Thanh Tâm


Nhạc cổ truyền Việt Nam tại Viện Bảo tàng Dân tộc học Leiden

 

Bùi Tố Nga, Nguyễn Thanh Hùng và Nguyễn Thụy Lãnh trình tấu bản "cải lương" --- Thụy Lãnh trong một màn đơn ca

 

Trong chương trình đặc biệt để đón tiếp đoàn cung nghinh xá lợi (Heart Shrine Relic Tour), Viện Bảo tàng Dân tộc học Hoàng gia ở Leiden đã tổ chức hai buổi trình diễn những nét văn hóa Phật giáo, vào ngày 15 & 16/06/2013.

Một lần nữa nhóm nhạc cổ truyền Việt Nam “Dharma Nectar” của Nguyễn Thanh Hùng lại được mời cho tiết mục “Nhạc Việt Mạn Ðà La” trong cả hai ngày. Khi được hỏi về ý nghĩa của tên “Dharma Nectar”, anh Hùng cho biết từ ngữ này có thể dịch là “Pháp Cam Lộ”, mang ý nghĩa: Phật pháp như mật ong, ngọt ngào và nuôi dưỡng.

Tiếng là Mạn Ðà La, nhưng Phật giáo Việt Nam từ trước tới nay không chú trọng đến Phật nhạc, có chăng là những bài tán, bài tụng, và ít bài tân nhạc chủ yếu ca tụng Phật giáo, hay dùng nhạc để phổ kinh. Trong Phật giáo, chính tiếng chuông mõ, tiếng tụng niệm đã có hồn nhạc trong đó. Vì thế buổi trình diễn không thể tránh khỏi chuyện phải lấy nhạc dân tộc cổ truyền để lấp đầy một giờ.

Nhưng một giờ để nói và diễn về nhạc cổ truyền Việt thật khó khăn. Phải chọn nét nào đây trong một kho tàng âm nhạc cổ truyền Việt? Tiếng hò, điệu ru, hay những nhạc khí đặc thù Việt? Nội chuyện phải diễn dịch lời ca bóng bẩy, ẩn nhiều ý cũng đã nhiêu khê.

Tuy thế, bộ ba Nguyễn Thanh Hùng – Bùi Tố Nga – Nguyễn Thụy Lãnh đã khéo léo xếp được một chương trình hài hòa, gồm một số điệu lý, điệu ru ba miền; những màn trình tấu đàn tranh, đàn bầu và đàn nguyệt; biểu diễn nghệ thuật sáo Tây Tạng và gõ sanh tiền Việt; những tấu khúc Dạ cổ, Kim Tiền, Lưu Thủy v.v…, chưa kể những tiết mục thuần Phật giáo như nghi thức thỉnh chuông mõ, xướng tụng kinh.

Một điểm giúp cho sự thành công này là khung cảnh sảnh đường, trang nghiêm ấm cúng, tuy có hơi nghèo về phần thiết kế thanh âm của căn phòng. Theo lời Hùng “kỳ này mọi chuyện trang trọng hơn hẳn kỳ trước”. Quả thực, khán thính giả đến nghe kỳ này, ngoài ghế ngồi lịch sự có thứ tự, còn nhận được một tờ lược dịch những tiết mục và lời bài hát bằng tiếng Hòa Lan. “Như vậy đỡ cho mình phải diễn giải, mất thời giờ mà không tập trung được vào việc trình diễn,” anh cho biết. Ðây là lần thứ hai bộ ba Dharma Nectar được hân hạnh trình tấu nhạc Việt tại Viện Bảo tàng Dân tộc học Hoàng gia Leiden. Chỉ trong vòng một năm, Thanh Hùng và các bạn đã gây được ấn tượng tốt nơi đây. Hai nữ nghệ sĩ Thụy Lãnh và Tố Nga cũng vui vẻ cho biết đàn hát lần này thoải mái và tự tin hơn.

Tôi chúc mừng rồi hỏi thăm Hùng xem chương trình lần tới ở đâu. Anh hào hứng: “Lần sau chưa biết, nhưng mình sẽ tổ chức một ngày opendag giới thiệu nghề nuôi ong của mình vào giữa tháng bảy tới đây, thế nào cũng có vài mục hấp dẫn. Cố thu xếp đến xem nhé.”

Thì đành chờ xem vậy.

 

Thanh Tâm
(06/2013)

 


Cái Đình - 2013