Thanh Tâm


Ngày giới thiệu nghề ong của Nguyễn Thanh Hùng (15/07/2012)

   

Chủ trại ong Nguyễn Thanh Hùng và Ab Spruyt, một hiện đại, một cổ truyền

 

Tôi đến địa điểm trưng bày (De Blokhut trong khuôn viên vườn thiên nhiên Wilhelminapark ở Rijswijk) khi vừa mở cửa. Nguyễn Thanh Hùng, ông chủ trại ong, đang tất bật lôi một đống hũ mật chất trong mấy thùng carton sắp lên mấy chiếc bàn kê quanh căn nhà gỗ nhỏ. “Nhiều thứ quá,” anh vừa nói vừa quệt mồ hôi. Dự báo thời tiết cho biết một ngày nắng đẹp, mới 10 giờ mà nắng đã bắt đầu gay gắt.

“Còn mấy đồ nghề làm mật đâu?” tôi hỏi, mắt nhìn quanh.

Hùng giải thích là để dồn nhân lực và thời gian vào ngày này cho nên vợ chồng anh cùng một số bạn hữu hai tuần trước đã hì hục làm cả cuối tuần để có được mấy trăm hũ mật cho ngày hôm nay. Anh cho biết năm nay dân nuôi ong “thất mùa”, lý do chưa rõ ràng, có thể do sự đô thị hóa, ô nhiễm môi trường, một phần cũng do con bọ Varroa tàn phá đám ong đực suốt cả chục năm nay, và nhất là do thời tiết trái mùa: đầu năm nóng bất thường khiến ong tỉnh giấc ngủ mùa đông và khi mùa xuân bắt đầu lại có một khoảng thời gian quá lạnh khiến ong phải ăn số mật dự trữ. Hùng nói thêm là anh may mắn còn giữ được một số tổ, có nhiều trại ong gần như mất trắng. Bù lại, anh đã kêu gọi được sự “viện trợ” của một chủ trại ong ở Waddinxveen, nhờ thế mà hôm nay anh có được bốn loại mật khác nhau, từ màu vàng chanh đến màu hổ phách.

Anh chỉ cho tôi xem mật của anh, do ong lấy từ nhiều loại hoa trải dài trong một vùng rộng lớn, từ Rijswijk, Den Haag, Reeuwijk cho tới Waddinxveen. Cho câu hỏi vì sao ong phải bay xa như vậy, anh cho biết ong không có khả năng bay hàng mấy chục cây số như thế, nhưng do hiếm ong, anh đã phải mang những “thùng” ong đến các làng chung quanh để cho chúng giúp thụ phấn những cây ăn trái. Theo anh, đây mới là nhiệm vụ chính của ong và những người nuôi ong như anh, lấy mật chỉ là chuyện phụ, vì nó không giúp cho xã hội bao nhiêu.

Bây giờ người đến thăm Blokhut đã khá đông. Ngày opendag được mở đầu chính thức bằng màn trình bày những chuyện phải làm từ khi bắt đầu gầy nên bầy ong tới khi lấy mật. Trong khi đa số những chủ trại ong hiện nay nuôi ong theo lối hiện đại, bằng thùng gỗ, có vỉ gỗ vuông gọn ghẽ thì vẫn còn những người nuôi ong theo lối cổ truyền với tổ ong hình nón đan bằng rơm lúa đại mạch! Một trong những người ấy là ông Ab Spruyt ở Waddingsveen, người đã tiếp trợ cho Nguyễn Thanh Hùng một số mật của ông. Phần trình bày của ông Ab rất phong phú, chứng tỏ ông là một người vững tay nghề và có nhiều năm kinh nghiệm. Ông cũng giảng thêm về cách bện tổ ong theo lối cổ truyền, rất tiếc là – theo lời ông – thời nay người ta chạy theo con số, cho nên nuôi ong theo lối cổ truyền đúng là một trò tiêu khiển làm vui, không phải là “nghề” như ở những trại ong mênh mông ở Canada hay ở những nước Ðông Âu.

Ðể đối lại, anh Simar, gốc Thổ Nhĩ Kỳ, một người vừa mới vào nghề chưa lâu, nói lên cảm tưởng của một chủ trại ong trong bước đầu, luôn luôn phải học hỏi và dò dẫm. Bây giờ mọi người có dịp được nếm thử 4 loại mật khác nhau, trong đó có thứ mật do ong lấy từ hoa cải, đặc như kem đánh, mà Hùng hãnh diện giới thiệu là một thứ mật “đặc biệt khó làm” lắm. Tất cả số tiền thu được do mật ong sẽ được giao cho tổ chức Child Surgery Vietnam, để họ tiếp tục duy trì những hoạt động của hai trạm y tế vùng thượng du Bắc Việt, giúp cho các em nhỏ bị dị tật hay thương tật (phỏng, gãy xương) được hưởng một sự chỉnh hình tối thiểu.

Tôi nhớ lại có năm nào Hùng kể là những bầy ong của anh hút mật từ cây vuốt gấu (berenklauw), nhưng hôm nay tôi ngạc nhiên, khắp một vùng chưa thấy cây berenklauw nở hoa. Hùng bảo cũng vì thời tiết thay đổi, hoa vuốt gấu năm nay nở muộn, và ông Ab thêm vào: “Người ta đang mở thêm đường ở khu này, trong tương lai sẽ còn ít hoa hơn nữa.”. “Vậy chứ mật năm nay là từ hoa gì?”, tôi thắc mắc. Nhưng rồi thắc mắc ấy cũng được giải khi biết rằng mỗi năm mùi vị của mật “thiên nhiên lấy theo lối này” cũng tùy theo thời tiết mà thay đổi. Năm nay là năm của hoa kleine hoefbladje (khi về nhà tra tự điển mới biết cây này tiếng Việt gọi là cây Khoản Ðông, một tên lạ hoắc chưa nghe bao giờ, chỉ biết sách ghi là có công dụng trị ho). Có lẽ cũng vì muốn gây tiếng chuông báo động về một thiên tai vô hình, năm 2012 đã được thế giới chọn là năm của ong mật. Nhưng kêu gọi thì kêu, ong chết vẫn chết, chưa tìm ra giải pháp.

Nhưng để trở lại ngày giới thiệu nghề ong, bây giờ khách đến thăm có thể theo người hướng dẫn đi một vòng khu vườn thiên nhiên để nghe giới thiệu thêm về những thảo mộc và côn trùng trong vườn. Sợ ong chích, muỗi cắn, tôi không theo họ mà cùng vài người theo chân ông Pieter Zwinkels, một nhiếp ảnh gia thiên nhiên, để nghe ông giảng về cách chụp cận cảnh côn trùng và hoa lá. Ðúng là nghề nào cũng phải có “đồ chơi thứ thiệt” mới có tác phẩm ra hồn, tuy ông cho biết là khởi đầu cứ thử đi, bằng phương tiện sẵn có. Nhưng tôi biết chắc với chiếc máy hình nhỏ xíu mang theo, dù cho đủ chức năng, cũng sẽ không thể nào có được những tấm hình chụp cặp mắt con ruồi rõ từng chiếc lăng kính nhỏ, hay bộ nhụy hoa long lanh giọt mật như ông cho xem tại chỗ. Duy có một điều thật bổ ích là qua những gì thấy được hôm nay, tôi đã có cái nhìn khác hơn đối với những tấm ảnh cận cảnh kiểu này, khi biết được vài thủ thuật đánh lừa thị giác của những nhiếp ảnh gia chuyên chơi trò close up.

Mấy em nhỏ không thích trò người lớn thì có được màn giải trí của bà Mary Sue Siegel, một người chuyên về bộ môn “kể truyện”, đây cũng là một bộ môn nghệ thuật đòi hỏi một sự cảm nhận đặc biệt để có thể nắm bắt quần chúng và dẫn họ đi theo mạch truyện như ý mình. Trong tiết mục kể truyện bà Mary đã tài tình dùng sự liên tưởng để kết nối giấc mơ với truyện một đôi chim hoét (merel) phiêu lưu. Có được nghe tận tai nhìn tận mắt mới thấy sự tài tình, từ một câu chuyện đầy mâu thuẫn và vô lý bà đã làm những em bé phải há hốc miệng nghe mê say cho đến chữ cuối cùng và cùng hòa điệu theo mỗi phân đoạn.

Ðể thay đổi không khí, buổi giới thiệu được chen vào bằng những màn ca nhạc, đặc biệt là những màn hòa tấu “theo cảm hứng” với sự hòa điệu của sáo Hòa Lan, đàn Saz Thổ Nhĩ Kỳ và trống Phi Châu, thêm vào là cây đàn ghi ta của anh Lâm (em ruột Hùng, một chân trong ban nhạc Brothers) từ Missouri tình cờ đến thăm. Lâm cho biết là anh rất thích khi thấy không khí sinh hoạt an hòa của người Việt ở Hòa Lan, ngày cuối tuần thong thả giải trí, không có những chạy đua với thời gian và công việc như ở Hoa Kỳ.

Một ngày rồi cũng qua. Hùng cho biết kết quả “rất khả quan”. Tôi chợt nghĩ đến những ánh mắt thơ ngây ở một nơi xa lạ đang ngóng chờ tin vui. Rất tiếc, mấy em không thể cám ơn những chú ong và hai vợ chồng Thanh Hùng – Tố Nga suốt năm cặm cụi.

 

 

 

Thanh Tâm
(07/2012)

 


Cái Đình - 2012