Thanh Tâm


Ngô Hồng Quang trong ‘Buổi chiều Việt Nam'

 

Một ‘Buổi chiều Việt Nam' đã được một nhóm bạn trẻ Việt Nam cùng cộng tác với một số bạn Hòa Lan tổ chức tại trung tâm sinh hoạt De Vuurtoren (Houten) ngày 22/07/2007. Buổi sinh hoạt đã qui tụ được hơn 120 người, đại đa số là người Hòa Lan.

Trọng tâm của buổi sinh hoạt này là chương trình trình diễn nhạc dân gian Việt Nam của anh Ngô Hồng Quang, giảng viên Nhạc viện Quốc gia Hà Nội. Anh đã cho khán thính giả nghe một số điệu hát dân gian Việt Nam như Ru con, Chèo... và trình tấu một số nhạc khí Việt đặc biệt: Đàn môi, Đàn bầu và Nhị, môn sở trường của anh. Từ khi biết được những ngón đàn đầu tiên vào năm anh 11 tuổi, cây đàn nhị đã trở thành vật bất khả ly thân của anh. Ngoài những bài cổ nhạc Việt Nam, Quang còn có tham vọng đưa những cun

g nhạc tây phương vào chiếc đàn Việt Nam hai dây độc đáo này. Anh nói: ‘Tôi sẽ dùng nhị chơi cả nhạc Rock...'. Để chúng minh sự đa dạng của cây đàn nhị Việt Nam, anh đã trình bày ‘Vũ khúc Hungary' (của Johannes Brahms), một bản nhạc cổ điển vui tươi soạn cho violin. Tuy thế người nghe có thể nhận thấy, không khó khăn lắm, sự khác biệt giữa đàn violin và đàn nhị. Cho dù anh cố gắng hết sức, nhưng cây đàn nhị không thể nào cho được cảm giác ‘vui vẻ trẻ trung' như cây đàn violin. Có lẽ nét buồn và nhẹ không thể nào tách rời nhạc Việt được. Ngoài đàn nhị, anh cũng trình bày vài bản nhạc với một cây đàn tương đương, là đàn K'ny, của dân tộc thiểu số Tây nguyên. Đàn K'ny làm bằng nguyên cả một khúc tre thô, có luôn phần rễ, cao hơn đầu người, và khác hơn cây đàn nhị ở chỗ cần kéo không móc dính vào dây, mà rời ra như ở đàn violin, cello. Cây đàn này còn trội hơn đàn nhị ở chỗ có thêm một đoạn dây được bắt vào từ dây đàn, người chơi nhạc dùng miệng kéo sợi dây này để tạo thêm những âm thanh phụ độc đáo.

Với người Hòa Lan, có lẽ tiết mục đặc biệt nhất là khi anh hát cho mọi người nghe một bản nhạc dân gian Hòa Lan rất phổ thông, là bản ‘ Tulpen uit Amsterdam ': ‘ Khi mùa xuân tới anh sẽ gửi đến em những bông tu-líp từ Amsterdam, khi mùa xuân tới anh sẽ hái cho em những bông tu-líp ở Amsterdam, khi trở về anh sẽ mang cho em những bông tu-líp từ Amsterdam... ' Bản nhạc đã hoàn toàn chinh phục khán giả Hòa Lan, với những tràng vỗ tay nồng nhiệt cổ võ anh ‘phát âm tiếng Hòa Lan rất chuẩn và hát rất đúng', trong đó dĩ nhiên cũng hàm ý khen anh chú ý đến văn hóa dân gian Hòa Lan. Khi được hỏi, anh cho biết khi đến Hòa Lan bỗng thấy ‘cảm' bản nhạc này và vì thế anh đã bỏ công mấy ngày liền để tập hát.

Để đáp lại, anh đã mời mọi người cùng chung học một bản hát ngắn, bản dân ca Tây Bắc với tựa đề ‘ Inh lả ơi' (Cô em ơi).

Ngoài phần trình diễn nhạc, người tham dự còn có dịp xem những gian hàng triển lãm một số y phục Việt Nam, vài sản phẩm thủ công mỹ nghệ, cạnh đó là một khu triển lãm những bức ảnh phong cảnh rất mỹ thuật của một nhiếp ảnh gia tài tử người Hòa Lan qua những chặng đường du ngoạn ở Việt Nam. Khoảng 20 em nhỏ đã tham dự một buổi tập làm quen với nhạc Việt Nam, cũng do Ngô Hồng Quang hướng dẫn. Đây là nước thứ ba (sau Ái Nhĩ Lan và Bỉ) anh trình diễn trong chuyến lưu diễn Âu châu lần này.

 

Thanh Tâm
(08/2007)

 


Cái Đình - 2007