Nguyễn Hiền


Buổi tranh luận về thuyền nhân

Viện bảo tàng Hàng hải Rotterdam, 10.02.2011.

Theo như thông lệ, hàng năm Viện Bảo tàng Hàng hải tại Rotterdam có tổ chức những buổi hội luận có dính dáng đến những đề tài về tàu và biển. Năm nay một buổi tranh luận về thuyền nhân đã được tổ chức vào tối thứ năm 10/02/2011.

Khi nói đến thuyền nhân, người ta nghĩ ngay đến những thuyền nhân người Việt trong cuối thập niên 70, đầu ’80, khi làn sóng người tị nạn bằng những chiếc ghe cá mỏng manh, bất chấp nguy hiểm, chỉ vì hai chữ ‘Tự do’ đã bị tước đoạt sau khi quân cộng sản Bắc Việt tràn vào miền Nam. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, một làn sóng thuyền nhân khác đã dấy lên ở những quốc gia Phi châu, bắt nguồn từ những cuộc nội chiến và từ những nguyên nhân phức tạp khác. Một trường hợp mới xảy ra gần đây (ngày 15/12/2011, một chiếc ghe chở người tị nạn đã được tàu Hòa Lan vớt trên vùng biển Adriatic, Ðịa Trung Hải) đã cho thấy vấn đề thuyền nhân trong thời đại toàn cầu hóa không đơn giản. Buổi tranh luận vì thế được đặt ra để những tham dự viên có thể thấy vấn đề thuyền nhân qua nhiều khía cạnh khác nhau.

Buổi tranh luận được dẫn nhập từ ba cái nhìn từ ba phía: câu chuyện của một thuyền nhân Việt Nam, câu chuyện từ thuyền trưởng của chiếc tàu đã vớt người vừa qua ở Corfu, và vấn đề thuyền nhân nhìn qua lăng kính toàn cầu.

Câu chuyện tiêu biểu về thuyền nhân Việt Nam được ông Nguyễn Tánh, một trong những thuyền nhân Việt Nam đầu tiên đến Hòa Lan (1978) sơ lược qua những biến chuyển xảy đến trong gia đình ông trong chuyến đi trên chiếc tàu dài hơn 12 thước với 56 bạn đồng hành. Những chuyện xảy ra trên biển, trong trại tiếp cư và những tiếp xúc đầu tiên với phái đoàn Hòa Lan, cho đến cuộc tiếp đón, rồi cuộc lập nghiệp của một sinh viên 22 tuổi, cho đến nay trải qua 31 năm đã có một cuộc sống vững chắc. Câu chuyện đã nói lên sự phấn đấu của những thuyền nhân Việt Nam và sự tận tình giúp đỡ từ phía những người bạn gia đình mà gia đình ông vẫn còn giữ mối liên lạc.

Ông Martin Remeeus, thuyền trưởng tàu Momentum Scan của hãng tàu Canada Feeder Lines đã kể lại cuộc vớt 263 thuyền nhân, phần lớn người Afghanistan từ một chiếc ghe Thổ Nhĩ Kỳ trong hoàn cảnh tuyệt vọng, gió bão và ghe đang chìm. Tuy với nhiều cố gắng, nhưng thủy thủ đoàn gồm 12 người đã không thể vớt hết các nạn nhân. Trong hoảng loạn đã có 22 người chết. Những người còn sống sót cuối cùng được chính phủ Hy Lạp nhận cho tạm cư ở đảo Corfu. Qua câu chuyện, người ta có thể thấy được những dàn xếp với những cơ quan liên hệ, với các cấp chính quyền, mọi sự không đơn giản như người ta nghĩ. Thêm vào đó là những phức tạp của những thuyền nhân hiện nay, khi biên giới đã nhòa dần. Người nghe câu chuyện cũng không khỏi đặt nên câu hỏi: rồi những thuyền nhân này sẽ đi về đâu?

Cuối cùng, trong phần phát biểu dẫn nhập cho đề tài thuyền nhân, nhìn từ khía cạnh chính trị và bang giao quốc tế, bà dân biểu Hạ viện Nebahat Albayrak đã bày tỏ mối quan ngại về hai vấn đề thời sự nóng bỏng: tình trạng bất ổn nơi những quốc gia Hồi giáo trong vùng Trung Ðông và làn sóng thuyền nhân trong bối cảnh hiện nay. Theo bà, những biến chuyển trong những quốc gia Hồi giáo (Afghanistan, Iraq...), và gần đây qua những biến cố ở Tunisië, Ai Cập cho thấy tình hình có thể biến chuyển rất nhanh, và không thể loại bỏ khả năng là có một đợt chạy loạn khổng lồ từ những xứ này sang những quốc gia trong khối Liên Âu. Về những thuyền nhân ‘thời đại mới’, họ là những người trong lứa tuổi trung niên, có tính mạo hiểm, sự liều lĩnh, có tiền bạc, được tiếp cận với những kỹ thuật tin học thời đại mới (internet, điện thoại di động v.v...). Nhiều người trong số này cũng có một mục đích rõ rệt là cố gắng đến được những quốc gia ‘giàu có’ trong khối Liên Âu. Những biện pháp ngăn chận làn sóng thuyền nhân dường như bất lực. Những ‘thuyền nhân’ sau khi cặp bờ những quốc gia Nam Âu (Ý, Tây Ban Nha, Hy Lạp...) đã qua những tổ chức đưa người vượt biên giới để đến Hòa Lan, Anh, hay những xứ Bắc Âu. Trả họ về lại nguyên quán là điều không giản dị, bởi họ đã hủy hết giấy tờ tùy thân và man khai lý lịch. Nhiều thuyền nhân khi ra đi đã có mục đích là làm sao tới được những quốc gia Âu châu có đời sống sung túc. Với sự quyết tâm, với phương tiện hiện đại, như phương tiện định vị, hướng dẫn đường đi trên hải đồ, internet, điện thoại đi động quốc tế v.v..., chuyện truy tầm ra sự thực cũng như những ngăn cản làn sóng thuyền nhân trở thành phức tạp. Ðiều này cũng đã được ông thuyền trưởng Remeeus xác nhận qua sự nghi ngờ là những thuyền nhân trong chiếc tàu ông cứu đã dùng điện thoại đi động để liên lạc gọi cấp cứu.

Cuộc tranh luận tiến sang phần thứ hai với những câu hỏi đặt ra, phần lớn nhắm vào việc làm sao vừa có những biện pháp nhân đạo cứu người đang lâm nạn trên biển, vừa có thể bảo đảm cho một sự thanh lọc, và ngăn ngừa những tổ chức đưa người đi tìm một cuộc sống vật chất khá hơn. Nhìn vào địa lý, qua những câu chuyện của ông Walter Huisman, Giám đốc con tàu Momentum Scan và của ông René Eichelsheim, cựu thuyền trường tàu Nedlloyd Hobbart, đã có lần vớt người trên biển, người ta thấy một bối cảnh khác hơn những gì 30 năm trước đã xảy ra trên vùng biển Ðông với những thuyền nhân Việt Nam. Giữa Thổ Nhĩ Kỳ và những hòn đảo thuộc quốc gia Hy Lạp, khoảng cách chưa tới 1 cây số, ‘tuần duyên hai nước vừa thấy ghe chạy ra, muốn can thiệp thì đã muộn’, là lời phàn nàn của những thuyền trưởng ở thế phải cứu người trên biển. Hay những tổ chức đưa người hứa hẹn sẽ đưa sang Âu châu, nhưng rồi lại bỏ người ta ở bơ vơ trên những đảo thuộc Tây Ban Nha hay ở Malta, vì những nơi này hiện nay cũng đã là một thành viên EU rồi!!!

Rất tiếc trong buổi tranh luận đã không có một đại diện của thành phần ‘thuyền nhân thời đại mới’, cho nên thiếu lời nói lên quan điểm của những người này. Ðiều không thể chối cãi là suốt buổi tranh luận, các tham dự viên người Hòa Lan đã dành nhiều cảm tình tốt đẹp cho những thuyền nhân Việt Nam, mà họ nói là được thấy qua sự hội nhập không gặp vấn nạn xã hội và sự thăng tiến đáng trong xã hội đáng được đề cao.

Cuộc tranh luận tuy ngắn (từ 20:00 giờ đến 22:00 giờ) nhưng đã mang lại nhiều bổ ích và suy tư cho khoảng 70 người tham dự. Khoảng 1/3 trong số này là người Việt, thuộc thế hệ 1, 1 rưỡi và 2. Một số gia đình đỡ đầu (gastgezin) cũng có mặt. Trước giờ khai mạc, các tham dự viên đã có dịp thăm khu triển lãm thuyền nhân, tuy nhiên những tài liệu triển lãm phần lớn là hình ảnh, phần hiện vật tương đối nghèo nàn. Khu triển lãm vẫn tiếp tục mở cửa đến ngày 04/09/2011.

 

Nguyễn Hiền

Ðịa chỉ Maritiem Museum: Leeuvehaven 1, Rotterdam. Website: www.maritiemmuseum.nl

 


Cái Đình - 2011