Nguyễn Hiền


Lost in Vietnam – Vui chơi với các bạn iViet (02/06/2012)

 

Cảm nhận đầu tiên của tôi khi vừa tới địa điểm là sự phiêu lưu của Ban Tổ chức. Một buổi lễ hội qui mô như vậy mà lại  diễn ra ngoài trời, với sân khấu lộ thiên…, là một cuộc chơi đầy rủi ro, đã vậy còn rớt ngay vào ngày cuối của một chu kỳ nóng. Thời tiết chưa chuyển, nắng ấm, nhưng đã có những cơn gió se lạnh thổi qua báo hiệu ngày mai trời không đẹp.

Cảm nhận thứ hai là thấy được sự chuẩn bị chu đáo và mang phong cách nhà nghề trong việc bài trí, trang hoàng. Những dây chăng dọc ngang mang những logo đặc biệt cho ngày hội, một rừng bảng quảng cáo, biểu ngữ, những tà áo dài qua lại. Chợt thấy mình như lạc lối.

Lạc lối – không phải ở Việt Nam mà ở thành phố sinh viên Leiden. Khoảng sân rộng trước cửa Viện Bảo Tàng Dân Tộc Học đã biến thành một con phố chợ Việt Nam. Hàng quán hai bên, mùi nước phở thơm lừng, mùi những món chiên quyện vào nhau, chưa kể những thứ bánh trái, chè cháo. Rồi những quán hàng y phục, đồ lưu niệm. Không phải một con đường trên phố Việt Nam, mà là một con đường xuyên suốt ba miền Bắc Trung Nam, đúng như chủ đề đưa ra “Lost in Vietnam. Beleef de drie streken.” Lạc lối tại Việt Nam, trải nghiệm suốt ba miền.

Ðội lân đã tưng bừng mở đầu buổi hội bằng một màn sải chân duyệt qua các gian hàng trước khi bước lên khán đài báo hiệu giờ khai mạc. Phút mở đầu không có diễn văn dài lê thê mà mang một phong cách mới, với trao đổi giữa đôi bên, cho người tham dự thấy ngay là khoảng cách giữa họ và những người trong ban tổ chức đã xóa mất. Sự hòa đồng cộng tính sáng tạo cũng được thấy ở màn đầu tiên là trình diễn áo dài. Không phải một dáng đi uốn éo có bài bản trên sân khấu như trong một show catwalk, mà là một màn lướt qua giòng lịch sử của chiếc áo dài, với những kiểu áo của cả ba miền, với người mẫu từ em bé, thanh niên thiếu nữ…, cho tới cả người Hòa Lan cũng cùng tham dự trong một không khí vui nhộn, để rồi kết thúc bằng một màn bán đấu giá hai chiếc áo dài, phụ thêm cho quỹ tổ chức.

Những sinh hoạt của iViet tạo ấn tượng tốt nơi người Hòa Lan vì họ nhận ra ngay sự hội nhập của một sắc dân Á châu với con số không lớn lắm (hơn 18 ngàn ở Hòa Lan), và thấy là họ có thể dễ dàng hòa nhập vào không khí buổi hội. Cũng như người Hòa Lan 400 năm trước đến Phố Hiến và Hội An buôn bán, trong ngày này cũng có một gian hàng của cặp vợ chồng Hòa Lan, cả hai đều mặc áo dài, vui vẻ giới thiệu sản phẩm của họ (tôm cá). Trong chợ hôm nay vắng bóng chả giò, thay vào đó là cả một rừng bánh, từ màu đen của những loại bánh gói lá, màu xanh lục tươi của bánh xu xê, bánh cam vàng lườm, bánh cuốn bánh dầy trắng tươi. Chen vào đó là những ly chè thập cẩm, chè Thái đủ màu, những xâu thịt nướng, chạo tôm bóng mỡ… Bia Sàigòn cũng không thiếu.

Rất tiếc là một số bạn đã không được thưởng thức những món này. Họ đã ghi tên tham gia cuộc thi ăn phở (Phở-challenge). Ngồi trước những tô phở khổng lồ 2 kí có dư (theo giới thiệu thì trong đó có 1kg bánh), nhìn kích cỡ đã muốn ói, nói gì ăn. Nhưng đã vào cuộc, sao bỏ được, cho đến phút chót đành phải lè lưỡi, ngồi thở, mặc cho cô MC thúc giục trong tiếng nhạc dồn dập. Cuối cùng, việc đo lại mức phở bỏ mứa đã quyết định kẻ vô địch, anh chàng Saykin đã ngốn hơn 90% tô phở của mình và theo đúng phong thái sinh hoạt hiện nay, lập tức được ghi thành tích trên Facebook.

Người không ham phở có thể theo dõi màn giới thiệu tại chỗ cách làm Bánh Xèo của vị đầu bếp nhà hàng “Xinh” ở Amsterdam. Bánh xèo Việt Nam là thứ bánh tương đối lạ miệng, ngay cô MC giới thiệu mục này cũng thú nhận là không hạp vị lắm. Mong rằng theo thời gian nó sẽ được chấp nhận như một đứa em của món chả giò Vietnamese loempia’s.

Con đường “ba miền” đột nhiên trở nên tấp nập người xem màn hiphop của ban The MajorZz của mấy bạn trẻ Hòa Lan. Theo giới thiệu, The MajorZz đã lập được nhiều thành tích qua những đường vũ mạnh bạo sáng tạo, danh tiếng tới cả Las Vegas!!! Phong trào nhảy Hiphop breakdance, một thứ vũ đạo thích hợp với các bạn trẻ, kết hợp nhạc với thể dục và nghệ thuật múa dẻo, gần đây đã du nhập vào Việt Nam và đang trở nên một “hiện tượng” trong sinh hoạt đường phố, đặc biệt là trong giới trẻ của những gia đình trung lưu.

Trong buổi hội, màn hiphop mạnh bạo của The MajorZz đã có dịp gặp một màn múa nón “tân kỳ” không kém của phái nữ, cũng nhộn, cũng vui như vậy, mặc cho lời phê bình của vài vị quen xem múa nón trên sân khấu với nhạc dân gian Việt Nam.

Trở lại phần êm dịu cô Ting Ting đã cho mọi người nghe tiếng đàn tranh qua một số tấu khúc, từ những khúc êm dịu chuyển sang những thể điệu tươi vui, cũng là tiết mục kết thúc buổi hội. Nhiều người chắc không nhận ra đây là cây đàn tranh của Trung Quốc, và những khúc nhạc cũng là thể điệu Trung Hoa. Hai nước láng giềng, chung đụng văn hóa xã hội cả mấy ngàn năm, nhưng có những nét đặc thù riêng. Mục đích của buổi hội “Lost in Vietnam” không những là một dịp để giới thiệu những sắc màu mùi vị của ba miền đất Việt Nam, mà còn là một buổi gặp gỡ của những màn trình diễn văn hóa từ nhiều nơi. Ðó chính là sự thành công đáng nói của iViet, như lời của ông Cor Klein, trưởng phòng (Tiếp Cận Với) Công Chúng của thị xã Leiden trong phần phát biểu, nhất là buổi này được tổ chức trong Mùa Văn Hóa của Leiden theo như truyền thống, bắt đầu từ giữa tháng 5 và kéo dài 6 tuần lễ.

Lạc lối, nhưng cuối cùng cũng tìm được đường về, mang theo chút hơi Việt Nam trong giỏ xách. Nhìn lại, có thể kết luận là với sự chuẩn bị chu đáo, tổ chức theo phương pháp khoa học, chú trọng rất nhiều vào công tác PR từ nhiều tháng trước, so với kết quả đạt được thì có thể gọi là khiêm nhường. Nhưng với các bạn iViet, sự thành công lớn nhất vẫn là không khí sinh hoạt vui, tạo được mối liên lạc giữa các bạn trẻ với nhau, giữa các thế hệ từ 4, 5X cho tới qua 9X, và giữa người Việt với người bản xứ. Một điều không thể phủ nhận: trong thời gian 3 năm kể từ khi thành lập, sinh hoạt nào của iViet cũng được đánh giá cao.

 

Nguyễn Hiền
(06/2012)

 


Cái Đình - 2012