Thanh Tâm


Lý Tống gặp gỡ người Việt tại Hòa Lan

Sau nhiều phút chờ đợi trong nôn nóng, cuối cùng ‘người hùng Lý Tống' đã xuất hiện trong bộ complet trắng thẳng nếp, mái tóc ép sát và cặp kính râm. Nếu không có chiếc cánh bay màu vàng trên ngực áo, người ta có thể lầm tưởng ông là một ca sĩ đang tiến vào hội trường trong tiếng vỗ tay rào rào vang dội của những ‘fan' ngưỡng mộ thần tượng của mình.

Đáp lại, ông thong thả đi từng hàng ghế, bắt tay từng người, trao đổi một đôi câu với vài người quen. Cử chỉ thân mật này đã nhanh chóng chiếm được cảm tình của mọi người đang nhấp nhổm trong hội trường ‘t Veerhuis ở Nieuwegein buổi chiều ngày 16/09/2007.

Ba mươi hai năm rưỡi trước đây, vào ngày 05/04/1975, sau khi máy bay của ông bị hỏa tiễn tầm nhiệt của bộ đội cộng sản bắn hạ trong khi phi đội của ông đang thi hành phi vụ đánh bom cầu Ba Ngòi để chặn đường tiến quân và ông bị bắt cầm tù, cuộc đời Lý Tống đã ngoặt bước sang một hướng hoàn toàn khác. Năm 1980 ông đã vượt thoát trại tù A30 Hàm Tân, trong suốt 17 tháng ông đã đi bộ 3000 cây số qua 5 quốc gia, 6 lần bị giam giữ và lại trốn thoát, để cuối cùng từ bờ biển Mã Lai bơi qua eo biển Johore đến Singapore để xin tị nạn. Cuộc vượt thoát ly kỳ của ông đã được tạp chí Reader's Digest năm 1984 lên bài ký sự đặc biệt, và đã được ông kể lại trong tác phẩm ‘Ó Đen'.

Ở hải ngoại (và cả trong nước), tên tuổi của ông một lần nữa lại được lan truyền rộng rãi qua lần uy hiếp phi hành đoàn khi máy bay Vietnam Airlines bay trên bầu trời Sài Gòn để ông có thể rải truyền đơn kêu gọi ‘Tổng nổi dậy'và sau đó nhảy dù xuống (1992). Vào ngày 17/11/2000, một ngày trước khi tổng thống Bill Clinton thăm Việt Nam, ông đã mướn máy bay ở Thái Lan để đột nhập không phận Việt Nam, rải truyền đơn lần thứ hai tại Sài Gòn. Đó là chưa kể ngày đầu năm đó (01/01/2000), ông đã lái máy bay xâm nhập Cuba để rải truyền đơn kêu gọi tổng nổi dậy lật đổ Fidel Castro. Ông đã phải trả giá cho những hành động ‘chống cộng có một không hai' này bằng những năm tù đầy, nặng nhất là 6 năm trong trại tù ở Việt Nam và hơn 6 năm trong trại tù Thái Lan. Nhờ nhiều vận động của người Việt hải ngoại tác động lên dư luận quốc tế, dấy lên một phong trào can thiệp trả tự do, ông đã được Thái Lan trao trả về Hoa Kỳ tháng 04/2007 thay vì dẫn độ về Việt Nam để bị xử tiếp về các tội ‘vi phạm chủ quyền, an ninh quốc gia' và ‘vi phạm qui định an toàn hàng không', theo như yêu cầu của nhà cầm quyền.

Buổi sinh hoạt hôm nay được thực hiện để Lý Tống có dịp gặp gỡ và cảm tạ các tổ chức và những người Việt ở Hòa Lan đã vận động cho ông trong thời gian qua. Đồng thời cũng là dịp để ông có thể nói lên những suy nghĩ của ông về cuộc tranh đấu trong thời gian tới.

Trong phần đầu khán thính giả đã được nghe ông kể một số chuyện vui bên lề trong những lần ông chuẩn bị ‘ra tay', những chuyện ít người biết, như một lần ông đột nhập phi trường Tân Sơn Nhất với định cướp máy bay nhưng không thành công tuy đã vào được đến tận nơi, và lần bay sang Cuba rải truyền đơn, chuyến bay diễn ra quá suông sẻ làm ông lạc quan, tưởng mình tận dụng thời cơ ngày đầu năm, bay vào ‘đất địch' rồi sẽ lại bay ra như chốn không người, ai dè lúc đó trên đầu máy bay Hoa Kỳ và Cuba rình rập, theo sát từng bước vì tưởng ông là dân buôn ‘hàng trắng'!!! Với giọng kể đều đều nhưng lúc nào cũng đượm phần dí dỏm, ông đã làm mọi người nghe say mê, nhất là những đoạn ông kể về sự đấu lý với các viên chức. ‘Mấy anh không cho tôi đi, tôi cám ơn. Mà mấy anh không cho tôi đi, tôi cũng cám ơn,' lời ông nói với những nhân viên an ninh đã ngăn trở ông khi biết ông hiện diện ở Úc trong thời điểm cuộc họp thượng đỉnh APEC vừa qua, có sự tham dự của Chủ tịch Nhà nước Việt Nam Nguyễn Minh Triết, nên đã cố tìm cách ngăn trở ông để ngăn ngừa những ‘hành động ngoạn mục' họ dự đoán có thể xảy ra.

Cuộc đời ông quả thực có quá nhiều chuyện để nói, ông lại là người biết cách kể chuyện, không thừa không thiếu, một người dày dạn kinh nghiệm đối đáp, luôn giữ thế chủ động, cuộc hàn huyên nếu sẽ kéo dài cả ngày, nếu ban tổ chức không nhắc nhở nhiều lần về thời gian mướn phòng đã ấn định.

Ngoài sự hiện diện của khoảng 70 quan khách trong hội trường ‘t Veerhuis, buổi gặp gỡ tâm tình với Lý Tống còn được sự theo dõi của hơn 160 người qua hệ thống Paltalk. Nhưng cũng chính vì những khoảng thời gian cần thiết cho một cuộc hội luận qua đường truyền Internet, những lời bày tỏ tấm lòng ngưỡng mộ và chân tình gửi gấm đến ông Lý Tống của một số người ở Hòa Lan đã tích cực tham gia cuộc vận động trả tự do cho ông nằm trong phần mở đầu, ban tổ chức đã không còn đủ thời gian dành cho phần thứ hai của chương trình, trong đó Lý Tống sẽ trình bày cặn kẽ thêm về những suy tư về thời cuộc đất nước, và quan niệm của ông trong giai đoạn đấu tranh tới đây. Tuy nhiên, qua phần diễn giải sơ lược, người ta cũng có thể nắm bắt được quan điểm chính của ông là tuyệt đối không chấp nhận chế độ cộng sản và phải tận dụng ‘sức mạnh quần chúng', một học thuyết do ông đề ra, và theo lời ông là nhờ biết vận dụng sức mạnh này mà 23 quốc gia cộng sản đã sụp đổ trong thời gian vừa qua!

Ông hô hào tăng cường biểu tình ở hải ngoại thay vì những hành động gửi thỉnh nguyện thư, vì theo ông, biểu tình có tác dụng sâu xa lên chính quyền của các nước có bang giao với Việt Nam. Ông coi ngày 02/09 như là một ‘ngày để biểu tình', bên cạnh ngày 30/04 và 19/05. Đối với phong trào biểu tình trong nước, ông gợi ra một vài phương thức ‘độc đáo' để có thể thu hút sự chú ý của quần chúng và báo chí, như dùng sự phô diễn tập thể bằng một đoàn xe gắn máy, hay dùng bầy khỉ cho mang truyền đơn biểu ngữ, tóm lại dùng những phương thức tác động thẳng vào sự tò mò của truyền thông và quần chúng, những người thích ‘chuyện lạ động trời' kiểu ‘mission impossible' như ông đã làm.

Ông cũng tỏ thái độ rõ rệt ủng hộ nhóm 8406, điều này có thể làm một số người ngạc nhiên, dường như nó đối chọi với quan điểm của ông về chủ nghĩa cộng sản khi người ta biết rằng một số thành viên nhóm 8406 là đảng viên Đảng Cộng sản. Ông cho biết trong những lần nói chuyện vừa qua, cũng như trong lần này, tiền thu được do bán DVD, áo thun, tài liệu… được ông chuyển giao cho nhóm, điều này đã đủ nói lên sự tin cậy gắn bó giữa ông và tổ chức trên.

Một điều ông xác quyết nhiều lần trước cử tọa là ông hoàn toàn không tin tưởng vào ‘người Mỹ' (có lẽ ông muốn nói đến các chính trị gia). Theo ông người Mỹ chỉ đặt quyền lợi bản thân lên trên hết, bất kỳ ở đâu và bất kỳ lúc nào. ‘Politic is the next election', đây là bài học đã ghi sâu vào đầu ông.

Qua câu chuyện, người ta có thể nhận thấy ông đã tận dụng những yếu tố ‘bất ngờ', cộng thêm sự tính toán, kinh nghiệm trường đời dày dặn, và nổi trội nhất là một ý chí dấn thân không mệt mỏi cho con đường ông đã vạch. Tuy nhiên, một điều không thể phủ nhận là ông đã gặp rất nhiều may mắn, điều này chỉ có thể giải thích bằng ‘Ba Ông Thần Hộ Mệnh', theo như lời của ông. Chính những yếu tố bất ngờ, thời cơ chợt đến, sự may mắn cộng thêm sự liều lĩnh đã kết thành một hình ảnh ‘Ó Đen Lý Tống' có một không hai với những màn ‘ngoạn mục' như trong phim hoạt động, gián điệp.

Một số tiết mục văn nghệ từ nhạc tranh đấu, nhạc tình cảm cho đến cổ nhạc, do các ca sĩ Miên Thụy, Ngọc Anh, Nguyễn Lê Cường, thêm bạn Hồ Hải từ Úc đóng góp qua Internet, đã tô điểm thêm nét đặc sắc của buổi ‘Họp mặt tâm tình cùng Ó Đen Lý Tống'.

Buổi sinh hoạt kéo dài hơn 4 giờ đã chấm dứt lúc 18 giờ mang theo sự luyến tiếc của nhiều người. Sau Hòa Lan, Lý Tống sẽ đến Đức thăm những người ngưỡng mộ ông, chấm dứt chuyến đi vòng thế giới cám ơn những tấm lòng vàng đã dành cho một người hùng hiện đại.

 

Thanh Tâm
(10/2007)

 


.Cái Đình - 2007.