Nguyễn Hữu Thời


Không cần biết đến tác giả?

Ảnh minh họa, từ Internet: bìa bản nhạc Lời Hứa Ban Đầu và di ảnh cố nhạc sĩ đại tá Nguyễn Văn Đông khi còn thanh niên.

Buổi sáng cách ly, không biết làm gì. Một giai điệu cũ tràn về, lả lướt và mượt mà qua giọng hát nhẹ như khói thuốc của Anh Khoa. Tôi đã tìm lại được bài hát ấy. Lời Hứa Ban Đầu, của Hoài Phương. Tác giả và tác phẩm ít được biết đến. Giai điệu boléro quen thuộc đã chìm lẫn trong hàng ngàn những bài hát “thời trang” khác. Lời hứa ban đầu. Đó là lời hứa của hai người yêu nhau trong thời chiến. Buổi chiều tiễn đưa, người lính hứa “…mai này quê hương tàn lửa khói, hai đứa mình chung đôi…”, nhưng… “quê hương chưa thanh bình, xin em ghi trong lòng, đừng giận hờn vu vơ…”. Người con gái thì mơ ước: “Em ước mong rằng đêm đêm khi trời tối, em đến gần bên anh; đem cho anh bao ân tình, cho quê hương thanh bình, mộng đẹp của chúng mình…” Cả hai cầu xin Ơn Trên ban phúc để “mai sau nước non mình đẹp tươi, hai ta xây mộng đầu”…Ước mơ đẹp như giấc mộng. Đó là một bài hát được ghi âm trong băng nhạc Shotgun 21 do nhạc sĩ Ngọc Chánh thực hiện để khiêu vũ. Buổi tối nào cuối thu 1972, từ Trại Tiếp Nhận được trả về, chờ đợi nhập khóa học (SQTB), tại một party (ngày đó gọi là bal, tiếng Pháp) do một nhóm sĩ quan Hải Quân trong đó có người bạn thân của tôi tổ chức, lần đầu tiên tôi nghe ca khúc này, khi dìu bước một người con gái, nữ sinh Gia Long, mới quen.

Đấy! Mặc cho các trận đánh vẫn đang diễn ra ác liệt ngoài mặt trận; ở thủ đô, người ta vẫn cố tìm vui, được ngày nào hay ngày đó. Chiến tranh ư? Đừng lo. Nó vẫn còn đó, và còn kéo dài, rất dài. Sẽ có mặt tất cả chúng ta ở đó.

Rồi bao thời gian trôi qua, người ta không quên một giai điệu, một lời hát, nếu đó là kỷ niệm. Có điều, ngày xưa, sao mà vô tâm quá, tôi đã không tìm để biết tên người nhạc sĩ đã viết ra những ký âm nhịp nhàng và những ca từ quá dễ thương này. Ngày đó, mới 19 tuổi… Mặc dù chiến tranh nhưng, nhờ ảnh hưởng của văn hóa, tôi, cũng như bao thanh niên miền Nam khác, vẫn sống chậm, và chờ đợi…Chuyện gì đến sẽ đến. Tuổi trẻ, như thầy Nguyên Sa nói, mau quên và dễ tha thứ, cho người khác và cho chính mình.

Bây giờ, nghe một bài hát, đọc một bài thơ, xem một bức tranh…Ông lão – chàng thanh niên 19 tuổi ngày xưa – là tôi, lại đâm ra… khó tính? Cứ đòi hỏi phải biết tên tác giả… cho bằng được! Vẫn có cái cảm giác hơi khó chịu, khi ngày nay, lạ thật, có quá nhiều người có vẻ như không cần biết đến tác giả của một tác phẩm mà mình… đang xử dụng, để phô diễn giọng hát (chưa chắc gì hay lắm!), để minh họa cho bài thơ hay văn của mình. Họ có biết rằng như thế là vi phạm bản quyền mà luật Việt Nam cũng có quy định. Với tác phẩm là thơ, văn, dù chỉ lấy một từ, một ý của một tác giả, đã là “trích dẫn”, phải ghi tên tác giả của cái từ, cái ý đó; chẳng hạn: Bông hồng cài áo, ý thơ Nhất Hạnh, nhạc Phạm Thế Mỹ… Phải ghi đúng thứ tự, thơ và nhạc cái nào có trước, cái nào có sau, như trường hợp trên. Nếu là thơ phổ nhạc,thì bài thơ có trước, người nhạc sĩ yêu thích bài thơ, sau đó, đã phổ thành ca khúc. Trường hợp ngược lại khá hiếm, tức là bản ký âm được nhạc sĩ viết trước rồi mới được một người khác đặt lời để trở thành ca khúc, như bài hát Phượng Tìm Hoàng, nhạc Châu Kỳ, lời Đinh Hùng. Sinh thời, nhạc sĩ Châu Kỳ đã kể cho tôi nghe chuyện này. Ngày nay, điều đáng buồn, là mỗi khi nhắc đến bài hát, người ta hầu như không bao giờ nhắc đến tên nhà thơ bậc thầy của thi ca miền Nam mặc dù, một thính giả sành điệu, tinh ý có thể nhận ra ngôn ngữ thơ rất “phiêu” của Đinh Hùng (“…Ôi núi còn dung nhan mười sáu, mây đoàn viên lướt ngang đầu, đưa hồn lên những tinh cầu…” mô tả cảm xúc của người con trai khi ve vuốt bộ ngực thanh tân của người yêu là cô gái mới 16 tuổi…). Nhà thơ Hồ Đình Phương là người đã đặt lời cho rất nhiều khúc nhạc của nhiều nhạc sĩ thời danh, chẳng hạn bài Đường Về, nhạc Hoàng Trọng, lời Hồ Đình Phương. Ca khúc này, giai điệu tango đẹp một cách hoàn mỹ, nhanh mà buồn, khi hát lên, người ta thấy một panorama, một toàn cảnh: một người tha hương đang hình dung con đường về nhà, lòng tràn ngập cảm xúc bởi những hình ảnh thân quen. Thành công của ca khúc là của hai con người tài năng; là đồng tác giả của tác phẩm; nếu chỉ nhắc đến một người thì thật là bất công.

Ngày nay, người ta ngang nhiên vi phạm bản quyền, trên sân khấu ca nhạc, trên ấn phẩm, trên facebook… Họ làm như tác giả của một lời thơ, một bài văn, một bức tranh, ảnh… là những con người vô danh, không cần nhắc đến? Phải mở Google ra tìm với Wikipedia mới có thể biết đúng tên một tác giả; nếu chỉ tìm trên những công cụ thương mại như Youtube thì khó lòng. Nhiều người thực hiện chương trình, nhiều ông bầu show, dường như muốn tránh né chuyện trả tiền bản quyền, đã cố tình lãng quên tên của tác giả hay đồng tác giả. Trở lại bài hát dễ thương mà từ sau 1975 được gọi là “nhạc vàng”, Lời Hứa Ban Đầu, đã có rất nhiều video clips có ca khúc này nhưng không thấy tên nhạc sĩ Hoài Phương, chỉ thấy tên ca sĩ trình bày? Nhiều ca sĩ kể cả các “diva”, ra sân khấu hát một ca khúc, cũng chẳng thèm biết tác giả ca khúc mà mình hát để được nhận tiền thù lao là thằng cha nào? Họ ít khi nhắc đến tác giả; không hiểu rằng đó không chỉ là thái độ bạc bẽo,vô ơn do thiếu văn hóa ứng xử, mà còn là vi phạm dân luật.

Ở một sân chơi nhẹ nhàng, dễ dãi hơn là Facebook, nhiều người cũng vô tình hay cố ý vi phạm điều này. Nếu không tìm được tên tác giả bức tranh, bức ảnh mà mình thích thú, muốn dùng làm minh họa cho bài văn, bài thơ của mình cho thêm tươi mát; chỉ cần ghi nguồn mà từ đó mình trích xuất tranh hay ảnh đó, để người ta khỏi nói là mình vi phạm, hay lập lờ, không minh bạch. Thật ra, chỉ cần ghi mấy từ “Lấy từ Internet” cũng được; để thông báo rằng… thì là “Kính thưa quý anh chị, bài báo này hay tranh ảnh này không phải là của tôi,mà do tôi lấy trên Internet”. Cũng đừng nên ghi mù mờ bằng 2 ký tự khó hiểu là “st”? Sáng tác hay sưu tầm, nếu sưu tầm thì sưu tầm ở đâu?

Trờ lại với Lời Hứa Ban Đầu, xin thưa với quý anh chị em, tác giả của ca khúc này là người rất được khán thính giả miền Nam yêu thương và kính trọng, đó là nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cựu đại tá Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, mới mất cách nay 2 năm (2018) tại Saigon, trong niềm thương tiếc của đồng đội, thuộc cấp và người dân miền Nam.

Chẳng lẽ vì tác giả là Nguyễn Văn Đông, nên người ta né tránh cái tên lừng danh của ông? Đó là một chuyện khác.

.

Nguyễn Hữu Thời
2/8/2020
(Trích Facebook tác giả)

_______

(1) Nghe bản nhạc “Lời Hứa Ban Đầu”, Anh Khoa hát, thu âm trước 1975

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu1/amnhac/khongcanbietdentacgia.htm


Cái Đình - 2020