Bùi Văn Ðỗ


Chuyện vẫn cần biết về chương trình giáo dục và đào tạo

Sau ba thập niên vì biến cố 30-04-1975 người Việt Nam đã có mặt đông đảo ở nhiều nước trên thế giới. Biến cố đau thương! Nhưng là cơ hội ngàn vàng cho những ai nắm bắt được thời cơ lo cho con đến trường học, nhờ nền giáo dục ở các nước tiên tiến có một đội ngũ thầy cô chuyên nghiệp, giỏi và nhiệt thành; cộng với ngân sách nhà nước dành cho giáo dục cao, nên trường sở tiện nghi và học cụ đầy đủ.

Nhưng vì một lý do nào đó, số đông đồng hương của chúng ta đã để mất cơ hội lo cho lớp con của mình; nay vấn đề vẫn còn cần biết, vẫn còn cần tìm hiểu, để giúp cho thế hệ thứ ba là lớp cháu, tìm đường vươn lên trong môi trường học tập, để làm vẻ vang cho dân Việt; vì cho dù sống ở xứ người đến ba, bốn đời, cái gốc là người Việt Nam của chúng ta vẫn còn, không dễ gì đoạn tuyệt.

Gần ba mươi năm sau, Cộng Đồng người Việt Nam ở hải ngoại đã làm được một công tác, tạm gọi là có tính tổng quát, vinh danh những thành tựu của lớp người trẻ Việt Nam ở hải ngoại về bước đường tiến thân, đặc biệt ở địa hạt học vấn qua:

•  Asia 41 Mùa hè rực rỡ.

•  Asia 43 Trái tim tuổi trẻ.

•  Asia Mùa hè rực rỡ 2004.

Những thành quả đã đạt được mà chúng ta được xem trên ba cuốn Video 41, 43 và Mùa hè rực rỡ 2004 của Asia .

Là người Việt Nam , chúng ta ai cũng vui mừng về những thành tựu đó, tự an ủi và đều nhìn nhận. Dân tộc Việt chuyên cần, chăm chỉ và thông minh như mọi dân tộc khác trên hành tinh này; chỉ có một yếu điểm là khó đoàn kết lại với nhau, nên chiến tranh triền miên, sinh ra nghèo khó, và vẫn còn ở trong tình trạng các nước thuộc thế giới thứ ba, thường được gọi là các nước đang phát triển.

Ngoài những người trẻ thành công, được mời lên để vinh danh trên các cuốn vidio trên; còn rất đông các bạn trẻ Việt Nam khác ở các nước trên thế giới, họ cũng thành công tương tự, đặc biệt ở địa hạt học vấn; nhưng vì không có cơ hội, không được biết đến do các cộng đồng ở từng nước không nắm được, hay vì tính khiêm tốn, không nói ra nên Cộng Đồng Việt Nam ở từng quốc gia không nắm rõ, và không thâu thập đủ.

Theo sự hiểu biết của chúng tôi, ngay ở tại các nước Âu Châu, số bạn trẻ đỗ đạt thành công ở bậc đại học, cử nhân, cao học, tiến sĩ cũng khá nhiều; sinh viên Việt Nam con của người tỵ nạn có mặt ở các đại học, do đó kỹ sư, bác sĩ người Việt đã có mặt ở nhiều cơ sở, bệnh viện của người bản xứ.

Thành công của lớp trẻ gốc Việt trên còn khiêm tốn, nếu các phụ huynh Việt Nam tỵ nạn ngay từ bước đầu, chịu khó quan tâm tìm hiểu về nền giáo dục và đào tạo của nước sở tại, để nắm bắt kịp thời cơ, hầu khuyên răn và giúp ý kiến cho con, đang ở độ tuổi mới bắt đầu, hay còn ở độ tuổi đi học, thì sự thành công trên đường học vấn của lớp trẻ Việt Nam ở hải ngoại còn vẻ vang hơn nữa, còn đông hơn nhiều.

Cho đến nay, 29 năm sau khi người Việt Nam có mặt ở hải ngoại mà còn rất đông, rất đông các bậc phụ huynh lớn tuổi (ở độ tuổi 40-60 ) vẫn chưa hiểu rõ chương trình giáo dục và đào tạo của nước sở tại mình đang sống. Viết lại về chương trình giáo dục của Việt Nam , để các phụ huynh, ông bà Việt, dễ so sánh với chương trình giáo dục ở ngay các nước sở tại hiện giờ.

 

Chương trình giáo dục và đào tạo.

Cách chung: hệ thống giáo dục và đào tạo của các quốc gia đều có một điểm cơ bản giống nhau.

a- Bậc tiểu học.

Ở vào độ 5,6 tuổi, các em bắt đầu đến trường; học đọc, học viết ngôn ngữ của nước mình; rồi sau đó học đến tính toán: công, trừ, nhân, chia và các môn khoa học thường thức khác mà đã là con người thì đều phải học. Bậc tiểu học kéo dài từ 5 đến 7 năm tùy theo chương trình giáo dục của mỗi quốc gia.

b- Bậc trung học.

Bậc trung học bắt đầu ở lớp tuổi 11, 12; ở bậc trung học, mỗi quốc gia có những sắp xếp riêng. Nhưng tương tự, không khác nhau là bao nhiêu.

Ở Việt Nam, cho đến năm 1972, thì lớp đệ Thất là lớp bắt đầu thuộc về bậc trung học, tiếp theo là lớp đệ Lục, đệ Ngũ, đệ Tứ. Từ năm 1972 cho đến năm 1975, chương trình trung học thay đổi, bắt đầu từ lớp 6 cho đến lớp 12. Kể từ năm 1972 không còn thi Trung Học Đệ Nhất Cấp và Tú Tài I. Chỉ còn lại một kỳ thi duy nhất là Thi Tốt Nghiệp Phổ Thông. Theo chương trình trước năm 1972, cuối lớp đệ Tứ học sinh phải qua một kỳ thi, gọi là thi bằng Trung Học Đệ Nhất Cấp, tương tự kỳ thi Mavo ở Hòa Lan; nếu đậu kỳ thi này mà học sinh không học tiếp chương trình phổ thông nữa thì sẽ chọn những ngành nghề thích hợp để theo học như: y tá, giáo viên dậy bậc tiểu học, làm thư ký văn phòng, làm kế toán viên, học các ngành về kỹ thuật như sửa xe hơi, sửa các loại máy nổ, máy bơm, máy tàu, máy phát điện; tương tự như các ngành nghề KMBO, MTS của Hòa Lan.

Sau khi thi trung học đệ nhất cấp, muốn học tiếp chương trình phổ thông thì sẽ vào lớp đệ Tam, tiếp theo là lớp đệ Nhị; cuối chương trình lớp đệ Nhị, học sinh phải thi một kỳ thi, kỳ thi này gọi là kỳ thi Tú Tài I; tương tự kỳ thi Havo ở Hòa Lan. Nếu đủ điểm đậu, không muốn học tiếp chương trình phổ thông thì có thể tìm ngành nghề để học ở bậc cao đẳng, tương tự như HBO, HTS ở Hòa Lan. Nếu học sinh muốn theo học tiếp cho hết bậc phổ thông để vào đại học

thì sẽ học một năm lớp đệ Nhất (lớp 12 ).

c- Muốn vào đại học.

Cuối năm lớp đệ Nhất, học sinh phải qua một kỳ thi, gọi là thi Tú Tái II, nếu đủ điểm, đậu, mới được ghi danh vào đại học; tương tự như ở Hòa Lan, muốn vào đại học, phải thi đậu VWO; còn muốn ghi danh học ngành gì thì cũng tùy theo ban, A,B,C,D các môn học mà học sinh đã chọn để học bắt đầu từ năm lớp đệ Tam, ở Hòa Lan vào năm lớp 4 VWO.

* Ở một số nước Âu Châu, có một điểm khác Việt Nam là: vào năm cuối bậc tiểu học ( Basisschool, groep 8, lớp 5 ở Đức và ở Việt Nam); căn cứ vào học lực của từng em, giáo viên dậy lớp nắm rõ đã khuyên học sinh nên theo học ở bốn hệ chính sau đây:

– VMBO chương trình học 4 năm.

– Havo chương trình học 5 năm.

– VWO chương trình học 6 năm.

Cách chung trong hai năm đầu, gọi là hai năm chuyển tiếp ( brugklas) , (tùy theo trường, có trường 1 năm, có trường 3 năm), các môn học tương tự cho đến cuối năm thứ hai, căn cứ vào học lực của từng em, sẽ có kết quả cho niên học kế tiếp:

– Em A học VMBO 3.

– Em B học Havo 3.

– Em C học VWO 3.

Cách riêng của một số trường trung học chỉ có các lớp Havo và VWO thì có đến ba năm chuyển tiếp; cuối năm thứ ba nhà trường cho kết quả từng em:

– Em D học Havo 4.

– Em E học VWO 4.

Nói chung, chương trình giáo dục và đào tạo cơ bản của Việt Nam và các nước tiên tiến không khác biệt nhau nhiều; ngặt một nỗi, nhiều phụ huynh Việt ngay chương trình giáo dục của Việt Nam cũng không nắm vững tường tận, vì không được đi học, hay được học rất ít, chỉ biết đọc, biết viết.

Cái khác biệt đáng nói ở chỗ, các nước có nền văn minh trước và có của, họ đã đào tạo được đội ngũ giáo viên có khả năng, lương bổng đãi ngộ xứng đáng, đủ trường cho học sinh, mỗi lớp chỉ khoảng 30 em, các phương tiện như trợ huấn cụ, in ấn, phòng thí nghiệm, computer… thật đầy đủ.

Còn nước ta vốn nghèo, Đảng Cộng Sản lãnh đạo đã dở vì ít học, lại còn bị cái eo tham nhũng từ thượng vàng đến hạ cám, nên ảnh hưởng nặng nề trên ngành giáo dục. Điển hình: giáo viên được đào tạo kém, lương lại ít, sinh ra nạn dậy kèm, dậy nhồi nhét, học vẹt; đi thi thì quay cóp, thi hộ, mua điểm, mua bằng. Lối học ở Việt Nam từ mấy chục năm qua là lối học dỏm, thi cử dòm, bằng cấp dỏm, hay bi đát hơn có bằng cấp thật mà kiến thức dỏm.

Chỉ đọc các con số do bộ Giáo Dục và Đào Tạo của Việt Nam năm 2002 công bố mới thấy hỡi ơi!

– Dự thi để vào cao đẳng và đại học có: 823.858 thí sinh.

– Ba thí sinh đậu thủ khoa với điểm 29,5/30.

– 713352 thí sinh (tức 86,6%) với số điểm dưới mức trung bình 14,5/30, trong khi đó số thí sinh chỉ đạt được điểm dưới 10/30 lên tới 556.533 em, nghĩa là chiếm 67,5%. Chỉ có 10% đạt điểm để đậu là 15/30.

Ở Hòa Lan những em học kém, sau khi học xong Mavo (4 năm), thi đậu hay rớt thì cũng khuyên, chuyển cho đi học nghề, tùy theo sở thích của từng em chọn để lấy các văn bằng KMBO, MTS để rồi đi làm.

Còn những em có chí, có nghị lực, muốn học tiếp chương trình phổ thông thì sẽ theo học lớp Havo 4.

Các em học Havo (chương trình 5 năm). Sau khi thi đậu (tương tự bằng Tú Tài I của Việt Nam), nếu muốn học tiếp chương trình phổ thông thì sẽ vào học lớp 5 VWO, nếu không, muốn đi học nghề thì sẽ chọn hướng các ngành nghề HBO, HTS; bên Việt Nam gọi là học cao đẳng.

Các em học VWO (diện học nhanh, học giỏi) chương trình trung học chỉ mất có 6 năm; sau khi thi đậu mới được ghi danh vào đại học; muốn chọn ngành để học cũng còn lệ thuộc vào các môn học em đó lựa chọn vào những năm cuối của trung học khoảng lớp 4 VWO (bên Việt Nam từ lớp đệ Tam) là văn, toán, ngôn ngữ hay khoa học tự nhiên.

Ngày nay học sinh ở trường trung học Hòa Lan chọn theo Profiel, cũng có thể gọi là chọn ngành, có 4 profiel:

– N và T (Natuur và Techniek: Khoa học và Kỹ thuật).

– N và G (Natuur và Gezond: Khoa học và Y tế).

– M và E (Maatschappij và Economie: Xã hội và Kinh tế).

– M và C (Maatschappij và Cultuur: Xã hội và Văn hoá).

Chương trình ở đại học, cách chung của nhiều nước là 4 năm, để thi lấy bằng cử nhân, rồi học tiếp lên cao học, tiến sĩ. Chương trình của ngành y khoa, học nhiều năm hơn, thường ở các nước là 7 năm, ở Hòa Lan học 6 năm. Các ngành học được ấn định số năm, và căn cứ vào đó cho sinh viên được hưởng học bổng; quá thời gian ấn định chưa thi lấy bằng ra trường, sinh viên vẫn theo đuổi học thì phải vay học bổng, phải tự túc.

Nhiều gia đình Việt Nam, không hiểu biết về chương trình giáo dục và đào tạo ngay tại Việt Nam; nên khi trốn thoát đến nước người tỵ nạn, càng khó hiểu biết hơn về vấn đề này; vấn đề ngôn ngữ cũng là một rào cản lớn, báo chí Việt Ngữ thì ít, nếu có thì phần đấu tranh chính trị hơi nhiều, hướng dẫn hội nhập ít người viết. Hoặc có viết nhưng người mình tiết kiệm không dám bỏ tiền ra mua báo. Chưa nói đến số đông khả năng bị hạn chế, cũng lười đọc báo. Tại Hòa Lan những người đến trước đã làm, đã dịch ra tiếng Việt để giúp người đến sau như hai cuốn:

– Giới thiệu về đời sống Hòa Lan, người dịch là Trương Quang m.p.a tựa đề VVN PUBLIKATIE NR.6 của Vereniging Vluchtelingenwerk Nederland.

– Cuốn đi học tại Hòa Lan, giới thiệu về chương trình giáo dục học chữ và chọn ngành nghề ở Hòa Lan, của bộ giáo dục, được dịch ra tiếng Việt.

Hai cuốn sách này phát tặng cho đồng hương mà rất nhiều gia đình đông con, ở vào lớp tuổi đến trường, cũng không chịu đọc để biết, có người đọc qua, chả hiểu gì rồi vứt đi. Thật là chìa khóa vàng giúp cho con để tìm ra các kho tàng mà phần đông phụ huynh không biết đưa đến hậu quả:

– Đánh mất một cơ hội.

– Đua nhau chọn học một nghề, phụ huynh thì không biết, các em thì chọn nghề theo số đông của bạn trẻ, không có cái nhìn xa về tương lai, không có cái kinh nghiệm quá khứ của cha mẹ giúp ý kiến; nên học xong một nghề mất 4, 5 năm sau, khi ra trường không có việc để đi làm.

Nhiều gia đình, các con đều học xong, đến tuổi đi làm, tìm không ra việc, cuối cùng phải chấp nhận làm những công việc không liên quan gì đến nghề nghiệp đã học, bị thua thiệt, mất rất nhiều quyền lợi.

Giấc mơ của các phụ huynh :

Sống dưới chế độ độc tài Cộng Sản, những trẻ em con nhà nghèo đi học cũng chật vật cho cha mẹ, nhất là những gia đình đông con; tiền đóng gạo góp, dù cho là trường của nhà nước; đội ngũ giáo viên kém chất lượng, lương bổng thấp, sinh ra nạn dậy kèm, học kèm. Phần đông ở thôn quê và người nghèo ở thành thị, con học hết bậc tiểu học (Basisschool) đã phải tự thôi học, để đi làm kiếm tiền phụ giúp với cha mẹ.

Khi tìm đường vượt biên tỵ nạn, đến được các nước văn minh là miền đất hứa; trước mắt là các con được cắp đến trường học mà không phải trả tiền, nếu con có chí và thông minh thì muốn học lên đến cấp nào cũng được, còn được khích lệ học lên cao; nếu không học phổ thông nữa thì được chọn các ngành nghề để học, sau này đi làm lo cho bản thân. Các phụ huynh hy vọng nhiều vào lớp con còn trẻ, còn nhỏ. Vì nghĩ đến đời mình đã gian nan vất vả, nhà nghèo, đất nước chiến tranh triền miên, không có cơ hội học hành; đời con may mắn hơn, đến được xứ sở văn minh, được học hành, sau này sẽ là kỹ sư, bác sĩ; giấc mơ thật quá lớn. Cho nên có những phụ huynh con mình vừa học xong Mavo (lớp 9 ở Việt Nam), thi rớt, không tiếp tục học tiếp phổ thông được, nhà trường khuyên phải chọn nghề để học.

Khi chọn nghề học, về kể với cha mẹ, em chọn nghề buôn bán (de handel ), học 4 năm; cha mẹ hiểu chữ buôn bán theo từ ngữ Việt có liên quan đến kinh tế (economie ); con học về kinh tế, học bốn năm rồi sẽ ra trường lo kinh doanh buôn bán thì sẽ giầu có mấy hồi, mừng quá, gặp đồng hương nào cũng khoe.

Đứa em kế, khi đến tỵ nạn còn nhỏ nên học ngôn ngữ dễ hơn chị, học văn hóa khá hơn; qua chương trình Mavo rồi học tiếp lên Havo 4, thi đậu Havo, không muốn học tiếp phổ thông nữa nên đi học nghề; em chọn ngành học về sức khoẻ, nghề y; tiếng bản xứ viết và dịch trong tự điển Việt Hòa:

Y: het medicijn, dịch ra Việt ngữ là y khoa. Bên Việt Nam hiểu chữ y khoa là bác sĩ, không quan tâm đến ngành dưới bác sĩ là bao nhiêu cấp bằng chuyên môn y tá thật cần thiết ở các bệnh viện; mà chỉ hiểu hễ học y khoa sau 7 năm nếu đậu là ra làm nghề bác sĩ; có bằng Mavo cũng học y tá là bằng KMBO, bằng Havo cũng học y tá nhưng cao hơn, đó là bằng HBO mà phần lớn các phụ huynh không biết.

Số đông phụ huynh không chịu đọc và tìm hiểu về chương trình giáo dục và đào tạo tại Hòa Lan có suy nghĩ, em nào học nghề có liên quan tới sức khoẻ, có dính dáng tới chữ Y, phụ huynh hiểu ngay là y khoa. Bởi vì học vị bác sĩ thì chẳng phải ở Việt Nam mới quý mà hiện nay ở các nước Á, Âu, Mỹ, Phi, học vị này vẫn được trọng.

Đứa thứ ba trong nhà thi đậu bằng Mavo, không học nổi phổ thông tiếp, đi học nghề, cũng chọn nghề có liên quan đến sức khoẻ, cũng có liên hệ đến chữ Y, và cũng học 4 năm; sau này khi học xong ra trường sẽ làm thư ký, nghe điện thoại, phụ việc trong phòng nha sĩ (assitent) . Tất cả những điều con kể với phụ huynh, phụ huynh chỉ để ý và quan tâm đến hai chữ ”Nha Sĩ”. Vậy là đứa con gái thứ ba học nghề về Răng, nghề Nha Sĩ.

Trong gia đình còn tới bốn em nữa, những em sinh sau này tại Hòa Lan, ông bà hy vọng nó sẽ học giỏi hơn các anh và chị. Nhưng trước mắt ông bà rất mãn nguyện về ba đứa con đầu; đứa học về kinh tế, đứa học về y khoa, đứa học về nha sĩ. Cộng đồng bé nhỏ Việt có tin vui, buồn gì thì dễ san sẻ cho nhau theo cấp số nhân, vết dầu loang, nên ai cũng biết.

Cộng đồng Việt Nam ở từng khu vực, từng tỉnh, có cái thông lệ từ ngày mới đến định cư lập nghiệp, vì có mang chung một tâm trạng di cư tỵ nạn, xa quê hương, xa họ hàng và bạn bè thân thích, cho nên Tết Âm lịch đến là rất nhớ nhà. Hàng năm cứ vào dịp này là Cộng Đồng tổ chức đón Tết chung với nhau, thường là rất đông đủ.

Người ta thường thấy ông chủ tịch Cộng Đồng vui vẻ đến bắt tay từng người để chúc Tết và thăm hỏi, nhất là các bạn trẻ; nghe tin những em học giỏi, đỗ đạt cao, ông thường khích lệ. Gặp gia đình ông bà T. người có ba con nghe học hành giỏi, ông niềm nở đến bắt tay chúc tết ông bà T. và nói: “ Chúc mừng gia đình ông bà vì nghe tin có các em học rất giỏi: em học kinh tế, em học bác sĩ, em học nha sĩ …”. Ông bà T. mừng, toe toét cười mãn nguyện và khoe thành tích học hành của con. Nhưng mấy đứa con đứng bên thì lại vô cùng thẹn, và thẹn quá nên nói thẳng với ông chủ tịch Cộng Đồng.

– Thưa, cháu chỉ có trình độ Mavo, cháu học ngành buôn bán ( de handel ), học xong đi làm cho mấy chỗ bán hàng. hoặc ngồi ở Kassa tính tiền cho siêu thị. Chứ không phải học về kinh tế học.

– Ông bắt tay đứa em thứ hai và nói: “Chúc mừng năm mới bác sĩ tương lai” , em đỏ mặt và cải chính ngay, cháu học HBO, sau này làm ở bệnh viện, chứ không phải học ra làm bác sĩ, cháu chỉ có bằng Havo.

– Đứa em thứ ba được chào là nha sĩ tương lai, càng xụ mặt hơn nữa và cải chính ngay: “ Cháu học sau này ra làm thư ký, nghe điện thoại, làm assistent ở phòng nha sĩ, cháu chỉ có bằng Mavo làm sao học nha sĩ được”.

Ba đứa con xịu mặt xuống trước mặt ông chủ tịch Cộng Đồng vì ngượng, do sự không hiểu biết của cha mẹ, đã khoe ra sự học vấn của các em không đúng với khả năng và trình độ các em có. Kể ra, còn nhiều trường hợp ngượng và thẹn hơn nữa, cũng tại, bởi, vì các bậc phụ huynh không am tường chương trình giáo dục và đào tạo.

Khi đặt chân đến các trung tâm tỵ nạn, của quốc gia được định cư; người tỵ nạn được hướng dẫn tận tình về các sinh hoạt đời sống: ăn, ở, mua sắm, học chữ, học nghề, vấn đề y tế, xã hội… Và được trao cho những tài liệu đã được dịch ra Việt Ngữ:

– Giới thiệu về đời sống Hòa Lan.

– Trường học ở Hòa Lan.

Các tập cẩm nang này là những chìa khóa mà các quốc gia sở tại trao cho người mới đến, nhất là những bậc phụ huynh; để đọc, tìm hiểu, và để hội nhập vào xã hội mới đến. Chiếc chìa khóa để biết mà chọn lựa và dẫn con đến trường đi học. Một số ít phụ huynh đã biết sử dụng chiếc chìa khóa này vào đúng mục tiêu, nên 10, 20 năm sau ta thấy được có những gia đình con họ đã trở thành kỹ sư, bác sĩ, chuyên viên cao ở các ngành nghề thật (1). Số đông còn lại không sử dụng chiếc chìa khóa đúng mục tiêu, nên phần đông lớp trẻ ngày ấy ( ngày mới đến trại tỵ nạn), nay chỉ là đội ngũ thợ thuyền, làm những công việc tay chân như cha anh họ lúc mới tới. Thật tiếc thay!

Nhưng nếu biết bắt đầu học sử dụng chiếc chìa khóa ấy trở lại, hy vọng sẽ giúp ích được cho thế hệ thứ ba, những đứa cháu, được ông bà, cha mẹ cùng cố vấn để nó vươn lên cao với đời bằng chính cái made in Việt Nam ở xứ người./-

 

Bùi Văn Ðỗ

___________ 

Ghi-Chú:

(1) Thật: ở Hòa Lan không có bằng giả, một số ít sinh viên học thật, nhưng ra trường rất trễ, chương trình có 4 năm, học kéo dài đến 10, 15 năm.

 

Tài liệu tham khảo:

* Giới thiệu về đời sống Hòa Lan của Trương Quang, VVN Publikatie Nr.6.

* Đi học tại Hòa Lan của bộ Giáo Dục và đào tạo Hòa Lan, được chuyển qua Việt Ngữ.

* Tài liệu của Bộ Giáo Dục và Đào Tạo Việt Nam công bố năm 2002.

 


Cái Đình - 2005