Tam Hợp


Một vòng cộng đồng

Chùa Vạn Hạnh

Tôi tìm đến chùa Vạn Hạnh ở một ngôi làng nhỏ mang tên Nederhorst den Berg với vài ngàn cư dân, thuộc tỉnh Noord-Holland. Con đường dẫn đến ngôi chùa đầu tiên của người Việt ở Hòa Lan này phải nói là rất thơ mộng, đi qua những hồ nước thiên nhiên rộng lớn, là nơi mà mùa đông người ta có thể đến chơi trượt băng, còn những mùa khác là nơi nghỉ ngơi và giải trí cho những người yêu thích cảnh thiên nhiên êm đềm của vùng này. Đến đây tôi cảm thấy tâm hồn mình thật thanh thản, như đã thoát khỏi những bận rộn suy tư khi phải vật lộn với cuộc sống hàng ngày.

Con đường Middenweg thẳng tắp đi ngang những cánh đồng xanh ngát và những ngôi nhà cách nhau bởi những mảnh đất khá rộng, như chúng ta thường thấy ở những vùng đồng quê Hòa Lan. Nếu không thấy là cờ Phật Giáo bay phất phới thì cũng khó nhận ra ngôi nhà ấm cúng cho hàng ngàn Phật tử ở Hòa Lan này.

Lái xe chật vật qua chiếc cầu xi măng để vào khuôn viên trước chùa, phía sau những bụi trúc xanh mướt là một hồ nước to có tượng Phật bà, bước qua chiếc cầu gỗ bắc ngang dòng suối luồn mình ngang những bụi cây thoáng nghe tiếng nhạc gió treo đâu đó trên những cành cây cao vút. Tôi thầm nghĩ đã biết bao Phật tử đã bỏ công sức để biến đổi nơi này từ một nông trại trở thành một ngôi chùa khang trang và đầy thơ mộng thế này.

 

Nơi thờ phượng
Bước chân vào cửa bên hông chùa, cánh cửa như sẵn sàng mời đón khách thập phương viếng chùa, tôi gặp Thượng tọa Thích Minh Giác, là người lãnh đạo tinh thần của hàng ngàn Phật tử ở Hòa Lan. Với giọng nhỏ nhẹ khiêm tốn, thày đưa tôi đi thăm chánh điện uy nghi, ở giữa là tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hai bên là hai vị Bồ Tát là Đức Quán Thế Âm Bồ Tát và Địa Tạng Vương Bồ Tát. Phía sau chánh điện là nơi đặt bàn thờ tổ và hai bàn thờ vong, nơi các gia đình đặt di ảnh của những người thân đã quá vãng.

 

Lịch sử hoạt động
Thày Minh Giác cho biết Hội Phật Giáo Việt Nam tại Hòa Lan được chính thức thành lập từ năm 1984. Từ năm 1984 cho đến năm 1992, hội chỉ có một niệm phật đường nhỏ ở Hoorn. Đến năm 1993 do hạnh nguyện của các Phật tử ở Hòa Lan, Hội đã mua được cơ sở này để biến cải thành ngôi chùa hiện nay. Ngoài thày ra, các Phật tử ở Hòa Lan còn có sự dìu dắt của Thượng tọa Thích Thông Trí.

Từ năm đó đến nay, ngôi chùa ở Nederhorst den Berg đã là nơi tu tập và sinh hoạt cho hàng ngàn Phật tử. Thày Minh Giác cho biết ‘nếu không nhờ công đức của các Phật tử thì Hội cũng không thể có được như ngày nay’.

Thầy cho biết mỗi năm chùa có mấy ngày lễ lớn là tết nguyên đán, tết nguyên tiêu hay còn gọi là ngày rằm tháng giêng, đại lễ Phật Đản, đại lễ Vu Lan và tết hạ nguyên hay còn gọi là ngày rằm tháng mười. Trong những dịp lễ lớn như thế thường có hơn một ngàn Phật tử từ khắp nơi trong Hòa Lan về chùa, cúng Phật, cũng như nghe các vị cao tăng từ các nơi khác về chùa thuyết pháp.

 

Tự nguyện
Để biết rõ công việc tổ chức những ngày lễ lớn như thế nào. Tôi đến gặp các anh đã có mặt tại chùa từ hôm trước để dựng lều cho các Phật tử về chùa có nơi tránh mưa nắng và ngay cả những cơn tuyết lạnh vào mùa đông. Anh Huỳnh Đốc ở Almere cho biết là các anh như anh Được, anh Quang và nhiều anh khác từ nhiều nơi khác nhau đã đến chùa từ ngày hôm trước để dựng lều và xạp. Mỗi việc phải được tiến hành từ sáng sớm hôm trước, đến hai giờ trưa là phải xong, để ban trai soạn có thể bắt tay vào việc nấu cơm chay cho hơn một ngàn Phật tử đến chùa.

Đạo hữu Trần Văn Thắng ở Eindhoven thích thú kể với tôi là vợ chồng anh, cũng như đạo hữu Võ Thị Lập và chị Diệu Đào cùng nhiều người khác đã phải chuẩn bị mua hàng như ly đĩa muỗng nhựa, bao rác v.v... từ nhiều ngày trước, mỗi dịp như vậy anh phải chạy xe lên xuống chuà cả ba lần. Anh Thắng kể những số liệu nghe rùng mình: mỗi dịp lễ tết ban trai soạn nấu hơn 100 kí gạo, hơn 250 kí rau. Các chị đứng chiên từ ngày hôm trước hơn 150 chiếc đậu hũ to. Anh Thắng kể là ‘hội có 4 nồi nấu cơm, mỗi nồi nấu được 8 kí gạo trong hai giờ đồng hồ, nên các anh chị đứng nấu từ hai giờ trưa cho đến tận khuya mới xong’. Đó là chưa kể các thức ăn mà nhiều Phật tử khác đem đến chùa cúng dường trong những dịp này.

Trong những ngày lễ lớn như vậy, hầu hết các Phật tử đều đến chùa bằng xe hơi, cũng may các gia đình người Hòa Lan lân cận rất hoan hỷ cho chùa mượn đất đậu xe. Tuy thế các anh trong ban trật tự cũng rất vất vả để hướng dẫn và nhắc nhở các đồng hương chú ý đến an toàn giao thông, không đậu xe hai bên lề đường và giữ vệ sinh chung nơi bãi đậu xe để chùa giữ được thiện cảm với cư dân trong vùng.

 

Gia đình Phật tử
Ngoài những dịp lễ tết, chùa Vạn Hạnh là nơi sinh hoạt tu tập thường xuyên cho nhiều Phật tử. Trước nhất phải kể đến sinh hoạt hàng tháng của gia đình Phật tử. Là gia trưởng của Gia Đình Phật Tử, bác Trần Quốc Sủng ở Den Bosch cho biết là hàng tháng có khoảng 70 thanh thiếu niên về sinh hoạt tại chùa. Các em được chia thành ba nhóm sinh hoạt theo lứa tuổi, gồm có nghành thanh, ngành thiếu và các em Oanh Vũ. Các em được các phụ huynh đưa về chùa để được học Phật pháp, học tiếng Việt và tham gia những sinh hoạt như cắm trại, tham gia các trò vui chơi bổ ích. Ngoài ra, gia đình Phật tử còn đảm trách chương trình văn nghệ trong các sinh hoạt ở chùa.

Cựu huynh trưởng gia đình Phật tử Nguyễn Quang Nhựt cho biết ‘mục đích sinh hoạt từ xưa đến nay của GDPT là để đào tạo thanh thiếu niên góp phần xây dựng xã hội. Nay ra đến hải ngoại thì sinh hoạt GDPT cũng không ngoài mục đích này. Tuy thế, ở hải ngoại thì có chú tâm thêm trong việc hướng dẫn các em học tiếng Việt và văn hóa Việt’. Anh Nhựt hăng hái nói thêm là ‘Xét cho kỹ, thì hoạt động này cũng không ngoài mục đích đã nêu từ khi GDPT ra đời trong năm 1951, trong giai đoạn lịch sử mà tuổi trẻ bị chi phối rất nhiều từ hệ tư tưởng Nho giáo sang hệ tư tưởng phương tây, từ thuộc địa sang độc lập và cuộc đấu tranh cam go giữa ý thức hệ tự do và cộng sản. Trong bối cảnh đó, GDPT muốn đem tri thức Phật giáo đến với tuổi trẻ, để tuổi trẻ biết phân biệt thiện ác và không bị lạc hướng. Tuổi trẻ Việt Nam hiện nay ở Hòa Lan lại sống giữa hai nền văn hóa, nên nếu có sự hướng dẫn thì sẽ lấy được những ưu điểm của cả hai nền văn hóa ấy’.

Được hỏi làm sao các bậc phụ huynh có thể xin cho con em mình tham gia sinh hoạt GDPT, anh Nhựt nói thêm: ‘GDPT sinh hoạt vào mỗi chủ nhật cuối tháng tại chùa Vạn Hạnh. Các bạn trẻ muốn gia nhập có thể đến cùng sinh hoạt một vài lần. Nếu thấy thích hợp thì có thể xin làm lễ phát nguyện gia nhập GDPT’.

 

Niềm an ủi
Một trong những đóng góp quan trọng của Hội Phật Giáo tại Hòa Lan là hoạt động của Ban Hộ Niệm với khoảng gần 40 Phật tử. Các gia đình có tang chế có thể nhờ Ban Hộ Niệm dưới sự hướng dẫn của quý thầy đến tại nhà hoặc nhà quàng để đọc kinh cầu nguyện cho người quá cố. Đạo hữu Lâm Thế Đạt ở Heerhugowaard cho biết là ‘mục đích của ban hộ niệm là đến an ủi và chia buồn với tang gia. Hoạt động này có ba mục đích. Thứ nhất là hồi hướng công đức cho người mất, để được vãng sanh nơi miền cực lạc. Thứ hai là tạo nhân duyên cho Phật tử và chúng sanh với sinh hoạt Phật pháp. Và thứ nữa là sự thực hiện hạnh nguyện của người con Phật.

Anh Đạt còn cho biết, các thành viên ban hộ niệm cũng sinh hoạt với nhóm Thọ bát Quan Trai Giới vào mỗi cuối tuần thứ nhì trong tháng từ 4 giờ chiều thứ bảy đến 5 giờ chiều chủ nhật. Vào buổi chiều chủ nhật của tuần sinh hoạt này có thời thuyết pháp của quý thượng tọa.

Được thày giới thiệu tôi đến gặp anh Nguyễn Hữu Bền ở Lelystad. Trong những dịp lễ tết ở chùa, anh Bền phụ trách bốn quầy phân phối cơm chay và quản lý các gian hàng. Anh chị Bền thường xuyên sinh hoạt trong nhóm Tu Tập Chánh Niệm vào mỗi chủ nhật đầu tiên trong tháng. Anh Bền tâm sự: ‘vợ chồng tôi sinh hoạt trong nhóm này đã lâu, nhóm chúng tôi gặp nhau hàng tháng, trao đổi với nhau những sự việc mình gặp trong đời sống hàng ngày, từ những việc trong gia đình, quan hệ với con cháu trong nhà cho đến những việc ngoài đời như trong sở làm hay ở chòm xóm’. Dưới sự hướng dẫn của quý thày, trong tinh thần đạo pháp chúng tôi tìm được những câu trả lời đầy ý nghĩa đối với những sự việc cụ thể trong đời thường. Anh Bền mau mắn nói với tôi: ‘anh cũng như chị, nếu có dịp đến sinh hoạt với chúng tôi, nếu cần tôi ghé ngang đón anh chị cùng về chùa cho vui’. Với lời mời chân tình như thế tôi cũng khó lòng thoái thác. Anh Bền nói thêm: ‘tôi cũng tiếc là trước kia không có nhân duyên đem các con tôi về chùa sinh hoạt gia đình Phật tử, nhưng đến nay tuy các cháu đã trưởng thành, hai cháu đã có gia đình riêng, cả gia đình chúng tôi đều cố gắng gặp nhau mỗi cuối tuần.’

 

Người Hòa Lan
Khi thấy di ảnh những người quá cố trên bàn vong, tôi thấy cả di ảnh của nhiều người Hòa Lan. Thầy Minh Giác kể là: ‘hàng tháng có nhóm Thiền Hòa Lan đến chùa vào mỗi chủ nhật thứ ba mỗi tháng, cũng để lễ Phật, tụng kinh và nghe pháp đàm. Trong những dịp lễ tết, càng ngày càng có nhiều người Hòa lan tham dự’. Thế nên cũng có người Hòa Lan thỉnh cầu xin đặt di ảnh ở chùa khi quá vãng.

 

Từ thiện
Thấy thày Minh Giác chân tình và cởi mở, tôi mạnh dạn hỏi xem thầy nghĩ thế nào về việc làm từ thiện ở Việt Nam. Thầy điềm đạm trả lời: ‘Nhiều Phật tử có hỏi ý kiến thầy xem có nên giúp người nghèo ở Việt Nam không? Thầy trả lời là chùa cũng thường xuyên giúp đỡ cho nạn nhân bão lụt ở Việt Nam’. Thầy khẳng định: ‘nhưng sự trợ giúp của mình không thông qua chính quyền cộng sản. Phải hiểu là hiện nay, một mặt nhiều cán bộ cộng sản tham ô tìm mọi cách đem tiền ra nước ngoài, mặt khác lại khuyến khích người tỵ nạn như chúng ta đem tiền về Việt Nam. Vì chính sách hai mặt này, nên chúng ta phải cảnh giác không để cộng sản lợi dụng lòng từ tâm của chúng ta.’

 

Chùa mới
Được biết do sự phát triển của chùa, nên ngôi chùa hiện nay không đáp ứng đủ cho nhu cầu sinh hoạt ngày một nhiều của chùa, việc trùng tu ngày càng cấp thiết, nên Hội Phật Giáo đã quyết định mua đất xây chùa mới ở Almere.

Cựu huynh trưởng GDPT Nguyễn Quang Nhựt, là kỹ sư đã tốt nghiệp nhiều năm cách đây đại học kỹ thuật Delft, đảm trách thiết kế ngôi chùa mới, anh kể như sau: ‘Hội đã ký hợp đồng với thành phố Almere. Trong đó, Almere hứa sẽ bán đất cho hội và hội hứa sẽ tiến hành xây chùa. Hiện nay đã có bản thiết kế ngôi chùa mới do kiến trúc sư Nguyễn Văn Sang vẽ. Hội đã trình đồ án cho Welstandscommissie của thành phố và đã được chấp thuận. Cuối tháng 3, đã nộp đơn xin omgevingsvergunning để xem có đúng quy định của Bouwbesluit hay không. Cũng may, suốt trong những thủ tục rườm rà này, đã có anh Trần Quốc Tuấn, hiện làm việc cho thành phố Almere đứng ra đảm trách, nên mọi việc cũng xuông xẻ hơn. Trong thời gian chờ đợi giấy phép này, hội đã tiếp xúc với một vài hãng thầu xây cất. Nếu thuận duyên, thì sẽ khởi công vào mùa hè năm nay. Thời gian xây cất cho giai đoạn đầu sẽ vào khoảng một năm. Giai đoạn thứ hai sẽ thực hiện xây bảo tháp và cổng tam quan. Tất cả phải tùy thuộc xem mình có đủ tài chánh hay không’.

Nói đến tài chánh, tôi hỏi đến thầy Minh Giác. Thầy bảo là hiện nay quỹ của hội và các Phật tử đã đóng góp được khoảng một triệu, nếu bán ngôi chùa ở Nederhorst den Berg sẽ được khoảng nửa triệu. Trong khi tiền mua đất là hơn bảy trăm ngàn. Còn tiền xây cất sẽ lên đến hơn một triệu rưỡi. Như vậy hội cũng còn thiếu gần một triệu. Trong thời gian tới, hội sẽ vận động các Phật tử đóng góp thêm hay cho chùa mượn tiền, gọi là hội thiện.

Trước khi ra về, anh Tuấn với niềm hãnh diện cho tôi xem bản vẽ rất đẹp của ngôi chùa mới, còn anh Nhựt trao cho tôi xem bản tường trình viết bằng tiếng Hòa Lan dài 18 trang mang tên ‘Een Pagode in de Polder’ để thuyết phục thành phố Almere hợp tác trong việc xây dựng ngôi chùa có kiến trúc Việt Nam này. Cầm trong tay tập tài liệu này, tôi thầm tự hào cho những cố gắng không ngừng nghỉ của tập thể người Việt ở Hòa Lan này, mà tôi có may mắn là một thành viên trong tập thể ấy.

 

Tam Hợp

 


Cái Đình - 2012