Cái Đình


 

Buổi sinh hoạt văn thơ nhạc và ra mắt ‘Gió Thoảng Hương Yêu’ – 29/05/2010

Vào chiều thứ bảy 29/05/2010, Cái Đình đã tổ chức một buổi sinh hoạt văn thơ nhạc tại quán De Kleine Geer (thị xã Houten).

Chương trình sinh hoạt gồm 2 phần: giới thiệu tuyển tập ‘Gió Thoảng Hương Yêu’ của nhà văn/thơ Đào Quốc Bảo, và phần sinh hoạt thơ nhạc với chủ đề chính: giới thiệu những điểm đặc sắc của một số nhạc khí cổ truyền Việt Nam.

Đào Quốc Bảo là một cây bút quen thuộc trong sinh hoạt báo chí ở Hòa Lan. Ngoài những truyện ngắn xây dựng trên những kỷ niệm thơ mộng với bạn bè, gia đình trong quãng đời trôi nổi nơi quê nhà, ông còn viết nhiều tùy bút về những nét đẹp quê hương: bát phở, giò lan, phong tục… đầy ắp tình người. Tâm tư dành cho gia đình và bạn bè được ông gởi gấm trong những vần thơ, trong số này có nhiều bài đã được phổ nhạc. Gió Thoảng Hương Yêu là một tập hợp của những bài đắc ý được tác giả chọn lọc trong một quá trình thai nghén dài lâu trước khi cuốn tuyển tập dày hơn 300 trang chính thức thành hình. Đặc biệt trong tuyển tập, tác giả đã dành ra một phần hình ảnh ghi lại cuộc đời, gia đình, cuộc sống của tác giả, từ những ngày trên đất Bắc, qua thời gian lập thân trong quân ngũ cho đến những ngày tha hương ở Hòa Lan.
Trong buổi ra mắt, một số bạn bè đã nói lên lời chia xẻ với ông và cùng góp niềm vui cho tác phẩm là những kỷ niệm mà ông đã chắt chiu tích góp nhiều năm, là một dấu mốc cho một người vẫn thích nhìn con chữ trên giấy hơn nhìn màn hình computer.

Trong phần tâm sự với khán giả, tác giả đã không ngăn được xúc động khi kể lại chặng đường đã qua. Một số thân hữu đã được mời đọc trích đoạn văn, thơ từ tuyển tập. Thính giả cũng được nghe một số bài thơ của ông đã được phổ nhạc.

Trong phần sinh hoạt thơ nhạc – phần không thể thiếu trong những buổi sinh hoạt của Cái Đình – nhạc sĩ Ngô Hồng Quang và anh chị Nguyễn Thanh Hùng/Bùi Tố Nga đã liên tục trình tấu (kèm theo lời giải thích) một số nhạc khí được sử dụng trong nhạc dân gian Việt Nam. Nguyên là giảng viên Nhạc viện Hà Nội và đang theo học môn Nhạc Dân tộc tại Conservatorium Amsterdam, sở trường về đàn nhị và đàn bầu, nhạc sĩ Ngô Hồng Quang đã trình tấu và hát cho khán thính giả nghe một số bài bản qua hai nhạc cụ độc đáo này. Anh cũng giới thiệu sự kỳ diệu của chiếc trống cơm Việt Nam và biểu diễn vài kỹ thuật đánh/thổi đàn môi. Anh Nguyễn Thanh Hùng (với phần phụ họa của chị Bùi Tố Nga) đã cho mọi người nghe tiếng đàn tranh, tiếng sáo theo kỹ thuật thổi giữ hơi trong những tu viện Tây Tạng, và trình bày một số kỹ thuật căn bản trong nghệ thuật gõ Sinh Tiền, một nhạc cụ gõ độc đáo của Việt Nam được dùng trong nhạc cung đình, phường bát âm, hát ả đào v.v...

Để đáp lại những nhạc cụ cổ truyền Việt Nam, em Thanh Niệm 11 tuổi đã biểu diễn độc tấu vĩ cầm hai bản nhạc cổ điển Tây phương quen thuộc.

Phần tự trình bày, giới thiệu về những bài thơ đã được phổ nhạc của chị Miên Thụy (khoảng 100 bài thơ của chị đã được nhiều nhạc sĩ phổ nhạc) đã chấm dứt buổi sinh hoạt văn thơ nhạc của Cái Đình, cũng là dịp để các bạn viết và yêu văn thơ ở Hòa Lan có dịp trao đổi tâm tình với nhau. Một số trong hơn 50 người tham dự ra về với tuyển tập Gió Thoảng Hương Yêu có chữ ký của tác giả.

 

Cái Đình
Hình ảnh: Duong Photography & Thanh Tâm
(06/2010)

____________

Xem thêm bài tường thuật về buổi sinh hoạt này dưới cái nhìn của:

- Bùi Văn Ðỗ

- Miên Thụy

 


Cái Đình - 2010