Phạm Đình Lân


Tên thần Hy Lạp trong cây cỏ

 

Hy Lạp là cái nôi văn minh Âu Châu. Nước Hy Lạp cổ là nơi đầy dẫy đền đài với sự hiện hữu của Thần linh và huyền thoại. Khi đế quốc La Mã lan tràn sang miền đông Địa Trung Hải, họ chịu ảnh hưởng nhiều của văn hóa Hy Lạp. Nhiều vị Thần Hy Lạp được La Mã hóa. Thần Zeus của Hy Lạp trở thành Thần Jupiter của La Mã. Nữ Thần Aphrodite của Hy Lạp trở thành Thần Venus (Vệ Nữ) của La Mã. Ở Hy Lạp Thần Apollo là Thần nghệ thuật, âm nhạc và Thần chữa trị bịnh v.v… Ở La Mã Thần Apollo là Thái Dương Thần và là Thần chữa trị bịnh v.v… Các Thần Hy Lạp đi vào điển tích trong văn chương, thi phú thời Trung Cổ, thời Cổ Điển ở các quốc gia Âu Châu chịu ảnh hưởng văn hóa La - Hy.

Tên khoa học của thảo mộc và từ ngữ y khoa trên thế giới đều là tên La Tinh hay La Tinh - Hy Lạp. Nhiều tên Thần Hy Lạp được dùng để đặt tên thảo mộc. Phần lớn các thảo mộc mang tên các vị Thần Hy Lạp trong huyền thoại đều có dược tính trị liệu cao. Nhận xét này không nhất thiết luôn luôn đúng với đà tiến triển nhanh chóng, chính xác và kiến hiệu của khoa học kỹ thuật hiện nay trong ngành y dược liệu.

Vì khuôn khổ bài viết có giới hạn chúng tôi xin nói qua vài loại thảo mộc mang tên các vị Thần Hy Lạp sau đây:

 

Achillea millefolium: Cỏ Thi

Cỏ thi hay dương kỳ thảo là một loại cỏ có lá chẻ thường thấy ở những vùng khí hậu bán nhiệt đới hay ôn đới. Loại cỏ này thuộc gia đình hoa cúc Compositae. Lá có mùi thơm; hoa có nhiều cánh nhỏ như hoa cúc. Người Anh gọi là yarrow, soldier’s wound wort, snake’s grass, nosebleed plant. Người Tây Ban Nha gọi là plumajillo vì lá có hình lông chim.

Cỏ thi có achilletin, achilleine cầm máu rất nhanh. Ngoài ra còn có beta isothujone (gây nôn, co thắt ruột), coumarin, chamazulene, apigenin, steroidal betasistosterol. Công dụng chính của cỏ thi là cầm máu, trị xuất huyết nội, xuất huyết tử cung, trĩ, kinh nguyệt, kháng nấm, kháng viêm. Nó cũng được dùng để trị suyễn, tiểu đường, hạ áp huyết v.v... Ở Trung Hoa ngày xưa người ta dùng cỏ thi tấn trong quan tài những người giàu có để nhục thể chậm rã rục. Lá cỏ thi có mùi thơm và có tính kháng nấm, kháng viêm. Trong huyền thoại Hy Lạp, cỏ thi được dùng để cầm máu cho quân sĩ trong Chiến Tranh Thành Troy.

Cỏ thi mang tên khoa học của Thần Achilles trong Chiến Tranh Thành Troy sau vụ Paris cướp người đẹp Helen, con gái của Thần Zeus và Leda và vợ của Menelaus, vua Sparta, đem về Troy nằm trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ bây giờ.

Achilles là con của Peleus và nữ Thần Thetis. Nữ Thần Thetis muốn con của bà bất tử bằng cách nắm hai gót chân của con và dìm toàn thân đứa bé dưới sông Styx. Toàn thân của Achilles trở nên bất hoại ngoại trừ hai nhượng gót chân vì không bị dìm xuống dưới nước.

Achilles là anh hùng trong Chiến Tranh Thành Troy. Nếu không có ông, quân Hy Lạp không sao hạ nổi thành Troy để giải cứu Helen đem về Sparta. Ông giết chết người anh hùng thành Troy là Hector để phục hận cho bạn ông là Patroclus bị Hector giết chết. Ông cột xác Hector kéo lê khắp thành khiến Thần Apollo giúp cho em Hector là Paris dùng tên bắn trúng nhượng gót chân của Achilles, nhược điểm duy nhất trên thân thể làm cho Achilles chết mà thôi. Từ đó có cụm từ nhượng gót chân Achilles (Achilles’ heel, Tendon d’Achilles).

 

Paris polyphylla: Thất Diệp Nhất Chi Hoa

Loại thảo mộc này còn gọi là tạo hữu có 7 hoặc 8 lá họp thành hình ngôi sao. Tên khoa học là Paris polyphylla (polyphylla: nhiều lá) thuộc gia đình Liliaceae. Người Anh gọi là Herb Paris. Củ thất diệp nhất chi hoa (tạo hữu) dùng để trị trùng Neisseria meningititis gây bịnh đau màng óc. Steroidal saponin polyphyllin D lấy từ thân cây dùng để trị ung thư đường tiểu. Ngoài ra thất diệp nhất chi hoa còn được dùng để hạ sốt, trị ho, suyễn, rắn cắn, co giật. Hiện thất diệp nhất chi hoa được nghiên cứu trong việc chữa trị ung thư vú.

Paris là tên một nhân vật trong huyền thoại Hy Lạp trong Chiến Tranh Thành Troy. Paris là con của vua thành Troy, Priam và Hecuba. Bà Hecuba nằm chiêm bao thấy sinh một cây đuốc cháy đỏ. Các nhà đoán điềm cho rằng đứa trẻ sẽ làm sụp đổ thành Troy. Nhưng không ai nỡ giết con mình nên vua Priam trao đứa trẻ cho một người chăn cừu và cho phép anh ta toàn quyền giết đứa trẻ. Nhưng người chăn cừu không làm như vậy. Anh ta bỏ đứa trẻ ngoài đồng gần núi Ida. Một con gấu cái cho đứa trẻ bú sữa nên nó không chết mà còn chóng lớn. Người chăn cừu bỏ đứa trẻ trong một cái gói và vác trên lưng. Tên Paris có nghĩa là cái gói vác trên lưng. Paris lớn lên rất đẹp trai và thông minh. Nữ Thần Oenon yêu Paris say đắm. Vị Thần này giỏi về tiên tri, nghệ thuật và y học.

Thần Zeus chủ trì đám cưới giữa Peleus và Thetis (cha mẹ của Achilles) trên núi Olympus. Tất cả các Thần và chuẩn Thần đều được mời ngoại trừ nữ Thần Eris, Thần đa sự thường gây xung đột giữa các Thần. Vì không được mời dự tiệc cưới, nữ Thần Eris tức giận liệng trái táo bất hòa bằng vàng vào tiệc cưới cho người đẹp nhất dự đám cưới trên núi Olympus. Ba nữ Thần Hera, Athena và Aphrodite đều giành trái táo bất hòa bằng vàng cho phần mình. Thần Zeus cử Paris đang chăn cừu ngoài đồng phán xét ba nữ Thần trên ai là người đẹp nhất. Cả ba nữ Thần đều tìm cách mua chuộc Paris bằng những lời hứa khác nhau. Aphrodite hứa ban cho Paris người phụ nữ đẹp nhất trần gian. Đó là Helen, hoàng hậu thành Sparta, vợ của vua Menelaus. Paris chấm Aphrodite là nữ Thần đẹp nhất. Về phần ông, ông phải cướp hoàng hậu Helen từ Sparta đem về Troy. Đó là nguồn gốc Chiến Tranh Thành Troy. Anh của Paris là Hector, anh hùng thành Troy. Hector thường chê Paris là người hèn nhát. Hector bị Achilles giết chết và bị Achilles cột xác vào xe kéo lê khắp thành. Paris dùng tên bắn trúng nhượng chân của Achilles để kết liễu sự sống của người anh hùng Hy Lạp. Sau này Paris bị thương nhưng người yêu của ông là nữ Thần Oenon từ chối không chữa để cho ông chết vì bà oán giận Paris đã bỏ bà để sống với Helen.

 

Dianthus caryophyllus: Hoa Cẩm Chướng

Hoa cẩm chướng là hoa thiêng của Thần. Hoa được tìm thấy nhiều ở Tây Á và Đông Nam Âu Châu. Hoa cẩm chướng màu đỏ hay hồng rất đẹp. Cũng có hoa màu tím. Người Anh gọi hoa cẩm chướng là Carnation; Pháp: oeillet. Đó là hoa biểu tượng của tiểu bang Ohio; quốc hoa của Tây Ban Nha và Liên Sô trước 1991. Người Hoa Kỳ thường tặng hoa cẩm chướng hồng vào ngày Hiền Mẫu. Ở Triều Tiên người ta cũng tặng hoa cẩm chướng hồng vào ngày Phụ Mẫu 08-05 và ngày Sư Phụ 15-05. Cuôc cách mạng ở Bồ Đào Nha năm 1974 được gọi là cuộc Cách Mạng Hoa Cẩm Chướng.

Thân hoa cẩm chướng có nhiều saponins. Lá ngâm nước dùng làm xà bông. Hoa có hương thơm dùng để cất dầu. 500kg hoa cẩm chướng chỉ cho 100 gram dầu. Dầu dùng trong kỹ nghệ nước hoa. Hoa để cất dầu phải hái vào buổi sáng sau khi hoa trải dưới ánh mặt trời 3 giờ đồng hồ.

Về dược tính, hoa cẩm chướng bổ tim, hạ sốt, kích thích và hưng phấn Thần kinh.

Chữ Dianthus trong tên khoa học xuất phát từ tiếng Hy Lạp Diosanthos. Dios chỉ Thần Zeus và anthos có nghĩa là hoa . (Dios: Thần, thiêng liêng).

Thần Zeus là chủ tể các Thần núi Olympus và là Thần mưa và sấm sét. Cha của Thần Zeus là Cronus và mẹ là Rhea. Cronus là người hung bạo, tham quyền. Ông nuốt sống các con của ông là Poseidon (Hải Thần), Hades (Thần Âm Phủ), Hestia, Demeter, Hera. Vì vậy, khi sinh ra Thần Zeus, bà Rhea phải dấu hài nhi trong một hang núi Dicte trên đảo Crete, hiện là địa điểm du lịch quan trọng. Khi lớn lên, Zeus lật đổ Cronus và làm cho ông phải mửa ra các người con mà ông đã nuốt. Tất cả đều sống lại. Zeus cưới Hera, tức chị ruột của ông. Sau đó ông cưới Metis, Mnemosyne và có vô số tình nhân như các nữ Thần Europa, Io, Semele, Ganymede, Callisto, Leto. Hercules là một trong những người con của Thần Zeus.

Thần Zeus tượng trưng cho Thần bảo vệ công lý, bảo vệ người yếu thế và trừng phạt kẻ ác bằng tầm sét của mình.

 

Hyacinthus orientalis: Hoa Dạ Lan

Hoa dạ lan là một loại hoa lục bình. Khác với lục bình ở các đầm lầy hay trên sông, hoa dạ lan có củ và được trồng trên đất như trồng hoa uất kim hương (tulips). Hoa dạ lan hình chuông nhỏ, có 5 cánh màu tím, hồng hay trắng kết thành chùm rất đẹp. Loại hoa này gốc ở Tây Á như Do Thái, Lebanon, Syria… và Đông Nam Âu Châu như bán đảo Balkans chẳng hạn. Toàn thân hoa dạ lan và củ có nhiều alkaloids độc. Củ ăn vào gây tử vong nhanh chóng. Nhưng người ta dùng hoa dạ lan thơm để cất dầu. Cứ 6.000 kg hoa mới cất được 1 kg dầu. Hoa còn là nguồn màu nhuộm xanh dương rất tốt.

Người Anh gọi hoa dạ lan là Dutch hyacinth (lục bình Hòa Lan) vì Hòa Lan có nhiều kinh nghiệm trồng hoa tulips và hoa dạ lan bằng củ trong phạm vi rộng lớn để thương mại.

Chữ Hyacinthus trong tên khoa học của hoa dạ lan phát xuất từ tên của Hyakinthos, một thanh niên đẹp trai với nét đẹp nữ phái trong huyền thoại Hy Lạp. Hyakinthos là người yêu của Thần Apollo và nữ Thần tây phong Zephyr. Đó là mối tình tam giác và là chuyện đồng tính luyến ái đầu tiên của nhân loại trong huyền thoại. Apollo là Thần nghệ thuật và chữa bịnh. Thần Apollo và nữ Thần Zephyr thường ghen nhau vì yêu Hyakinthos. Một hôm Thần Apollo dạy Hyakinthos liệng dĩa. Nữ Thần Zephyr ghen tức ném dĩa trúng vào đầu Hyakinthos và làm cho người thanh niên có vẻ đẹp nữ phái này vong mạng. Hyakinthos chết trong vòng tay của Apollo. Máu của chàng chảy xuống đất và nở ra hoa dạ lan.

 

Antigonon leptopus: Hoa Ti-gôn - Hiếu Nữ

Đây là một loại dây; lá hao hao giống lá nho nhưng nhỏ và nhám. Hoa nhỏ có 5 cánh; nhụy vàng. Hoa màu trắng hay đỏ trông rất xinh. Dây có củ được dân chúng ở vài nơi ở Mễ Tây Cơ ăn. Trái là thức ăn của chim.

Mễ Tây Cơ được xem là sinh quán của dây hiếu nữ (ti-gôn). Người Anh gọi là: coral vine, love vine, Mexican love vine, mountain rose, bribe’s tear, chain of love v.v. Pháp gọi là liane corail, liane antigone. Việt Nam âm thành ti-gôn tức hai âm sau cùng của chữ antigone.

Công dụng:

1. Trồng để có bóng mát và có hoa chùm rất đẹp. Ở Ấn-Độ người ta trồng để làm mái chuồng heo, chuồng bò.
2. Dây hoa ti-gôn thích hợp cho đất khô hạn. Nó vừa mang lại bóng mát, vừa giữ đất không bị xâm thực vì mưa, gió và không bị chai cứng vì nhiệt của mặt trời.

Chữ Antigone trong tên khoa học của hoa ti-gôn là tên của một nữ Thần trong huyền thoại Hy-Lạp: Antigone. Antigone là con của Oedipus, vua thành Thebes, và Jocasta. Nàng là kết quả của cuộc tình loạn luân vì Jocasta là mẹ ruột của Oedipus, một người vừa giết cha vừa loạn luân với mẹ. Antigone có hai người anh là Eteocles và Polynices bị giết chết vì nổi loạn chống lại vua Creon thành Thebes. Vua ra lịnh cấm không cho ai chôn hai xác chết này. Antigone âm thầm chôn xác anh và bị xử chôn sống vì chống lại luật triều đình. Theo bi kịch của Sophocles viết năm 442 trước Tây lịch, Antigone lo việc chôn cất Polynices dù trái với luật triều đình. Nàng cho rằng luật pháp là sản phẩm của con người, còn việc nàng chôn cất cho anh là bổn phận thiêng liêng do luật siêu thiên minh định. Vì chống lại luật của vua Creon nàng phải bị chôn sống. Antigone treo cổ tự tử chết trước khi bị chôn sống. Con trai của Creon là Haemon rất yêu Antigone. Ông tự tử chết sau khi tìm thấy xác nàng.

 

Selenicereus grandiflorus: Quỳnh Hoa

Quỳnh hoa là một loại hoa thuộc gia đình xương rồng Cactaceae. Đó là một loại hoa nở về đêm và tàn ngay trong đêm hoa nở. Hoa trổ từ lá rất đẹp và có hương thơm. Người Anh gọi quỳnh hoa là lunar flower (nguyệt hoa); Pháp: reine de la nuit; Nhật: gekka biijn (mỹ nữ dưới trăng). Quê quán của quỳnh hoa là Mễ Tây Cơ và các hải đảo trong biển Carribean.

Quỳnh hoa có cactine hay hordenine C10 H15 NO và alkaloids kháng sinh và kháng trùng, trợ tim. Hoạt chất từ thân mộng nước của quỳnh hoa nhuận tiểu, bổ tim, kích thích cột sống, hưng phấn kinh lạc, trị chóng mặt, hồi hộp, suy sụp tinh thần v.v... Người có thai không dùng được. Quỳnh hoa có độc chất beta cyaninsflavonol glycosides.

Tên Selenicereus trong tên khoa học của quỳnh hoa là tên của Nguyệt Thần trong huyền thoại Hy Lạp, Selene, vì quỳnh hoa chỉ nở về đêm mà thôi. Nữ Thần Selene tức Thần Luna của người La Mã còn được gọi là Mene có nghĩa là moon: nguyệt, mặt trăng hay month (mois): tháng, được người Hy Lạp cổ lễ bái mỗi tháng hai lần vào ngày 1 và ngày 15 theo lịch Attic. Theo huyền thoại nữ Thần Selene nổi tiếng về những chuyện tình của bà. Bà là con gái của Hyperion và Theia là em của Helios (mặt trời) và nữ Thần Eos. Nữ Thần Eos cũng nổi tiếng về những chuyện tình riêng tư như Nguyệt Thần Selene. Nữ Thần là tình nhân có con riêng với Thần Zeus. Selene yêu say đắm người chăn trừu và thợ săn tên Eudymion mà bà gặp trong một hang núi. Bà yêu cầu Thần Zeus làm cho Eudymion trẻ mãi không già. Bà cũng là tình nhân của Thần hoang dã Pan. Các nghệ nhân thường vẽ tranh nữ Thần Selene trên chiếc xe có bốn con ngựa kéo.

 

Helianthus annuus: Hoa Hướng Dương – Hoa Quỳ

Gọi là hoa hướng dương vì loại hoa này luôn luôn hướng về mặt trời. Hoa hướng dương được tìm thấy nhiều ở Bắc Mỹ, Trung Mỹ, Nga, Ukraine và các quốc gia Âu Châu. Hoa hướng dương to, màu vàng tươi rất đẹp. Hoa có nhiều hột dùng để rang ăn hay ép dầu. Dầu hướng dương là một loại dầu ăn rất phổ biến ở Âu - Mỹ. Dầu có nhiều ca-lô-ri, protein, chất sắt, vôi, muối, phosphorus, potassium, sinh tố A, B1, B2, v.v… Dầu hướng dương chiếm 12,5 tổng số lượng dầu ăn thực vật trên thế giới. Dầu còn được dùng trong kỹ nghệ xà-bông, dầu sơn hay thay dầu hỏa để thắp đèn. Cây hoa hướng dương có nhiều sợi dùng làm dây hay bột giấy. Cây hoa hướng dương còn có tác dụng hút những chất độc chì, arsenic, uranium trong đất. Do đó người ta trồng hoa hướng dương ở Chernobyl sau khi lò nguyên tử bị rỉ năm 1986. Gần đây ở Nhật sau vụ động đất và sóng Thần vào tháng 3 năm 2011 ở Fukushima làm rỉ các lò nguyên tử trong vùng.

Trà hoa hướng dương dùng để trị sốt rét và bịnh về phổi. Hột hướng dương nhuận tiểu, lợi phế. Lá dùng để dấp khi bị rắn cắn.

Hoa hướng dương là quốc hoa của Peru, Nga và Ukraine. Tiểu bang Kansas của Hoa Kỳ được mệnh danh Tiểu Bang Hoa Hướng Dương.

Chữ Helianthus trong tên khoa học của hoa hướng dương xuất phát từ tên của Thái Dương Thần Helios trong huyền thoại Hy Lạp. Helios là con của Hyperion và Theia là anh của hai nữ Thần Selene (Nguyệt Thần) và Eos (Bình Minh Thần). Trong huyền thoại La Mã, Thái Dương Thần là Sol Invictus. Người ta thường lẫn lộn Thái Dương Thần Helios với Apollo. Tượng khổng lồ trên cảng Rhodes cao 32 m được tạc vào năn 280 trước Tây lịch là tượng của Helios. Thần Helios được các nghệ nhân mô tả bằng một người đẹp trai, không có râu, đầu có hào quang, những tia sáng như ánh mặt trời. Thần thường đi chiếc Thái Dương Xa do bốn con ngựa có cánh kéo chạy trên trời. Đến tối Thần mới trở về phương Đông. Theo huyền thoại, một người con của Thần Helios với Klymene là Phaethon không biết cầm cương ngựa nhưng đòi điều khiển Thái Dương Xa nên gây hỏa tai dưới trái đất. Thần Zeus nổi giận dùng tầm sét đánh chết Phaeton, thân cháy đỏ rớt xuống sông. Phaeton trở thành Thần Tinh Tú. Trong chòm sao Auriga hay sao Charioteer (sao Phu Xa).

 

Paeonia suffruticosa: Hoa Mẫu Đơn

Mẫu đơn là một loại hoa to, đẹp, hữu sắc và hữu hương được người Trung Hoa yêu thích. Trên thực tế, hoa mẫu đơn như được xem là quốc hoa của Trung Hoa vì hầu hết nhà nào ở Trung Hoa cũng có hình vẽ hoa mẫu đơn. Mẫu đơn là hoàng hậu của các loài hoa, là linh đơn của các bà mẹ. Người Trung Hoa biết quí mẫu đơn vào thế kỷ VII sau tây lịch, đời nhà Đường. Huyền thoại Hy Lạp đã đề cập đến mẫu đơn và dược tính trị liệu của lọai hoa này.

Mẫu đơn có paeniflorin, asparagin, albiflorin, alkaloids, sinh tố A, v.v... Nó được dùng để điều kinh, trị sạn thận, sạn bàng quang, rối loạn gan. Rễ và vỏ (mẫu đơn bì) có tính kháng viêm, kháng nấm, kháng khuẩn.

Vì sao hoa mẫu đơn mang tên khoa học dựa vào tên Paeon, Thần Y trong huyền thoại Hy Lạp?

Theo huyền thoại Hy Lạp, Paeon là đệ tử của Asclepius, một Thần y khác trong huyền thoại Hy Lạp. Paeon chữa các vết thương của các Thần trên núi Olympus bị thương trong các trận đánh. Thần Hades đặc trách âm phủ bị trúng tên. Ông được Thần Zeus giới thiệu Thần Paeon chữa trị bằng dược thảo. Thần Ares bị thương trong Chiến Tranh Thành Troy cũng được đưa về núi Olympus cho Thần Paeon chữa khỏi bằng dược thảo. Dược thảo đó là gì? Có phải cây mẫu đơn không?

Một câu chuyện khác trong huyền thoại về Thần Paeon là ông được nữ Thần Sinh Sản Leto, mẹ của Thần Apollo, chỉ cho ông dùng rễ cây mọc trên núi Olympus để trị bệnh hậu sản cho phụ nữ. Có phải chăng Thần Paeon khám phá ra dược tính trị liệu của mẫu đơn? Ngày xưa phụ nữ Hy Lạp mang thai thường dùng hột mẫu đơn.

Căn cứ vào huyền thoại của tên khoa học của mẫu đơn paeonia suffuticosa và tên gọi thông thường của tiếng Anh là Peony đều bắt nguồn từ tên của Thần Paeon trong huyền thoại Hy Lạp. Có thể:

1.- Thần Peaon đã khám phá ra dược tính của mẫu đơn trước tiên và dùng nó để chữa trị cho các Thần bị thương ở núi Olympus.
2.- Theo huyền thoại, mẫu đơn là hiện thân của Thần Paeon do sáng kiến của Thần Zeus nhằm cứu Paeon khỏi sự trừ khử của Asclepius.

 

Asclepias gigantea: Cây Lá Hen – Bồng Bồng

Cây lá hen mọc hoang ở Nam Á  và Đông Nam Á. Người Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm về việc dùng lá hen trong y học trị liệu. Họ kết hoa cây lá hen màu trắng-tím để cúng Thần Shiva. Người Anh gọi cây lá hen là milkweed vì cây có nhựa đục rất độc. Tất cả loài thảo mộc thuộc gia đình Apocynaceae như hoa trúc đào chẳng hạn đều có nhựa độc. Bò, dê, trừu không ăn cây lá hen vì nhựa có mùi khó chịu. Theo kinh nghiệm y học cổ truyền Ấn Độ, cây lá hen dùng để trị suyễn, bịnh đầu voi, phong hủi, hoàng đản, cổ trướng, các bịnh ngoài da v.v… Cây lá hen (bồng bồng) có calotropin C29 H40 O9 gây trụy thai, cardiotonic glycosides, calotoxin độc, uscharin. Nhựa được dùng để tẩm tên độc.

Tên khoa học của cây lá hen mang tên Asclepius, Thần Y trong huyền thoại Hy Lạp. Cha của Thần Asclepius là Thần Apollo và mẹ là Coronis. Khi mang thai Asclepius, Coronis bị đưa lên giàn hỏa vì thiếu chung thủy với Apollo. Trong khi hấp hối trên giàn hỏa, người ta phải mổ tử cung của bà để cứu bào thai trước khi người mẹ bị hỏa thiêu. Asclepius lớn lên và được sư phụ truyền nghề y khoa để sớm nổi danh trong ngành. Thần Asclepius là sư phụ của Thần Paeon mà chúng ta tạm xem như Thần Y trong ngành quân y ngày nay. Ông nổi tiếng nhờ chữa trị cho các Thần bị thương trong Chiến Tranh Thành Troy. Theo huyền thoại, Asclepius ganh tỵ tài năng với đệ tử là Paeon và tìm cách trừ khử vị này, nhưng Thần Zeus đã che chở cho Paon và biến ông thành cây hoa mẫu đơn. Thần Asclepius cưới Epione và có 6 người con gái và 3 trai. Ông có thêm một người con trai với Aristodama.

Bản lãnh y thuật của Thần Asclepius rất cao. Theo huyền thoại, ông cứu người chết sống lại dễ dàng. Ông hành nghề ở Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ. Ở những nơi ông hành nghề vẫn còn đền thờ với dấu hiệu mà y học ngày nay vẫn dùng: con rắn quấn vào chiếc gậy. Đó là dấu hiệu của ngành y khoa do Asclepius phác họa.

Asclepius làm cho người chết sống lại khiến cho nhiều người dùng vàng bạc hối lộ ông để sống trường thọ. Điều này đi ngược lại luật Tử - Sinh. Việc hối lộ để được chữa bịnh hầu sống trường thọ hoàn toàn trái với đạo đức và lương tâm của người hành nghề y. Hades, Thần Âm Phủ khiếu nại với Thần Zeus vì cõi âm vắng bóng người chết. Thần Zeus trừng phạt Thần Asclepius bằng tầm sét của mình. Asclepius được xếp vào chùm sao Ophluchus hay Serpentarius tức xà tinh.

 

Artemisia moxa: Nguyệt Bạch

Nguyệt Bạch màu trắng bạc, lá dài và chẻ; thân mềm. Thân và lá đều có hương thơm. Người Anh gọi chung các loại thảo mộc dòng Artemisia và gia đình Compositae của hoa cúc là mugwort. Người Nhật gọi là moku-byakko có nghĩa là cây màu trắng bạc và có mùi thơm. Nguyệt bạch có borneol C10H18O. Nguyệt bạch dùng để trị ho, kinh nguyệt, táo bón. Lá khô dùng để cứu (moxibustion). Khoa châm cứu gồm có châm (acupuncture) và cứu (moxibustion). Châm thì dùng kim châm vào huyệt tương ứng với bịnh được chữa trị. Cứu là dùng ngải cứu để trên một lát gừng đặt trên huyệt trên cơ thể người bịnh mà đốt.

Tên khoa học Artemisia của nguyệt bạch là tên của nữ Thần Artemis, Thần săn bắn, bảo vệ trẻ em, nữ phái và trẻ mới sinh. Nữ Thần Artemis là trinh nữ Thần trong các nữ Thần núi Olympus. Bà là con gái của Thần Zeus và Leto. Bà xin Thần Zeus cho bà vĩnh viễn được trinh tiết. Em song thai với bà là Apollo. Khi ra đời bà giúp mẹ, Leto, đỡ đẻ cho em là Thần Apollo ra chào đời trên đảo Delos, tức đảo Ortygia. Trong huyền thoại Hy Lạp, người ta dễ lẫn lộn giữa Thái Dương Thần Helios với Apollo và Nguyệt Thần Selene với Artemis. Nguyệt Thần Selene nổi tiếng về những cuộc tình riêng tư của bà. Artemis là Trinh Nữ Thần. Người ta chỉ thấy tượng hay tranh vẽ bà mang cung tên trên lưng với một con nai bên cạnh. Con nai và cây bách là những vật ưa thích của nữ Thần săn bắn nơi hoang dã.

Artemis còn là Thần bảo vệ trẻ em và nữ phái và trẻ nít nữ phái mới sinh. Bà có quyền quyết định sự sống chết hay gây bịnh tật, tai nạn hay cứu vớt họ. Đối với trẻ em nam thì có em bà, Thần Apollo.

Để bảo vệ trinh tiết của mình, Thần Artemis trừng phạt nặng nề những ai xâm phạm tiết hạnh bà. Theo sự mô tả trong huyền thoại, nữ Thần Artemis đẹp không kém gì nữ Thần Aphrodite (nữ Thần Venus của La Mã). Khi đi săn bà thường tắm trong một cái hồ ở nơi hoang vắng không người nào biết. Một hôm có một người thợ săn tên Actaeon tình cờ thấy bà trần truồng trong lúc tắm trong một cái hồ trong rừng vắng. Artemis bắt gặp người thợ săn cố tình ngắm thân thể trần truồng của bà nên biến anh ta thành con nai đực. Anh ta bị chính đàn chó săn của anh ta cắn chết và ăn thịt.

Artemis dùng tên giết Orion vì muốn xâm phạm tiết hạnh của bà. Orion được đưa lên trời và xếp trong chòm sao Orion sau khi chết. Chòm sao Thợ Săn này nằm giữa sao Canis (sao Khuyển) và sao Taurus (sao Ngưu).

Artemis là nhị đẳng Thần ở Hy Lạp. Nữ Thần La Mã tương đương với Artemis là Diana.

****

Qua mười vị Thần trong huyền thoại Hy Lạp chúng ta thấy được phần nào sinh hoạt rất ‘người’ của các vị Thần. Đó là huyền thọai hay là sự phản ảnh của xã hội loài người ở miền Đông Địa Trung Hải, giao điểm tam châu Âu-Á-Phi, vào buổi bình minh của lịch sử? Chỉ lướt qua mười vị Thần chúng ta thấy được vài chuyện thông thường trong xã hội loài người ở bất cứ thời gian và không gian nào trên Trái Đất:

– Sự đề cao tiết hạnh (Artemis)

– Sự trừng phạt nặng nề dành cho phụ nữ thiếu sự thủy chung. Coronis, người tình của Apollo lên dàn hỏa khi mang thai với Apollo. Thai nhi được lấy ra từ tử cung của Coronis trước khi bà bị hỏa thiêu. Đó là Thần Y Asclepius sau này.

– Sự ngạo nghễ của kẻ chiến thắng (Achilles cột xác Hector kéo lê khắp thành khiến cho mọi người đều bất nhẫn và lên án hành động trả thù thô bạo và nhỏ mọn của Achilles).

– Sự ác độc đối với người đối lập (Eteocles và Polynices chống vua Creon bị giết chết. Vua Creon ra lịnh cấm không cho chôn xác họ). Sự đối xử nhỏ mọn đối với người chết làm cho dân chúng khinh bỉ, ghê tởm và xa lánh vua Creon. Cuối cùng ông cũng bị lật đổ.

– Sắc dục (Paris, Selene, Aphrodite,…); đa thê (hầu hết các nam Thần kể cả Thần Zeus); tham quyền (Cronus nuốt con); cốt nhục tương tàn vì quyền hành (Oedipus giết cha, Zeus lật đổ cha là Cronus); thiếu lòng chung thủy (Coronis và vài nữ Thần khác, kể cà Selene); những mối tình lãng mạn (Selene, Eos, Leto,…) cảnh loạn luân (Oedipus ăn ở với mẹ ruột là Jocasta. Zeus cưới chị, Hera, làm vợ v.v…); sự đồng tính luyến ái  Apollo - Hyancinthus); mối tình tam giác (Apollo-Hyancinthus-Zephyr); sự ghen tương của các nữ Thần (Oenon ghen với Helen nên từ chối không chữa vết thương cho người yêu là Paris để Paris phải chết. Zephyr yêu Hyancinthus say đắm và ghen với Apollo. Zephyr liệng dĩa trúng đầu Hyancinthus và gây thiệt mạng cho người thanh niên có vẻ đẹp nữ phái đầy quyến rũ này. Hera, chị và vợ của Thần Zeus ghen với Leto vì vậy Leto phải sinh Apollo ngoài đảo Delos) được tìm thấy rất đậm nét chỉ qua 10 vị Thần mà thôi.

– Một qui luật mãi mãi đúng đáng lưu ý là quyền TỬ - SINH của Thượng Đế. Thần Y Asclepius muốn đoạt quyền Thượng Đế bằng khả năng cải tử hoàn sinh của mình để nhận vàng nên bị Thần Zeus trừng phạt với hai trọng tội:

a. tội cạnh tranh quyền với Thượng Đế
b. tội vi phạm y đức của lương y.

– Sự can đảm của Antigone cương quyết chôn anh là Polynices vẫn biết rằng bà sẽ bị  chôn sống theo lịnh của vua Creon. Lương tâm và bổn phận vượt qua lịnh sắt máu của hôn quân bạo chúa. Luật là sản phẩm của loài người. Nó không có giá trị tuyệt đối, phương chi đó là luật của hôn quân bạo chúa.

– Định mạng nghiệt ngã tự căn: Antigone, Eteocles và Polynices là con của Oedipus và Jonasta. Jonasta là mẹ của Oedipus và là vợ của ông. Ba người con của họ đều kết thúc cuộc sống bất thường. Eteocles và Polynices chết vì dao, kiếm và bị cấm không được chôn. Antigone lén chôn xác Polynices và bị xử chôn sống theo lịnh vua Creon thành Thebes. Antigone treo cổ chết trước khi bị chôn sống.

– Thông thường những đứa trẻ chào đời không theo sự sinh nở bình thường đều là  những đứa trẻ xuất sắc. Mẹ của các vĩ nhân thường qua đời sau khi sinh. Thần Y Asclepius nằm trọn trong hai nhận xét trên. Việc cải tử hoàn sinh của ông được xem là hành vi ngạo mạn đối với Thượng Đế.

– Anh em song sinh nhưng không cùng phái và không cùng số mạng. Đó là trường hợp Artemis và Apollo. Artemis là nữ, Apollo là nam. Artemis là Trinh Nữ Thần; Apollo có người tình là Coronis. Asclepius là con của Apollo và Coronis (bị lên giàn hỏa). Ngoài ra Apollo còn có các người con khác như Troilus, Aristaeus, Orpheus nhưng ông không có hôn lễ chính thức với bất cứ nữ Thần nào.

– Người lãnh đạo như người lái xe, như Thái Dương Thần Helios với Thái Dương Xa. Thái Dương Thần Helios trao cho con là Phaethon điều khiển Thái Dương Xa theo sự ham muốn riêng tư của ông. Phaethon gây hỏa tai dưới địa cầu nên bị Thần Zeus dùng tầm sét đánh chết.

Từ thế kỷ VIII trước tây lịch, thi sĩ Homer đã làm thơ và lưu lại tác phẩm Iliad, Odyssey. Điều này chứng tỏ Hy Lạp có chữ viết để lưu lại những huyền thoại về thời kỳ Chiến Tranh Thành Troy và hậu chiến tranh mà người ta nghĩ có thể xảy ra vào khoảng thế kỷ XII trước tây lịch. Vào thế kỷ V trước tây lịch Sophocles (495 - 406 trước tây lịch) đã lưu lại một số bi kịch trứ danh như Oedipus Rex, Oedipus at Colonus, Antigone and Electra dựa vào nhân vật huyền thoại. Huyền thoại Hy Lạp không hẳn chỉ là những chuyện huyền hoặc. Nếu hoàn toàn huyền hoặc thì tại sao hiện nay ở Hy Lạp và một vài nơi trên lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ, đảo Crete, đảo Cyprus vẫn còn nhiều đền đài thờ các vị Thần trong huyền thoại? Những địa danh trong huyền thoại như Thebes, Sparta, Delos, Crete, Olympus… đều là những địa danh thật. Cho đến ngày nay dấu hiệu con rắn quấn cây gậy của thời Asclepius vẫn còn được giữ lại làm dấu hiệu của ngành y dược thế giới. So với Thần Y trong huyền thoại như Asclepius, Paeon thì ông tổ y học hiện đại Hippocrates (460-377 trước tây lịch) quá trẻ. Những lời tuyên thệ ngành y ngày nay vẫn dựa vào tinh thần và y đức của những lời tuyên thệ đã có thời huyền thoại được Hyppocrates mô phỏng theo và lưu lại.

Đến đây tôi xin nhường quyền suy nghĩ lại cho độc giả.

 

Phạm Đình Lân, F.A.B.I.

 


Cái Đình - 2012