Thanh Tâm


‘Sống trong sợ hãi' tham dự Liên hoan Phim Quốc tế Rotterdam 2007

 

Trong kỳ Liên hoan Phim Quốc tế tại Rotterdam lần thứ 36 (24/01 - 04/02/2007) những người thích phim nghệ thuật châu Á đã có dịp thưởng thức ‘ Sống trong sợ hãi' (Living in Fear), cuốn phim nhựa đầu tiên của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Bùi Thạc Chuyên tốt nghiệp Đại học Sân Khấu – Điện Ảnh Hà Nội. Ra trường, anh làm cho Nhà hát kịch Việt Nam, nhưng sau đó anh cảm thấy điện ảnh phù hợp với sở thích của mình, nên đã chuyển sang học ngành này.

Cuốn phim video đầu tay ‘ Nỗi buồn vĩnh cửu' (Eternal Sadness) đã được Bùi Thạc Chuyên thực hiện với mục đích giúp một người bạn đang học khóa quay phim. Cuốn phim đã mang lại giải nhất cuộc thi của sinh viên trong trường. Năm 1981 phim đã đoạt huy chương vàng Liên hoan phim ngắn Việt Nam. Đây là một khích lệ rất lớn để Bùi Thạc Chuyên mạnh bước trên con đường điện ảnh, với phim tiếp theo ‘ Giọt nước mắt' . Nhưng sau đó anh nhảy sang lãnh vực phim truyền hình, với bộ phim nhiều tập ‘ 12A và 4H ', dựa theo tiểu thuyết ‘Vĩnh Biệt Mùa Hè' của Nguyễn Đông Thức, xoay quanh cuộc tình phức tạp giữa 4 nữ sinh có tên vần H và ông thầy chủ nhiệm lớp 12A. Bộ phim này đã làm danh tiếng Bùi Thạc Chuyên nổi bật lên trong những năm 1994 – 1995. Tiếp liền là những bộ phim truyền hình khác như ‘ Những mảnh vỡ hoàn hảo ', ‘ Bỏ vợ '…

Tuy nhiên Bùi Thạc Chuyên xem ra không mặn mòi lắm với loại phim kiểu này. Với anh, làm phim phải có niềm đam mê và không được coi thường chất lượng. Anh đã để nhiều công làm nên những phim nói lên được kiếp nhân sinh bị đọa đày, những nghiệt ngã của cuộc đời, những người lao động khốn khổ…. Sau ‘ Nỗi buồn vĩnh cửu' , cuốn phim ngắn ‘ Cuốc xe đêm' (Course de Nuit) đã khẳng định bản lĩnh và tay nghề của anh bằng giải ba Cinefondation trong Liên hoan Phim Cannes kỳ th ứ 53 (10 - 21/05/ 2000). Rồi bị ám ảnh bởi một ký sự nhân vật trên báo Tuổi Trẻ viết cuộc sống của ông Ngô Đức Nhật, 35 tuổi, ở Tuy Phong (Bình Thuận), kiếm sống bằng nghề đào bom bán phế liệu, Bùi Thạc Chuyên đã đ ến tận nơi thâu thập tài liệu để d ựng l ên cuốn phim tài liệu ‘ Tay đào đất ', gây được nhiều tiếng vang trong giới làm phim ngắn trong nước.

Nhưng phim tài liệu không thể nào quay ngược lại quá khứ, không lột tả được xã hội và diễn tiến tâm lý con người, nên Bùi Thạc Chuyên đã mời Nguyễn Thị Minh Ngọc cộng tác để từ cốt truyện trên dựng thành kịch bản cho cuộn phim nhựa đầu tiên của anh: ‘ Sống trong sợ hãi '. Được hãng phim Nhật Bản NHK hỗ trợ 40% chi phí trong dự án giúp đỡ các đạo diễn châu Á phát triển nghề nghiệp, phim đã hoàn thành năm 2005 với tổng kinh phí 3,5 tỉ đồng. Trong năm ra mắt, phim đã đoạt năm giải Cánh diều vàng của Hội điện ảnh Việt Nam (kịch bản hay nhất, đạo diễn phim truyện nhựa xuất sắc nhất, giải phê bình báo chí, giải nam diễn viên chính xuất sắc nhất, giải nam diễn viên phụ xuất sắc nhất – Mai Văn Thịnh trong vai Năm Đực). Phim sau đó đã được mang đi Thượng Hải trình chiếu trong Liên hoan Phim Quốc tế lần thứ 9 ở thành phố này (17 - 25/06/2006) và đã giành được giải phim hay nhất trong loạt giải Tài năng mới của châu Á với ý kiến đánh giá của ban giám khảo: ‘Sống trong sợ hãi đã khắc họa chân dung những vết thương để lại sau chiến tranh trong cuộc sống thường nhật của một số người Việt Nam, cuộc sống đó chứa đựng những áp lực khó nói và những mối lo âu. Chủ đề độc đáo này đã được thực hiện một cách xuất sắc với các chi tiết điện ảnh đầy đặn, tinh tế dưới bàn tay chăm chút của đạo diễn .”

Sống trong sợ hãi ' ghi lại cuộc đời một người lính Việt Nam Cộng Hòa ở thời điểm vừa chấm dứt cuộc chiến, ở một vùng đất mới miền Trung. Tải (Trần Hữu Phước), sau thời gian học cải tạo, đem gia đình lên ‘xã Bình Xuân' – một vùng đất mới – lập nghiệp. Không có tài nghề, không tháo vát, không tài sản… nhưng anh đã cố gắng bằng mọi giá làm việc trong những nghịch cảnh, hệ lụy của chiến tranh vây bủa chung quanh do những người ‘thắng trận' đã mang đến (“nếu còn chiến tranh thì tao đã bắn mày chết rồi”, lời Hai Dân hầm hè nói với Tải với khẩu súng chĩa thẳng vào mặt), trong những hiểu lầm giữa những con người đã một thời đứng hai bên chiến hào, và hơn nữa, trong một hoàn cảnh gia đình éo le. Ba Thuận, người vợ ngày xưa mà Tải mới gặp lại sau nhiều năm lạc nhau trong chiến tranh, trớ trêu thay, là em của Hai Dân, một cán bộ cao cấp trong vùng. Cuộc sống của Tải còn bị dằng co bởi cô vợ sau, Út Xuân, sống cách đó không xa. Cuộc sống nhiều khi đã tưởng không còn lối thoát. Cho đến một ngày Tải gặp Năm Đực, một người lính cộng sản nay là một chuyên viên gỡ mìn xuất sắc trong toán đào phá bom mìn trong vùng. Năm Đực đã dạy anh cách gỡ những cuộn kẽm gai và những trái mìn bẫy nằm quanh vòng rào những đ ồn bót cũ nơi Út Xuân đang ở, mang đi bán cho những nơi thu mua phế liệu. Sau vài trận mặt đối mặt với tử thần, nhưng nhờ ‘thần mìn' mà tai qua nạn khỏi, Tải đã nghĩ đến chuyện bỏ nghề để làm rẫy hay làm phu hồ, nhưng cuối cùng vẫn lại phải đeo lấy cái nghiệp gỡ bom vào mình, cùng chia phần số với những kẻ theo triết lý ‘cụt tay này thì còn tay kia, nhà nước bắt rồi lại thả'. Tải đào ngày, đào đêm, đào cả sau khi Năm Đực bị banh xác do ‘tử nghiệp', đào cả khi có lệnh tuyệt đối cấm đào, chỉ vì ngoài tài này ra anh không có thể làm được gì ra hồn. Qua kinh nghiệm, anh đã tìm được một cách gỡ mìn sáng tạo ‘khác người', từ dưới đào lên. Từ đó, những bãi mìn đã dần dần được Tải vô hiệu hóa, vườn rau lấn dần những bãi mìn, những trái mìn bẫy và bom thối đã trở thành cơm gạo, dù trong lén lút…

Môi trường sống trong phim khắc nghiệt, bức bối bởi đất đai cằn cỗi, khí hậu thất thường, sự mưu sinh quá khốn khó. Nhưng trong đó tình người lại êm ái. Ba Thuận, cô vợ cả của Tải nhanh nhẹn, xốc vác, cương nghị, độ lượng. Út Xuân, cô vợ bé của Tải tràn đầy sinh lực cũng là trái tim biết yêu thương. Lanh, cô con gái lớn của Tải vừa có nết chăm chỉ hay làm của bố lại vừa hiền hậu dễ thương như mẹ. Tải, tay đào bom thiện nghệ cuối cùng đã chinh phục được thần chết hung hãn lẫn chính quyền không mấy thiện cảm với anh. Tiếng nổ ghê rợn cuối phim tan dần với khói bom mù mịt làm nền cho câu nói hồn nhiên, trong trẻo của bé Lanh: ‘Bom nổ... bò chết chứ không phải ba', cùng lúc đó trước mắt người xem hiện ra màu xanh mát của luống rau, mầm sống đã trổ màu, với một người vẫn rị mọ ngồi đào những trái mìn dưới trời nắng đổ lửa, như một dấu chấm kết thúc phim. Một kết thúc bất ngờ có hậu, tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng nó quá cổ điển và không tạo được cú ‘sốc' sau một tiếng rưỡi vật lộn trong trận xung đột ý tưởng giữa những điều xấu trong tốt và tốt trong xấu trải dài suốt cuốn phim.

Có lẽ cũng vì quá chú trọng đến ‘cái hậu' của phim, hoặc để người xem có những giây phút bớt căng thẳng, Bùi Thạc Chuyên đã khá cường điệu khi dựng cảnh cả hai người vợ của Tải cùng chuyển dạ một ngày, nằm giường cạnh nhau tại cùng một nhà bảo sanh, để từ đó tìm ra được sự thông cảm nhau. Màn dàn dựng này để chuyển sang phần kết bộ phim vì thế là một chuyển đoạn gượng ép ‘mang tính cải lương', khó thuyết phục.

Nói một cách tổng quát, ‘ Sống trong sợ hãi ' không quá đè nặng người xem. Tuy những màn hành hạ, ‘nắn gân' một cách thú vật, phong cách tùy tiện của guồng máy cai trị trong thời điểm 1975 – 1976 đầy dẫy trong phim, nhưng qua đó, Bùi Thạc Chuyên đã bằng những chi tiết rất nhỏ, bắt người ta phải suy nghĩ, phải ray rứt, nhất là những đoạn diễn đạt tâm lý đặc thù của người phụ nữ Việt Nam. Tải đã xúc trộm gạo của vợ lớn Ba Thuận mang đến cho vợ nhỏ, số gạo mà Hai Dân đã dùng ‘chức vị' kiếm cho em gái mình. Bị Hai Dân bắt gặp, hành hung, gạo đổ, Tải lại quay về với Ba Thuận để rồi chính tay cô vợ – người luôn bị dằn vặt giữa gia đình, lý trí một bên và tình cảm dành cho người chồng một bên – lại xúc số gạo ít ỏi còn sót lại trong khạp cho Tải mang đi. “Anh đi đi đừng về đây nữa.” Và cũng chính Ba Thuận đã cho bé Lanh, con ruột mình sang nhà vợ bé để đỡ đần khi Út Xuân ở cữ.

Cũng như trong nhân vật Uyên, một nữ cán bộ xông xáo, trưởng toán đào gỡ bom mìn đã phăng phăng xông vào nơi một trái mìn còn sót mới được phát hiện, khiến cả toán gỡ mìn đi theo xanh mắt pha lẫn thán phục, nhưng thái độ bất chấp hiểm nguy này thực ra chỉ là một hành động liều lĩnh của một kẻ bất cần đời khi người yêu của cô chết trận trước đó không lâu. Niềm thù hận dường như chỉ chờ dịp để đổ lên đầu mọi người và lên những vật vô tri giác.

Bùi Thạc Chuyên đã dùng rất nhiều thủ pháp ‘gợi', qua những phụ cảnh để nói lên những điều diễn viên không cần nói. Tải, sau một ngày lao động nhọc mệt và căng thẳng chỉ còn biết trút sự bực dọc, cộng thêm khát vọng sống, vào những cuộc làm tình thô bạo pha chút hơi sa-đích với cả hai người vợ. Những màn mìn nổ do bất cẩn, một tiếng ‘ầm' rung đất, vùng khói đen cát bụi bay lên… là đủ.

Những cảnh trong phim đa phần được quay trong một khung cảnh nóng. Nóng của thiên nhiên khắc nghiệt của hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận. Nóng của những cọ xát tranh sống giữa người với người. “ Tôi đưa những cảnh nóng vào trong phim không phải là để câu khách mà là cảm thấy cần cho bộ phim. Tôi chỉ muốn thể hiện một điều rằng, những con người ở mảnh đất miền Trung này luôn chứa đựng một sức sống mãnh liệt, một nội lực ghê gớm, càng bị đè nén, càng gần cái chết họ lại càng mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Khi đến chọn cảnh ở Ninh Thuận, nơi đây chỉ có một màu của đất vì mảnh đất này 300 ngày liền không có mưa. Tôi cũng không thể tưởng tượng rằng chỉ sau khi quay 3 ngày, nhờ một trận mưa mà cây cối đã mọc lên xanh mướt, sức sống ở nơi đây thật mãnh liệt và con người miền Trung cũng vậy”, đạo diễn Bùi Thạc Chuyên đã cho biết như trên trong một bài phỏng vấn đăng trên báo Dân Trí.

Với người Âu châu, ‘ Sống trong sợ hãi ' đã đưa ra một đề tài xã hội mới – một chồng hai vợ – với những pha tâm lý giằng co giữa sự ghen tuông, đố kỵ, và lòng thương người chồng biết lo cho con, dù một vai hai gánh nợ tình. Đề tài này, khi lồng trong một cuộc sống bên bờ tự sát và câu cật vấn ai đã đứng sai chiến tuyến đã được coi là những sáng tạo độc đáo trong kịch bản phim Việt. Trong phần trao đổi với đạo diễn sau buổi chiếu đầu tiên (25/01/2007) tại Liên hoan Phim Quốc tế Rotterdam, Bùi Thạc Chuyên đã cho khán giả biết tuy luật pháp không cho phép nhưng tình trạng đa thê ở Việt Nam vẫn tồn tại. “Có người còn có hơn hai vợ”, anh nói. Anh cũng kể thêm về tình trạng bom mìn còn sót lại tại Việt Nam, hàng ngày vẫn còn những tai nạn do đạp mìn, cưa giò, thiệt mạng…, và về những khó khăn khi tuyển chọn đội ngũ diễn viên, vì họ phải toàn là người nói giọng Nam cho phù hợp với cảnh phim.

Khi được hỏi có phải một trong những thông điệp của phim là những tình cảm nhân bản giữa người với người có thể hàn gắn mọi nỗi đau trên thế giới hay không, Bùi Thạc Chuyên đã xác nhận. Anh nói thêm: “Trong phim tôi cũng muốn đề cập đến những vết thương chiến tranh mà dấu vết của nó vẫn còn khắp mọi nơi. Nhưng trong bất cứ tình huống nào, với khát vọng sống, tình thương giữa con người sẽ dần xóa bỏ nó. Điều này hiện vẫn còn đang tiếp tục xảy ra ở Việt Nam với diễn tiến ngày càng nhanh. Điều nữa là tôi muốn cho người ta thấy cũng với những bom mìn đó mà mỗi người có một cách xử sự khác nhau.” Ngoài ra anh cũng hãnh diện cho biết đây là bộ phim nhựa 35mm đầu tiên được thu tiếng trực tiếp, một thách đố không nhỏ với nhóm chuyên trách kỹ thuật và diễn viên. Hiện nay anh đang chuẩn bị thực hiện cuốn phim ‘ Đi mãi rồi cũng quay về '.

Rất tiếc, những phim Việt Nam thuộc loại ‘nghệ thuật', đi chệch hướng thưởng ngoạn của đại chúng – không có người đẹp chân dài, không có những pha kinh dị, thắt gút nín thở, không có khung cảnh, y trang hoành tráng v.v… – tuy trên trường phim quốc tế có thể đoạt ít nhiều giải, được người khen, nhưng khi trở về Việt Nam, sau khi những bài viết tung hô đã mờ nhạt, chỉ còn nhận được sự thờ ơ của những chủ rạp. Phải chăng vì những cảnh đời trong phim – những mảnh đời hậu chiến với màn ‘than nghèo kể khổ' – đối với người Việt đã trở nên quá thường? Với một đạo diễn như Bùi Thạc Chuyên, niềm an ủi có lẽ là cảm tình ưu ái người xem đã dành cho anh với những tràng pháo tay của mấy trăm người trong 4 buổi chiếu ở Liên hoan Phim Quốc tế Rotterdam (IFFR) 2007. Cộng với niềm tin, như anh đã cho biết trong cuộc phỏng vấn do báo Tiền Phong thực hiện: “Có thể bây giờ không có người xem nhưng chắc chắn cuộc sống của nó sẽ rất dài, 5-10 năm nữa không sao” và vì: “Phim mình không phải cúm gia cầm, không phải HIV, nó là một vấn đề lâu dài. Vấn đề con người”.

 

Thanh Tâm

*

Sống trong sợ hãi (Living in Fear)

Đạo diễn: Bùi Thạc Chuyên
Kịch bản: Bùi Thạc Chuyên, Nguyễn Thị Minh Ngọc
Diễn viên: Trần Hữu Phúc, Mai Văn Thịnh, Đặng Thụy Mỹ Uyên, Mai Ngọc Phương, Ngô Phạm Hạnh Thúy, Bùi Nam Yên, Nguyễn Phước, Lại Thị Minh Hiền.
Thực hiện: Hãng phim truyện I
Thời lượng: 104 phút.

__________

Tham dự Liên hoan Phim Quốc tế Rotterdam 2007 cũng có một phim Việt Nam khác mang tên ‘Cú và chim se sẻ' (Owl and the Sparrow) dài 99 phút do đạo diễn Stephane Gauger (mẹ Việt cha Mỹ) thực hiện, có nhiều đoạn sử dụng phương pháp ‘du kích' (quay cảnh thật không dàn dựng và không dùng diễn viên thuê), bằng máy quay không chuyên nghiệp, nhưng tạo nhiều ấn tượng cho người xem qua rất nhiều màn quay cận cảnh và những cảnh sinh hoạt hỗn độn của Sài Gòn năm 2006 lồng trong câu chuyện một em bé làm công bị bóc lột, hắt hủi, đã trốn đi sống cuộc đời lang thang suốt một tuần bằng nghề bán hoa dạo. Câu chuyện của em và sự ngây thơ trong trắng đã tạo nên được hạnh phúc cho nhiều người. (Chú thích của Ban Biên Tập)

 


Cái Đình - 2007