Minh Hạnh


Những kẻ thù của Internet

Báo cáo của Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới – 2012

 

Tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (Reporters Without Borders) trong Ngày Thế Giới Chống Kiểm Duyệt Mạng (12/03/2012) đã đưa ra tập báo cáo “Internet Enemies Report 2012” (Báo Cáo về Những Kẻ Thù của Internet 2012).

Tập báo cáo nhắm vào hai nhóm:

– Những kẻ Thù của Internet, bao gồm những quốc gia trong đó sinh hoạt Internet chịu sự kiểm duyệt nặng nề, gồm 12 quốc gia.
– Những quốc gia cần phải coi chừng, là những quốc gia trong đó sinh hoạt Internet có nguy cơ sẽ bị kiểm duyệt quá mức chấp nhận, nếu không khí sinh hoạt chính trị hay tình hình xã hội xấu đi. Danh sách bao gồm 14 nước.

Qua tập báo cáo, người ta có thể nhận thấy trong sinh hoạt xã hội toàn cầu hiện nay, cư dân mạng (Netizens) trong những mạng xã hội đóng một vai trò quan trọng trong việc gây nên, và chuyển hướng các trào lưu chính trị, xã hội… Những phong trào chống đối đã nhận thấy không gian ảo Cyberspace là một môi trường hữu ích trong việc truyền thông, và họ tich cực lợi dụng những phương tiện trong môi trường không gian này.

So với tập báo cáo lần trước (tháng 3/2011), Bahrain và Belarus đã bị đưa từ danh sách “coi chừng” qua danh sách “kẻ thù”. Những “kẻ thù” đáng sợ nhất là Miến Ðiện, Trung Quốc, Cuba, Iran, Bắc Hàn, Ả Rập Saudi, Syrië, Turkmenistan, Uzbekistan (bảng danh sách không đánh giá mức độ, mà xếp theo vần mẫu tự), dĩ nhiên theo như nhiều bạn đọc đã đoán, Việt Nam là nước xếp cuối bảng này (theo mẫu tự).

Trong danh sách những nước cần “coi chừng”, đương nhiên chúng ta có thể tiên đoán sẽ có Ai Cập, Ấn Ðộ, Thái Lan, Nga, Tunisië… Nhưng ít ai trong chúng ta có thể ngờ là Úc, Pháp và Hàn Quốc cũng bị xếp chung với những nước nêu trên. Các quốc gia còn lại trong danh sách này là Eritrea, Kazakhstan, Mã Lai, Sri Lanka, Thổ Nhĩ Kỳ và Cộng hòa Ả Rập Thống Nhất.

Dưới đây là phỏng dịch bài phân tích về tình hình kiểm duyệt Internet tại Việt Nam trong tập báo cáo.

***

Mối lưu tâm của chế độ đã được tập trung vào thế giới Ả Rập và phong trào chống đối tại đó. Trong cơn hoang tưởng, nhà cầm quyền Việt Nam đã có những bước gia tăng áp lực và mức kiểm soát để ngăn chặn bất kỳ khả năng sụp đổ nào của chế độ, đồng ý với việc giám sát những gia tăng trong thanh lọc. Blogger là mục tiêu của một làn sóng bắt giữ mới. Các nhà chức trách, nhận thức là họ không thể áp đặt một sự kiểm soát tin tức toàn diện, đã tỏ ra lo sợ sự kết hợp ngày càng gia tăng của dân chúng. Những quán cà phê Internet đông nghẹt, điện thoại thông minh trở thành rất phổ thông. Hơn 111 trung tâm cung cấp dịch vụ điện thoại di động phục vụ cho quốc gia với dân số 86 triệu người.

Cư dân mạng giúp đánh bại kiểm duyệt

Những nhà báo dân sự đã tiếp tục lấp đầy khoảng trống do các phương tiện truyền thông chính thức bị kiểm duyệt gắt gao đã để lại. Các hoạt động khai thác quặng bauxite do Trung Quốc thực hiện và tác động tai hại của chúng trên môi trường vẫn còn là một vấn đề gây tranh cãi, rằng khu vực Tây Nguyên đã bị cấm cửa đối với người ngoài. Vài du khách được phép vào khu vực đều bị cấm mang theo máy quay, điện thoại thông minh hoặc máy chụp hình để ngăn chặn sự loan truyền các hình ảnh đáng xấu hổ. Mặc dù vậy, trang web Bauxitevietnam.info đã xoay xở để có được thông tin và đang cố gắng với mọi khả năng để có cái nhìn bao quát về thực trạng tại chỗ.

Một đề tài phổ thông khác cho dân sử dụng Internet ở Việt Nam là sự thô bạo của cảnh sát. Một sĩ quan đã bị đình chỉ công tác sau khi một khúc phim video (1) đã được tung lên YouTube cho thấy anh ta sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình. Các nhà chức trách ban đầu phủ nhận những sự kiện, nhưng bằng chứng cụ thể do các video clip trưng ra đã buộc họ phải hành động. Chế độ đã học được cách phải chịu đựng ra sao, và thậm chí khai thác, trực tuyến huy động các chiến dịch miễn là chúng phục vụ cho những lợi ích của chính họ. Vài tuần sau tháng sáu năm 2011, những cuộc kêu gọi biểu tình phản đối sự hiện diện của Trung Quốc ở miền nam Việt Nam (2)(vụ tranh chấp lãnh thổ của quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa) đã được lưu truyền trên Facebook, dẫn đến các cuộc nổi dậy ở nơi công cộng của hàng trăm người ở Hà Nội, và hàng ngàn người ở Sài Gòn. Mặc dù ban đầu được làm ngơ, các phong trào biểu tình chống lại “sự vi phạm chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng lãnh hải của Việt Nam” này đã bị hạn chế, để rồi sau đó bị đàn áp.

Mặc dù sự lọc lựa vẫn còn nghiêm trọng (3), nó đã không được gia tăng mạnh nữa. Số lượng các cuộc tấn công trên mạng chống lại những trang web nhạy cảm dường như được giữ ổn định. Chính phủ quan tâm đến sự giám sát hơn là đến biện pháp khóa các trang web. Facebook đôi lúc vẫn còn không thể vào được, nhưng với hai triệu người sử dụng tại Việt Nam nó không phải là bị khóa vĩnh viễn . Đây là một phương cách khác để cho các cơ quan có thẩm quyền có thể theo dõi các hoạt động của cư dân mạng Việt Nam và mạng lưới của họ.

Để đáp ứng các mối đe dọa là những trang Web – do bản chất hợp tác lẫn nhau – sẽ trưng ra những chuyện kiểm duyệt ở Việt Nam, chế độ đã ra quyết định giành lấy sự kiểm soát các mạng xã hội bằng cách tung ra phiên bản riêng của nhà nước cho Facebook (4) vào tháng 5/2010. Để mở một tài khoản, trang web đòi hỏi người sử dụng phải cho biết danh tính qua tên thật của họ, luôn cả số thẻ Chứng Minh Nhân Dân. Theo The Wall Street Journal, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp đang sử dụng blog của mình để khuyến khích thanh thiếu niên Việt Nam vào thăm trang web để tìm hiểu về "văn hóa, các giá trị và lợi ích" của Bộ. Mục đích là để thu hút hơn 40 triệu thành viên (gần nửa dân số) vào năm 2015. Để thực hiện điều này, mạng lưới chủ yếu là dựa vào sự cung ứng các trò chơi video phổ thông đến những người sử dụng Internet. Vào giữa năm 2011, trang web đã có khoảng 3 triệu người sử dụng vào đăng ký.

 

Những làn sóng bắt bớ

Một điểm khác trong sách lược của Việt Nam để kiểm soát Internet bao gồm việc bắt giữ các blogger, các cư dân mạng và các nhà báo. Một dấu hiệu của sự không khoan nhượng của chính quyền được phanh phui là trong số hơn 10.000 tù nhân được hưởng ân xá của chính phủ trong dịp đánh dấu kỷ niệm độc lập của Việt Nam lần thứ 66, tổ chức vào ngày 02/09/2011, có một số nhỏ các tù nhân chính trị. Blogger Nguyễn Văn Tình và nhà thơ Trần Đức Thạch, năm 2009 đã bị kết án lần lượt ba năm rưỡi và ba năm tù giam về tội danh  "tuyên truyền chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam", đã được thả, nhưng những mẩu tin vui hiếm hoi này che giấu một thực tế đáng buồn: việc bắt giữ cư dân mạng đã tăng mạnh trong vài tháng cuối cùng trong nhà tù lớn thứ hai thế giới dành cho cư dân mạng, sau Trung Quốc (5).

Một số blogger và các nhà hoạt động có liên kết với mạng lưới Thiên Chúa Giáo Việt Nam (6) đã bị bắt trong một chiến dịch đại quy mô được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện trong khoảng cuối tháng bảy và giữa tháng tám 2011. Blogger Paulus Lê Sơn (7) bị bắt ngày 03/08/2011 tại Hà Nội là một phần của kiểu "bắt cóc được cảnh sát dàn dựng" sáng tạo. Tất cả những chỉ dấu cho thấy là vụ bắt bớ có liên quan đến nỗ lực của anh để che chở cho nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng trên mạng Cù Huy Hà Vũ (8) trong phiên tòa.

Linh mục Công giáo Nguyễn Văn Lý bị bắt giam lại (9) mặc dù tuổi tác cao và sức khỏe kém. Blogger Lữ Văn Bảy (10) nhan án bốn năm tù vào tháng 9/2011. Thông báo rằng luật sư Lê Công Định có thể bị trục xuất sang Hoa Kỳ đã không được thi hành cho đến nay. Blogger Phạm Minh Hoàng đã được thả (11) sau khi mãn hạn tù 17 tháng, nhưng ông vẫn còn bị quản chế tại gia trong vòng ba năm.

Thân nhân của blogger Điếu Cày (12) đã không có tin tức của ông ta nhiều tháng, dẫn đến tin đồn lan rộng gieo hoang mang. Không biết tình trạng của ông ra sao, mối quan tâm về số phận và sức khỏe của ông vẫn tồn tại khi các cơ quan có thẩm quyền vẫn còn từ chối cấp phép thăm nuôi cho gia đình ông.

Ưu tiên của chính phủ là làm sao để duy trì quyền lực, ngay cả khi phải trả bằng cái giá là hình ảnh của đất nước bị lu mờ. Ảnh hưởng quốc tế đang suy giảm, ngoại trừ ảnh hưởng của Trung Quốc, quốc gia có quan hệ rất phức tạp với Việt Nam. Quốc hội Hoa Kỳ có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc bảo vệ quyền tự do Việt Nam. Trong đầu năm 2012, các thành viên của Quốc hội đã lên kế hoạch cứu xét một dự luật có thể thắt chặt một phần của viện trợ tài chính không "nhân đạo", và sự hợp tác quân sự giữa hai nước với mong ước một cải thiện tình trạng nhân quyền tại Việt Nam, đặc biệt là tự do phát biểu và tự do tôn giáo. Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) đã cấp 134 triệu đô la cho Việt Nam trong năm 2010.

___________

1. http://www.youtube.com/watch?v=Gx1c_0itqjc

2. http://trungdungvo.blog.lemonde.fr/2011/06/05/vietnam-paracels- et-spratley-quelques-milliers-de-manifestants-dans-la-rue-ce-dimanche-contre-la-chine/

3. http://en.rsf.org/vietnam-vietnam-11-03-2011,39763.html

4. http://online.wsj.com/article/SB10001424052748703305004575503561540612900.html?mod=wsj_share_twitter

5. http://en.rsf.org/press-freedom-barometer-netizens-imprisoned.html?annee=2012

6. http://www.frontlinedefenders.org/node/16295

7. http://en.rsf.org/vietnam-blogger-paulus-le-son-arrested-04-08-2011,40751.html

8. http://en.rsf.org/vietnam-cyber-dissident-gets-seven-years-04-04-2011,39948.html

9. http://en.rsf.org/vietnam-ailing-dissident-catholic-priest-28-07-2011,40711.html

10. http://en.rsf.org/vietnam-blogger-lu-van-bay-serving-four-26-09-2011,41059.html

11. http://en.rsf.org/vietnam-call-for-transparency-and-respect-28-11-2011,41479.html

12. http://en.rsf.org/vietnam-blogger-s-detention-prolonged-21-10-2010,38633.html

 

Minh Hạnh
Nguồn: Internet Enemies Report 2012, Reporters Without Borders (12/03/2012)

 


Cái Đình - 2012