Minh Hạnh


Tất cả những gì có dính dáng đến Tây Tạng sẽ bị mất hết

Vào tháng 08/1007 Britt Das bắt đầu cuộc đi bộ, theo như truyền thống hành hương của Phật giáo,
từ Amsterdam đến thủ đô Lhasa của Tây Tạng. 10.000 km qua 18 quốc gia Âu và Á châu.
Một cuộc lữ hành dài một năm để kêu gọi mọi người để ý đến hoàn cảnh của Tây Tạng.
Bài phỏng vấn dưới đây được thực hiện bởi Michiel van der Geest
(nguyên tác: Alles wat Tibet voor staat, gaat verloren)
và đã đăng trong nhật báo de Volkskrant số ra ngày 12/04/2008.
Du ký của bà được lưu trữ trong trang web www.volkskrantreizen.nl/britt.

*

Bạn đang ở đâu đó?

Tôi đang ở Nukus, Uzbekistan. Tôi đang ngồi kế bên một chiếc ‘joert', một thứ lều cổ truyền Ubezkistan, nơi tôi sẽ ngủ tối nay. Thật là ấm cúng và sung sướng, vì suốt 5 ngày vừa qua tôi đã phải ngủ trong một cái lều nhỏ xíu ven đường. Từ biên giới Kazachstan, chặng đường dài 380 km chạy xuyên qua sa mạc. Chẳng có gì hơn ngoài cát, một con đường, vài người chăn cừu đi xe đạp, và thỉnh thoảng một vài con lạc đà, bởi vậy tôi vẫn phải chịu thôi.


Có cái gì để bạn phải kiếm ở Uzbekistan vậy?

Tôi đi bộ từ Amsterdam tới Tây Tạng. Một cuộc hành trình dài 10 ngàn cây số, xuyên qua 18 quốc gia. Mỗi ngày tôi đi khoảng chừng 40km. Tôi hy vọng sẽ tới Tây Tạng vào tháng 8.


Quãng đường dài nhỉ.

Tôi muốn cho người Tây Tạng thấy rằng chúng ta đang nghĩ đến họ. Tôi cố gắng gây ấn tượng cho mọi người về vấn đề của họ, trước khi Thế vận hội khai mạc. Người Tây Tạng đang chịu cảnh ‘nội bất xuất ngoại bất nhập', đức Đạt Lai Lạt Ma không thể đến đó, di sản văn hóa đang bị tàn phá nặng nề. Tất cả những gì có dính dáng đến Tây Tạng sẽ bị mất hết. Trong khi đó mọi người trong chúng ta lại thấy rằng nên để cho Trung quốc tổ chức Thế vận. Tôi muốn cất lên tiếng nói chống lại, bằng phương cách yêu chuộng hòa bình, một phương cách thích hợp với nước Tây Tạng.

Cuộc hành hương là một phần quan yếu trong Phật giáo, vì vậy (trong tôi) mới xuất phát ý tưởng phải lên đường.


Bạn đã làm rất nhiều cho Tây Tạng đó.

Tôi đã làm việc 15 năm trong ngành thiết kế trang phục thể thao. Tôi đã nhiều lần tới Trung quốc và biết những gì bê bối đang xảy ra nơi đó. Sau 15 năm tôi muốn làm một việc gì đó cho chuyện này. Bởi vì nếu không ai chịu động tay động chân, thì rồi lại cũng chẳng có chuyện gì xảy ra. Và ngay cả cho dù chỉ có một mình, tôi cũng chắc chắn là mình tạo được một ý nghĩa nào đó.

Phần khác là do bởi Phật giáo đã thấm trong tim tôi, dẫu rằng tôi không phải là Phật tử. Nhân loại sống chung qua phương cách hòa bình, không có sự phân biệt trong con đường mà cá nhân bạn đang theo. Về quan điểm này chúng ta có thể lấy ra một thí dụ từ Tây Âu.


Những người mà bạn gặp dọc đường có hiểu bạn đang làm gì không?

Chắc chắn là có. Nhất là ở Nga và Kazachstan, tôi đã nhận được rất nhiều yểm trợ. Ở đó tôi đã tạo được nhiều ấn tượng với báo giới, từ những tờ báo địa phương cho đến đài truyền hình quốc gia. Từ đó nhiều lần người ta đã nhận ra tôi. Người ta cũng đã biết chuyện gì đã xảy ra, họ hỗ trợ tôi và cung cấp cho tôi biết kịp th ời về tình trạng ở Tây Tạng. Hoặc là họ cho tôi sử dụng internet, bao tôi ăn trưa, hay trả tiền khách sạn cho tôi.


Thật là ấm lòng.

Cố nhiên. Nhưng chuyện đặc biệt nhất là sự đón tiếp chính thức của nhà sư cao tuổi nhất ở Elista, Nga. Sau 4 ngàn cây số đi bộ, đây là vị sư đầu tiên tôi được ôm. Ông kể cho tôi nghe rằng những tu sĩ từ vùng này, Kalmukkië, cả hàng thế kỷ nay đã làm những cuộc hành hương sang Tây Tạng.

Và bây giờ bỗng dưng có một bà Hòa Lan tóc vàng cũng làm cuộc hành hương này vì họ. Điều đó làm ông quá cảm động, tới mức khóc như mưa. Và đương nhiên là tôi cũng cảm động theo. Một cuộc gặp gỡ rất xúc động.


Còn có những lần gặp gỡ đặc biệt nào khác nữa không?

Có, nhiều lắm. Tôi đã gặp nhiều người đã để lại ấn tượng sâu đậm trong tôi. Và mới mấy hôm trước đây tôi được thấy một con lạc đà mới sinh chưa được 1 ngày, điều đó không làm tôi dễ quên được.

Nhưng tôi cũng thấy thích thú khi nói chuyện với một người đã 80 tuổi ở ngoài chợ, cho dù rất là khó khăn khi cả hai bên không hiểu ngôn ngữ của nhau. Nhưng không sao. Tôi thấy mình trở nên thảnh thơi và mềm dẻo hơn. Tôi không còn bận tâm đến những chuyện ruồi bu, mà chỉ chú tâm vào những điểm cơ bản. Tôi phải ngủ ở đâu và sẽ phải ăn thức gì.


Chúc bạn thành công trên đường đến Tây Tạng.

Tôi nôn nóng tới đó, cho dù trong những giây phút khó khăn tôi chỉ muốn quay về nhà. Nhưng tôi đã đi được hơn nửa đường, vì vậy tôi phải đi tiếp. Chuyện chưa kết thúc ở đây đâu.

 

Minh Hạnh

 


Cái Đình - 2008 .