Nguyễn Hiền


Nhạc sĩ Trần Quang Hải trong Nhạc hội Quốc tế Đàn Môi 2006

 

Trong kỳ Nhạc hội Quốc tế Đàn Môi lần thứ 5, tổ chức tại Nhạc viện ‘Aan het IJ' ở Amsterdam (từ ngày 28 đến ngày 30/07/2006), Trần Quang Hải, giáo sư âm nhạc dân tộc và chuyên gia nghiên cứu đàn môi, đã cống hiến đến khán thính giả những màn biểu diễn đàn môi độc đáo trong một chương trình dành riêng cho ông vào tối thứ sáu 28/07.

Đàn môi là một nhạc khí dân gian của nhiều dân tộc trên thế giới, có bề dài khoảng 7cm, bằng kim khí hay bằng tre. Ở Việt Nam, đàn môi là một trong những nhạc cụ của các dân tộc thiểu số H'Mong, Gia Rai... Ở Lai Châu, mỗi năm vào cuối tháng 8, đầu tháng 9 có một kỳ lễ hội đàn môi rất lớn.

Theo giáo sư Trần Quang Hải, đàn môi Việt Nam được đông đảo người dân trên thế giới cho là loại đàn môi cho tiếng đúng nhất. Trong phần trình tấu đàn môi, giáo sư đã cho nghe một số tiết điệu của một số đàn môi, và đặc biệt giáo sư đã dùng đàn môi để phát âm một số câu nói đơn giản bằng Anh ngữ.

Giáo sư cũng giới thiệu hai người học trò, một Pháp (Sylvain Trias), một Việt (Nguyễn Đức Minh). Mỗi người có một nét trình tấu riêng. Tiếng đàn của Sylvain mang vẻ huyền bí với những đoạn nhạc rất nhẹ, như gió thoảng. Đức Minh, người Việt Nam duy nhất trình diễn đàn môi trong chương trình nhạc hội lần này (gs. Trần Quang Hải là ‘người Pháp'), là người được giáo sư Trần Quang Hải hết sức đề cao về sự cảm nhận âm thanh đàn môi và sự nhanh chóng nắm bắt những kỹ thuật khó. Đức Minh còn có những đột phá của riêng anh, trong sự trình diễn cũng như trong phong cách biểu diễn. Cuối phần trình tấu, ba thầy trò đã ngồi xuống sàn sân khấu để cùng nhau hợp xướng một khúc đàn môi trong sự trầm trồ của gần 200 thính giả.

Ngoài những màn biểu diễn đàn môi, Trần Quang Hải còn trình diễn những màn đánh muỗng thần kỳ của ông. Trong dáng điệu khoan thai, với hai bàn tay rất mềm như múa theo đôi muỗng, ông đã trình bày những tiết điệu đánh muỗng từ khoan tới nhặt, đánh từ hai ngón tay, tăng lần sự phức tạp của tiết điệu lên đến 5 ngón, cuối cùng sử dụng luôn cánh tay và cùi chỏ để rồi bất chợt lại rơi về tiết điệu nhẹ nhàng của khúc dạo đầu. Đây không phải là lần đầu tiên giáo sư Trần Quang Hải biểu diễn nghệ thuật đánh muỗng tại Hòa Lan. Đã mấy lần người Việt ở Hòa Lan có dịp được thưởng thức những buổi trình diễn đàn môi và gõ muỗng được đặc biệt tổ chức cho giáo sư và phu nhân là ca sĩ Bạch Yến trình diễn cho cộng đồng người Việt. Nếu ai đã có dịp tham dự những buổi trình tấu này thì sẽ thấy sự điêu luyên của giáo sư đã lên cao vượt bực trong phần trình diễn nghệ thuật đánh muỗng trong chương trình dành cho giáo sư kỳ này, cặp muỗng như có thần, và dường như bất kỳ chỗ nào cũng có thể phát ra âm thanh, đúng là một ‘ông vua gõ muỗng' như lời bình của nhiều người, và cũng là danh hiệu giáo sư đạt được (King of Spoons) trong một cuộc thi tại Cambridge (Anh quốc) năm 1967 với sự tham dự của 30 nhạc sĩ đến từ 20 quốc gia.

Sau phần đánh muỗng, giáo sư Trần Quang Hải cũng cho thính giả thưởng thức kỹ thuật hát đồng song thanh (overtone) đặc biệt của ông. Theo lời Trần Quang Hải, hát đồng song thanh gồm một nốt chủ không đổi cao độ, ông hát ở vào tần số khoảng 160 Hz, cùng lúc đó thời ông sẽ tạo ra một âm phụ (bồi âm) ở phía trên nốt chủ này. Ông đã trình bày cho thính giả nghe hai phần riêng biệt và sau đó hát chồng lên nhau theo kỹ thuật hát đồng song thanh. Một màn trình diễn độc đáo là ông đã ‘hát' một bài nhạc cổ điển của Mozart với kỹ thuật này, trong âm thanh trầm bổng người ta vẫn nghe rõ ràng nốt chủ kéo dài một hơi đi theo, đem lại nhiều ngạc nhiên cho người tham dự.

Trong ngày thứ bảy 29/07 giáo sư Trần Quang Hải cũng có một chương trình ngắn chỉ dẫn kỹ thuật đàn môi cho một số người muốn biết sâu thêm về loại nhạc khí này.

 

Nguyễn Hiền


Cái Đình - 2006