Bùi văn Ðỗ


Ðánh mất một cơ hội ngàn vàng

 

Sau ngày 30-04-1975, người Việt Nam có mặt ở nhiều nước trên thế giới, đại đa số ở các nước có nền công nghiệp cao như Mỹ, Canada, Úc, Nhật, Pháp, Đức, Ý; các nước vùng Bắc Âu như Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển... Nhờ có nền công nghiệp cao và giầu có, nên các nước này có một nền giáo dục tốt, tốn nhiều công quỹ của quốc gia; nên họ đào tạo ra được những con người tài năng cho đất nước của họ; chương trình giáo dục của các nước trên không có kỳ thị, không dựa theo lý lịch mà dựa vào trí thông minh của người trẻ.

Nhờ vậy, qua hai mươi tám năm (1975 - 2003), nếu một người trẻ Việt Nam được sinh ra ở nước ngoài thì cũng đã thành nhân, học xong đại học (không kể những ngành đặc biệt). Với con số phỏng định có đến 300.000 chuyên gia đủ các ngành nghề của những năm 2000, cho đến nay năm 2003, con số đã tăng lên cũng đến khoảng 350.000; một lực lượng trí thức đáng kể. So với khoảng 300.000 người trẻ của Trung Quốc, một nước lớn có đến trên một tỷ dân, tìm cách cho đi du học ở các nước tiên tiến, để sau đó trở về hiện đại hóa Trung Hoa lục địa. Việc này Trung Quốc họ đã làm, cho nên hiện nay Trung Quốc mới đạt được mức tăng trưởng về kinh tế.

So với thời kỳ sau thế chiến thứ II, người Nhật đã đưa hàng trăm ngàn người trẻ đến các nước tiên tiến để cầu học, rồi sau đó trở về canh tân nền kinh tế và hiện đại hóa đất nước của họ; nhờ vậy, chỉ một, hai thập niên sau, Nhật đã trở thành cường quốc kỹ nghệ trên thế giới.

Xây dựng được một quốc gia cường thịnh về kinh tế, văn hóa, xã hội, tiên vàn phải có lớp người trẻ, thông minh, hiếu học, và phải được giáo dục trong một môi trường tốt, không bị kỳ thị, không căn cứ vào lý lịch, và hoàn toàn mang tính nhân bản.

Trong cái vận chẳng lành cho đất nước, khi Mỹ đổi thế cờ, muốn bắt tay với Trung Cộng để phân rẽ khối cộng sản quốc tế, bỏ rơi các đồng minh bé nhỏ như Việt Nam. Cộng sản Bắc Việt mới dựa vào vũ khí đạn dược, quân trang quân dụng của cả Liên Xô lẫn Trung Cộng thừa thế tiến lên chiếm Nam Việt Nam. Vì vậy, khi quân cán chính của Nam Việt Nam và dân chúng tìm đường trốn thoát Cộng Sản, mới được cường quốc Mỹ và các đồng minh như: Úc, Canada, Nhật, Pháp, Ðức, Anh, các nước tự do vùng Âu Châu và Bắc Âu tiếp nhận thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam.

Cơ hội bằng vàng, sẽ không còn xẩy ra một lần nữa cho dân tộc, khi nhà nước không tốn một xu mà lại có gần hai triệu người đi ra nước ngoài, phần đông là người trẻ; lại được tiếp đón ân cần, cho ăn, cho ở, cho đi học và lại còn cho ở lại định cư vĩnh viễn. Vì họ muốn tìm đến với thế giới Tự Do.

Thế giới tự do tư bản, vì tôn trọng nhân quyền, và nhờ vào điều 26 của Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ban hành ngày 10-12-1948 mà người trẻ tỵ nạn Việt Nam có cơ hội học hành để vươn tới. Điều 26 ghi rõ: "Mỗi người đều có quyền học hành. Các cấp sơ cấp và tiểu học phải được miễn phí. Giáo dục phải có mục đích mở mang kiến thức, phát triển nhân cách và tạo ý thức tôn trọng Nhân Quyền".

Lớp người ra đi tỵ nạn cũng thuộc đủ mọi thành phần trong xã hội, không mang tính ưu tiên cho một giới nào, là người giầu có hay kẻ có quyền hành. Không phải theo một thể lệ chọn lựa như việc Nhật Bản, hay Trung Cộng của các thập kỷ trước và gần đây, khi đưa sinh viên đi du học thì phải tuyển lựa những người thông minh, học giỏi. Thuyền nhân tỵ nạn phần đông là lớp người lao động ở các miền quê, miền biển.

A- Một cơ hội ngàn vàng cho con.

Đến được các nước tự do, con của người tỵ nạn đều được cắp sách tới trường, tùy theo tuổi và học lực; các em được học tập như các trẻ em của người bản xứ; không phải đóng tiền trường, không phải trả tiền khi con em học kém cần phải học thêm; có nước còn được phát không sách vở và bút viết; hầu như cha mẹ chẳng phải tốn đồng nào khi cho con đến trường, từ tiểu học đến trung học, và cả khi vào đại học (nếu cha mẹ thất nghiệp không có việc làm, hoặc có đi làm mà mức lương thấp). Khi các em dưới 18 tuổi, mỗi tháng, hay mỗi ba tháng, cha mẹ còn nhận được số tiền phụ phí gọi là tiền Kinderbijslag để lo cho con. Khi vào đại học, các em được cho một phần học bổng, nếu thiếu mới phải vay thêm, và số tiền vay chỉ phải trả khi đã đi làm.

Khác với ở trong nước, từ ngày Cộng Sản lên nắm quyền; con đi học, cha mẹ phải lo tiền mua sách vở, bút, mực, phải đóng thêm tiền dù là trường của nhà nước. Vì đồng lương của thầy cô thấp, nên nảy sinh ra nạn dậy kèm, luyện thi; nếu không học kèm thì không đủ điểm để lên lớp, không đủ điểm để thi đậu; rồi còn nạn mua bằng, bằng giả. Chưa kể việc phải lo cho con ăn uống, may mặc, chăm sóc về y tế, sức khoẻ v.v...

Bằng cấp tốt nghiệp ở bên Việt Nam, đem ra nước ngoài, nếu dùng bằng đó để đi xin việc làm thì không có nơi nào họ chấp nhận; nếu xin đi học lại, họ sẽ bắt làm bài kiểm xem trình độ rồi xếp lớp cho theo học. Trong khi bằng cấp ở các nước tiên tiến, đi đến các quốc gia khác bạn có thể xin việc làm theo khả năng và bằng cấp của bạn.

B- Tại sao các bậc phụ huynh không lợi dụng cơ hội tốt này, để cho con chúng ta học.

Gia đình là nhà trường, và cha mẹ là cô thầy đầu tiên của con; ở các nước văn minh này, khi một trẻ được sinh ra, chỉ sau ba năm thì đã cho đến nhà trẻ, năm tuổi thì đã chính thức đi học; trước khi đến trường, việc học ăn, học nói đều do cha mẹ phải dậy; là cha mẹ, khi có con thì hầu hết ước mong sau này nó học thành tài, thành công và hạnh phúc hơn mình.
Những ước mơ đó có bao nhiêu cha mẹ đạt được? Và muốn đạt được, cha mẹ phải cố gắng học hỏi như thế nào, để chính mình lên một tấm gương, một bảng chỉ đường cho con.

1.- Mỗi ngày chúng ta có dành giờ và kiên nhẫn, như ngồi để lắng nghe con chúng ta kể về những chuyện xẩy ra ở trường, ở lớp; coi lại bài vở con làm, con học ở trường; môn nào khá đáng khích lệ, môn nào kém cần quan tâm để dậy thêm cho con, hay nói với cô giáo, nhờ nhà trường giúp em học thêm; ở các lớp nhỏ, mỗi ngày các em mang những tờ giấy rời về, có vẽ hình, tô màu về cho cha mẹ, thì đó là bài làm của các em ở trường; cha mẹ nên kiên nhẫn coi tỉ mỉ, cho lời khích lệ, phê bình, sửa sai khi thấy có lỗi, hay chẳng bao giờ quan tâm tới.

2.- Nhiều phụ huynh bị sống lâu năm trong chế độ cộng sản, bị kìm kẹp, không được tự do kinh doanh, buôn bán theo sở thích để kiếm tiền; nên khi tìm được tự do, họ lăn lưng ra để làm việc kiếm tiền; làm một ca chưa thỏa mãn, có người làm ca rưỡi, có khi hai ca. Vì phải vất vả với công việc kiếm tiền, nên con học sao thì học, việc học của con trông cậy vào nhà trường hết. Ngay trong gia đình, cha mẹ cũng không có thời gian để ngồi ăn cơm chung với con, không có thời gian để trò truyện với con. Vì khi cha mẹ đi làm thì con chưa ngủ dậy, cha mẹ về thì con đã đi ngủ. Tình cảm giữa cha mẹ và con cũng bị giảm vì không có  còn những giờ giấc thân mật bên nhau, do đó còn giờ đâu mà quan tâm đến việc học của con.

3.- Một số gia đình định cư ở những nước an nhàn hơn như Đức, Thụy Sĩ, Hòa Lan, Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển thì người tỵ nạn phần đông lại mang cái tâm trạng muốn hưởng thụ; khi vừa thoát thân khỏi một đất nước mà làm cả ngày chưa có đủ cơm ăn, giờ đến vùng trời tự do, chả làm việc gì cũng có lãnh tiền hàng tháng, chỉ ăn rồi đi học ngôn ngữ địa phương mỗi ngày vài tiếng; được lãnh đủ mọi trợ cấp xã hội: tiền quần áo mùa đông, tiền đi nghỉ hè, tiền trợ cấp con, tiền trợ cấp để mướn nhà; gởi tiền về cho thân nhân ở trong nước, có nơi còn được xin thuế lại.

Đời sống được cung cấp đầy đủ, được sung sướng, phần đông dễ nhiễm tính hưởng thụ, dễ sinh tính lười biếng, nhất là khi phải đi học một ngôn ngữ mới nhiều khó khăn, vì tuổi đã lớn, trình độ văn hóa thuở trước, vì hoàn cảnh xã hội Việt Nam, chiến tranh triền miên, học được quá ít; việc coi phim Tàu và hay ăn nhậu xuất phát từ đây; nhà nào cũng có truyền hình và video thật sớm khi mới đến; tin tức trên truyền hình xem và nghe thì không hiểu, báo chí tiếng Việt thì thật hiếm hoi, muốn đọc phải bỏ tiền mua từ nơi xa gởi tới, rất mắc vì cước gởi. Chỉ có ngôn ngữ phim Tàu là dễ lọt vào tai, nên có nhiều gia đình Việt Nam, cả nhà đều ngồi luyện phim; trẻ nhỏ thức khuya, sáng phải dậy sớm để đến trường, thường ngồi ngáp dài vì buồn ngủ, nên việc học không thu được kết quả bao nhiêu.

4.- Không chịu tìm hiểu, học hỏi cho biết về chương trình giáo dục của xứ sở mới đến. Phải nhìn nhận và nhớ ơn, những người Việt Nam đầu tiên khi đến xứ người xin tỵ nạn; họ đã có công tìm tòi, học hỏi để chuyển dịch từ ngôn ngữ địa phương sang tiếng Việt, qua những cuốn tự điển; thực hiện những bản hướng dẫn bằng Việt Ngữ về chương trình giáo dục của người bản xứ, cũng như nhiều hướng dẫn cần thiết khác như vấn đề y tế, an sinh xã hội, hướng nghiệp, tìm việc làm. Những người đến sau, không chịu tìm đọc và học hỏi thấu đáo để biết mà lo cho bản thân, cho tương lai của con, và không nhận ra rằng: Thời gian, cơ hội, tuổi tác của người lớn cũng như trẻ em chỉ đến và qua đi có một lần.

Nhiều cha mẹ, không hề biết về chương trình giáo dục từ tiểu học đến trung học, đại học của người bản xứ, nên không thể nào theo dõi việc học của con. Họ cũng không chịu đi nghe nhà trường hướng dẫn khi có dịp, hay đi họp khi có thư mời của nhà trường; phần đông viện dẫn vì không hiểu ngôn ngữ, nên ngại không đi, để tùy con với nhà trường, học sao thì học.

Với tuổi trẻ thì cũng chỉ có những thời điểm và tuổi tác để học, để quá độ tuổi, học sẽ không thành công nữa. Từ tuổi cắp sách đến trường, 5 đến 10 tuổi mà không học có căn bản thì có lên trung học, cũng chỉ học được ở các trình độ bình thường. Bước vào trung học khoảng 11, 12 tuổi mà cha mẹ không theo dõi chu đáo việc học của con thì cũng khó mà thành công để vào đại học.

5. - Cha mẹ thiếu nhất quán, trống đánh xuôi, kèn thổi ngược.

Cha mẹ nên thống nhất ý kiến trong việc giáo dục cho con, nhất là việc học. Trong một quốc gia phải có một vua hay một tổng thống, nhà phải có một chủ thì quốc gia và gia đình mới yên ổn; nước có hai vua hay hai tổng thống là nước loạn, nước còn bị chia cắt; trong gia đình cũng vậy, phải có một chủ chính là cha, hay mẹ, hai người đều có quyền ngang nhau thì cũng khó dậy con, nhất là giúp con học khá, học giỏi (Nếu trong một gia đình, cha mẹ đều bình thường, mà người cha quyết định các việc chính và quan trọng trong nhà thì việc dậy con có kết quả tốt hơn).

Trong cuộc sống mưu sinh của các gia đình, thường do người đàn ông nhận lãnh, nên phải va chạm với cuộc sống xã hội bên ngoài nhiều hơn, người mẹ thường giữ vai trò quản gia. Cha va chạm với thực tế xã hội nhiều cay đắng, nên khuyên con: "rán chăm học, khi ra đời có bằng cấp cao, đi làm tiền lương lãnh cũng khá, mặc đồ cũng sạch sẽ, đi xe đẹp, đỡ cực khổ; nếu con không chăm học, sau này ra đời không có một mảnh bằng chuyên môn, con sẽ phải làm những công việc vất vả, nặng nhọc, có khi không mấy sạch sẽ; chẳng hạn như khi con đi làm cho sở vệ sinh thành phố, đi theo xe đổ rác cả ngày 8 giờ, gặp toàn mùi hôi, mà lương lại không cao".

Bà mẹ đang ngồi ở trong nhà nghe được, cự lại chồng và nói trước mặt con: "Nói như ông, người nào cũng làm chỗ sướng, chỗ khoẻ, trong nhà ấm áp. Ðứa nào cũng có bằng cấp cao, kỹ sư, bác sĩ cả thì những việc khác ai sẽ làm". Gặp đứa con đang ham chơi, chán học, nghe mẹ nói, em muốn đòi đi làm, không muốn theo học nữa mặc dù con bà là đứa trẻ học được, khá thông minh. Một câu nói (đúng là trống đánh xuôi, kèn thổi ngược) mang đến những hậu quả tai hại, làm hỏng tương lai của con, do chính cha hay mẹ tạo ra mà chúng ta vô ý không để tâm tới. Vì muốn học lên cao mới khó, đi làm công việc tay chân, đâu cần học nhiều, chỉ cần học để biết đọc và biết viết là đủ. Sống trong một môi trường xã hội tốt về việc học, mà cha mẹ không đồng một quan điểm, nghịch nhau, cũng làm thiệt hại cho tương lai của con.

6.- Có nhiều em khi đang học ở trung học thì học chăm, có bằng trung học phổ thông, xong lớp tám, lớp 10, lớp 12 v.v... Nhưng khi chọn ngành nghề để học, thì lại thiếu sự cố vấn cần thiết của cha mẹ, vì cha mẹ không biết gì, cha mẹ chỉ ước mơ sau này con ra đời có bằng cấp cao, làm thầy thiên hạ, nên xúi con học những ngành nghề không hợp với năng khiếu của con; học mỗi nghề có khi 5, 7 tháng, có ngành học được đến hai năm rồi lại bỏ dở, muốn đi làm; thành thử khi đi làm cũng chẳng có bằng chuyên nghiệp nắm trong tay.

Một cơ hội ngàn vàng đối với tuổi trẻ Việt Nam ở hải ngoại, nhưng đã không được phụ huynh quan tâm đầy đủ vì:
– Cha mẹ thiếu khả năng mà không chịu học hỏi.
– Thờ ơ không quan tâm đến tương lai của con.
– Ham có nhiều tiền.
– Thích hưởng thụ.
– Cha mẹ không đồng quan điểm với nhau v.v...

Nên sau 15, 20 năm, gặp lại lớp trẻ thủa ấy của các gia đình đang ở độ tuổi cắp sách đến trường, giờ thì đã ra trường cả, hầu hết đều đi làm; em thì làm cho sở vệ sinh của thành phố, em thì đi bồi bàn, em thì đi làm móng tay móng chân... Các cha mẹ khi đã tỉnh thức, chán nản, thở than: "nhà tôi bằng đó đứa, chả được đứa nào có lấy một tấm bằng chuyên nghiệp, cứ học mỗi nghề thử một thời gian rồi lại đổi học sang nghề khác. Cuối cùng không lấy một mảnh bằng, đi làm lao động tay chân cả, mà vẫn bị trả lại số tiền học bổng vay từ ngày đó mỗi tháng, vì bỏ học nghề dở dang".

Ngày nay, nhờ vấn đề thông tin và du lịch, chúng ta ai cũng biết việc đi học ở trong nước rất khó khăn, phụ huynh phải đóng góp nhiều thứ tiền; mang tiếng là học trường của nhà nước, nhưng các phụ huynh phải đóng nhiều thứ; lại còn phải cho con đi học kèm, mới đủ điểm để lên lớp, hay phải học thêm luyện thi, mới hy vọng thi đậu. Hậu quả do lương của giáo chức thấp, nên họ phải tìm cách làm thêm, kiếm tiền trên lớp học sinh. Học lực của các thầy cô thì cũng hạn chế, do chính sách giáo dục của Ðảng, chú trọng đến hồng hơn chuyên, nền văn hóa cả nước kém cỏi thì làm sao đào tạo ra được lớp học sinh giỏi; giáo dục vẫn nặng từ chương, học thuộc, trúng tủ; khác biệt một trời một vực với học sinh ở các nước tiên tiến.

Những Việt Kiều khi về thăm nhà, sau thời gian 20, 25 năm, dẫn theo lớp con lúc đi vượt biên mới 4, 5 tuổi, có em sinh ở nước ngoài; khi người nhà trong nước hỏi thăm về trình độ học vấn của các em, mới hiểu ra, phần nhiều chưa học hết chương trình trung học, không có trong tay lấy một mảnh bằng chuyên nghiệp để đi làm, chứ không dám nói tới có bằng cấp đại học; toàn học nghề dở dang rồi bỏ đi làm. Trong khi nền giáo dục ở trong nước khó khăn và yếu kém, lại có những đứa cháu học lên bậc đại học.

Mấy chục năm sau mới có dịp đoàn tụ gặp nhau, thấy các cháu, con của bạn, học có bằng cấp, có phần khá hơn lớp con, cháu sống ở nước ngoài từ nhỏ. Khi các cha mẹ hiểu ra điều đó thì đã trễ hạn tuổi của con về việc học. Lỗi ấy, phần lớn do lớp phụ huynh Việt Nam ở hải ngoại, không quan tâm đến việc học của con ngay từ lúc ban đầu, khi mới đến sống ở xứ người.

 

Bùi văn Ðỗ
(Trích từ tác phẩm “Việt Nam trong trái tim tôi”, quyển II)

 


Cái Đình - 2013