Nguyễn Thanh Hùng


Bộ bà ba giấy

 

Ông bà ta hát ca dao, có câu ‘Tháng Giêng là tháng ăn chơi'. Tháng Giêng ở xứ Hà Lan này cũng thế.

Trong cái lạnh giữa đông, khi những xác pháo đỏ mừng Năm Mới 2009 bắt đầu nhạt nhòe rồi biến mất trên đường phố, thì cũng là lúc bắt đầu Liên hoan điện ảnh quốc tế ở Rotterdam (IFFR). Vào năm Con Trâu này, IFFR bắt đầu từ thứ tư 21 rồi kéo dài cho đến hết thứ bảy 31 tháng Giêng. Hàng trăm cuốn phim dài ngắn với đủ mọi thể tài khác biệt, cực kỳ đa dạng trong kỹ thuật tạo dựng, thi nhau đến từ khắp mọi nơi trên thế giới. Tất cả được trình chiếu công cộng cho bất kỳ ai muốn xem. Người bạn đồng nghiệp của tôi chẳng hạn, là một khách quen của Liên hoan phim. Anh tham dự nhiều ngày, trung bình mỗi ngày xem 6 xuất phim. Đó là một trong con số nửa triệu khách tham dự, chưa kể tập đoàn các nhà sản xuất phim, đạo diễn, người soạn chương trình và ký giả v.v. Ta có thể so sánh IFFR như một cuộc thụ phấn khổng lồ, những rạp chiếu như những cành hoa vĩ đại với hơn nửa triệu ong bướm đậu lên trên.

Trong tổng số lượng phim kếch xù được trình chiếu, có một cuốn phim đến từ VN với tựa đề khá nên thơ ‘Trăng nơi đáy giếng'. Ngoài việc giới thiệu phim, đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn còn được mời tham dự dàn dựng một căn phòng triển lãm ở Viện bảo tàng Nhiếp ảnh nằm trên đường Witte de With, thành phố Rotterdam . Lý do anh được mời có nguồn gốc từ một cảnh quay gần cuối cuốn phim. Nhân vật nữ chính, tuyệt vọng vì những nghịch cảnh trong hôn nhân, đã tìm đến khẩn cầu một bà đồng ở điện Hòn Chén, cố đô Huế. Bà đồng làm mai cho cô với một ông tướng ở thế giới bên kia. Đoạn phim ghi lại cuộc môi giới giữa hai cõi âm dương cách biệt một cách thật tự nhiên. Xuyên qua những pha diễn (filmshots) được quay rất đẹp, cuốn phim đã hé mở cho người xem về một thế giới bên kia, vượt ra ngoài thể loại phim kinh dị, ma quái thông thường.

---0---

Góc Việt Nam trong triển lãm ‘Haunted House’, Rotterdam 01/2009. Photo: Felix Kalkman

 

Vào tối thứ sáu 23 tháng Giêng, ngày trình chiếu ‘Trăng nơi đáy giếng' đầu tiên, chúng tôi đi chung với đạo diễn đến thăm căn phòng triển lãm của anh, ‘The meeting room for life and after-life'. Anh Sơn kể rằng, để trình bày căn phòng này, anh đã quay về Huế, thành phố mà anh đã dàn dựng cuốn phim của mình. Thành nội Huế, kinh đô cuối cùng của triều đại phong kiến, nơi có những di tích sử lâu đời và những tập tục cổ truyền còn được bảo lưu. Anh muốn tái lập lại bàn thờ mà anh đã dựng trong đoạn cuối cuốn phim. Anh sưu tầm tất cả những vật phẩm và đồ tế nhuyễn, hỏi thăm các vị am tường tập tục, ghi chép kỹ những chi tiết. Anh còn tìm mua thật đầy đủ các loại hương liệu nhang đèn, các đồ hàng mã bằng giấy. Với một đầu video và truyền hình, anh giới thiệu cho khách đến xem nhìn thấy màu sắc, nghe được âm thanh, cảm nhận được không khí các cuộc lễ bái, đón rước, lên đồng. Ta có thể nói, căn phòng triển lãm của anh thật sự đầy đủ tất cả các thứ cần thiết để cử hành một cuộc tế lễ, để người sống và người chết được gặp gỡ nhau.

Anh Sơn cũng kể thêm là vào tuần sau đó, anh đã hẹn về ăn Tết với gia đình ở Việt Nam . Như thế, anh sẽ không ở lại tham dự Liên hoan phim và trông coi căn phòng triển lãm cho tới ngày cuối. Anh cho biết thêm, khi IFFR chấm dứt, có lẽ ban tổ chức sẽ vất tất cả các vật dụng trưng bày vào thùng rác. Đó thật là một sự lãng phí. Chúng tôi liền đề nghị với anh Sơn và ban tổ chức cho phép được giữ lại các món đồ được triển lãm, còn hứa sẽ đến dọn dẹp căn phòng sau khi Liên hoan phim chấm dứt. Đề nghị này được chấp thuận dễ dàng. Ban tổ chức còn vui mừng vì tiết kiệm được món tiền mướn nhân công làm vệ sinh.

Đây cũng là cơ hội cho phép chúng tôi biết thêm những sự vụ đằng sau sân khấu, phần chìm bên trong một Liên hoan điện ảnh lớn. Các dàn xếp đã diễn ra rất hiệu quả, nhanh gọn: đạo diễn xác nhận quyền sử dụng hiện vật trưng bày với nhà sản xuất phim ở Việt Nam, ban tổ chức triển lãm gửi email xác nhận, thông báo với người quản gia viện Bảo tàng Nhiếp ảnh về ‘một phái đoàn người Việt Nam' sẽ đến dọn dẹp vào sáng chủ nhật mồng 1 tháng Hai, anh này thông báo ngày giờ và tiết lộ luôn vấn đề đậu xe gay go trước viện Nhiếp ảnh, và sau rốt một anh ký giả nhảy vào cuộc, tự giới thiệu sẽ viết một tin ngắn về hoạt động này bằng hai thứ tiếng HL và Anh ngữ trên tờ tin hàng ngày của IFFR (The Tiger-daily). Mọi người nói về một cố gắng giữ gìn, bảo tồn cuộc triển lãm về ‘after-life (đời sau)' cho ‘second-life (đời ảo)'. Khôi hài chơi chữ, đồng thời là 1 ráp nối thú vị: một niềm tin lâu đời cũ kỹ với một hiện tượng thật mới mẻ của thời kỳ tin học.

---0---


Thành phố cảng Rotterdam, ngày chủ nhật 1 tháng Hai, ngày thu dọn đồ, cũng đồng thời là ngày mồng bảy Tết. Đường phố thưa thớt người qua lại. Dân thành phố Rotterdam như vẫn còn đang ngủ nướng, cho đôi mắt được nghỉ sau 10 ngày xem phim liên tục. Có tiếng chuông nhà thờ đổ phía xa. Như những người khách khác, tôi bước vào căn phòng triển lãm dàn dựng như một đền thờ với cảm giác rờn rợn, lạ lẫm. Vốn là người Công giáo, tôi không quen thuộc với những nghi thức cúng tế bên Phật giáo, Lão giáo, đạo thờ ông bà hay đồng cốt. Nhất là tập tục đốt vàng mã, tiền giấy. Và phải thú thực rằng, những xấp giấy tiền phết nhũ vàng, dập mộc bản hình những xâu tiền cổ, những tờ 100 đô la Mỹ, một mặt ghi tiếng Anh ‘GOD BLESS YOU' và mặt kia ‘Ngân hàng Địa Phủ', chúng có vẻ gì khôi hài, vật chất. Nhưng trong lúc dọn dẹp, khi bất chợt tìm thấy trong đám hàng mã hai bộ bà ba giấy thì tôi cảm động. Rồi tôi hiểu, thì ra các phẩm vật tế lễ bằng giấy này còn là biểu hiện của một lòng thương yêu sâu sắc.

Bộ bà ba bằng giấy màu xám trắng – màu nhang khói! – có kích thước in hệt như bộ bà ba mà những người Việt lớn tuổi thường mặc. Thầy đàn của tôi, bố tôi thường ngày vẫn mặc bộ áo đó, gần như suốt quanh năm. Thỉnh thoảng, đứa em gái ở Việt Nam cũng gửi cho tôi một bộ bà ba như thế, rộng rãi gần như thùng thình, may bằng 1 thứ vải thô. Đó là một bộ bà ba may dư mà tôi được hưởng ké, vì mỗi bận như thế, em tôi chủ yếu may cho bố tôi mặc, kể từ nhiều năm. Bố tôi năm nay 81 tuổi, còn khoẻ, mọi ngày vẫn thích cuốc đất trồng rau trong vườn. Nhưng tôi biết, cho dù có sống lâu trăm tuổi, rồi một ngày kia ông cũng sẽ quay về với ông bà tổ tiên. Vốn là người công giáo thuần thành, ông ao ước sẽ được lên thẳng thiên đàng, nơi có Chúa Jê-Su và Mẹ Maria, các thánh thiên thần ngự trị. Nhưng cuộc hành trình sau một kiếp làm người của ông có thể sẽ không diễn ra theo như scenario mà ông mong muốn. Đó có thể là một truyện phim rất khác, theo như tập tục và tâm thức tín ngưỡng lâu đời của người Việt, vẫn được gìn giữ đằng sau những lũy tre làng.

---0---

Sau khi bố tôi trút hơi thở cuối cùng lúc lâm chung, mẹ tôi liền đắp lên mặt ông một chiếc khăn tang trắng. Mọi người thân thuộc đã được báo tin và kéo đến nhà tôi, chung với bà con chòm xóm. Chỉ trong chốc lát, trong nhà đã đầy kín người, ai nấy tíu tít cắt đặt công việc. Bàn thờ giữa nhà được trang trí, dọn dẹp lại. Một màu đỏ phủ lên tất cả. Những chiếc đèn lồng màu đỏ được treo lên trên trần nhà, cạnh những vòng hương hình trôn ốc.

Trên bàn thờ, những chậu cây cành vàng lá ngọc bằng giấy kim nhũ sáng lấp lánh được đặt cạnh những lộc bình cắm hoa thật, thường là cúc vàng. Trên bàn thờ, khói nhang nghi ngút. Những món hàng mã bên cạnh những món đồ thật, tất cả đều có đôi có cặp, không có món nào riêng rẽ: hai mâm ngũ quả đầy ắp, năm thứ trái cây với tên gọi ráp lại thành câu ‘cầu xin vừa đủ xài', một đôi ngựa bằng giấy, con ngựa đỏ Xích Thố, con ngựa trắng Bạch Mã, một cặp hài và đôi giày cho ông tướng, cho bà phi, một cặp quạt mo dán giấy xanh đỏ.

Trên chiếc chiếu trải trước bàn thờ, một người đàn ông quỳ gối, kính cẩn nâng cái hộp gỗ đựng que xăm ngang mày. Vừa lẩm bẩm khấn vái, ông vừa xóc hộp xăm cho đến khi một quẻ xăm rớt xuống đất. Trén quẻ xăm có khắc mấy số hiệu bằng chữ nho. Một vị bô lão ngồi cạnh đó sẽ dò tìm số hiệu ứng trong cuốn sách ‘Quan âm linh xăm', thầm thì đọc bài thơ và lời giải xăm ghi trong sách.

Ở nhà bếp, tiếng dao thớt nhịp nhàng, đông đảo bà con trổ tài nấu các món ăn thật ngon và công phu. Mùi thơm của thức ăn bay khắp nhà. Rồi các em gái tôi trải xuống đất những chiếc chiếu hoa cạp điều đẹp nhất, đặt lên chiếu những mâm thức ăn bốc khói thơm phức. Các em trai tôi rót rượu nếp vào những cái chén Bát Tràng con con men xanh. Mọi người được mời ngồi vào chiếu, ai nấy ăn uống, trò chuyện, hỏi han, kể lể, than khóc, lén lút nói xấu nhau, pha trò và cười không lớn tiếng. Đám trai gái ăn uống nhanh chóng, xong ra đứng ngoài sân hút thuốc và tán tỉnh lẫn nhau, trong khi trẻ con vô tư chơi đùa, nô dỡn.

Mẹ tôi dán những tấm tranh thờ làng Sình lên trên tường. Những ảnh ông tướng, ông Đốc, bà Phi, con ảnh đàn ông đàn bà, ảnh phền bé trai bé gái với màu sắc quần áo rực rỡ. Những chiếc hương vòng lan tỏa từng vòng khói mỏng nhẹ. Một bộ cây hương cắm thẳng thắn trong bát hương. Một màu nhang khói xám bao phủ khắp nhà, dần dần dày đặc như một màn sương phủ. Không gian sực nức mùi hương. Trong không khí mờ ảo đó, cõi nhân gian và âm thế gặp nhau, giao thoa, hòa quyện. Các ông tướng bước ra khỏi tranh, đi đứng ngượng nghịu trong bộ võ phục dềnh dàng. Những nàng Tố Nữ kiều diễm bước ra khỏi tranh, gót hài nhẹ nhàng thoăn thoắt. Các bậc tổ tiên nội ngoại từ bàn thờ khoan thai bước xuống, ôm ấp thân thương đám con cháu vẫn thản nhiên ngồi ăn uống, không nhận biết gì.

Đến nửa đêm, một hồi còi sừng trâu lanh lảnh rúc lên, âm thanh trong trẻo, gay gắt hòa với nhịp mõ tre đều đều, cứng cỏi. Phường bát âm đã đến, bước qua ngõ, vào nhà. Sau ba chập trống Thét, trổi lên tiếng kèn bầu, kèn thau và kèn tiểu thiết tha kêu khóc, hòa hội vào đìệu Ai tang tóc. Tiếng trống cơm vỗ bập bùng từng nhịp ‘vôm...tịch...vôm...tền…' cổ truyền quyện vào âm kim loại của não bạt, chập chõe. Tiếng kèn, tiếng trống pha trộn với tiếng gào thảm thương nuối tiếc người thân, tiếng than vay khóc mướn, tiếng tụng kinh rì rầm.

Người nhà tôi dồn hết các phẩm vật cúng tế bằng giấy trên bàn thờ ra ngoài sân. Cả từng đống giấy vàng giấy bạc, chung với những tranh đồ vật vẽ các thứ áo, dụng cụ gia dụng, vật tùy thân được xếp thành một đống to, châm lửa đốt, ‘hóa vàng'. Cả căn nhà giấy, đôi ngựa trắng đỏ. Và tôi, đứa con trai trưởng, tôi làm gì trong đêm tang khóc này? Tôi làm điều mà tôi đã thề sẽ làm ở Rotterdam ngày mồng bảy Tết năm kia, và tôi giữ lời hứa. Tôi đặt vào đống lửa hai bộ bà ba giấy, để bố tôi có cái để mặc ở thế giới bên kia. Ngọn lửa bùng lên, ánh lửa bập bùng trong bóng tối phủ đầy, những ngọn lửa vàng nhảy muá ma quái như những cái lưỡi lớn, liếm láp, hớp táp điên cuồng vào không gian.

Con ngõ trước nhà tôi bỗng dưng trải dài thành một con sông, nước đen ngòm như mực. Bố tôi giơ tay vất khăn tang che mặt, đứng lên khỏi chiếu. Giờ đã điểm, cuộc hành trình về Âm Phủ bắt đầu. Ông không đi một mình, mà chung với vô số người vừa mới khuất, già trẻ, trai gái, đàn ông, đàn bà. Khuôn mặt của ai cũng bất động, bình thản. Mọi người bước xuống con thuyền rồng đã đỗ sẵn trước bến. Con thuyền nhẹ nhàng rời bờ, những trạo phu cõi âm không mặt mũi nhịp nhàng quơ đẩy mái chèo không tiếng động. Người ra đi không phải lo thiếu thốn điều chi; người sống đã cẩn thận gửi theo hương khói thật nhiều tiền bạc, đồ ăn thức uống, cả quần áo giày dép.

Con thuyền trôi như vô trạo theo giòng Mạc Tuyền, xuôi về cõi Tuyền Đài. Giòng nước đen, thỉnh thoảng điểm vài đốm sáng của các con đèn giấy trôi lềnh bềnh trên sông như những đóa sen. Tàu cặp bến Âm Ty, nơi người chết sẽ được phán xét về những hành vi thiện ác trên dương thế. Cũng như mọi người, cha tôi phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về kiếp sống của chính mình. Tùy theo phán xét của Diêm Vương, ông có thể muôn đời ở lại cõi địa ngục, hoặc đầu thai trở lại dương gian, dưới hình thức của loài vật, loài người, hay đất đá vô tri. Cũng có thể may mắn hơn, như trong câu thơ của Nguyễn Công Trứ mà ông vẫn hay ngâm nga ưa thích:

Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa trời mà reo

 

Rotterdam, 4-02-2009, Mồng Mười Tết Kỷ Sửu
Nguyễn Thanh Hùng
Foto: Felix Kalkman

 


Cái Đình - 2009 .