Hãy cùng nhau bước vào thế giới thơ và nhạc của Nguyễn Quyết Thắng, từ lúc "Cái Hẹn Ðầu" của Ðoàn Bằng Hữu, cho đến "Những Tối Hoa Xưa" và giả vờ theo em "Ngoài Phố" của Thái Trung, những thân quen gần gũi của "Tình Ðầu Thời Mới Lớn", những bài lục bát ngắn, tình tứ, nhẹ nhàng, thơ mộng... mỗi bài thơ mang một tâm trạng mà trong chúng ta đã một thời trải qua... Ngôn từ Nguyễn Minh Nữu vẽ lại hình ảnh của người du ca ôm đàn đến một bên trời, nhưng chờ đến những cung bậc reo vui, âm hưởng dân ca ngọt ngào của Nguyễn Quyết Thắng, bức tranh "Hát Rong Giữa Ðời" mới hoàn thành.

Nguyễn Quyết Thắng dùng rất nhiều thơ để phổ nhạc, và không thể phủ nhận sự thành công của anh, từ những bài hát đã phổ biến trước đây như "Phượng Xưa", "Hát Cho Ðôi Chim Quyên", "Lá Xanh Ðời" cho đến "Ngàn Năm Nào Ngưng Ðọng", "Vẫn Còn Tiếng Ngân"... Mỗi bài hát một tuyệt vời, một kiệt tác, một sinh khí mới, mở lại cho tôi khung trời xưa cũ, có mặn nồng tình nghĩa, có yêu thương chan hòa, có nắng có mưa, có chờ có đợi, có ngày hờn tháng dỗi, mang lại cho tôi cái hạnh phúc hiếm hoi, thương nhớ trùng trùng, kỷ niệm miên man...

Tôi cảm nhận nhạc của Nguyễn Quyết Thắng, sự phong phú đa diện của anh, yêu cái tình ý nồng nàn, cung bậc thênh thang đó, cảm ơn anh, đã viết lại những điều chúng ta ưu ái, đã thắp lại cho chúng ta ngọn nến hồng, đã gieo trồng, vun xới cho những bông hoa xinh tươi nở đầy, trong cuộc sống phù du, vật vã, hạnh phúc mong manh, tôi trân quí gìn giữ những gì còn có trong tay... Cảm ơn anh.

Phù Sa Trầm Lặng


Cái Đình - 2017