Minh Hạnh


Nữ hoàng Hòa Lan Beatrix và người Việt Nam

 

Nữ hoàng Beatrix trong ngày đăng quang 30/04/1980 và trong ngày 30/01/2013. Hình lấy từ Văn khố Tài liệu của Hoàng gia.

Nữ hoàng Beatrix có tên đầy đủ là Beatrix Wilhelmina Amgard van Orange-Nassau. Tên Beatrix mang nghĩa “người nữ mang lại hạnh phúc” Wilhelmina và Amgard là tên tục của hai bà ngoại và bà nội. Nữ hoàng Beatrix sinh ngày 31/01/1938, là trưởng nữ của Nữ hoàng Juliana. Nữ hoàng Beatrix là vua thứ sáu (không kể hoàng hậu Emma giữ quyền nhiếp chánh khi hoàng đế Willem II băng hà mà ấu vương chưa đủ 18 tuổi) của triều đại Van Orange-Nassau, triều đại đã lấy lại chủ quyền từ vương quốc Holland, thuộc quyền cai trị của Pháp (hoàng đế Nã Phá Luân, tức Napoléon Bonaparte đã chiếm xứ Holland, lập nên vương quốc Holland và giao lại quyền cai trị cho em mình là hoàng đế Louis Bonaparte), để dựng nên vương quốc Nederland. Nữ hoàng Juliana không có con trai để nối ngôi, nên công chúa trưởng nữ lên làm Nữ hoàng. Sau đó, vào năm 1983, hiến pháp đã được sửa đổi, cho hoàng tử và công chúa ngang quyền, có nghĩa là con trưởng sẽ nối ngôi, cho dù đó là nam hay nữ. Ngày 30/04/1980, lúc một nửa nước Việt Nam ăn mừng đệ ngũ chu niên ngày giải phóng miền Nam trong khi toàn bộ sĩ quan và một phần hạ sĩ quan binh sĩ của quân đội miền Nam đang bị đày đọa trong những trại tập trung cải tạo khắp nước còn một số đang trôi nổi ngoài biển hay đã đến bờ tự do, thì nữ hoàng Juliana truyền ngôi cho công chúa Beatrix. Một trong những lời đầu tiên nữ hoàng Beatrix tuyên bố là bà sẽ cho giữ nguyên ngày sinh nhật của tiên vương Juliana (30/04) là Ngày Nữ Hoàng (koninginnedag). Ðiều này có vẻ như một biểu lộ lòng nhớ ơn dành cho bà mẹ được dân Hòa Lan coi như bà hoàng nhân ái, nhưng thực chất là ngày sinh nhật nữ hoàng Beatrix rơi vào tháng giêng, rất bất tiện cho việc tổ chức những lễ hội vui chơi ngoài trời. Vì cái ngày 30/04 oái oăm này mà suốt triều Beatrix, người Việt tị nạn ở Hòa Lan đã không thể tổ chức biểu tình chống Việt cộng được. Ðây là ngày hội vui nhộn cả nước, không phải ngày tang hay ngày để biểu tình. Khu vực có các tòa đại sứ ở Den Haag vắng hoe, người ta đổ dồn lên thủ đô Amsterdam, biểu tình sẽ chẳng gây được tiếng vang nào. Vì thế Ðại sứ quán Việt Nam ở Hòa Lan cũng được thoải mái tổ chức mừng “giải phóng”. Có một lần, trong thập niên 1980, người Việt tị nạn ở Hòa Lan đã thử tổ chức biểu tình đúng ngày 30/04, nhưng gặp nhiều trở ngại trong tổ chức, dân Hòa Lan tỏ dấu bất mãn với cuộc biểu dương. Từ đó về sau, ngày cuối tuần trước (hoặc sau) ngày 30/04 được người Việt tị nạn ở Hòa Lan chọn làm ngày tổ chức biểu tình Quốc hận. Ngày 30/04/2013 nữ hoàng Beatrix đã trao vương miện và ấn kiếm lại cho con trai trưởng là Thái tử Willem-Alexander lên nối ngôi, bắt đầu triều vua. Ngày sinh nhật Willem-Alexander, 27/04 đã được chọn làm Ngày Vua (koningsdag), người Việt tị nạn ở Hòa Lan coi như được trả lại ngày 30/04 để có thể bầy tỏ thái độ chính trị. Một tin vui.

Nữ hoàng Beatrix lên ngôi vào lúc cuộc khủng hoảng dầu lửa 1979 đang lên cao độ. Thất nghiệp tràn lan, ngân sách quốc gia thâm hụt trầm trọng, giá nhà tuột dốc không phanh. Vào thời gian này làn sóng thuyền nhân lên cao, Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc kêu gọi những quốc gia thành viên ra tay cứu giúp. Hòa Lan đã mở rộng vòng tay đón người tị nạn, lòng tri ân công cứu người này phải được gửi tới không những chính phủ Hòa Lan, mà còn phải tới những vị thuyền trưởng từ tâm, tuy đã được lệnh của những hãng tàu là không được vớt người Việt trên biển mà chỉ được tiếp tế đồ ăn để đi tiếp, nhưng họ đã đặt lương tâm con người lên trên luật lệ. Có những thuyền trưởng sau đó đã gặp khó khăn với hãng tàu, nhưng điều đó mấy ai trong chúng ta biết đến. Người Việt tị nạn khi đó đến Hòa Lan trong diện “người tị nạn được mời”, chính phủ đã dành nhiều ưu đãi cho họ. Người Việt tị nạn hoàn toàn không biết đến những chờ đợi căng thẳng của dân tị nạn khác trong thủ tục chấp thuận cho hưởng qui chế tị nạn chính trị. Tình hình suy thoái kinh tế cả nước và thị trường nhà đất sụp đổ (trong 3 năm, từ 1979 đến 1982 giá nhà giảm 30%, giá vàng sụt chỉ còn 1/3 và tiền lời khi vay để mua nhà lên đến 12% trong khi số người thất nghiệp tăng gắp 4) đã dẫn đến sự kiện người Việt tị nạn trong những năm cuối thập niên ’70 đầu thập niên ’80 được cấp những ngôi nhà mới tinh, và không bị ép buộc tìm việc gắt gao, một đặc ân làm nhiều đồng hương ở những quốc gia khác thèm thuồng. Ðại đa số người Việt tị nạn ở Hòa Lan sau đó có được tấm giấy với chữ ký của nữ hoàng Beatrix, đó là tờ chiếu chỉ công nhận họ là công dân Hòa Lan (được nhập tịch Hòa Lan).

Khi công chúa Beatrix được hai tuổi rưỡi, Ðức xua quân chiếm Hòa Lan. Toàn bộ hoàng gia phải bôn tẩu sang Anh quốc, và sau đó sang Canada (vì Anh quốc cũng bị phi cơ Ðức dội bom), cho đến mùa hè 1945, khi thế chiến thứ hai thực sự chấm dứt mới trở về nước nắm quyền lại. Sự việc này khi đó bị nhiều người chỉ trích là không can đảm dám đứng lên chống lại ngoại xâm! Chúng ta thử vẽ ra cảnh một ngày nào đó những phong trào đối kháng ở Việt Nam đứng lên lật đổ chế độ cộng sản, rồi một số cựu tướng lãnh QLVNCH hay cựu Tổng Bộ trưởng VNCH trở về nắm những chức vụ quan trọng! Tuy nhiên, năm 1948 nữ hoàng Juliana lên ngôi, với cá tính bình dân, bà đã lấy lại được lòng cảm mến của thần dân Hòa Lan dành cho hoàng gia. Nữ hoàng Juliana thường dùng xe đạp đi ra phố, người dân có thể gọi “bà” trong trong đối thoại, còn trong những cuộc diễn binh vào ngày nữ hoàng dưới triều bà người dân được vào viếng cung điện. Một hành động được người dân ca ngợi là ngay sau nạn vỡ đê lịch sử vào tháng 2 năm 1953 bà đã có mặt tại chỗ, mang ủng cao su đi thăm viếng và ủy lạo nạn nhân. Người kế vị, nữ hoàng Beatrix có thái độ cư xử khác hẳn. Ngay thời sinh viên Luật ở đại học Leiden bà đã muốn những bạn đồng học phải tôn xưng là “Ngài” trong những cuộc đối thoại. Tác phong “quyền quý” của nữ hoàng Beatrix cũng hiển lộ rõ rệt suốt thời gian bà trị vì. Tất cả thần dân phải nói “tâu bệ hạ” khi tiếp kiến. Một trong những đề tài được báo chí bàn luận sau những ngày lễ hoàng gia là mũ và y phục của nữ hoàng cùng đoàn tùy tùng. Trong những buổi triều kiến, nữ hoàng Beatrix luôn luôn giữ thái độ niềm nở nhưng rõ ràng có khoảng cách của một vì vua đối với các vị quan và thần dân. Bà cũng không tự rót trà mời quốc khách như bà mẹ Juliana, mà để cho cận thần tiếp.

Mỗi năm, vào ngày Nữ hoàng 30/04, một số người có góp công sức đặc biệt cho xã hội Hòa Lan được đề cử nhận huy chương của hoàng gia hay được thâu nhận vào những đạo quân danh dự của hoàng gia. Vài người Hòa Lan gốc Việt đã được vinh dự này, trong số đó có ông Ngô Bá Thọ (một cán sự xã hội) được nhiều người biết.

Chồng của nữ hoàng Beatrix là ông hoàng Claus, công tử của dòng họ Von Amsberg ở miền Bắc Ðức. Việc chấp nhận cuộc hôn nhân của hai người trải qua nhiều sóng gió, khi người ta khám phá ra ông là đoàn viên trong đội thanh niên quốc xã Hitlerjugend. Một ủy ban điều tra do Học viện Hồ sơ Chiến tranh Hòa Lan đảm trách đã được thành lập để sưu tra cặn kẽ lý lịch nhân thân của ông, với kết luận (mà người ta cho là đã bị uốn nắn) là việc này không nguy hại. Nhưng hôn lễ của họ đã gây nên tranh luận giữa hai phe: tán thành và phản đối. Sự tranh luận gay gắt tới mức hoàng gia đã dự định tổ chức lễ cưới nơi tư dinh ở Baarn nhưng rồi quốc hội đã buộc phải tổ chức ở Amsterdam đúng theo qui luật hoàng tộc. Ðó là ngày 10/03/1966. Trong khi hôn lễ cử hành đã xảy ra vài vụ biểu tình, xô xát và bạo hành. Trong ngày nữ hoàng Beatrix đăng quang 30/04/1980 cũng xảy ra cuộc gây rối tại Amsterdam do những người trong phong trào chiếm nhà khởi xướng, đưa đến xô xát kịch liệt với lực lượng an ninh cơ động.

Sau ngày lên ngôi, nữ hoàng Beatrix đã tỏ ra là một người có bản lãnh và thông minh, kiến thức rộng. Thêm vào đó, sự phục hồi kinh tế Hòa Lan, một phần có được do sự khai thác khí đốt, một phần khác do những nội các xuôi chèo mát mái cũng làm tăng thêm uy tín của chính phủ và hoàng gia Hòa Lan.

Trong triều đại Beatrix, ông hoàng Claus luôn là cái bóng mờ đằng sau nữ hoàng. Sự xuất hiện của ông thường khơi dậy mối tranh cãi thời xưa về lý lịch và về danh giá hoàng tộc. Có lẽ vì thế sức khoẻ của ông sút giảm, và tinh thần cũng vậy. Tới cuối thập niên ’70 người ta nhận rõ ông đang bị trầm cảm. Sau đó ông bị mắc thêm bệnh Parkinson và ung thư, bị thông động mạch vành và cuối cùng từ trần năm 2002. Sự thực, trong nội bộ gia đình, ông là một người lo lắng dạy dỗ các hoàng tử, và luôn đứng sau âm thầm hỗ trợ tinh thần cho vợ. Có thể nói không sai là ông hoàng Claus là một “ông nội trợ” khéo léo trên mức trung bình, trong một gia đình “cha hiền mẹ nghiêm”. Trong diễn văn rời chức vụ đọc trong bữa tiệc chia tay buổi tối 29/04/2013, trước ngày nhường ngôi, nữ hoàng Beatrix đã dành một đoạn khá dài tán tụng ông, với câu kết “có lẽ rồi lịch sử sẽ chứng tỏ là quyết định chọn người phối ngẫu này đã là quyết định sáng suốt nhất của tôi.”

Nữ hoàng Beatrix có ba hoàng tử: Willem-Alexander (sinh năm 1967), Friso (1968) và Constantijn (1969). Như bao gia đình bình thường, hoàng tộc cũng không tránh khỏi một số chuyện không vui, đã xảy ra cho hai người con lớn. Thái tử Willem-Alexander kết thân và sau đó kết hôn với công nương Maximá người Argentina, con của cựu Bộ trưởng Nông nghiệp và Chăn nuôi trong chính phủ quân nhân “dơ bẩn” của Jorge Videla đã làm hoàng gia và chính phủ điên đầu trong việc tìm một giải pháp ổn thỏa cho cả hai gia đình đồng thời phải tìm cách xoa dịu dư luận. Trước ngày thành hôn, vị hôn thê của hoàng tử Friso bị cáo buộc có liên hệ (tình dục hoặc kinh doanh) với vài nhân vật mờ ám. Friso đã chọn con đường tình yêu, chấp nhận bị mất tước vị hoàng tử (xem sơ đồ gia phả hoàng gia kế bên). Không biết có ai đã tự đặt câu hỏi là nếu những chuyện tương tự xảy ra ở một xứ Á Ðông như Việt Nam chẳng hạn, người ta sẽ xử trí ra sao?

May mắn là ông hoàng Claus không dính dáng đến những vụ lem nhem tiền bạc hay lăng nhăng tình ái đến mức có con ngoại hôn như ông hoàng Bernard chồng nữ hoàng Juliana.

Trong 33 năm cầm quyền trị nước (tượng trưng, vì Hòa Lan theo chế độ quân chủ lập hiến, hơn nữa quyền lợi và quyền hạn của nhà vua đang dần dần bị cắt bớt), nữ hoàng Beatrix đã công du chính thức 54 lần, qua 52 quốc gia. Việt Nam không được hân hạnh đón tiếp nữ hoàng, lý do có lẽ vì sự không hợp lý trong cơ cấu chính phủ nên không có được cân bằng trong công du ngoại giao: nhân vật có quyền lực cao nhất nước Việt Nam không là chủ tịch nước mà là tổng bí thư một đảng. Nhưng hợp tác Hòa Lan-Việt Nam luôn được Hòa Lan coi trọng. Thái tử Willem-Alexander đã thăm Việt Nam hai lần (lần thứ nhất vào tháng 10/2005 và lần thứ hai vào tháng 03/2010 có công nương Maximá tháp tùng). Ðáp lại, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã thăm viếng chính thức Hòa Lan trong 5 ngày (27/09 tới 01/10/2011). Cuộc thăm viếng đã gặp sự phản đối của cộng đồng người Việt tị nạn tại Hòa Lan.

Nhân dịp nữ hoàng Beatrix thoái vị, Cộng Ðồng Người Việt Tị Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan vào ngày 18/04/2013 đã gửi văn thư cám ơn đến nữ hoàng. Hòa Lan, sau 133 năm trải qua 3 triều nữ hoàng, nay tạm bước sang triều có vua và hoàng hậu. “Tạm”, vì sau triều đại Willem-Alexander, Hòa Lan lại sẽ có nữ hoàng trở lại, là công chúa Amalia, cháu nội nữ hoàng Beatrix. Nhưng cũng không thể loại trừ khả năng là chế độ quân chủ, theo trào lưu hiện đại, khi ấy có thể sẽ cáo chung. Một cá nhân hay một nhóm nhỏ cá nhân, cho dù cố gắng tập trung quyền lực, không thể điều hành guồng máy của một quốc gia trong tình hình phức tạp toàn cầu như hiện nay và sẽ còn phức tạp hơn trong tương lai. Vua và hoàng gia sẽ trở thành một thứ trang sức cho các lễ hội, không những không có thực quyền mà còn bị rầy rà bởi những dòm ngó của bàn dân thiên hạ. Cũng nên biết rằng khi xưa, vào cuối thế kỷ 16, Hòa Lan theo chế độ cộng hòa, trong thời gian đó xứ Hòa Lan đã phát triển mạnh.

 

Minh Hạnh

 


Cái Đình - 2013