Phạm Hồng Sơn


Nhà thơ/nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa được trao giải Liu Xiaobo Courage to Write

Nhà thơ/nhà văn Nguyễn Xuân Nghĩa trong khối 8406, hiện đang bị cầm tù ở Việt Nam, được giải "Lưu Hiểu Ba Can Đảm Viết" năm 2013 của Trung Tâm Văn Bút Độc Lập Trung Quốc  (15-11-2013). Dưới đây là Bản Tuyên bố và Thông cáo của Trung Tâm Văn Bút Trung Hoa Ðộc Lập bằng Việt ngữ:

***

Bản Tuyên bố và Thông cáo của Trung Tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập

Trung Tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập (ICPC) vừa vinh danh hai nhà văn bị cầm tù, Tan Zuoren (Trung Hoa) và Nguyễn Xuân Nghĩa (Việt Nam). Hai tác giả này được trao tặng Giải thưởng Lưu Hiểu Ba Can Đảm Viết năm 2013. Lưu Hiểu Ba (Liu Xiao Bo), Giải Nobel Hòa Bình năm 2010, là nhà văn, nhà đấu tranh nhân quyền cũng đang bị cầm tù. Sự vinh danh này nhằm ghi nhận sự bền bỉ và lòng dũng cảm của những người cầm bút bất chấp đe dọa tù đày. Ngoài ra, bốn nhà văn Liu Benqi, Xu ZhiYong, Liu Hu và Yang Maodong vừa được Văn Bút Trung Hoa Độc Lập bầu làm hội viên danh dự của Trung Tâm.

Tính tới nay, Văn Bút Trung Hoa Độc Lập có 6 hội viên vẫn đang bị cầm tù, đó là YANG Tongyan, LƯU Hiểu Ba, ZHU Yufu, ZHAO Changqing, ZHANG Lin and LI Huaping. Và 24 hội viên danh dự của Trung Tâm vốn là cựu tù nhân cũng đang bị giam cầm tại Trung Cộng: KONG Youping, Nurmuhemmet YASIN, QI Chonghuai, XU Wanping, LU Jianhua, GUO Quan, TAN Zuoren, Hailaite Niyazi, LIU Xianbin, CHEN Wei, LI Tie, Memetjan Abdulla, Jangtse Donkho, Buddha, Dokru Tsultrim, WEN Yan, CHEN Xi, GAO Zhisheng, Tashi Rabten, Kunchok Tsephel Gopey Tsang, Kunga Tseyang, Gangkye Drubpa Kyab, RAO Wenwei and LI Bifeng. Trong khi đó 62 hội viên danh dự và cựu tù nhân đã ra khỏi nhà tù.

Giải thưởng Lưu Hiểu Ba Can Đảm Viết” của Trung Tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập được thành lập năm 2006, với tên ban đầu là “Giải thưởng Nhà Văn bị Cầm tù”. Từ năm 2006 đến 2009, đã có những người sau đây được trao giải: YANG Tongyan, ZHANG Lin, Lü Gengsong, DU Daobin and XU Zerong. Bắt đầu từ tháng 3 năm 2010, Giải thưởng đã được mang tên Tiến sĩ Lưu Hiểu Ba, cựu chủ tịch và chủ tịch danh dự của Trung Tâm, nhằm ghi nhận sự dũng cảm của ông trong các bài viết suốt 20 năm qua và sự ủng hộ không mệt mỏi của ông cho Giải thưởng này. Tiến sĩ Lưu Hiểu Ba bị bắt giam ngày 8 tháng 12 năm 2008 và đang chịu hình phạt nặng nề 11 năm tù kể từ năm 2009 tới nay. Từ năm 2010 đến 2012, Giải thưởng này đã vinh danh những nhân vật sau: LIU Xianbin, Zarganar (Miến Điện), Hada, QIN Yongmin, CHEN Wei, Dolma Kyab and WU Yilong.

Ông Tan Zuoren, 59 tuổi, là một nhà hoạt động vì môi trường, một nhà văn và cựu biên tập tạp chí Literati. Sau trận động đất xảy ra tại Tứ Xuyên năm 2008, ông đã chất vấn về việc tại sao rất nhiều trường học đã bị sụp đổ trong thảm họa này, trong khi có nhiều tòa nhà gần chúng vẫn không đổ. Ông đã kêu gọi các công dân mạng và những người đã mất con trong những vụ sụp đổ đó giúp ông thu thập thông tin chi tiết về các nạn nhân. Ông cũng đề nghị những người tình nguyện giúp ông tập hợp các chứng cứ chi tiết liên quan tới sự cẩu thả, bớt xén trong việc xây dựng các trường học. Ngày 28 tháng 3 năm 2009, Tan Zuoren bị bắt giữ với cáo buộc kích động lật đổ chính quyền vì một bài ông viết trên mạng năm 2007 có nhan đề “1989: Chứng kiến cho Người Đẹp cuối cùng : Nhật ký Thiên An Môn của một nhân chứng”. Trong bài báo đó ông Tan Zuoren đã chỉ trích sự đàn áp đẫm máu của nhà cầm quyền trong vụ biểu tình đòi dân chủ ở Quảng trường Thiên An Môn tháng 6 năm 1989. Sau đó ông Tan Zuoren đã bị đưa ra xét xử tại một Tòa án Nhân dân Trung cấp ở thành phố Chengdu vào ngày 12 tháng 8 năm 2009. Trong phiên tòa, lúc cuối cùng ông Tan Zuoren đã nói: “Tất cả những gì tôi làm là để thực thi bổn phận của một công dân, để nói lên tiếng nói của lương tâm và sự thật.” Luật sư bào chữa cho bị cáo, ông Pu Zhiqiang cho rằng việc lật tẩy nguyên nhân phía sau sự đổ nát có thể đã làm cho chính quyền bị bẽ mặt. Và nói rõ rằng : “Họ đã bỏ hết mọi chi tiết liên quan tới động đất ra ngoài cáo buộc vì họ sợ động chạm đến những điều nhạy cảm đó.” Vợ của ông Tan Zuoren, người không được tham dự phiên tòa, đã đánh giá phiên tòa là một “trò cười” và là sự xúc phạm công lý. Ngày 9 tháng 2 năm 2010, ông Tan Zuoren đã bị kết án 5 năm tù cùng 3 năm bị tước bỏ quyền chính trị. Ngày 09 tháng 6 năm 2010, Tòa án Nhân dân Tối cao tỉnh Tứ Xuyên đã bác kháng án và giữ nguyên bản án vừa nói đối với ông Tan Zuoren. Hiện nay ông đang bị giam tại nhà tù Ya’an ở tỉnh Tứ Xuyên và sẽ hết hạn tù vào ngày 27 tháng 3 năm 2014.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa là một nhà thơ Việt Nam, đồng thời còn là nhà báo, nhà viết truyện và luận đề, một hội viên của Hội nhà văn Hải Phòng và là thành viên sáng lập của tổ chức dân chủ bị cấm đoán Bloc 8406. Ông cũng là biên tập viên cho Tổ Quốc – một tờ báo dân chủ phải xuất bản chui. Là một nhà báo, ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã viết cho nhiều tờ báo lớn của nhà nước cộng sản cho tới năm 2003 khi ông bị cấm vì những hoạt động cổ xúy cho dân chủ. Ngày 9 tháng 10 năm 2009, sau một phiên xử chớp nhoáng trong vài giờ đồng hồ, ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị kết tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của Bộ luật Hình sự Việt Nam và kết án 6 năm tù giam. Điều 88 cấm “mọi tuyên truyền chống nhà nước Xã hội chủ nghĩa” cũng như cấm “mọi hành vi gây hại cho an ninh quốc gia, trật tự xã hội, niềm tin của nhân dân với Đảng.” Cáo trạng chống lại ông đề ngày 3 tháng 7 năm 2009 liệt kê 59 bài viết của ông Nguyễn Xuân Nghĩa từ năm 2007 cho tới khi ông bị bắt vào năm 2008, bao gồm thơ, truyện ngắn, các bài báo, với cáo buộc đã cố tình “xúc phạm Đảng Cộng sản Việt Nam, làm sai lệch tình hình đất nước, thóa mạ, bôi xấu lãnh đạo đất nước, đòi hỏi đa nguyên, đa đảng…và kích động, lôi kéo người khác tham gia phong trào chống đối.” ông Nguyễn Xuân Nghĩa thuộc số hơn 10 người hoạt động ôn hòa đã bị bắt trong chiến dịch đàn áp khoảng tháng 9 năm 2008. Ngày 21 tháng giêng năm 2010, một phiên tòa phúc thẩm diễn ra trong một ngày tại Hải Phòng (thành phố cảng phía bắc Việt Nam), vẫn giữ nguyên bản án sơ thẩm đối với ông. Các phóng viên ngoại quốc không được tham dự phiên xét xử này.

Ông Nguyễn Xuân Nghĩa ban đầu bị giam tại trại tạm giam bộ Công An B14 thuộc tỉnh Hà Đông, phía nam Hà Nội. Một số nguồn tin cho biết ông bị biệt giam. Theo vợ ông Nguyễn Xuân Nghĩa thì chồng bà không được gặp gia đình vì ông bị trả thù do đã phản đối một cách ôn hòa các điều kiện giam cầm. Tháng 3 năm 2012, trong một lần vào thăm trong trại giam, gia đình mới biết ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị chuyển đến một nhà tù gần biên giới với Lào, cách nhà hơn 400 Km, điều này đồng nghĩa với việc các khó khăn và chi phí cho gia đình ông sẽ tăng thêm khi đi thăm ông. Sau đó vợ ông đã đi thăm ông sau hai ngày đường và cho biết ông Nguyễn Xuân Nghĩa đang có nhiều vấn đề về sức khỏe, tình trạng tinh thần bị ảnh hưởng nặng, ông đã có nhiều lần nghĩ đến tự vẫn. Tháng 7 năm 2013, cộng đồng quốc tế biết được tác giả nhựt ký điện tử (blogger) Nguyễn Văn Hải (bút hiệu Điếu Cày) đã tuyệt thực tới ngày thứ 30 để phản đối tình trạng giam giữ và việc đối xử hà khắc thô bạo của nhân viên nhà tù đối với bản thân ông và các tù nhân khác. Gia đình ông Nguyễn văn Hải và dư luận bên ngoài biết được tin tức tuyệt thực đó là do ông Nguyễn Xuân Nghĩa đã quên những hiểm nguy đối với bản thân báo cho vợ của ông biết trong một cuộc thăm gặp ở nhà tù mà hai ông cùng bị giam giữ. Theo tin tức thuật lại, ôngg Nguyễn Xuân Nghĩa đã bị bịt mồm ngay lập tức và bị lôi đi ngay khi ông vừa nói ra tin tuyệt thực của ông Nguyễn Văn Hải. Sau đó ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị biệt giam với thời hạn có thể ít nhất là 3 tháng. Vài tuần sau, có tin “phạt kỷ luật” được bỏ tạm thời. Không bao lâu sau đó, vợ ông khi đi thăm đã biết được ông không còn bị biệt giam nhưng tình cảnh ông có thể lại nguy hiểm hơn : ông bị giam chung với một tù nhân hình sự có án chung thân vì làm gián điệp cho Trung Cộng. Tháng 09 năm 2013, có tin tức cho biết ông Nguyễn Xuân Nghĩa bị tù nhân cùng buồng đánh đập. Vì vậy, cộng đồng, dư luận ở khắp nơi đang rất lo lắng cho tình trạng sức khỏe và sự an nguy của ông Nguyễn Xuân Nghĩa.

Mỗi năm, vào ngày 15 tháng 11, các hội viên của Văn Bút Quốc Tế (PEN International) khắp nơi trên thế giới đều kỷ niệm “Ngày các Nhà văn bị Cầm tù” và vinh danh sự can đảm của các văn thi hữu và đồng nghiệp bị tù đày trong công cuộc chống áp bức và bảo vệ quyền tự do phát biểu và thể hiện quan điểm. Trung Tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập muốn nhấn mạnh lại rằng quyền phát biểu và thể hiện quan điểm, bao gồm cả tự do viết, xuất bản, là những quyền con người không thể bị tách rời hay nhân nhượng. Trung Tâm sẽ tiếp tục vận động để mang lại tự do cho Lưu Hiểu Ba, Tan Zuoren, Yang Tongyan và tất cả những người bị giam cầm do lên tiếng bằng ngòi bút.

Văn Bút Quốc Tế (PEN International) là tổ chức lâu đời nhất trên thế giới trong lĩnh vực cổ xúy cho nhân quyền và là một tổ chức quốc tế về lĩnh vực văn chương. Trung Tâm Văn Bút Trung Hoa Độc Lập là một trong 146 thành viên của Văn Bút Quốc Tế, có mục tiêu bảo vệ sự tự do của các nhà văn trong việc phát biểu và thể hiện quan điểm cũng như quyền tự do được viết trên khắp thế giới, đồng thời cổ xúy và trợ giúp cho các nhà văn, nhà báo đang bị cầm tù, đe dọa, bức hại, sách nhiễu, đặc biệt là tại Trung Cộng.

Mọi thông tin thêm, xin liên hệ: Tiến sĩ Yu Zhang, Thư ký điều hành và Điều phối viên của Ủy ban Báo chí & Dịch thuật.

Bản tiếng Việt của Phạm Hồng Sơn (Hà Nội).

Bấm vào đây để xem nguyên bản Anh ngữ

 


Cái Đình - 2013