Thanh Tâm


Tiếng nhạc Việt trong ngôi nhà cổ

 

Ngô Hồng Quang và Nguyễn Thanh Hùng

 

Khi được tin người bạn nhắn là: “…nhớ ghi tên nhanh, năm rồi không có đủ chỗ đấy…”, tôi đã phân vân tự hỏi: “làm sao nhạc cổ truyền Việt lại có sức hấp dẫn người Hòa Lan như vậy?”, nhưng rồi tôi cũng ghi tên, để cho đến buổi trình diễn mới thấy lời căn dặn của người bạn không phải vô lý. Bởi vì buổi trình tấu “Vietnamese klanken bij ceremoniële thee” chiều 18/03/2012, cũng như năm 2011, được tổ chức trong căn phòng nghe nhạc của ngôi nhà với 400 năm tuổi mang tên Honig Breethuis (trong làng Zaandijk), hiện là một viện bảo tàng trưng bầy những di vật của gia đình đại thương gia Hòa Lan Jacob Breet (thế kỷ 17) và gia đình đại kỹ nghệ gia ngành giấy Cornelis Honig, người đã cho khởi công xây ngôi nhà năm 1710. Và cũng như năm rồi, căn phòng đầy ngập, không còn chỗ kê thêm ghế.

Nằm dọc con lạch nhỏ, nhìn sang bờ bên kia là khu Zaanse Schans, một điểm du lịch lý tưởng cho những du khách đến thăm Hòa Lan ngắn ngày, Zaandijk là một làng nổi tiếng với nhiều ngôi nhà cổ hàng trăm năm. Từ nhiều năm, viện bảo tàng Honig Breethuis có truyền thống là mỗi chủ nhật thứ ba trong tháng có tổ chức những buổi hòa nhạc hay nói chuyện về văn hóa trong sảnh đường trên căn gác được thiết trí riêng cho mục đích này. Trước khi bắt đầu, tôi may mắn “lẻn” được vào vài căn phòng (viện bảo tàng đóng cửa mỗi khi có tổ chức) xem những sinh hoạt thường ngày của một gia đình đại gia Hòa Lan. Theo lời bà Leonore, người phụ trách tổng quát chương trình hòa nhạc, gia đình này rất hãnh diện vì bản Tuyên Ngôn Ðộc Lập Hoa Kỳ năm 1776 đã được in trên giấy mua của công ty, mà gia đình còn giữ được một phó bản. Hỏi về Ngô Hồng Quang, một trong hai nhạc sĩ sẽ trình tấu nhạc Việt, bà cho biết Quang là một người dễ mến, giản dị, và “nhạc của anh lạ lắm”.

Thực thế. Ấn tượng đầu tiên khi gặp nhạc sĩ Ngô Hồng Quang là sự cởi mở, biểu lộ thân thiện hiện rõ trên nụ cười, điều kiện cần thiết của một người nghệ sĩ phải có nhiều tiếp xúc với quần chúng. Anh theo học ở nhạc viện Amsterdam đã hai năm nay và đã có nhiều buổi trình diễn ở xứ hoa tulip, có lần anh được đài truyền hình VPRO thực hiện hẳn một chương trình giới thiệu. Ngoài ra anh đã có cơ hội thực hiện 1 CD ở Hòa Lan (Song Hành) trong cố gắng tìm một sự dung hợp hai giòng nhạc Ðông Tây. Trên môi không tắt nụ cười, nhưng khi vào chương trình, nụ cười của anh chợt nhiên mất đi, thay vào đó là vẻ nghiêm trang, chuẩn bị cho một đắm mình vào những cung bậc đòi hỏi một đôi tai thẩm âm rất chính xác.

Sở trường của Ngô Hồng Quang là đàn nhị. Anh đã học đàn nhị trong 13 năm và ở Việt Nam anh đã nhiều năm là giáo sư về đàn nhị trong nhạc viện. Trong những mục trình tấu chiếc đàn hai dây này anh đã cho thính giả xem một số phiên bản đàn nhị khác nhau. Tuy đơn giản chỉ có 2 dây, nhưng tùy theo chất liệu và kích thước, mỗi chiếc đàn mang một âm điệu riêng. Anh đã cho mọi người nghe những giai điệu từ Bắc vào Nam. Tôi đặc biệt chú ý đến phần anh giới thiệu về hát xẩm với những kiểu hát khác nhau. Dường như đây là một đề tài anh rất thích thú vì anh đã say mê giải thích những biến thế của “dòng nhạc hát xẩm”. Lần đầu tiên tôi nhận ra rằng “thì ra nhạc xẩm cũng có cả một đường hướng riêng, chứ không phải bạ đâu hát đó” như mình từng coi thường. Tiếc rằng những bài nhạc cổ Việt Nam hay ở lời, vần điệu, dùng hình chỉ ý…, những chuyện này không thể diễn dịch ra bất kỳ một ngôn ngữ nào khác. Một biến thể của cây đàn nhị là cây đàn K’ny của người dân tộc Giarai, cây đàn này có căng thêm một sợi dây cho người sử dụng ngậm trong miệng để thêm những tiết điệu vào. Tiếng đàn K’ny vì thế có những âm phụ ‘meo… meo’. Bà khách ngồi cạnh tôi cười nói: “sao nó giống mèo kêu”, tôi chợt nghĩ biết đâu khi xưa người ta bắt chước tiếng con beo trong rừng, phải vậy chăng?

Giữa những màn trình tấu nhạc cụ, Ngô Hồng Quang cũng giải thích thêm về nhạc ngũ cung Việt Nam, so sánh với nhạc Tây phương; anh nhấn mạnh về đặc điểm của nhạc cổ truyền Việt Nam trong những bài hòa tấu, là các nhạc cụ chỉ gặp nhau ở những nốt chính sau mỗi đoạn nhạc, còn trong giòng nhạc thì được… tự do. Ðó là do bản sắc của mỗi nhạc khí, và cách thức này đã cho phép người đàn có được sự phóng túng tùy theo từng hoàn cảnh. Anh đã cùng Nguyễn Thanh Hùng hòa tấu vài bản nhạc. Quang chơi đàn nhị, Hùng dùng sáo, đàn nguyệt, sanh tiền… phụ họa. Nguyễn Thanh Hùng là một người có nghệ sĩ tính đặc biệt, anh không bao giờ thỏa mãn với những gì mình đạt được, mà luôn tìm cái hoàn toàn mới lạ. Từ năm năm nay anh đã đổ gần như toàn bộ thời gian rảnh rỗi vào việc chăm sóc một ‘trại’ nuôi ong theo lối cổ truyền Hòa Lan. Tiền bán mật ong và đèn cầy làm bằng sáp ong được dành hoàn toàn cho những chương trình giúp trẻ tật nguyền ở Việt Nam. Trong buổi trình tấu, Nguyễn Thanh Hùng đã cho thính giả nghe nhiều loại nhạc khí khác nhau. Màn thổi sáo theo cách của những nhà sư Tibet – là kỹ thuật kéo làn hơi liên tục dài hàng chục phút, tiếng sáo không đứt đoạn tượng trưng cho dòng chảy bất tuyệt của đời sống, của nghiệp… – đã làm nhiều người nín thở theo dõi, tự hỏi không biết anh thổi cách nào. Trong vài tiết mục anh đã đệm nhạc cho người bạn đời Bùi Tố Nga hát những bản dân ca. Trong buổi trình diễn chiều nay Tố Nga và Hùng cũng có những màn dân ca theo lối quan họ và trong màn giới thiệu chiếc trống cơm đặc biệt của Việt Nam, và màn hợp tấu đàn tranh, đàn nguyệt, đàn nhị. Một thân hữu người Hòa Lan cũng đã lên cùng hợp tấu.

****

Ngoài ngón sở trường đàn nhị, Ngô Hồng Quang còn cho quan khách thưởng thức những màn trình tấu đàn bầu, nhiều sáo đủ cỡ, và đặc biệt là đàn môi. Khán giả đã rất ngạc nhiên thấy chỉ với vài miếng kim loại, anh đã làm nên nhiều âm thanh khác nhau, từ tiếng chim, tiếng sáo cho đến tiếng người. Nhìn chung, người Hòa Lan thích thú thấy những nhạc cụ cổ truyền Việt Nam có thể phô diễn những âm điệu, tiết tấu mà đàn Tây phương không thể làm. Những “trò vặt”, như với chiếc đàn nhị đơn giản người chơi đàn có thể bắt chước chó sủa chim kêu ngựa hí…; hay làm chiếc đàn môi phát ra câu “I love you” thu hút được sự thán phục của người ngoại quốc hơn là những tiết tấu qua giai điệu ngũ cung hò xừ xang xê cống với những luyến láy đặc thù Việt Nam. Người Hòa Lan chú ý đặc biệt đến cây đàn bầu, chỉ với một dây mà ra được cả bản nhạc. Người gẩy khoan thai, nhưng tiếng đàn thật phong phú. Có điều, theo vài người cho tôi biết, thì nhạc cổ truyền Việt Nam mang âm điệu quá buồn, dày phần âm vực thấp, thiếu vắng âm cao. Hỏi tôi vì sao, thực sự mình cũng chẳng biết, từ nhỏ tới lớn nghe vậy thì biết vậy chứ đâu có bao giờ thắc mắc tìm tòi. Bây giờ trong thế kẹt, nhanh trí, tôi đưa ra nhận xét có lẽ vì người Việt sống hòa với thiên nhiên sông nước bao la, rừng cây bạt ngàn, điệu buồn hợp với khung cảnh tĩnh lặng của đất trời, còn âm trầm có khả năng vang xa hơn âm cao. Gặp bí cương đại vậy thôi, chẳng biết đúng sai ra sao.

Ðể kết, Ngô Hồng Quang đã mời mọi người cùng anh tập hát một bài dân ca Cống Khao (Con gà gáy le te), âm điệu dễ học dễ nhớ, và sau đó anh đã đáp lễ lại người Hòa Lan bằng một bản nhạc phổ thông của Hòa Lan trình bày bằng nhạc khí cổ truyền Việt Nam. “Tulpen uit Amsterdam!” được mọi người tán thưởng nhiệt liệt. Khi chia tay, anh mới cho biết là hôm sau anh sẽ “tạm” rời Hòa Lan nhiều tháng, để tham dự những cuộc lưu diễn ở Việt Nam và Hàn quốc, và để học hỏi thêm về dân nhạc. Vài người quyến luyến còn ở lại hỏi thăm, dùng những món bánh kẹo còn sót lại trong giờ uống trà giải lao. Kẹo lạc, mè xửng, bánh khoai mì, ba món quà đặc trưng từ ba miền cũng như một tượng trưng cho những nhạc khí buổi chiều nay, đại diện cho một mảng âm nhạc không những bao trùm cả ba miền đất Việt, mà còn lan đến những vùng hẻo lánh xa xôi Tây và Tây Bắc Việt Nam.

 

Thanh Tâm
(03/2012)

 


Cái Đình - 2012