Thanh Tâm


Một ngày với ông bà chủ trại ong người Việt ở Hòa Lan

 

Đã lâu tôi không có dịp tâm tình với Nguyễn Thanh Hùng, người đã có một thời cùng nhau góp mặt trong sinh hoạt văn thơ ở Hòa Lan, vì vậy khi nghe tin Hùng sẽ mở cửa ‘xưởng xay mật' ở Rijswijk cho bà con xem cuối tuần 21-22 tháng 7, tôi đã tự hứa lần này bằng giá nào cũng sẽ đến. Để dành một bất ngờ cho người bạn, và cũng do tò mò muốn xem nghề nuôi ong mật ra sao.

Chủ nhật ở Rijswijk thật khác với một Rijswijk trong tuần, thành phố với đường xá hẹp té, từ sáng đến chiều chật chội, chen chúc xe cộ của các viên chức chính quyền. Chủ nhật Rijswijk mùa hè dường như cũng khác. Trời nắng tốt, người nào không đi xa nghỉ thì chắc cũng ngồi hay nằm phơi nắng nơi hè sau hay ngoài bãi biển. Khu công viên Wilhemina, nơi chúng tôi đang rẽ xe vào, vắng ngắt. Lác đác vài người đang chạy bộ phía xa.

Chính vì vậy tôi phải mất khá lâu mới tìm ra căn chòi ‘Blokhut' theo như chỉ dẫn, mặc dù khi tới rồi thì tự rủa mình ngu, bởi trong một khoảnh rừng thưa rộng lớn chỉ có duy nhất ‘căn chòi gỗ' này.

Sáng chủ nhật, mặt trời đã lên, nhưng với dân chúng, giờ này vẫn còn là giờ ngủ nướng. Tôi hân hạnh là người khách đầu tiên. Trong căn nhà gỗ Hùng đang lúi húi với đống đồ nghề. Những thùng, những chậu, chai lọ, dây nhợ… la liệt dưới đất. Thế là tưởng thong thả nói chuyện, ai dè lại phải xắn tay áo nhào vào phụ bạn. Vừa phụ vừa hỏi chuyện vậy. Còn Hùng, qua khỏi thoáng ngạc nhiên, rất vui khi thấy có người đến sớm chiếu cố, mà lại là người quen đã lâu không gặp.

Khi chúng tôi tạm xong, vừa nghỉ uống ly cà phê pha vội, thì vài người khách nữa cũng đã tìm tới nhập bọn. Chưa nóng đít, Hùng đã giục mọi người: “Ta đi thôi không muộn mất.” Anh vừa nói vừa chất đồ lên chiếc xe bồ ệt để trước cửa nhà và nhanh nhẹn đi theo con đường mòn cỏ còn ướt sương, dẫn vô sâu trong rừng. Đám khách hiếu kỳ nối đuôi nhau theo gót ‘ông chủ'. Hai bên lề đường những bụi cây ‘vuốt gấu (berenklauw) trên đầu chĩu nặng những chùm hoa màu trắng bạc đâm ra tua tủa. Thứ cây này đi ngang lỡ để dính vào người là da nổi phỏng, sinh ghẻ cả mấy tuần. Mấy bà mẹ lo sợ kéo lũ nhỏ vào sát bên mình. Chung quanh vo ve tiếng ong. Lũ ong mật bụng màu vàng bay lởn vởn như muốn báo động cho đồng loại biết sắp có giặc đến ‘xâm lăng cướp của'. Càng vô sâu ong càng bay dữ. “Đừng sợ! Đừng sợ! Nếu không chạy, hay không chọc nó giận thì tụi nó không làm gì đâu.” Hùng luôn miệng nhắc mọi người. Đúng là bẫy giăng tứ phía, ong trên đầu, cây độc ngang tẩm tay. “Sao không dẹp cái đám cây này đi ông,” tôi hỏi. “Rừng um tùm như vầy làm sao dọn kịp,” một bà Hòa Lan lanh miệng trả lời. Hùng chỉ cười không nói, tiếp tục đấy chiếc xe trên chất những mớ đồ nghề và một cái mạng che mặt. Mãi về sau, nghe giải thích mới biết là cả bọn chúng tôi đều lầm hết. Cây ‘vuốt gấu' là một nguồn thực phẩm chính của lũ ong trong mùa này. Nói chung, cây nào có phấn, có hoa cũng đều là thực phẩm hết.

Chúng tôi đã ra đến dãy tổ ong, nằm khuất dưới một khoảnh rừng rậm, tối ẩm. Tiếng vo ve càng nhiều, dường như lũ ong đang cảnh báo. Hùng bắt đầu giải thích cách lấy những thùng ong. Ở những ổ ong sắp dỡ, mấy ngày trước anh đã gài đồ nghề để dụ bầy ong chui xuống tầng dưới cùng, để được gần con ong chúa đã được thả vô sẵn. Bây giờ những hộc ong ở trên chỉ còn tổ và mật mà thôi. “Mỗi con ong chúa đều có tên hết,” Hùng nói. “Hôm nay mình lấy mật ở ổ ong Jacobina. Jacobina là tên bà hàng xóm của mình.” Vẫn tiếu lâm như ngày nào. Vừa nói vừa làm, mọi động tác đều nhanh và gọn. Những thùng mật được rỡ ra, chất lên xe. Những con ong cũng ngoan ngoãn, không chích, hoặc là chúng ngu tới mức không biết người ta vừa cướp mất nguyên kho lương thực của mình.

Chiếc xe đã nặng chĩu bốn thùng ong, ì ạch trở về căn nhà gỗ. Vài chú ong tiếc của bay theo nhưng cả bọn đã chui vào nhà, đóng kín cửa. Hùng cẩn trọng lùa mấy con ong còn sót trong hộc vô trong ve keo, mang thả ra ngoài. “Ong nó cũng khôn lắm nghe. Nếu không chọc nó thì không bao giờ nó chích. Hình như nó cũng biết rằng nếu chích rồi là sẽ chết, vì cả túi nọc và kim mắc lại trong da...”

Rồi những hộc mật được mở ra, trong hộc một hàng vỉ nặng chĩu treo sắp lớp. Hùng lấy một vỉ tàng ong ra, chỉ cho chúng tôi xem cấu trúc. Những tổ ong hình lục giác đều đặn kết đầy trong khung gỗ, đầy ngập mật nhỏ giọt nhễu nhão. Một số lỗ đã được ong ‘vít nắp' bằng một lớp sáp. Đây là những ngăn tổ đã đầy mật và đủ hàm lượng đường. Chúng tôi phải dùng những cây cào nhỏ cạy những nắp sáp này ra để có thể ‘xay'. Công việc đòi hỏi sự chăm chú tỉ mỉ, may thay được mấy người khách giúp một tay. Xong phần này là đến mục ‘xay mật'. Những vỉ tàng ong được sắp vô máy quay ly tâm, một thứ thùng sắt có cấu trúc gần giống chiếc máy ly tâm vắt khô quần áo. Sau một chỉ dẫn ngắn, tôi bắt tay làm thử. Máy chạy ro ro, lắc lư trên sàn gỗ. Hùng kể rằng khi xưa, người ta quay tay, nhưng nay thì đã có động cơ quay được hai chiều. Mắt nhìn theo những tia mật bắn tóe ra, chảy xuống như một lớp kẹo mạch nha vàng quánh, mũi ngửi mùi mật thơm bốc lên. Mật được hứng vô trong xô nhựa. Những em nhỏ có bổn phận làm nhãn chai. Có em vẽ thêm những hình tô điểm cho nhãn.

Bé Chi Mai cũng lăng xăng phụ bố mẹ, chiết mật từ xô vô chai, cắt nhãn và dán ngay ngắn. Những chiếc lọ có nắp vàng màu mật và vẽ hình ổ ong. Nhìn em phết keo và cặm cụi dán, tôi hỏi sao thời buổi hiện đại này lại không chịu dùng những tấm sticker có sẵn keo dính. Hùng nói: “Mình muốn làm như hồi xưa, người ta dán nhãn bằng sữa.” Không chờ tôi hỏi, anh giải thích thêm: “Sữa rất là kỳ diệu, trong đó có chất protein rất dính, mà lợi điểm là khi dùng xong, ngâm vào nước là nhãn tróc ra liền.” Quả là một điều bổ ích, tôi liên tưởng đến ngày xưa có những bà, những cô gái Hòa Lan vừa ngồi dán nhãn lọ mật, lọ mứt, vừa thỉnh thoảng uống ‘một hớp keo' mà tức cười. Hùng cho biết ngoài những lọ này, anh còn một số lọ ‘Weck' (keo thủy tinh dày, thấp, rộng miệng và có nắp thủy tinh, đóng bằng niền sắt – chú thích của Ban Biên tập) để dành riêng cho những người ‘sành điệu' và khách quí. Một số khách kén những thứ mật ngon. Hùng cho những người khách đến thăm nếm vài thứ mật, trong đó có thứ mật lấy từ hoa lê táo, vị thanh không gắt, thơm đặc biệt. Nhưng hiện giờ không phải mùa hoa này. Lũ ong chỉ có cây vuốt gấu làm thực phẩm chính. Hùng cho biết mùa xuân năm nay mưa nhiều, cây ít hoa, mật không được ngon như năm rồi, và loãng. “Tháng 9 hy vọng làm một đợt nữa, xong phải cho ong nghỉ. Lúc đó hết hoa, phải mua đường cho ong ‘ăn' qua mùa đông. Mấy trăm ký đường chứ không phải chuyện đùa.” Lũ ong thật tội nghiệp, hùng hục làm rồi cuối cùng chỉ được ăn đồ dở, thứ ngon con người lấy hết. “Nhưng đó là cái số của tụi nó,” một người nói đùa. Chỉ thùng sáp ong nằm trong một góc, Hùng bảo là sẽ cố học thêm nghề làm đèn cầy sáp ong, đây cũng là một nghề thủ công đòi hỏi rất nhiều sự khéo tay. “Nhưng chắc chắn là sẽ hãnh diện nếu mình có thể theo dấu những người xưa, để cảm và để hiểu họ, hiểu xã hội Hòa Lan thì không gì bằng làm những chuyện như thế này,” Hùng tâm sự.

Được hỏi vì sao lại theo nghề ong, Hùng cho biết có lần đưa con tới trường học, anh thấy ông hiệu trưởng đang thực hành nghề ong là nghề ở Việt Nam anh rất thích. Từ đó, hỏi lần ra anh mới biết được chỗ dạy nghề này. Anh cho biết nuôi ong là một nghề cổ truyền, mặc dù được khuyến khích nhưng chẳng ai ham cái nghề vừa cực vừa ít huê lợi này. “Trong lịch sử 150 năm của trường dạy nuôi ong chưa bao giờ có người ngoại quốc theo học. Tới chừng thấy mình ghi tên học thì họ lại tưởng là người Nhật…” Hùng hãnh diện kể. Xong chương trình học hai năm, và thực tập ở một phường nuôi ong (gilde) ròng rã một mùa – bỏ cả mùa hè vì đây là mùa bận rộn nhất trong nghề ong, có lẽ vì vậy không mấy người thích – nay Hùng đã trở thành một ‘senior' có giấy chứng nhận hẳn hoi. “Chắc người Việt ở ngoại quốc chẳng có ai như anh chàng này,” tôi nói thầm với người bạn. Hùng kể tiếp: Rất may, gặp dịp ông già nuôi ong trong khu công viên Wilhemina ở Rijswijk đến tuổi hưu, hai vợ chồng đã xin được kế nghiệp, sau đó lại được ông quản gia tận tình giúp đỡ. Từ bước khởi đầu với hai ba tổ ong nay lên đến hơn một chục. Mùa hè lấy mật, mùa thu tu bổ dãy tổ ong, mùa xuân mang ong đi thụ phấn hoa cho những nhà vườn trái cây quanh vùng. Những chuyện này đòi hỏi nhiều công sức mà huê lợi không có bao nhiêu, chưa kể bị ong chích dài dài. Nhưng việc làm của Hùng có mục đích khác. Anh và vợ muốn dùng công sức này để góp phần vào việc hoàn tất một vườn thuốc nam ở Tân Hiệp (Kiên Giang). Vườn thuốc này cung cấp thuốc cho một bệnh xá ở gần đó, do một linh mục cai quản, với sự góp sức vô vụ lợi của những tôn giáo khác trong vùng. Hùng nói đang lo làm sao có được 3000 euro, vì hội Ngỗng Trời (Wilde Ganzen) đã hứa nếu có đủ sẽ tặng thêm gần hai ngàn nữa, theo như kế hoạch đề ra (1). Hùng cho biết một mùa xay mật chẳng được bao nhiêu. Kỳ tháng bảy này anh hy vọng sẽ được khoảng trăm ký. Một trăm ký, hơn hai trăm lọ mật, mỗi lọ gần nửa kí lô thu về được ba euro, điệu này chắc 2 năm cật lực mới xong (tin giờ chót Hùng cho biết tổng kết lại được có hơn nửa số đã dự đoán, nhưng ‘rất vui, vì có bạn bè đến thăm'). Chị Nga kể lại những ngày đầu tiên vất vả. Vật liệu chưa có đủ, kinh nghiệm thiếu, hai vợ chồng đầu tắt mặt tối, không biết ngày nghỉ, không có gì giải trí ngoài mấy con ong và mấy cái chai.

Chúng tôi nghỉ tay, bữa ăn nhẹ – nhưng ‘ê hề' theo như thói quen của người Việt – do chị mang tới từ sáng đã bầy ra. Mọi người quây quần bên những chiếc băng ghế kê ngoài vườn trước căn nhà gỗ, bên cạnh bụi cây gai (vuilboom) đầy hoa li ti. Buổi trưa nắng đẹp, hoa nở, nhưng không có bướm, chỉ có lũ ong vo ve. Không gian thơm thoang thoảng mùi nhựa và mùi hoa đang nở. Bây giờ chúng tôi mới có dịp thong thả ôn lại chuyện cũ, nhắc đến những người bạn ai còn ai mất, và những công việc hiện tại, dự tính tương lai. Hùng cho biết tuy bận rộn với việc nuôi ong lấy mật, nhưng anh vẫn cố dành chút thời giờ để dịch những cuốn sách thiếu nhi nổi tiếng ở Hòa Lan ra tiếng Việt. “Càng đi sâu vào thế giới sách thiếu nhi, mình càng thấy cảm phục người Hòa Lan, những sách truyện viết cho thiếu nhi của họ rất giản dị nhưng rất súc tích.” Anh nêu ví dụ bộ sách Nijntje (Cô Thỏ) của Dick Bruna, và bộ ‘Jip en Janneke' của Annie M.G. Schmidt, mà anh đang dịch. “Mình đang ngồi trên một kho tàng văn hóa nổi tiếng thế giới mà không biết”. Câu nói này của Hùng, một chủ trại ong người Việt ‘kỳ dị' đã ám ảnh tôi trên suốt quãng đường về, sau khi từ biệt Hùng và hẹn có lẽ sẽ ghé một lần nữa vào dịp xay mật ong lần cuối trong năm vào cuối tháng 9. Nhưng Hùng lộ vẻ bi quan. Anh cho biết mùa xuân năm nay trời chuyển nóng sớm, giờ này hoa đã tàn hết, và mùa hè năm nay trời lại lạnh hơn mọi năm, lá không tạo ra mật để cho ong ăn, làm thành thứ mật đặc biệt cuối năm, gọi là ‘mật lá'. “Nếu cứ cái điệu này thì chắc tháng tới mình lại phải bắt đầu nấu nước đường cho ong có mật dự trữ để sống qua mùa đông.”

 

Thanh Tâm
(08/2007)

_____

(1) Projectnr: 2007.0383 - Kruidentuin,Vietnam của Wilden Ganzen.

 


Cái Đình - 2007