Nguyễn Thanh Hùng


Ngược gió

 

Anh Thạnh cầm cái búa đập chan chát mấy cái nữa lên trên cây cọc dựng ngay trước nhà, trên mảnh sân đã lơ thơ ít bụi hồng còn trụi lá và những đám cỏ dại. Anh bỏ búa nắm lấy cây cột, lắc lắc thử vài cái như để xem nó đã được trồng chắc chắn chưa. Dưới sức giật của đôi cánh tay gân guốc quen lao động, cây cột như muốn đổ ập xuống. Lắc đầu tỏ vẻ ngao ngán, anh lẩm bẩm chửi thề mấy tiếng và lại dang tay, giáng mấy búa thật mạnh xuống. Lần này thì cây cột chịu thua bởi vì nó vẫn đứng như bị trời trồng dưới sức giật của anh Thạnh, lần này có lẽ còn mạnh mẽ gấp mấy lần trước. Anh xoa tay khoan khoái và huýt sáo miệng, đứng ngắm nghía một cách hài lòng công trình của mình; cái bàn thiên được làm cẩn thận bằng cây cột gỗ mua ở tận trung tâm làng và miếng ván ngang làm chỗ để thờ mà anh Thạnh đã bỏ công ra cưa lộng những đường gờ cong thẩm mỹ. Đứng ngắm một lúc lâu, anh mới quay sang lũ con đang đứng xớ rớ cạnh đó, hét toáng lên bằng cái giọng Nam đặc sệt. Tuy nói lớn nhưng trong giọng nói của anh lại đầy tràn sự vui vẻ:

‘Thằng Hai! Mày đứng ngó gì vậy cà? Có chịu vô nhà lấy cho ba một cái chén ăn cơm, rồi ra ngoài vườn xúc đầy cát vô đó cho ba làm bát nhang. Đi mau con!'

Thằng bé đang dợm chân thì anh đã kêu nó giựt lại: “Nhớ đừng quên lấy nhang nghen!”

Anh lại đứng ngẩn ra ngó cái bàn thờ mà anh đã tốn mất mấy ngày cho nó. Ngắm gần chán, anh lại đứng cách xa ra vài mét, ngay chỗ cổng ra vào, gật gù một cách khoái trá. Rồi như chợt nhớ ra điều gì quan trọng, anh lại quay sang lũ con đứng tẩn mẩn chung quanh:

‘Thằng Ba! Mầy vào nhà lấy cho ba dĩa trái cây chỗ bàn thờ ông địa. Bưng hết nguyên dĩa ra đây. Không biết má tụi bây đã chuẩn bị xong chưa?'

Đứa bé gái đang đứng mút bâng quơ cây kẹo cũng không thoát khỏi cặp mắt ba nó. Nó mở to mắt lúc anh Thạnh đặt bàn tay đã phủi sơ sài bụi đất lên mái tóc lúc nào cũng bù rối của nó, cây kẹo vẫn không rời miệng:

‘Út ơi! Thấy ba làm bàn thờ đẹp không con?'

Giọng ba nó tự dưng trầm xuống, nhẹ nhàng và hiền quá. Con bé lại trố mắt to hơn, ngẩng đầu nghiêng nghiêng lên ngó ba nó. Tay anh Thạnh như dịu lại. Anh có cảm tưởng như anh đang cố mơn trớn con bé như những lúc nó bị bệnh hay đêm khóc nhè không chịu ngủ. Anh lùa những ngón tay vào sâu trong mớ tóc rối bù của đứa con gái mà anh thương nhất nhà.

‘Con vào nhà nói với má mặc đồ mới vô. Rồi bảo mấy anh con cũng thay đồ luôn cho gọn gàng. Nói má ra luôn nghe con. Má cũng vậy, cũng phải thay đồ mới đàng hoàng. Cái bàn thiên này để thờ trời nhưng cũng là để thờ ông bà, tổ tiên xa xưa của mình đó con có biết không? Thành ra mình phải ăn mặc đàng hoàng để ông bà thấy con cháu dù xa nhà nhưng cũng còn nhớ đến những người thân thích, con thấy không.'

Con bé út nghiêng nghiêng đầu ngó ba nó. Nó không hiểu ba nó nói gì nhưng nó cảm thấy rõ ràng là ba nó chắc đang buồn gì đó. Tự dưng nó nắm chặt tay ba nó, rồi nó kêu khe khẽ “Ba ơi!” như muốn chia xẻ. Cái nắm tay của con bé làm anh Thạnh như tỉnh cơn mơ. Anh ngó quanh quất, dáo dác:

‘Ủa! Mấy đứa kia biểu vô nhà lấy đồ sao lâu quá chẳng thấy đứa nào ra vậy cà? Con đi vô biểu ba nói tụi nó làm lẹ lẹ lên nghe chưa. Nhớ vô nói má thay đồ cho con đàng hoàng.'

Anh ngó con bé đi vô mà không nhớ ra bộ đồ trên mình vẫn còn dính đầy cát và đất. Thong thả, anh loay hoay dồn đất vào chân cột thành đống vun lên rồi nện bằng gót giày trên nền đất đã cứng ngắc. Cây cột bây giờ đứng thẳng băng như một thân cây đã trưởng thành, đã cứng cáp đủ với gió mưa.

Khi anh Thạnh đã đứng ngắm chán chê cái bàn thờ trời “nhưng cũng là bàn thờ tổ tiên” thì bà vợ với lũ con mới chịu xuất hiện. Anh lẩm nhẩm trong đầu một lời trách móc cho đỡ tức, nhưng cuối cùng anh chỉ chửi đổng mấy tiếng nho nhỏ như cho chính mình nghe: “Cái đồ gì mà chậm như… bò!”

Vợ anh Thạnh mặc bộ đồ mới mua hôm trước khi hai vợ chồng đi phố sắm đồ mới cho mấy đứa con. Chiếc áo thun trùm kín cổ màu hồng làm khuôn mặt chị tươi mát và trẻ hẳn. Tuy nhiên cái áo dài và rộng quá khổ đó vẫn không che được cái bụng bầu đã to vun lên của chị. Một tay nắm lấy tay con bé út, một tay để trên bụng như che chở đứa bé ở trong, chị đến đứng cạnh chồng, vừa chỉ trỏ cái bàn thờ vừa nói:

‘Trồng rồi mới thấy cái cột nhỏ xíu ông hả! Rủi gió lên dám nó sập quá!'

‘Trời đất ơi! Bộ bà tưởng ở đây gió dữ như ở nhà không bằng! Bà không nhìn thế đất à? Nhà mình ở cái chỗ chung quanh toàn là cây, nó cản bớt gió rồi. Vả lại, gió ở đây thổi từ hướng Bắc, phía Bắc Cực đó bà biết không, thành ra mới lạnh dữ thần vậy đó chớ. Tôi trồng cây cột ở hướng Nam cốt để tránh gió thì làm sao gió giựt sập cho nổi. Hơn nữa, hướng Nam là hướng nhà mình, quê hương mình, bà có nhớ không? Mai mốt mấy đứa nhỏ có hỏi quê hương mình nằm đâu, hướng nào thì mình còn biết đường mà chỉ cho tụi nó.'

Người vợ gật đầu lia lịa như hết sức đồng ý với lời cắt nghĩa chu đáo của ông chồng. Như để khen, chị nói một câu vuốt ông:

‘Ông tính cao quá tui đâu theo nổi! À, tui có biểu tụi nhỏ thỉnh cả ông Phật từ trên bàn thờ ra đây nè.'

‘Ý! Hổng được đâu nghe bà,' anh Thạnh giãy nảy, ‘đem Phật ra đây để mưa nắng làm tội làm tình sao? Có tội chết nghe bà!'

‘Ông làm gì mà la dữ vậy?' bà vợ ngắt lời chồng, ‘tui chỉ mang ra để cho thêm long trọng rồi lại mang vô nhà chứ để đây rủi mất cắp sao? Ông làm như tui ngu lắm không bằng!'

Như để tăng sự quả quyết cho ý định của mình, chị Thạnh cúi xuống con bé út đứng cạnh đó lấy cái tượng Phật để ngay ngắn lên cái bàn thờ. Chị cũng không quên dĩa trái cây mà nãy giờ đứa con thứ hai cứ giữ khư khư trong hai bàn tay. Đứa con trưởng giờ mới thấy chạy ra, tay nó khệ nệ ôm cái chén đựng đầy cát. Nó la toáng lên:

‘Đất cứng quá ba ơi! Moi hoài mới được có bây nhiêu.'

Anh Thạnh giựt vội cái chén ra khỏi tay nó, giọng nói nửa bực tức nửa buồn cười:

‘Chắc mày lấy tay bươi phải không? Sao ngu thế hả con, không chịu lấy cái muỗng mà xúc cho dễ.'

Anh bước tới đứng trước cái bàn thờ nhỏ bé, cố xếp gọn chỗ để đặt cái bát nhang lên trên. Nhưng dĩa trái cây to quá lấn hết cả chỗ trên cái bàn thờ chỉ to hơn một cái khay trà chút xíu. Bực mình anh quay sang trách vợ:

‘Sao bà không lấy cái dĩa nhỏ hơn có phải gọn gàng hơn không? Mà trái cây cả đống như vầy thì lấy chỗ đâu mà để bát nhang nè trời!'

Dù nói vậy nhưng anh Thạnh cũng chẳng bỏ công vào nhà thay một cái dĩa khác. Sau một lúc loay hoay sắp xếp, dĩa trái cây to tướng được đặt chênh chếch trên mép rìa bàn thờ. Nếu như có cơn gió nào mạnh thổi ngang qua đủ làm cây cọc rung rinh thì cái dĩa nặng nề đủ loại trái cây dám đổ như không. Nhưng anh Thạnh muốn trông thấy cái cảnh bàn thờ xong xuôi đâu đó lắm rồi. Anh quay lại bảo với vợ và các con, vẻ hối thúc:

‘Bà đứng đây nè bà. Mấy đứa đứng xếp hàng đàng hoàng coi. Tới giờ cúng rồi đó.'

Nhưng chị Thạnh không cho anh hưởng cái thú vị này ngay. Chị nói:

‘Ông biểu tụi con nít vô thay đồ mà chính ông không chịu ngó quần áo mình! Người đất không mà nói người khác!'

Tới lúc đó anh Thạnh mới để ý bộ quần áo lem luốc trên người. Chúng dơ thật. Anh quay mặt đi, cười hăng hắc lấp liếm như không muốn nhận lỗi:

‘Tui gấp quá nên có để ý gì đâu. Ai dè dơ dữ vậy chớ!', rồi anh đi gấp vô nhà.

Lúc anh đi trở ra thì mấy đứa nhỏ đang chơi đá banh với nhau. Còn chị Thạnh thì cúi lom khom bên cạnh bụi hồng mà gia đình bà bảo trợ đã cho hôm cả nhà vừa dọn tới đây ở.

‘Mấy đứa có chịu ngưng chơi hay muốn tao cho mỗi đứa một roi vào đít đây? Đứng sắp hàng đàng hoàng, hàng dọc. Từ lớn tới nhỏ. Bà đứng đây, sát thằng Hai.'

Vừa nói anh vừa loay hoay xếp đặt chỗ đứng cho từng người một. Rồi anh đến đứng sát ngay vợ, khom tay bật hộp quẹt đốt mấy cây nhang. Mùi nhang xông lên thơm ngát, ấm áp lạ.

Anh bước chậm tới trước cái bàn thờ, xá mấy cái thật kính cẩn. Miệng anh lâm râm đọc mấy câu khấn vái, giọng lúc to lúc nhỏ làm mấy đứa con nít nhìn nhau không biết ba chúng nó nói những gì với cái tượng Phật nhỏ xíu bằng sứ. Vái xong xuôi, anh mới chịu cặm mấy cây nhang vô cái chén ăn cơm giờ nghiễm nhiên thành một cái lư hương. Những vòng khói tỏa ra từ mấy cây nhang bị những làn gió nhẹ đầu xuân thổi bạt đi, bay tán loạn. Anh Thạnh quay sang bảo nhỏ với vợ:

‘Bà ra vái lạy ông bà đi. Bà lạy xong tới phiên thằng Hai rồi tiếp tục tới thằng Ba. Còn con út bà phải đọc cho nó đọc theo, không ấy nó lại nói bậy bạ!'

Anh lại chỗ đứng của mình, khoan khoái và hãnh diện ngó chị Thạnh cúi lạy rất kính cẩn và nghiêm trang. Rồi anh ngó mấy đứa con anh lần lượt thi nhau làm bổn phận đối với trời đất, với ông bà tổ tiên. Chỉ tội nghiệp con bé út, nó vừa chăm chú đọc theo lời má nó, vừa lấm lét ngó cái tượng Phật nhỏ xíu mà ba mà nó bảo là linh lắm. Thỉnh thảng nó lại liếc ngó ba nó như sợ ba nó mắng vì đã làm sai điều gì đó. Con bé không biết rằng lúc đó anh Thạnh lẩm nhẩm trong đầu: “Con bé út lạy vậy mà đẹp ghê!”.

Đợi cả nhà lễ xong xuôi anh Thạnh mới bảo với gia đình trước khi cả nhà bước vào nhà để ăn cơm chiều, dĩ nhiên bữa cơm hôm nay sẽ rất thịnh soạn:

‘Ba đã gieo dưới chân cột bàn thờ mấy hột hướng dương. Đợi mùa hè tụi bây sẽ thấy nơi đây đẹp vô cùng. Bông hướng dương tức là bông hoa ngó mặt trời lại còn biết xoay nữa. Hễ mặt trời đi đến đâu thì nó xoay đến đó, ngộ lắm.'

Trong lúc cả nhà hân hoan bước vô nhà thì cả anh Thạnh lẫn chị Thạnh cùng mấy đứa con đều không biết rằng mấy người Hòa Lan ở cạnh nhà họ cũng đã tham gia hành lễ cúng trời đất, ông bà tổ tiên với gia đình anh bằng những cặp mắt trố ra vì ngạc nhiên. Họ chẳng hiểu gia đình anh đã làm cái gì cả, dù ‘cái gì' ấy đã làm anh Thạnh vất vả mất mấy ngày. Chắc họ cũng không ngờ rằng ‘cái gì ấy' đối với anh Thạnh rất ư quan trọng, “cũng quan trọng như ăn, uống, mặc, ngủ”. Đó là câu trả lời của anh cho lũ con hôm chúng hỏi anh đang làm gì với mấy miếng gỗ.

***

Anh Thạnh đã tiên đoán đúng. Mấy hạt hướng dương anh gieo đã đâm chồi nẩy mộng và mọc nhanh hơn anh tưởng. Chưa tới mùa hè mà chúng đã cao hơn cả cái bàn thờ. Mấy chiếc lá xanh to lớn, gân guốc nằm úp lên trên cái bàn thờ đã bắt đầu tróc sơn như những cái lọng tự nhiên. Những chiếc lá hướng dương nhìn xa tựa những chiếc lá sen. Cỏ bây giờ cũng mọc kín đều cả mảnh sân trước. Cứ sau mỗi cơn mưa lớn, anh Thạnh lại ra đứng trước cửa sổ ngó bâng quơ ra mảnh vườn trước rồi thì thầm như nói cho chính mình nghe: “Chà! Cỏ ở đây mọc lẹ quá cỡ. Cỏ tây có khác… Giá mà lúa ở Việt Nam cũng mọc nhanh như vầy thì dân mình đâu có đói dữ như bây giờ.”

Càng vào hè những cây cỏ lại mọc càng lẹ. Tuy nhiên, anh Thạnh không để cho chúng thành um tùm. Anh chăm chỉ cắt cỏ lắm. Nhất là từ khi anh mua lại được chiếc máy cắt cỏ với lưỡi kéo đã cùn nhủn. Anh phải bỏ ra cả một buổi chiều để mài lại bằng cục gạch anh vẫn dùng để mài dao. Rồi anh đợi, hễ có vài ngày nắng liên tiếp nhau là anh lại đem chiếc máy ra. Đôi khi với sự trợ giúp của con bé út hay của đứa con trai lớn. Đứa thứ hai thì lười quá, chẳng giúp được chút nào vào việc nhà cả. Nhưng được cái nó rất chăm học, một điều mà anh vẫn tự hào và thường đem khoe khi có khách đến thăm.

Khi anh Thạnh đã cắt đến mấy lần đám cỏ cứ mọc lên thật lẹ thì anh mới khám phá được một điều quan trọng. Số là vào mùa hè gió không thổi từ hướng bắc, cái loại gió vẫn mang cái lạnh buốt đến làm gia đình anh rét run, dù đã cố mặc rất nhiều quần áo. Mùa hè ấm lắm, gió có lẽ được thổi từ miệt Phi châu xa xôi đâu đó. Nhưng đó không phải là thứ gió hè hây hây, làm mí mắt xụ xuống buồn ngủ vào những buổi trưa hè như ở Việt Nam. Cái loại gió này thổi ồn ào như là bão rớt, đôi khi thổi tung cả những mẩu cỏ vừa mới cắt xong. Anh Thạnh đâm lo cho cái bàn thờ tổ tiên mà bây giờ anh mới chợt thấy nó quá đỗi mong manh trong cơn gió hè mạnh mẽ. Anh chợt nhớ tới lời vợ nói trong lần dựng bàn thờ. Anh không muốn vợ thấy sự tính toán sai lầm của mình chút nào cả. Và vì thế, anh lẳng lặng vào nhà, đi ra sân sau kiếm mấy thanh gỗ, vài sợi dây kẽm. Rồi anh bắt đầu đóng mấy cây gỗ chung quanh, đầu gỗ hướng vào thân cọc chính. Xong xuôi đâu đó, anh cột tất cả cẩn thận lại. Bây giờ cái bàn thờ trông giống như chùa Một Cột ở phần trên, trong khi phần dưới với mấy thanh gỗ không đều nhau chống ở dưới lại có hình thù như cái trụ cột cờ. Đến khi anh phủi tay khoan khái đứng chống nạnh hút thuốc ngó mông lung thì bỗng anh nghe tiếng chị Thạnh, nãy giờ không biết đứng ở đâu:

‘Gió thổi quá phải không ông? Giá mình làm phía đàng sau có lẽ chắc chắn hơn ông hả?'

‘Đâu phải,' anh Thạnh chối ngay. ‘Tại mưa đó chớ. Cái giống mưa gì cả ngày cả đêm, làm mềm đất hết trơn hết trọi. Bàn thờ này có đổ cũng vì mưa!'

‘Không phải đâu ông ơi! Mưa cả ngày thiệt nhưng mưa lâm râm, hột nhỏ xíu như hột cỏ. Có rớt xuống đất cả ngày chưa chắc thấm sâu hơn lóng tay!'

Anh Thạnh biết mình đuối lý nên không nói gì cả. Làm sao anh tính được luật trời đất chi phối chuyện mưa nắng khi mới ở đây có hơn một năm? Họa chăng phải vài năm nữa mới biết rõ phong thổ được. Mà sao thời tiết ở đây khó tánh quá. Lúc mưa lúc nắng. Cơn gió ở đâu thổi tới sao mạnh quá, chắc ở ngoài biển động mạnh hay sao mà nhiều hôm cứ như là bão. Cũng có thể vì đất Hòa Lan bằng phẳng quá. Bà Hòa Lan hàng xóm đã chẳng có lần nói cứ đứng trên một cái ghế cao là có thể nhìn thấy khắp Hòa Lan. Đất bằng, thiếu núi làm bình phong nên gió mới dữ vậy.

***

Chỉ có mấy đứa con anh Thạnh là khoái gió. Buổi chiều đi học về, mấy anh em rủ nhau ra miếng đất trống trước nhà thả diều. Bãi cỏ rộng mênh mông, không có cây cối gì cả. Chúng có thể tha hồ thả diều nếu không đi xa quá tới mảnh đất bên kia đường, nơi có những hàng cây lớn và những cột điện. Nếu bị vướng chắc sẽ phải mất con diều ngay bởi vì dây diều được làm bằng sợi chỉ trong cuốn chỉ má tụi nó cho. Cuốn chỉ đó dùng để may đồ thường trong nhà nên yếu lắm. Mấy đứa con trai chỉ cần đưa sợi chỉ lên miệng nghiến mấy cái là đứt. Ngay cả con diều cũng mong manh, nhưng trông đẹp và ngộ nghĩnh. Chính tay anh Thạnh đã làm cho hai đứa con trai hai con diều đó. Chẳng biết anh kiếm hay mua ở đâu được hai khúc tre khá lớn. Anh chẻ ra, chuốt thành những cây nan nhỏ. Rồi cũng chính anh ra tiệm sách gần đó mua mấy tờ giấy bóng kiếng và keo hồ về phất. Trong lúc anh loay hoay bắt vòng cung thân con diều giấy thì mấy đứa con tò mò bu quanh ba chúng nó. Hứng chí vì sự thích thú của mấy đứa con, cũng có thể vì những kỷ niệm êm đềm thuở nhỏ trổi dậy, vừa làm anh Thạnh vừa kể lại cảnh thi diều ở Việt Nam, ở miền quê anh ở. Sao mà hồi đó vui thế.

‘Tụi bây biết không, hồi đó những cuộc thi thả diều được tổ chức lớn lắm nghe không. Dân tứ xứ tới thi, đông tấp nập chứ không phải lèo tèo mấy đứa như tụi bây trước sân nhà đâu nghen. Con diều nào diều nấy to như cái mẹt bự để sàng gạo vậy đó. Đủ màu đẹp lắm. Lúc gió lộng lên, diều bay cao vút, rợp trời. Thi cả mấy ngày luôn…'

‘Thi gì mà lâu dữ vậy ba? Rồi ăn ngủ ở đâu cho đủ?', đứa con thứ hai thắc mắc.

‘Có gì đâu. Họ cột đại diều vô mấy cái cây lớn nào đó rồi về nhà ngủ. Chớ ngủ ở đâu, gió thấy mồ. Ở ngoài đồng lạnh lắm. Mà tới mùa diều người dân vui lắm. Tiệc tùng tùm lum.'

‘Vậy chứ thắng được gì? Mà làm sao mới thắng, ba?'

‘Bộ con tưởng muốn thắng dễ lắm hay sao! Có ban giám khảo đàng hoàng. Diều phải đẹp, bay cao mà không chao lượn ngả nghiêng. Ngoài ra, tiếng sáo diều phải kêu cho hay, cho ngọt…'

Lại một lần nữa thằng con thứ hai thắc mắc, tính nó vẫn luôn tò mò:

‘Tiếng sáo diều nghĩa là làm sao? Ba nói gì nghe lạ hoắc!'

‘Tiếng sáo diều là tiếng sáo diều chớ làm sao nữa, mày không biết nó là cái gì à? Thằng này mới đi có một năm mà quên đủ thứ hết. Sáo diều là cái ống tre nhỏ xíu kẹp vô cái xương sống của con diều, chỗ này đây nè. Ở đầu ống tre đó có gắn một cái lưỡi gà. Hễ có gió vô là nó kêu, giống như khi mình thổi sáo vậy đó mà. Bởi vậy người ta mới kêu đó là tiếng sáo diều. Tại ba kiếm hoài không ra miếng tre nào nhỏ đủ chớ không tao cũng làm cho tụi bây mỗi đứa một cái rồi…'

Đến lúc làm xong, anh Thạnh còn cẩn thận chấm cho mỗi con diều hai cái chấm bằng hũ sơn hôm trước anh mua để sơn lại cái chuồng gà. Anh gọi đó là ‘điểm nhãn', hai chữ mà anh nhớ loáng thoáng trong một tuồng cải lương đã coi lâu lắm rồi. “Ba làm hai cái chấm xấu hoắc!”. Hai đứa con than, khi thấy lớp giấy kiếng chung quanh hai cái chấm co rút lại. “Tụi bây không biết gì cả! Hai cái chấm đó chính là đôi mắt của con diều. Nhờ có nó mà con diều mới có thần, chớ không là diều đui, tụi bây biết không?!”

Hôm đó anh dẫn tụi nhỏ ra sân cỏ, chỉ cho tụi nó cách giựt dây cho con diều bốc lên nhanh. Tụi nó học lẹ lắm nên chỉ sau một lúc chỉ bảo là hai con diều đã bay lơ lửng trên không đằm thắm. Chỉ thỉnh thoảng lắm mới chao lượn vài cái nhưng lại lấy thăng bằng ngay. Thọc tay vào túi quần, anh Thạnh đứng ngó bao quát chung quanh, dãy nhà tiền chế nằm đâu quanh hướng mặt về cái sân cỏ. Anh đảo mắt ngó về phía nhà mình. Mảnh sân trước đã xanh đầy cỏ. Hai cây hướng dương bắt đầu trổ nụ, đứng chầu hai bên cái bàn thiên. Đến bây giờ anh Thạnh mới thấy thương cái bàn thờ ấy. Có đứng ở đây mà ngó mới thấy sao nó nhỏ thế, lại càng trơ trọi hơn với một không gian rộng lớn bao quanh. Mặc dầu gia đình anh vẫn cúng thường xuyên, lúc nào cũng có trái cây trên bàn thờ, mùa nào trái nấy. Như bây giờ là mùa trái anh đào, trên bàn đầy rẫy những chùm trái màu tím nhạt. Nhưng trông cái bàn thờ vẫn thấy lạnh lẽo làm sao ấy. Tự dưng anh Thạnh thấy bùi ngùi trong lòng. “Ở đây xa quê hương quá, không biết hương hồn ông bà có biết đường mà đến không?” Một cảm giác bâng khuâng là lạ xâm chiếm hồn anh, làm lòng anh bỗng dưng chùng hẳn xuống. Quên bẵng mấy đứa con đang bận rộn với hai con diều còn mới tinh, anh lững thững đi về phía nhà, đến trước bàn thờ. Anh moi túi lấy hộp quẹt, cả mấy cây nhang để dưới đít bàn thờ. Anh cẩn thận thắp nhang, vái vái mấy cái rồi mới cắm lên bát hương. Những cọng khói nhỏ mới bốc lên đã bị gió đánh bạt đi. Tuy nhiên anh vẫn thoáng ngửi được mùi nhang quen thuộc thơm hăng hắc. Làm xong cái cử chỉ ấy, anh thấy lòng bớt đi cái cảm giác nặng nề như phạm một lỗi gì đó. Vừa mở cửa để vào nhà, anh vừa tự an ủi: “Chắc hương hồn ông bà bây giờ đỡ lạnh lẽo?”

***

Càng vào mùa hè gió lại càng thổi mạnh. Tuy vậy, trời vẫn ấm. Mấy người Hòa Lan đã cất vô tủ những chiếc áo khoác nặng chình chịch từ lâu và bắt đầu mặc những chiếc áo ngắn tay, để lộ làn da trắng nhởn. Mấy đứa con của anh Thạnh đã được nghỉ hè, chúng có vẻ mừng lắm. Cả ngày chúng chạy chơi ngoài sân cỏ hay đến nhà bạn chơi đến chiều tối mới trở về nhà, mặc kệ lời anh khuyên tụi nó lo học thêm tiếng Việt. Dạo này anh mới nhận thấy chúng bắt đầu quên tiếng Việt rồi. Cái vốn liếng tiếng mẹ đẻ mang theo bắt đầu cạn dần dần, thu hẹp lại. Chúng quên từ từ, chậm rãi nhưng chắc chắn như một làn gió thổi tung những cánh diều chao lượn trên không bay về phía trước.

Về phần mấy đứa trẻ, chúng chẳng thấy có chuyện gì quan trọng hơn là xài cho xứng đáng những ngày hè trước mặt. Chúng phây phây ăn ngủ, đá banh và vẫn siêng thả diều như thường lệ. Bây giờ mấy đứa con anh Thạnh có thêm những tên bạn mới cùng chơi. Mấy đứa bé Hòa Lan ở cạnh nhà và mấy đứa bạn trong lớp. Con diều của bọn này không do chính tay bố mẹ chúng làm nhưng được mua ở tiệm bán đồ chơi ở thành phố lân cận. Những cánh diều làm bằng ny-lông chắc chắn, không sợ ướt nếu trời mưa. Cũng vì mấy con diều làm sẵn này mà bọn nhóc đã nằn nì xin tiền anh Thạnh để mua những con diều mới. Chúng chê con diều anh Thạnh làm mà bây giờ đã cũ kỹ và nhăn nhúm. Nhưng đời nào anh Thạnh lại chịu. Không phải anh tiếc tiền nhưng anh thấy tự ái bị va chạm! Con diều đặc biệt thế kia – dưới con mắt nhận xét của anh. Anh chỉ chịu thay sợi chỉ bằng sợi cước chịu được nhiều gió hơn. Bởi vậy, trên nền trời đôi con diều của anh làm vẫn chao lượn, bay phất phới tự do. Thật sự, đôi diều này còn bay cao hơn cả mấy con diều của bọn Hòa Lan bạn con anh. Chúng nhẹ hơn lại rộng bề mặt, do đó đón gió được nhiều hơn. Chẳng hạn như hôm nay ở ngoài sân cỏ, đôi diều do anh Thanh làm bay tít tắp mãi trên cao, trỗi vượt qua những con diều làm sẵn bay lè tè phía bên dưới. Mấy đứa con anh Thạnh chẳng buồn cầm sợi cước trên tay. Chúng cột sợi dây vào ngón chân cái rồi nằm khoèo dài dưới đất. Mấy đứa con nít Hòa Lan tóc vàng cũng bắt chước nằm cạnh đó, mắt nghếch lên ngó bầu trời xanh bao la trước mắt.

‘Diều của tao lúc nào cũng bay cao hơn diều của tụi mày,' đứa con trai lớn của anh Thạnh nói với tên bạn mắt xanh đang nằm bên cạnh. Giọng phát âm của nó là giọng Hòa Lan chính cống, không có lơ lớ chút âm Việt trộn lẫn như thường nghe ở những người lớn.

‘Ừ con diều của tụi mày bay cao lắm. Nhưng mà chẳng đẹp chút nào,' tên nhóc Hòa Lan thành thật nói. Con mắt xanh như hai hòn bi ve của nó mở lớn, nhìn lên những con diều giờ no gió bay phất phới trên cao.

‘Ba tao bảo diều của tụi mày đẹp nhưng không có sự sống,' thằng bé con anh Thạnh chống chế. ‘Tất cả tụi nó đều mù cả!'

‘Tại sao? Mày nói gì nghe lạ quá.'

‘Tại tụi nó không có mắt như diều của tụi tao. Mày không thấy đôi con mắt ở thân diều tụi tao à?'

Thằng bé Hòa Lan không trả lời. Có lẽ chưa bao giờ nó được nghe một câu chuyện tức cười như vậy. Diều mà cũng có sự sống! Nhưng nó không nói ra điều nó nghĩ, sợ làm tên bạn tóc đen của nó buồn. Nó đánh trống lảng: ‘Hôm nay gió quá mày hả, mày có sợ mất diều không? Dây diều mày yếu lắm. Hay kéo xuống đi mày nhé. Để bay cao quá gió thổi đứt dây đấy.'

‘Ừ kéo xuống thôi. Không ấy gió lại thổi mất tiêu bây giờ.'

Nó quay lại phía tên em đang nằm khoèo cạnh đấy, lập lại câu nói bằng tiếng Hòa Lan. Cái tên Việt Nam được đọc bằng giọng Hòa Lan nghe lơ lớ, xa lạ:

‘Hinh! Mày lo kéo diều của mày xuống đi. Gió thổi dữ lắm.'

Hai đứa cởi sợi dây cột diều ở ngón chân cái ra rồi quấn từ từ vòng quanh cái lon cô-ca để lăn lóc gần đấy.

Gió càng lúc càng thổi mạnh. Trời bắt đầu kéo những cuộn mây lớn. Những đám mây chẳng biết đến từ phương nào nhưng bắt đầu phủ nhanh như chớp đầy bầu trời nãy giờ chỉ độc nhất một màu xanh ngắt. Mấy đứa Hòa Lan đã kéo xong xuôi con diều xuống đất, vẫy chào vội vã hai đứa bạn tóc đen. Chúng leo lên mấy chiếc xe đạp đua để nằm cạnh đó, phóng nhanh về nhà. Mấy con diều cột đằng sau yên xe bay phất phới. Trong khi đó mấy đứa con anh Thạnh vẫn còn loay hoay với hai con diều đang còn bay trên không. Chúng không dám kéo mạnh sợi dây. Tảng mây đen dầy kịt phía trên tạo cảm giác như hai con diều sắp bị một bầy ma quái nuốt chửng vào đám mây to lớn. Hai đứa con anh Thạnh lo lắng nhìn đôi cánh diều chao lượn lồng lộn, ngã nghieng như cố vùng vẫy thoát khỏi những cánh tay vô hình đang cố níu chúng vào cơn nguy khống. Từ phía nhà, đừng nép sau cánh cửa ra vô, anh Thạnh hét toáng lên với lũ con:

‘Thằng Hai, thằng Ba! Tụi bây có chịu chạy lẹ vô nhà không? Trơi sắp đổ cơn mưa lớn lắm đó nghe.'

Như để xác quyết cho dự đoán của anh, bầu trời bỗng nháng lên một tia chớp. Môt làn ánh sáng ngoằn ngoèo xuyên thật nhanh qua những đám mây, làm sáng cả một vùng trời. Tiếng sấm tiếp liền theo, vang to gấp mấy lần tiếng nổ của một viên pháo đại. Mấy đứa con nít giật mình, hoảng hồn buông tay thả sợi dây diều ra. Trận níu kéo giữa hai đứa con anh Thạnh và đám mây đen đầy những hình thù kỳ dị giờ đã phân rõ thắng bại. Hai con diều bay vút hẳn lên cao, trôi vào trong đám mây đen giờ làm chủ bầy trời. Tiếc rẻ, chúng đứng ngẩn ra ngó một chập thì tiếng kêu thúc giục của anh Thạnh lại vang lên:

‘Thôi bỏ đi tụi con. Đi vô nhà ngay đi!' Thấy tụi nó vẫn dõi mắt theo như còn tiếc rẻ, anh lại hét to hơn nữa: ‘Mai mốt ba mua cho con diều mới. Đi vô nhà ngay đi! Mai lại bịnh bây giờ!'

Đến lúc đó tụi nó mới chịu ù chạy về phía nhà. Gió thổi thốc như muốn nhấc bổng đôi chân tụi nó lên. Anh Thạnh vẫn đứng ở ngạch cửa chờ mấy đứa con. Gió thổi vù vù mạnh đến nỗi anh phải dùng hết sức và cả thân mình đè lên trên cánh cửa ra vào.

Đúng vào cái lúc mà những đứa con bước vô căn nhà thì anh chợt nghe tiếng răng rắc phát ra từ cái bàn thờ trời nhưng “cũng là bàn thờ tổ tiên”. Trong một giây phút ngắn ngủi như một cái chớp mắt, anh Thạnh có thể tiên đoán được điều gì đang xảy ra. Anh chưa kịp kêu lên một tiếng “trời ơi!” quen thuộc thì cả cái bàn thờ đã đổ úp xuống, đè hẳn lên cả mấy cây hướng dương. Trên bãi cỏ vương vãi mấy trái táo và những chùm anh đào tim tím. Những giọt mưa đầu tiên bắt đầu rơi lộp bộp trên hàng gạch lót làm lối đi.

 

Nguyễn Thanh Hùng

 


Cái Đình - 2009 .