Nguyễn Hiền


Phỏng vấn Lâm Ngô, một người “columnist” cố định của BOS

Ðã gần năm năm qua, ông Lâm Ngô – nguyên là một thuyền nhân – là cây viết cho chuyên mục “Hemelsbreed” trong chương trình phát thanh vào ngày thứ bảy của Cơ quan Phát thanh Truyền hình Phật giáo (Boeddistisch Omroep Stichting – BOS). Nhiều người Việt theo dõi những câu chuyện hàng tháng của ông, trong đó ông triết lý về đời sống và tâm linh, đồng thời chiếu cái nhìn vào cội nguồn của ông, Việt Nam, trước kia và bây giờ. “Bạn của kẻ thù có phải là kẻ thù không?” (Is een vriend van een vijand een vijand?) phát thanh vào thứ bảy 23/06/2012 là đóng góp cuối cùng của ông Lâm Ngô cho “Hemelsbreed”. Trong bài phỏng vấn này do Cái Ðình thực hiện, ông Lâm Ngô nhìn lại khoảng thời gian vừa qua.

 

Làm sao ông bắt liên lạc được với BOS?
Năm năm trước Thày Thích Minh Giác có hỏi xem tôi có thể viết bài cho chuyên mục để phổ biến trong chương trình phát thanh Phật giáo được không. Người tiền nhiệm của tôi, Nguyễn Quang Nhựt, khi ấy không còn thời giờ nữa. Chương trình rất muốn giữ một người viết cho chuyên mục có một căn bản về Phật giáo và thuộc một sắc dân thiểu số. Tôi thay mặt cho Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, chi nhánh Hòa Lan, nhận công việc này do anh chuyển giao lại. Như quí vị có lẽ cũng biết, một cơ quan phát thanh truyền hình đại chúng có những tổ chức phía sau ủng hộ. Với chương trình phát thanh truyền hình Phật giáo thì đó là Liên Hội Phật giáo Hòa Lan, BUN, và trực thuộc vào đó là Hội Phật giáo Việt Nam tại Hòa Lan (VBSN), mà quí vị được biết qua tên Chùa Vạn Hạnh, đã giới thiệu tôi với chương trình phát thanh này.

Ông làm việc chung với một số người chuyên viết bài cho mục thường xuyên này? Thời khóa biểu được phân chia ra sao? Mỗi người lần lượt viết theo thứ tự hay có những giao ước với nhau?
Chương trình Phát thanh Phật giáo có bốn người thường xuyên viết bài cho chuyên mục này. Cá nhân chúng tôi không quen biết nhau. Ton Maas là chủ biên radio của chương trình. Ông sắp xếp chương trình làm sao để mỗi tuần có một bài phát thanh trong chương trình chuyên mục. Bài của tôi lên mỗi ngày thứ bảy của tuần thứ ba trong tháng trong chuyên mục “Hemelsbreed’ trong đài Radio 5.

Những đề tài được người viết tự do chọn hay có những qui định?
Cả Chương trình Phát thanh Phật giáo lẫn Chùa Vạn Hạnh đều không đưa ra một điều kiện nào cho sự chọn lựa đề tài của tôi. Tôi cũng có toàn quyền tự do lựa chọn văn phong cho những bài của tôi.

Trong vòng 5 năm ông phải chọn mỗi tháng một đề tài, nhưng trên thế giới này không phải lúc nào cũng có những đề tài hấp dẫn. Có khi nào ông bị cạn nguồn cảm hứng?
Ông nói là tôi phải chọn mỗi tháng một đề tài. Tôi nhìn vấn đề một cách khác. Thế giới quanh ta vẫn luôn biến động. Tôi có quyền chọn mỗi tháng một đề tài nào tôi thấy đáng lưu ý. Vấn đề không nằm ở chỗ chọn đề tài ra sao, mà thật là khó khi muốn viết những điều bổ ích cho một đề tài mà không được dài quá bốn trăm chữ. Một bài viết như vậy được mào đầu với một đoạn dẫn nhập và sau đó vấn đề sẽ được khai triển nhanh chóng qua vài đoạn có mạch lạc với nhau trong toàn bài, tốt nhất là bài được kết làm sao để bắt người nghe phải suy nghĩ. Ðiều này không đơn giản.

Những người viết chuyên mục cho BOS có thực sự là Phật tử hay (cũng có thể) là người chỉ thực hành Phật pháp?
Tôi là một Phật tử, nhưng chuyện đó không nằm ở điểm này. Theo như chủ trương của BUN thì BOS là một hiệp hội phát thanh truyền hình mang căn bản Phật giáo. Bởi vì BOS là một cơ sở phát thanh dành cho đại chúng, nên BOS hướng đến một quần chúng rộng lớn. Tức là gồm cả những người quan tâm đến Phật giáo hay những người có cảm tình với Phật giáo và cũng đừng nên quên những nhóm dân thiểu số trong cộng đồng Phật giáo. Vấn đề ở đây là những người viết bài có thể làm số quần chúng rộng lớn này thích thú hay không.

Ông có nhận được nhiều phản ứng từ thính giả không?
Tôi không nhận được nhiều phản ứng từ những thính giả. Radio là một phương tiện truyền thông cá nhân và thân mật thật tuyệt vời, nó cho người ta cảm giác là họ chỉ trò chuyện với một người duy nhất. Ngoài ra những đề tài được tôi trình bày, theo ý tôi, không gây tranh cãi. Ít nhất là trong phạm vi nước Hòa Lan. Chúng thường là một phần của sự quan sát của tôi trộn lẫn với kinh nghiệm sống cá nhân với một chút xíu triết lý trong phần kết thúc.
Vì những bài của tôi cũng có thể xem và nghe được qua một vài trang mạng và trong trang facebook của BOS nên tôi cũng đã từng đọc qua những phản ứng thuận lợi. Sau khi tôi cho biết là sẽ không tiếp tục công việc này nữa sau năm năm, tôi có nghe được thêm, đặc biệt là vài người trong cộng đồng người Việt ở Hòa Lan lấy làm tiếc là tôi không làm công việc này nữa.

Ông thường tìm kiếm một mối dây liên lạc giữa những sự kiện thời sự với tình trạng ở Việt Nam, hoặc ông bàn luận về xã hội và văn hóa Việt Nam. Việt Nam chi phối tư tưởng của ông nhiều như vậy sao?
Tất nhiên Việt Nam là một phần nhận thức của tôi. Tôi đã lớn lên ở đó hai mươi bốn năm trời. Tôi muốn dẫn giải mối liên lạc giữa tôi với Việt Nam qua vở tuồng Gijsbrecht van Aemstel của Joost van Vondel nói về trận chiến bảo vệ Amsterdam. Cuối cùng rồi Amsterdam rơi vào tay quân thù. Gijsbrecht cùng vài người trong gia đình ông phải chạy trốn. Tôi rất thích thú ở đoạn này:

“Tiếc thay! Cay đắng làm sao phải lìa bỏ đất nước
nơi mọi sự đều tiêu tan!
Tình quê hương là bẩm sinh nơi mỗi người.”

Tôi còn có thể nhớ lại là trong một bài, tôi đã kể lại là mặc dù Việt Nam vẫn luôn là một phần của thế giới nhận thức của tôi, nhưng nhận thức của tôi về chuyện đó không bắt buộc phải giống như nơi những người Việt khác. Trong chiều hướng đó tôi muốn từ từ buông bỏ một hình ảnh Việt Nam như tôi đã từng muốn thấy.

Trong giờ rảnh ông có làm thêm những chuyện khác cho người Việt ở Hòa Lan hay cho Việt Nam không?
Tôi đã làm quá nhiều cho Việt Nam trong giờ làm việc. Vì thế tôi lại cố gắng làm sao để trong giờ rảnh làm những chuyện không nhất thiết phải có liên quan đến Việt Nam.

Giờ đây ông chấm dứt viết bài cho chuyên mục của BOS, rồi ông sẽ làm gì nữa?
Trước khi nhận việc này tôi đã tự nhủ là sẽ không giữ mục này cho BOS lâu hơn năm năm và bây giờ thời hạn đã đến rồi. Trong quá khứ tôi đã có lần nghĩ đến chuyện cùng chung với một nhóm người có nhiệt tâm gây dựng nên một cái gì đó, những cuộc hội luận với bài thuyết trình cá nhân về những chủ đề làm cộng đồng người Việt chú tâm. Sau hơn 30 năm ở Hòa Lan, cộng đồng Việt Nam ở Hòa Lan đã lớn mạnh thành một cộng đồng đầy tự tin. Chúng ta là những đại diện xứng đáng trong nhiều lãnh vực nghề nghiệp khác nhau trong xã hội Hòa Lan. Giờ đây là lúc cùng chung nhau nhìn về tương lai. Chúng ta có tiềm năng làm danh thơm của mình lớn lên mãi. Chúng ta phải cùng nhau tận dụng những khả năng này.

***

Xin cám ơn ông về cuộc phỏng vấn. Chúng tôi rất lấy làm tiếc là ông đã giã từ Hemelsbreed. Chắc chắn nhiều người Việt sẽ cảm thấy thiếu vắng những lời phê phán và triết lý của ông.

 

Nguyễn Hiền

___________________________

Xem bài: Bạn của kẻ thù có phải là kẻ thù không?

Xem bài: Is een vriend van een vijand een vijand?

 

 


Cái Đình - 2012