Nguyễn Hiền


Buổi sinh hoạt Iviet.nl ‘Câu chuyện của Thuyền nhân Việt Nam’ 12/12/2009

 

..

 

Có lẽ những vị trong thế hệ thứ nhất khi tham dự buổi tối sinh hoạt với chủ đề ‘Het Verhaal van de Vietnamese Bootvluchtelingen’ (Câu chuyện của Thuyền nhân Việt Nam) của nhóm Iviet.nl có thể nhìn thấy lại phần nào hình ảnh của chính mình trong những sinh hoạt ba mươi năm về trước.

Làn sóng thuyền nhân Việt Nam đến Hòa Lan lên cao điểm trong những năm cuối ‘79 đầu  ‘80, với con số tổng cộng khoảng 8000 người được chính phủ Hòa Lan đặc biệt dành cho qui chế ‘người tị nạn được mời’. Trong thời gian đó, nhiều buổi sinh hoạt và triển lãm về thuyền nhân đã được tổ chức. Nhưng với giòng thời gian, dư luận thế giới và người Hòa Lan đã dành nhiều chú tâm đến những vấn đề nóng hổi cận đại. Ðiều Iviet.nl muốn nêu ra là thế hệ thứ hai, thứ ba thực ra ít được biết tường tận về Thuyền nhân Việt Nam. Tạo cơ hội để hai thế hệ trao đổi với nhau về vấn đề này cũng là một dịp để những thế hệ sau nhận thức được lý do vì sao mình lại ở đây, để thấy được giá trị thực của hai chữ tự do, biết được những cố gắng của thế hệ thứ nhất...

Ðó là lý do của buổi sinh hoạt trong chủ đề ‘Câu chuyện thuyền nhân’ được nhóm Iviet.nl, một nhóm những người trẻ Việt Nam ở Hòa Lan, tổ chức vào buổi tối 12/12/2009 ở một hội trường thuộc Ðại học TU Delft.

“Ðêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn. Anh chôn, chôn tất cả những gì của yêu thương. Anh chôn, chôn mối tình chúng mình...” (Ðêm chôn dầu vượt biển – Châu Ðình An), lời ca thảm não dẫn nhập cho lời mở đầu của The Phan nói về những ray rứt trong giới trẻ Việt ở Hòa Lan, buổi sinh hoạt cũng là một dịp để họ bày tỏ lòng biết ơn thế hệ thứ nhất.

Một vị khách danh dự của buổi sinh hoạt là Bác sĩ Nguyễn Quốc Nam đến từ Paris. Ông là Chủ tịch Ủy ban Chấp hành Liên minh Dân chủ, một tổ chức vận động kết hợp cho một cuộc tranh đấu cho Việt Nam có được một nền dân chủ đúng nghĩa. Trong lời mở đầu gửi đến khán thính giả, ông đã bày tỏ sự cảm động về tinh thần biết ơn của những người trong thế hệ thứ hai. Ông cũng ví họ như một người con có cha là nước Việt Nam mà họ phải có bổn phận, và mẹ là quốc gia đang định cư, đã nuôi nấng dạy dỗ họ thành con người có ích lợi cho xã hội.

Thính giả sau đó đã lắng yên nghe hai câu chuyện vượt biên do chính người trong cuộc kể lại. Chuyến đi của một người tương đối gặp may mắn và câu chuyện thương tâm của một người con gái khi ra đi với mẹ, còn là một em bé, chuyến tàu không may gặp đủ thứ tai nạn, nhiều người chết tới mức những người còn sống không còn đủ sức lực và không còn thiết tha quăng xác họ xuống biển nữa. Cho tới khi được tàu vớt, trên ghe chỉ còn một người đủ sức tự leo lên tàu!!! Nghe hai câu chuyện từ hai thái cực này, những người đã từng trải qua những ngày sóng gió trên biển có thể ngẫm lại trường hợp của mình để thấy được chuyến đi của mình nằm ở vị trí nào trong những bậc thang nghiệt ngã đó.

Phần chính của buổi sinh hoạt là phần trình chiếu cuốn phim Vượt Sóng (Journey From the Fall), của đạo  diễn Hàm Trần, một đạo diễn trẻ người Việt ở Hoa Kỳ. Cuốn phim là một chuỗi dồn dập những biến động xảy đến cho gia đình một sĩ quan Quân lực Việt Nam Cộng Hòa. Mọi người trong gia đình đã phải gánh chịu số phận hẩm hiu, số phận theo đuổi họ trên đường vượt biển, sang đến Hoa Kỳ, truyền sang thế hệ thứ hai... Họ vẫn sống với hy vọng, một hy vọng gần như tuyệt vọng nhưng họ vẫn cứ phải bám vào đó để sống vì tương lai của những thế hệ sau. Cuốn phim đã thực sự gây xúc động cho nhiều người tham dự vì những cảnh đày đọa trong trại cải tạo, trên ghe vượt biên, bị những người chiến thắng khinh rẻ, nhục mạ, và rồi những xung đột trong gia đình và với xã hội ở ngay trên quốc gia đã cứu sống và cưu mang họ.

Lồng vào chương trình là những tiết mục phụ diễn nhạc, vũ và xổ số vui. Chương trình, phần lớn bằng tiếng Hòa Lan, được cô Linh Ta Cam điều khiển. Trong phần đúc kết buổi sinh hoạt, ông Nguyễn Liên Hiệp, Chủ tịch CÐVNTNCS/HL đã gởi vài lời nhắn nhủ đến thế hệ trẻ người Việt ở Hòa Lan. Ông khen ngợi tinh thần các bạn trẻ, và ví họ như những bông hoa quí đang nở trên đất nước Hòa Lan. Phần chính thức của buổi sinh hoạt được kết thúc bằng những món quà nhỏ gửi đến cho những người cộng tác. Sau đó, một số trong hơn 150 quan khách tham dự đã ở lại để cùng nhau mạn đàm cho tới nửa khuya.

 

Nguyễn Hiền
(12/2009)

 


Cái Đình - 2009