Thanh Tâm


Buổi hội thảo Iviet.nl 19/04/2009: Một luồng gió mới trong sinh hoạt người Việt ở Hòa Lan?

Những người đến tham dự buổi hội thảo '2 culturen, 1 identiteit' do nhóm Iviet.nl tổ chức chiều ngày 19/04/2009 tại Cultureel Centrum Delft có ngay thiện cảm. Phần tiếp đón quan khách cho thấy một phong cách tổ chức khoa học và chu đáo. Những tấm poster treo trên tường giới thiệu Iviet.nl, phần ghi danh được thực hiện ngay trên máy vi tính, tham dự viên được phát bảng tên dán vô ngực áo, một guestbook wall treo trên tường cho mọi người ghi cảm nghĩ và lời lưu niệm... Những chi tiết nhỏ này thế hệ thứ 2, thứ 3 có thể cho là chuyện dĩ nhiên, nhưng với những người đã quen với những sinh hoạt của cộng đồng người Việt ở Hòa Lan, thì đây là một bước nhảy vọt. Những điều tưởng như tầm thường, thực ra phải mất nhiều năm lăn lộn nơi xứ người mới có thể thâu nạp và áp dụng được, bởi nó đòi hỏi một cung cách làm việc khác hẳn. Cũng thế, giờ khai mạc đã được giữ đúng (13:15 giờ – một chậm trễ 15 phút không thể gọi là chậm trễ được, nhất là cho lần tổ chức đầu tiên), cho dù trong lòng tôi dấy lên một thắc mắc: các bạn đã đánh mất phần nào bản sắc Việt của mình? Bản sắc Việt đã chết theo câu ngạn ngữ phổ biến trong cộng đồng người Việt ở Hoa Kỳ: "Không ăn đậu không phải Mễ (Mexican), không đi trễ không phải Việt Nam!!!". Giữ bản sắc không hẳn là lúc nào cũng phải bỏ cái dở và nhập cái hay. Có những cái dở rất 'đáng yêu', có những cái hay xét ra hơi 'phiền phức'. Nhưng dù sao, đúng giờ đúng giấc đã trở nên một nét văn minh toàn cầu, mà đã xếp vào nhóm 'nét văn minh' thì không còn phải bàn cãi là hay hoặc dở. Tóm lại, đành phải chấp nhận bỏ một phần bản sắc để thích nghi với đời sống xã hội hiện đại. Văn hóa, thói tục đâu phải chết đứng nơi một mốc thời gian.

Những bạn trong Iviet.nl đang lăng xăng chuẩn bị tiết mục khai mạc cũng đang nôn nóng không biết buổi chiều này sẽ ra sao. Hẳn các bạn đó cũng có phần hồi hộp với sự hiện diện của cha mẹ mình đang ngồi rải rác trong sảnh đường, những người này đại đa số đã hay vẫn còn đang có những đóng góp tích cực cho sinh hoạt cộng đồng người Việt ở Hòa Lan. Không hiểu chuyện mình làm sẽ được các bậc cha mẹ đánh giá thế nào? Nhưng tuổi trẻ thường mang ý hướng dấn thân và khai phá. Theo như lời The Phan (Thế Phan) trong bài phát biểu khai mạc diễn đàn, trong một dịp 'đi' Việt Nam, anh đã trực nhận ra mình là 'Việt kiều', tức không phải Việt Nam, còn khi ở Hòa Lan anh cũng chẳng phải Hòa Lan chính hiệu. Bởi thế anh và một số bạn đồng trang lứa (đa phần là sinh viên đại học Delft) đã nảy ra ý định thử tổ chức một buổi thảo luận xem sao, và vì thế mới có buổi chiều hôm nay.

Chuyện loay hoay giữa hội nhập và giữ bản sắc có thể thấy từ những nét nhỏ. Tất cả những bạn trẻ Việt Nam trong ban tổ chức, những vị ngồi trên bàn hội luận, cho tới điều hợp viên và xướng ngôn viên... đều đã bỏ những dấu giọng trong tên của mình, đúng như lời cam kết khi được nhập quốc tịch Hòa Lan!!! Duc Van (Văn Đức) nêu ra câu chuyện cô gái Đinh Ngọc Thùy Linh đã bao phen phải giải thích cho những người bạn về ý nghĩa thật đẹp của tên cô khi nghe họ gọi cô là Lingding và cười nhạo tên này. Duc Van là điều hợp viên của diễn đàn chiều nay, một chọn lựa mang nhiều ý nghĩa, vì Duc Van, theo lời cô xướng ngôn viên Linh Ta Cam (Cam Linh = Tạ Cẩm Linh), thuộc thế hệ 'một rưỡi', sẽ là nhịp cầu lý tưởng nối kết thế hệ thứ nhất với thế hệ thứ hai.

Buổi sinh hoạt đã sôi động ngay từ màn thứ nhất, đố vui kiến thức phổ thông về Việt Nam và Hòa Lan. Bằng cách này, Iviet đã mạnh dạn bước sang một phong thái sinh hoạt khác hẳn những buổi họp hay hội thảo của người Việt ở Hòa Lan từ trước tới nay mang nhiều tính thụ động, chỉ có đọc diễn văn và chất vấn. Màn đố vui được thể hiện qua dạng slide show Power Point đã mang lại những nụ cười và sự thoải mái, đồng thời cũng cho thấy một kết quả – trong buổi này – là dường như kiến thức không gắn liền với nền văn hóa gốc. Gần như tất cả mọi người hiện diện đều nhận ra tức thời giọng ca bất hủ của cố danh ca André Hazes, nhưng nhiều người đã chịu thua không biết Willem van Nassau nổi danh vì đã thắng Pháp hay đã lãnh đạo phong trào nổi dậy chống Tây Ban Nha (đúng), hoặc bông tulip Hòa Lan được phát giác ở Trung Quốc (đúng) hay ở Thổ Nhĩ Kỳ...

Sau khi không khí sinh hoạt đã được hâm nóng và mọi người đã quen với thể thức mới, khán thính giả được mời tham dự cuộc bỏ phiếu công khai và đóng góp ý kiến cho một số nhận định 'nóng hổi' về vài vấn đề thời sự hay những vấn nạn luôn làm 'đau đầu' di dân những thế hệ đầu: ngôn ngữ Việt trong sự bảo tồn văn hóa Việt Nam, tầm quan trọng của ý kiến cha mẹ trong việc tìm bạn trăm năm, sống chung trước khi cưới, bằng cấp cao là bảo đảm cho một cuộc sống thành công v.v...

Trong khi tuyệt đại đa số đồng ý là ngôn ngữ Việt Nam là nền tảng cho sự bảo tồn văn hóa Việt Nam thì có nhiều nhận định gây tranh cãi sôi nổi. Nhiều bạn đã bảo vệ lập trường của mình và đưa ra dẫn chứng, từ bạn bè và ngay tự bản thân, rằng thành công trong cuộc đời không nên chỉ đánh giá qua phần vật chất sung túc mà bỏ qua sự thích thú trong công việc cũng như cá tính từng người và sở thích cá nhân. Một điều rõ nét là không những ở người Việt, mà cha mẹ người Hòa Lan cũng muốn con cái có được mảnh bằng dắt túi, theo như lời phát biểu của vài tham dự viên người Hòa Lan. Muốn dung hòa, có lẽ ta nên hiểu vấn đề qua khía cạnh tích cực là mảnh bằng chứng tỏ phần nào khả năng phấn đấu và ít nhiều mang ý nghĩa hành trang kiến thức phổ thông, đó mới thực là ước muốn sâu xa của các bậc cha mẹ, và nếu như thế thì cha mẹ cũng phải làm sao cho con cái hiểu được ý nghĩa này thay vì cho chúng có cảm tưởng ‘là con gà chọi được nuôi bằng một chế độ ăn uống khe khắt để lâu lâu có dịp mang ra khoe hàng xóm bạn bè'. Câu hỏi 'Bạn là người Việt Nam hay người Hòa Lan?' cho một kết quả cân bằng 50/50, điều này là cảm nhận riêng của mỗi cá nhân, không cần lý giải dài dòng tại sao, nhưng 'Văn hóa Việt Nam đặc thù ra sao? Phải bảo vệ cái gì?' là chuyện không đơn giản. Vấn đề quá bao quát, khi nghe phát biểu mới thấy người ta thường nhìn qua mặt nổi của khía cạnh xã hội ở một số địa phương hay môi trường tiếp xúc và lầm tưởng đó là văn hóa. Hoặc những gì những bạn trẻ nêu ra như nét đẹp văn hóa cần bảo tồn khi xét lại dường như nó mang ý nghĩa giá trị đạo đức Chân Thiện Mỹ tổng quát – tức không khác nhau giữa Hòa Lan và Việt Nam (lễ phép với người trên, giúp đỡ nhau, trọng bằng cấp...), hay phảng phất một màu sắc văn hóa Đông phương (nhớ ơn và thờ cúng ông bà...). Cái hay của phần thảo luận này, theo tôi, là sự mạnh dạn nhưng cởi mở khi cần bảo vệ quan điểm của mình mà tôi thấy được nơi những người phát biểu. Tuy tranh cãi nhưng tôn trọng nhau. Kết quả đạt được một phần cũng do sự điều hợp nhịp nhàng và ăn ý của Duc Van va Cam Linh. Cái hay thứ hai là lần đầu tiên được nghe tranh luận, đối đáp về văn hóa Việt Nam bằng tiếng Hòa Lan với sự góp ý tích cực của nhiều vị khách không phải gốc Việt Nam đã đánh tan một thành kiến trong tôi khi cho rằng 'chuyện đó khó thực hiện quá'. Bởi vậy có làm thử mới biết. Một số vị thuộc thế hệ thứ nhất đã phát biểu bằng tiếng Việt, và được dịch liền qua tiếng Hòa Lan.

Cũng bởi 'có làm thử' thì ban tổ chức mới thấy những sai sót trong công tác dịch từ tiếng Hòa Lan sang tiếng Việt và việc truyền đạt ý tưởng muốn diễn tả qua ngôn từ không phải dễ. Lời nhận định ' Tôi thích ăn stamppot hơn là ăn phở ' để gắn món ăn với văn hóa đã bị đả kích kịch liệt với lý do chuyện thích món ăn này nọ chẳng có dính dáng gì đến (bản sắc) văn hóa của họ. Người ta có thể thích ăn pizza hay frites mà con người họ vẫn là Hòa Lan hay Việt Nam (gần) 100%!!! Trong phê phán một nhận định khác, sau khi cãi tưng bừng mọi người mới chưng hửng khi phát hiện ra là sexy khác xa gợi cảm ( Wat vinden jullie sexier ? – kèm theo hình 2 cô gái, một mặc áo dài, một mặc áo tắm – được dịch thoát là Áo dài trông gợi cảm hơn là áo bikini? ). Té ra người ta chỉ quen đọc ngôn ngữ nào mình thông thạo nhất, mà trong trường hợp nói trên ít ai để ý đến chuyện dịch đúng hay sai. Dù sao mọi người cũng được một dịp cười thoải mái qua vài nhận xét 'hơi bạo' của vài bạn trẻ qua chuyện áo dài và áo hai mảnh.

Phần được nhiều người chờ đón và cũng là phần 'nặng ký' nhất của buổi hội thảo là màn hội luận, trong đó 4 tham dự viên phải bảo vệ lập trường của mình. Lam Ngo (Ngô Thụy Trúc Lâm) với lập trường phải bảo vệ và trao truyền văn hóa Việt sang thế hệ thứ hai. Khoa Dong (Đồng Đức Khoa) cho rằng chuyện này không nhất thiết. Viet Thanh (Huỳnh Việt Thành) với chủ trương phải 'đa văn hóa' và Mark Beumer, sau khi nghe những ý kiến trong phần thảo luận đầu đã chọn cho mình quan niệm 'trở ngại trong hội nhập là vấn đề nội tại/nội bộ, do hố ngăn cách giữa hai thế hệ'.

Trong suốt hơn một giờ rưỡi các tham dự viên đã hăng say chất vấn bốn vị khách trên bàn hội luận, đồng thời cùng nhau bàn cãi ráo riết. Tôi thực sự chú tâm vào những phát biểu có phần 'trái chiều' với những quan niệm cổ điển, hy vọng tìm thấy ở đó những luận cứ mang tính độc lập và cũng muốn xem sự đối đáp của hai bên ra sao. Tuy nhiên, mong mỏi của tôi đã không được đáp ứng trọn vẹn. Tôi nghĩ Khoa Dong nếu chuẩn bị kỹ hơn để nhập vai thì sẽ gây hào hứng thêm, bởi vì bốn vị trên bàn hội luận thực ra đang đóng trò 'tập trận', chớ lập trường, quan điểm của họ không hẳn phản ảnh ý nghĩ thực của họ ngoài đời. Tuy thế, nhiều người tham dự không biết điều này, và đó là lý do vì sao Khoa Dong nhiều lúc bị ‘bố' quá đâm lúng túng. Điểm đặc biệt ghi nhận là đại đa số bạn trẻ có dịp đi du lịch ở Việt Nam (tôi không dùng cụm từ về Việt Nam ) cho rằng văn hóa Việt Nam (ý nói cách ứng xử trong đời sống) mà các bạn được nghe từ cha mẹ chú bác ở Hòa Lan 'không giống' những gì họ đã trải nghiệm trong thời gian ở Việt Nam. Nhưng quả thực là khó cho họ khi bàn về văn hóa, bởi những gì họ thấy chỉ là mặt nổi xã hội, không phải là tổng thể văn hóa của một dân tộc. Cũng vì thế, buổi hội luận đã có nhiều lúc loanh quanh trước vấn nạn 'văn hóa Việt là gì?', vì nếu chưa nắm vững nó là gì thì chuyện bảo vệ ra sao chỉ là một chuyện xa vời. Tuy nhiên thực tế có thể lại xảy ra cách khác. Nhìn lại lịch sử văn hóa xã hội, ta thấy văn hóa Việt đã được tiền nhân bảo vệ một cách tuyệt vời mà chắc chắn người xưa cũng chẳng mấy ai thắc mắc phải bảo vệ cái gì. Điều này cũng đã được một tham dự viên, cũng là một cựu thành viên trong Ban Thường vụ AVVN, dẫn chứng qua một khám phá về một quần thể người Việt từ mấy trăm năm trước đã lưu lạc sang Hàn quốc và hiện nay ở nơi định cư họ vẫn còn giữ những tập tục đặc thù của người Việt, mặc dù ngôn ngữ đã mất hết.

Phần chính thức của buổi hội thảo '2 culturen, 1 identiteit' được chấm dứt lúc 17:30 giờ qua lời đúc kết và cám ơn của Tra My (Trà My). Trong phần này cô cũng cho biết là từ ý kiến tạo một diễn đàn nhỏ cho các bạn, nay đã trở thành 'lớn chuyện', do đó nhóm chủ trương đã quyết định thành lập một hiệp hội (stichting) mang tên Iviet.nl nhằm mục đích khuyến khích sự hội nhập của giới trẻ gốc Việt vào xã hội Hòa Lan trong khi vẫn cố gắng duy trì bản sắc của mình. Để thông tin, hiệp hội này đã mở một website cùng tên.

Sau buổi hội thảo là một tiệc trà nhỏ do nhà hàng Fuzzia, một nhà tài trợ chánh cho Iviet.nl khoản đãi. Phần lớn trong số gần 150 khách tham dự đã ở lại trò chuyện thân mật và chúc mừng cho một thành công ngoài dự tính của ban tổ chức. Những vị tham dự thuộc thế hệ thứ nhất chắc hẳn cũng hài lòng khi thấy lớp người sau đã có những nỗ lực tiếp nối hành trình nơi xứ người, thấy giới trẻ nay đã nhận thức ra được vai trò và khả năng của mình để mạnh dạn xăn tay áo nhảy vào cuộc cũng như họ đã làm suốt 30 năm qua.

 

Thanh Tâm
(04/2009)

 

 


Cái Đình - 2009 .