Nguyễn Trung


Theo van Gogh bị ám sát

Diễn tiến sự việc

Vào ngày 02-11 vừa qua, Theo van Gogh đã bị giết chết trong lúc đi bằng xe đạp đến văn phòng hãng phim Column Producties, nơi ông làm việc ở Amsterdam. Kẻ tình nghi là một người Hà Lan gốc Maroc tên Mohammed B., 26 tuổi. B. đã bắn nhiều phát súng vào ông. Khi bị thương, van Gogh đã bỏ xe đạp, cố gắng chạy qua bên kia đường. B. đã đuổi theo và bắn thêm nhiều phát súng (tổng cộng 20 phát, 8 phát trúng vào nạn nhân). Một nhân chứng đã kể rằng sau đó, B. đã thay băng đạn mới, rút dao ra, cầm dao bằng cả hai tay và đâm nhiều nhát vào Van Gogh như ‘đâm vào lốp xe’. Khi lưỡi dao này đã cắm vào ngực Van Gogh, B. lấy từ túi đeo trên vai lưỡi dao thứ hai cùng một mảnh giấy và ghim cả hai lên người nạn nhân như một thông điệp được để lại. Một nhân chứng khác đã kể rằng B. đã thử cắt cuống họng nạn nhân và sau đó chùi sạch khẩu súng bằng khăn tay. Trước khi bình tĩnh bỏ đi, B. đã đá vài lần vào cạnh sườn của van Gogh. B. đã bị cảnh sát bắt giữ trong công viên Oosterpark sau khi bị bắn vào chân.

Theo van Gogh là điện ảnh gia được xem là có tài, đã nhiều lần đoạt giải điện ảnh ở Hà Lan, từng là bỉnh bút của các báo Het Parool, HP/De Tijd và Panorama và trước khi chết là bỉnh bút của nhật báo Metro. Nhưng chính trên báo mạng của mình, degezonderoker.nl, ông mới cảm thấy thật sự thoải mái và tiếp tục viết những điều ông nghĩ bằng ngôn ngữ mạnh bạo, đầy tính gây hấn, nhất là để trình bày những ý tưởng về Hồi giáo. Báo mạng này đã trở thành diễn đàn chống chủ nghĩa quá khích của Hồi giáo. Nhưng ông đã sử dụng những từ ngữ được nhiều người xem là vượt quá xa sự chừng mực trí thức, dễ có tính cách nhục mạ Hồi gíáo nói chung. Hơn nữa phim Submission do ông thực hiện với sự cộng tác của nữ dân biểu Hirsi Ali (thuộc đảng VVD, xuất thân từ văn hóa Hồi giáo, đã bị hăm dọa và phải ẩn trốn vì những chỉ trích, phê phán Hồi giáo nặng nề) trình bày sự đàn áp phụ nữ trong văn hóa Hồi giáo, đã có cảnh kinh thánh Koran được viết trên thân thể của một phụ nữ. Những điều trên được xem là nguyên nhân dẩn đến cái chết của ông.

 

Hậu quả xã hội

Tin Theo van Gogh bị ám sát tại Hà Lan đã nhanh chóng vượt khỏi biên giới để trở thành tin quốc tế nóng bỏng. Cáí chết của van Gogh đã được dự đoán sẽ có những hậu quả xã hội trầm trọng hơn cái chết của Pim Fortuyn vào tháng 5 năm 2002. Pim Fortuyn là lãnh tụ đảng LPF khuynh hữu, đã có những phê phán nghiêm khắc về sinh hoạt chính trị, xã hội của Hà Lan lúc bấy giờ (nhất là phong cách sinh hoạt chính trị cũng như các chính sách về việc nhận người tị nan hay chính sách văn hóa đa nguyên của các đảng phái chính trị lớn của Hà Lan), đã đề ra những biện pháp giải quyết cứng rắn và đôi khi khá bốc đồng. Fortuyn đã tuyên bố văn hóa Hồi giáo là lạc hậu. Pim Fortuyn đã bị Gerard van der G., một người da trắng quá khích bản xứ bắn chết trong khi đang tranh cử. Đảng LPF đã thắng lớn trong cuộc bầu cử này và đã tham gia thành lập chính phủ. Tuy nhiên chính phủ này chỉ tồn tại trong vòng vài tháng. Đây là vụ ám sát đầu tiên trong lịch sử sinh hoạt chính trị dân chủ tại Hà Lan.

Khác với Pim Fortuyn, van Gogh chỉ là một nghệ sĩ, không đại diện cho đảng phái hay một khuynh hướng xã hội nào cả. Tuy nhiên, sau khi nội dung lá thư ghim trên người của van Gogh được bộ Tư Pháp phổ biến công khai, mọi người mới thấy cách Mohammed B. giết chết van Gogh khế hợp chính xác với nghi thức hành quyết của các tổ chức khủng bố Hồi giáo trên thế giới. Trong lúc hành động, B. đã mặc quần áo cổ truyền và đã chuẩn bị để trở thành thánh tử đạo. Lá thư được viết bằng Hà ngữ với cú pháp, văn phạm hoàn hảo. Thư cũng đã hăm dọa sẽ ám sát dân biểu Hirsi Ali, lãnh tụ của dảng VVD trong quốc hội van Aartsen và thị trưởng Amsterdam Cohen. Vấn đề bây giờ mang đặc tính quốc tế chứ không còn thuần tuý là vấn đề hội nhập trong xã hội Hà Lan. Sau vụ ám sát, các biện pháp an ninh đều được tăng cường tối đa. Toàn thể chính phủ, quốc hội, các tổ chức phi chính phủ, kể cả các tổ chức và các đền Hồi giáo, cùng nhân dân Hà Lan đều lên án hành động của Mohammed B., cho đó là sự vi phạm trầm trọng quyền tự do ngôn luận mặc dù hầu hết đều cho rằng van Gogh trong trường hợp này chưa thật sự là biểu tượng của quyền trên.

Một vài ngày sau vụ ám sát, nhiều đền Hồi, trường học Hồi và cả nhà thờ trên nhiều thành phố và thị xã Hà Lan đã bị phá hoại hay đốt cháy. Hầu hết những người Hồi giáo ở Hà Lan, nhất là những người có cơ sở thương mại, đều sống trong sự lo sợ. Chính phủ đã bị chỉ trích vì đã phản ứng quá chậm trễ và có những biẹn pháp đối phó không đồng nhất, nhất là các biện pháp an ninh và cách giải quyết vấn đề khác biệt của câc nền văn hóa hiện thời tại Hà Lan dễ đưa đến sự ngộ nhận là có những đối xử phân biệt trong xã hội: một bên là ‘chúng ta’ gồm những người da trắng bản xứ, một bên là ‘chúng nó’ gồm những người Hồi giáo và các sắc dân khác.

Điều đau buồn cho nhân dân Hà Lan là sự cực đoan đã hiện diện và phát triển trong xã hội đã từng được xem là phóng khoáng, bao dung (đã từng nổi tiếng với những chính sách đối với người ghiền ma túy, người đồng tính luyến ái, quyền được tự quyết định cái chết trong những ca bệnh hiểm nghèo vô phương trị…), một xã hội sinh hoạt chính trị tự do, ôn hòa với hình ảnh khá bình thường của thủ tướng, các bộ trưởng, dân biểu đến nhiệm sở hay đến bệ kiến nữ hoàng bằng xe đạp với cặp táp da được ràng trên yên sau. Người Hà Lan đang phải chạm mặt với một xã hội mà họ cảm thấy bắt đầu xa lạ với sự cực đoan và với những dị biệt văn hóa sâu sắc. Hà Lan hiện có một triệu tín đồ Hồi giáo, trong đó năm phần trăm theo sự đánh giá của cơ quan an ninh Hà Lan là cực đoan.

Thế giới bên ngoài cũng nhìn Hà Lan qua nhiều hình ảnh khác nhau: hoặc là một quốc gia du lịch (guốc gỗ, máy xay gió, hoa tu-lip,…), hoặc là một quốc gia nổi tiếng về nông nghiệp, khoa học, kỹ thuật (sữa bò, các sản phẩm điện tử, kỹ nghệ quốc phòng,…), hoặc là cửa ngõ của Ấu Châu (vị trí địa lý, hải cảng Rotterdam,…). Dù nhìn từ góc cạnh nào, họ đều có một hình ảnh ‘thần thoại’ chung về xã hội Hà Lan. Nhưng qua hai vụ ám sát với những biến động theo sau vừa kể trên, hình ảnh đó đã bị sứt mẻ, móp méo rất nhiều.

 

Albert Camus và đối thoại

Trong hoàn cảnh này, nhiều phương thức đã được đề ra. Giải pháp quan trọng nhất để đối phó với sự cực đoan và các biến động xã hội vẫn là sự đối thoại, thảo luận với nhau giữa các thành viên trong xã hội. Đây là một đồng thuận đồng thời cũng là lời kêu gọi của chính phủ, quốc hội và các tổ chức, đoàn thể, kể cả các tổ chức Hồi giáo.

Những nhân vật văn hóa, văn nghệ của Hà Lan cũng lên tiếng ngay từ giây phút đầu, Từ những phản ứng tiêu cực, chán nản muốn từ bỏ xã hội Hà Lan, như trong trường hợp nhà văn Harry Mulisch, cho đến bài báo của nhà văn A. F. Th. van der Heijden bày tỏ sự phẫn nộ về việc xâm phạm quyền tự do ngôn luận và các phản ứng tiêu cực của chính phủ trong những ngày đầu tiên sau vụ ám sát. Các triết gia Hà Lan cũng đã phân tích vấn đề và đánh giá đối thoại, thảo luận vẫn là phương pháp tích cực nhất để giải quyết vấn đề. Sự dị biệt sẽ thúc đẩy chuyển động xã hội. Chỉ có đối thoại mới tạo nên cảm thông, hiểu biết, tạo môi trường kết hợp chống lại sự cực đoan. Thiếu sự đối thoại vào nội dung đích thực của vấn đề, xã hội sẽ rơi vào vòng xoáy ốc của sự đúng sai chủ quan, mọi nhận thức, hành động sẽ bị lâm vào tình trạng thiếu máu, thui chột. Cũng tình cờ trong dịp này, triết gia, nhà văn Pháp Albert Camus (1913 – 1960) được nhắc đến. Một phần vì một tác phẩm của ông được in lại. Một phần quan trọng hơn vì ông đã từng sống ở Algérie, đã chứng kiến chiến tranh giành độc lập cũng như những cuộc khủng bố, xung đột đẫm máu giữa các nhóm Hồi giáo và Thiên Chúa Giáo. Do đó ông đã tuyên bố không chấp nhận những chủ nghĩa coi rẻ con người (như trường hợp chủ nghĩa cộng sản) cũng như không thể hy sinh sinh mạng con người như là phương tiện cho những lý tưởng, mục tiêu tốt đẹp. Thông điệp đó vẫn còn giá trị cho thế giới ngày nay.

 

Nguyễn Trung


Cái Đình - 2004