Tam Hợp


30 năm văn học Việt Nam ở Hòa Lan

 

Với một đề tựa như trên, người viết tự hiểu đây quả là một tham vọng lớn. Nhưng xin hiểu cho là đây mới chỉ là bước đầu để ghi nhận và đánh giá một sinh hoạt khá khởi sắc của một tập thể tương đối nhỏ với khoảng hai mươi ngàn người Việt sinh sống ở Hòa Lan. Trong đó nổi bật lên là sinh hoạt của nhóm Cái Đình.

Theo như trang mạng của ban chấp hành cộng đồng thì từ năm 1977, ở Hòa Lan đã có một ban đại diện lâm thời với vị chủ tịch đầu tiên là ông Nguyễn Văn Miễn và sau đó là ông Đỗ Lịnh Khoa. Với thời gian con số người Việt đến Hòa Lan tỵ nạn ngày một nhiều. Nhu cầu hoạt động ngày một lớn, nên cho đến tháng 8 năm 1980 đã có một đại hội được tổ chức tại Utrecht để thảo luận và hoạch định chương trình thành lập Cộng Đồng Việt Nam Tỵ Nạn Cộng Sản tại Hòa Lan. Sau 8 tháng làm việc, một cuộc bầu cử ban chấp hành cộng đồng đã được tổ chức tại hội trường De Vliet ở Amersfoort. Chủ tịch đầu tiên của tổ chức này là ông Đặng Minh Kỷ. Cùng thời gian ấy, tờ báo của cộng đồng ra mắt với tên là Việt Nam Mến Yêu, đây là tiền thân của tờ Việt Nam Nguyệt San (VNNS) hiện nay.

Từ khi ra đời, tờ báo của cộng đồng này đã là mảnh đất màu mỡ giới thiệu nhiều tác phẩm thơ và văn của những cây bút Việt Nam tại Hòa Lan. Những sáng tác trong thời gian đầu chủ yếu là thơ. Có lẽ là vì những vần thơ muôn đời vẫn là một phương tiện chuyển tải dễ dàng nhất nỗi lòng của con người. Ở đây là những thân phận lưu lạc nơi miền đất thấp.

  

Việt Nam Nguyệt San ấn hành

 

Thơ và nhà thơ

Anh Nguyễn Hiền là một trong những người sáng lập ra Cái Đình cho biết: ‘trong giai đoạn đầu, trước khi Cái Đình đăng ký sinh hoạt chính thức vào năm 1993, đã có một số tập thơ được nhóm xuất bản như tập ‘Ra Đi Giã Từ Hơi Thở’ của Nguyễn Ngọc Ngãi, ‘Khi Ta Về’ của Nguyễn Khảng và ‘Ðêm Dài Cỏ Thở’ của Nguyễn Hoàn Nguyên. Anh nói thơ Nguyễn Ngọc Ngãi thường hay nói đến thân phận của người tỵ nạn xa xứ:

Ta đã có thêm những đường khâu
Vết thương ta rách toạc bởi u sầu

Còn Nguyễn Khảng thì nặng tình non nước hơn:

Khi tôi chết người đừng cho nấm mộ,
Và cũng đừng kinh mõ dụ hồn tôi.
Hãy hỏa thiêu tro bụi ném lưng trời,
Nước đẩy, gió xô, trả về bên nớ.       

Trong khi đó thì thơ Nguyễn Hoàn Nguyên thâm trầm và có phảng phất đâu đó bóng dáng Thiền học:

Mở kinh đọc vi vu
Khoác áo xuống lưng đồi.
Hạt bụi bay trong nắng.
Quốc độ đầu gậy tre.
Dấu dép trên đồi xưa
Trôi mất theo xuân rồi.
Gần hai ngàn năm tuổi.
Thiền sư nay đã già.
Hoá thân chàng thi sĩ.

Say mê những áng thơ của anh, tôi tò mò hỏi anh đã đến với thiền từ lúc nào? Nguyễn Hoàn Nguyên từ tốn kể: ‘để trả lời câu hỏi của anh chắc tôi phải dài dòng một chút. Sau tháng 4 năm 1975 tôi hãy còn là sinh viên đang trọ học ở Sài Gòn. Phần quá chán ngán các buổi học tập chánh trị, phần tự thấy lý lịch mình cũng không được tốt lắm, tôi bỏ học, trở về nhà ở tỉnh lỵ mà không hỏi ý kiến của gia đình. Những ngày sau đó cứ sống lêu bêu, không biết tương lai mình đi về đâu, tôi thường la cà ở các quán cóc. Chính ở nơi này tôi cũng thường gặp một số thầy giáo bất đắc chí. Sau những lần tán gẫu, một trong những ông nầy tặng tôi một số tập san Tư Tưởng của Viện Đại Học Vạn Hạnh, phát hành thời gian trước tháng 4 năm 1975. Có thể nói đến với thiền học nói riêng và ý thức thật sự về văn hóa Việt Nam bắt đầu từ đó. Sau đó tôi lại được bạn bè và những người thân quen tặng hay cho mượn các kinh sách Phật Giáo Đại Thừa và Thiền Tông. Trong không khí khủng bố và mọi người nghi kỵ lẫn nhau lúc bấy giờ, tôi xem đó là một trong những may mắn của đời mình. Tủ sách nhà cũng đã bị công an khu vực và du kích đến kiểm kê nên các quyển sách báo đó trở thành món ăn tinh thần chánh của tôi.’

Tôi hỏi thêm là cuộc sống lưu vong có tác động gì đến giòng thơ của anh không? Anh nói: ‘chắc chắn là cuộc sống lưu vong có ảnh hưởng đến giòng thơ của tôi. Từ lưu vong đối với tôi không chỉ có ý nghĩa là bị tách rời khỏi đất nước mình đang sống, mà còn có nghĩa là lưu vong tâm hồn, lưu vong khỏi vườn địa đàng hay lưu vong khỏi bản ngã của mình. Ngoài tâm trạng đau đớn của người bị hoàn cảnh tách rời khỏi gia đình, tổ quốc, hành trang văn hóa lại cũng chẳng có bao nhiêu, nhưng đời sống lưu vong cho tôi có cơ hội thấy thế giới rộng lớn hơn. Tôi suy tư nhiều về lịch sử đất nước, về một số vấn đề văn hóa và sau đó luôn ở trong tâm trạng đi rất xa nhưng đồng thời cũng đang trở về. Trở về quê hương thật sự, vừa có nghĩa là quê nhà, quê hương văn hóa đồng thời cũng là trở về quê hương tâm linh. Những điều vừa trình bày đại khái cùng anh đã phảng phất không ít thì nhiều trong các bài thơ của tôi.’

Đúng vậy, như chính anh đã viết:

Bởi ở giữa cuộc đời muôn ngàn lối ngõ
Anh muốn đi về một ngõ vô cùng.

 

Truyện ngắn

Năm 1986, Việt Nam Nguyệt San đã cho ra mắt một tuyển tập truyện ngắn, giới thiệu năm cây bút ở Hòa Lan là Lê Duy Cương, Phạm Kim Luân, Nguyễn Hiền, Nguyễn Hoàn Nguyên và Nguyễn Thanh Hùng.

Tuyển tập truyện ngắn do Việt Nam Nguyệt San ấn hành

Đáng kể là truyện ngục tù ở Việt Nam của Lê Duy Cương như ‘Một buổi sáng giáng sinh trong tù’ và ‘Bói Kiều đầu năm trong tù’. Còn Phạm Kim Luân với ‘Trong ước mơ của bố’, lời văn của anh như sự trần tình của cậu con trai đã đi vượt biên nói với bố mình đang còn sống trong trại cải tạo hoặc phải lam lũ nơi công trường xa xăm. Lý thú nhất là ở đọan cuối câu chuyện, ông bố còn ở lại Việt Nam nhắn nhủ với cậu con trai yêu dấu của mình nơi xứ xa: ‘Con trai của bố. Con đang ở khoảng đời người sung sướng nhất... phải biết rằng những thứ con hiện có, rất nhiều người không có và vô cùng đau khổ vì sự thiếu thốn đó, hoặc đang chiến đấu sống chết để dành lấy... Con đang có tự do và tình yêu’.

Có thể nói Phạm Kim Luân đã nói thay cho tiếng nói của những người thanh niên trẻ đã đến tỵ nạn ở Hòa Lan trong những năm tháng ấy. Truyện ngắn của anh đã ghi lại một thời kỳ mang nhiều dấu ấn lịch sử, một thời nhiều nỗi truân chuyên, mà rất nhiều những cây bút ở hải ngoại đã không ngừng nhắc đến.  

Phải đến năm 1994, độc giả mới đón nhận tập truyện ngắn đầu tay của một tác giả. Nguyễn Lê Hồng Hưng (NLHH) xuất hiện với “Dòng Sông Sữa Mẹ”. Như Ngô nguyên Dũng, một cây viết nổi tiếng cư ngụ ở Đức quốc, giới thiệu, nhiều truyện ngắn của NLHH lấy bối cảnh ở nam bộ, quê anh là một làng nhỏ ven sông Đốc Vàm, nơi đó con sông xẻ đôi khu rừng Mắm và ngoằn ngoèo chạy tới tận Cà Mau. Nói tới rừng mắm, ai mà không nghĩ đến truyện của nhà văn Bình Nguyên Lộc. Với giọng văn mộc mạc rặt nam bộ như thế, nên truyện của anh dễ dàng đi vào lòng người. Nói như Ngô Nguyên Dũng: khi viết truyện NLHH chính là một nhân chứng sống kể lại những hoàn cảnh thương tâm trong thời chiến và nói lên được sự dã man tàn ác của cộng sản trong vùng anh ở.

Tôi hỏi anh là nhà văn miền nam nào có ảnh hưởng đến anh nhiều nhất? Anh trả lời như sau: ‘tôi chưa bao giờ suy nghĩ coi nhà văn nào có ảnh hưởng nhất trong cách viết hay cách dựng truyện của tôi. Ðối với tôi, viết là diễn đạt những ý tưởng lúc đó mình đang có trong đầu ra giấy, hay trong thời bây giờ là vào bộ nhớ computer. Tôi đọc nhiều truyện của những nhà văn miền Nam. Thời trước thì có những người ai cũng biết như Sơn Nam, Bình Nguyên Lộc. Kế tới có những người như Võ Kỳ Ðiền, Ngô Nguyên Dũng, chưa kể nhiều ông bà chuyên viết feuilleton nhựt trình. Thời gian gần đây có Nguyễn Ngọc Tư và các anh chị em trong nhóm Văn Nghệ Sông Cửu Long. Có người nói tôi viết giống người này người kia, nhưng tôi chỉ thấy tôi giống… tôi mà thôi.’

Đúng vậy, vì truyện của NLHH không chỉ lấy bối cảnh ở vùng sông Đốc, mà anh còn lấy chất liệu từ cuộc đời hải hồ rày đây mai đó. Là một người tính tình ít nói, thường chỉ điềm tĩnh quan sát, nhưng khi hỏi đến đời hải hồ đã đem lại chất liệu gì trong truyện của anh? anh bỗng say mê kể về những chuyến đi nhiều tháng trên tàu viễn dương, đã đưa anh đến những vùng đất xa xăm. Anh kể: ‘nói về đời hải hồ thì nó phức tạp lắm. Tôi đã từng tiếp xúc với những thủy thủ của nhiều sắc dân, có nhiều người vì hoàn cảnh cũng phải lang bạt như người Việt mình. Tôi đã đi trên nhiều con sông, từ sông Amazone ở Ba Tây rộng mút mắt, sông Elbe ở Ðức với cảng Hamburg mà sau này tàu tôi đi thường cặp bến nghỉ, cho tới sông Neva ở Sint Petersburg (Nga) lạnh giá nhưng mùa hè có ngày hội Ðêm Trắng rất vui. Mỗi nơi mỗi vẻ, mà mỗi mùa mỗi khác. Có những lần cặp bến cảng xa xôi, lên bờ thấy dân tình cuộc sống nó cũng na ná như nước Việt Nam mình. Trong những chuyến đi viễn dương tôi còn gặp người Việt tứ xứ, trên bộ cũng có mà đi tàu như tôi cũng có. Ngay cả tận trong lòng sa mạc Lybië tôi cũng gặp người Việt làm công ở đó. Rồi những chuyện nghe được từ những thủy thủ, cuộc sống bình thường trên tàu tuy nhàm chán thiệt nhưng có đủ hỉ nộ ái ố, đụng chạm giữa văn hóa, tôn giáo, rồi đàn bà hiện nay cũng đi tàu như đàn ông. Những chuyện như vậy thường làm cho tôi suy nghĩ về thân phận con người, về tình người, mặt tốt cũng như mặt xấu. Truyện của tôi phần lớn được xây dựng trên những gì tôi tiếp xúc thực sự ngoài đời.’

Theo tôi, thì NLHH hiện nay vẫn là cây viết khỏe nhất trong cộng đồng người Việt ở Hòa Lan. Truyện của anh đã vươn xa hơn cả miền đất thấp và đã đến tay bạn đọc người Việt khắp thế giới qua nhiều tạp chí tên tuổi ở hải ngoại như Văn học, Văn, Hợp lưu và Làng văn.

 

Cái Ðình

Tuy là một cộng đồng tương đối nhỏ bé, không có những cây bút gạo cội đi trước hướng dẫn, nhưng cộng đồng người Việt ở Hòa Lan đã có may mắn là một cộng đồng trẻ năng động. Tôi đến gặp một trong những người tương đối trẻ của những thập niên tám mươi và chín mươi của thế kỷ trước là anh Nguyễn Hiền để hỏi thêm về Cái Đình.                         

Anh cho biết: ‘tên Cái Đình đã được một số bạn trẻ nghĩ ra vào những năm đầu thập niên ’80 khi các anh chị em này sinh hoạt văn thơ nhạc trong vòng thân hữu. Những người sinh hoạt thường xuyên trong nhóm có thể kể Nguyễn Hoàn Nguyên, Nguyễn Thanh Hùng, Nguyễn Ngọc Ngãi, Lữ Thế Cường, Thái Tăng An. Từ năm 1993 Cái Đình đã chính thức hoạt động dưới hình thức một hiệp hội, những người đứng ra đăng ký chịu trách nhiệm là Nguyễn Hoàn Nguyên, Huỳnh Tích Anh và Y Thanh (đã qua đời) và tôi’.

Sau đó anh Hiền cùng tôi dạo vào trang mạng của Cái Đình. Trong phần giới thiệu bằng tiếng Hòa Lan, thấy có nói đến một ‘dorpshoofd’ (tạm dịch là: lý trưởng), tôi tò mò hỏi xem có ai đóng vai trò của ‘lý trưởng’ trong làng không? Anh mỉm cười trả lời: ‘trong xã hội Việt Nam, đình là nơi diễn ra sinh hoạt cộng đồng của làng xã. Những sinh hoạt tế tự, những buổi họp bàn việc làng được tổ chức trong đình. Những sinh hoạt lễ hội được tổ chức ngoài sân đình hay trong phạm vi chung quanh ngôi đình. Ngoài ra, Cái Ðình là một nét văn hóa đặc thù Việt Nam. Trong giai đoạn đầu, tên Cái Ðình đã được các bạn khởi xướng nhóm chọn với lý do này. Khi đưa Cái Đình lên thành một hội đoàn chính thức, một phần chúng tôi muốn giữ lại tên đã được những bạn đi trước đặt cho. Phần khác, qua tên Cái Ðình, chúng tôi muốn tạo một điểm quy tụ, tạo cơ hội để mọi người có thể đến góp tiếng nói trong lãnh vực văn hóa văn học trong tinh thần bình đẳng tương nhượng nhau. Đương nhiên sinh hoạt cộng đồng phải có một số quy tắc căn bản để bảo đảm và duy trì tình thân hữu giữa những người đến tham dự. Cái Đình cố gắng đảm nhận công việc này. Trong phần giới thiệu Cái Đình bằng tiếng Hòa Lan, từ dorpshoofd không mang ý nghĩa một cá nhân nào đó có toàn quyền quyết định mọi chuyện trong làng, mà là do ở khác biệt ngôn ngữ. Những người đã tham gia các buổi sinh hoạt chủ đề do Cái Đình tổ chức trong gần 20 năm qua có thể cảm nhận được không khí tương nhượng và hòa đồng trong phần trao đổi giữa khách mời và người tham dự.’

Khi đọc ‘lời ban biên tập’ trên trang mạng của Cái Đình, tôi có cảm giác như đang đọc một “tuyên ngôn” về ‘vấn đề khủng hoảng văn hóa Việt’. Cái Đình phân tích là VN đang ở trong khung cảnh của chế độ độc tài, nên nhiều giá trị văn hóa vẫn chưa được phục hồi, các tổ chức văn hóa vẫn tiếp tục bị cản trở hay chi phối, các kiến thức mới không được tiếp nhận đúng mức và có trách nhiệm, đưa đến sự nghèo nàn về tri thức lẫn trí thức. Hậu quả tất yếu là gây trở ngại cho sự phát triển đất nước. Về tương lai, Cái Đình chủ trương phát triển đất nước, hội nhập với thế giới nhưng vẫn phát huy bản sắc văn hóa Việt.      

  

Cái Ðình xuất bản

Để biết những thân hữu đánh giá thế nào về những đóng góp của Cái đình trong hai mươi năm qua? Tôi đến gặp nhạc sĩ du ca Nguyễn Quyết Thắng. Anh Thắng trước đây đã phổ nhạc vài bài thơ của Nguyễn Hoàn Nguyên. Anh tâm tình như sau: ‘tôi cũng xin lỗi trước, câu hỏi thật ngắn nhưng lại khá rộng, như anh cũng đã thấy, sự liên hệ của tôi đối với các anh chị trong Cái Đình qua xã giao, tình bằng hữu và vì thế nói về chi tiết thì tôi chưa đủ hiểu rõ hết hoạt động của nhóm, chỉ xin nói qua vài điều cảm nghĩ của tôi đối với nhóm Cái Đình mà thôi. Thoạt đầu khi nghe đến nhóm mang tên ‘Cái Đình’ là tôi đã có cảm tình ngay, bởi từ trước tới nay, cái đình làng ở VN ta luôn mang sắc thái dân tộc truyền thống, nơi tụ tập sinh hoạt của mọi tầng lớp nhân dân, gìa trẻ gái trai, từ văn hoá đến chính trị, từ tin tức đến thông báo, đều được phô bầy nơi đình làng. Cũng nhờ nhóm Cái Đình hoạt động mà tôi được gặp gỡ và làm quen với đại đa số các anh chị em văn nghệ sĩ Việt Nam đặc biệt đang cư ngụ tại Hòa Lan, và cả những văn nghệ sĩ cư ngụ ở những nước chung quanh nữa, có nghĩa là nhóm Cái Đình đã nối lại được những bước chân rời, hồi phục được những khuôn mặt lặng câm mà bấy lâu nay vẫn âm thầm lẻ loi nơi vùng đất thấp này. Ít nhiều gì cũng đã được trình làng qua nỗ lực hoạt động của anh em trong lãnh vực in ấn sách báo, những buổi văn nghệ thơ văn nhạc họa v.v...‘

Khi đến hỏi ông Đào Quốc Bảo, tác giả cuốn ‘Gió thoảng hương yêu’ được Cái Đình giới thiệu cách đây không lâu, ông nói: ‘muốn hiểu rõ về nhóm Cái Đình thì người ta phải cất công tìm hiểu. Ngay cả đối với tôi, người đã từ lâu cộng tác với Cái Đình với tư cách là một thân hữu, khi phải nói về sinh hoạt của nhóm, tôi đã suy nghĩ đắn đo rất nhiều, tôi rất thận trọng, anh ạ. Năm 1984 rời bỏ quê hương, để lại mẹ già và người thân, tôi đặt chân lên xứ Uất Kim Hương này, đoàn tụ với vợ con, không còn phải lo âu, cuộc sống như thật bình yên. Nhưng bên cạnh đó, tôi cảm nhận ngay một điều gì rất thiếu vắng, khắc khoải và tôi nghĩ ngay đến quê hương, đến mẹ tôi và gia đình còn đang ở lại trong nước, rồi ngược giòng thời gian, tôi nhớ về những kỷ niệm, những người thân, nhớ mái trường, nhớ thầy, nhớ bạn, nhớ cây bàng…Để được nguôi ngoai, tôi đã viết, và cũng vì viết lách tôi đã quen nhóm Cái Đình. Khi tôi giao tiếp với Cái Đình thì người đại diện nhóm là anh Nguyễn Hiền, và trong nhóm còn có các anh Nguyễn Hoàn Nguyên, Nguyễn Lê Hồng Hưng, và còn những ai nữa thì tôi không rõ. Nhóm sinh hoạt rất khí thế, có nhiều thân hữu cộng tác, hàng năm cũng có một hai lần tổ chức sinh hoạt, đã xuất bản được một số tác phẩm thơ, văn, nhạc. Ngoài ra lại còn có website Cái Đình nhật tu hàng tháng. Trong thời gian gần đây tuy có ít tổ chức sinh hoạt nhưng Website của Cái Đình luôn luôn nhật tu bài vở sưu tầm mới mẻ, có giá trị. Riêng cá nhân tôi đã được nhóm Cái Đình và bằng hữu có đủ kiên nhẫn và nhiệt tâm giúp đỡ thực hiện tuyển tập thơ văn của tôi một cách viên mãn’.

 

Hoạt động

Anh Hiền cho biết Cái Ðình có hai hình thức họp mặt, hoặc là sinh hoạt với một chủ đề về văn hóa hay văn học với khách mời rộng rãi, hoặc sinh hoạt bỏ túi chỉ mời đích danh cá nhân. Trong những buổi sinh hoạt chúng tôi cố gắng tìm những đề tài thích hợp cho mọi giới, những sinh hoạt thu hút được nhiều bạn trẻ đến tham dự.

Được hỏi về xuất bản. Anh Hiền trả lời như sau: ‘xuất bản và giới thiệu tác phẩm là một trong những hoạt động chính của Cái Ðình. Cho tới nay chúng tôi đã xuất bản được khoảng 10 tác phẩm. Ngoài ra, Cái Đình đã thử nghiệm trong lãnh vực âm nhạc với việc ra mắt một CD mang tên là ‘Ngàn Năm Nào Ngưng Đọng’. Được biết sinh hoạt xuất bản sách hiện nay nói chung gặp nhiều khó khăn. Tôi đặt vấn đề này với anh Hiền. Anh trả lời như sau: ‘nếu chúng ta tự đặt hai câu hỏi mỗi năm mình đọc bao nhiêu tác phẩm và mua bao nhiêu cuốn sách? thì chúng ta có thể hình dung tình trạng khó khăn hiện nay của ngành xuất bản và của các tác giả’.

Khi nói chuyện với anh Nguyễn Quyết Thắng, anh tỏ ra lo âu: ‘theo tôi được biết, lịch trình sinh hoạt trong ngân qũy eo hẹp của Cái Đình ít nhất là 4 lần một năm, nhưng trong vài năm trở lại đây, nhóm Cái Đình không còn nhóm đình nữa, mà chỉ sinh hoạt qua trang mạng mà thôi, với riêng tôi đây cũng là một điều thật đáng tiếc, cho những ai yêu thích văn nghệ truyền thống nơi vùng đất thấp nhỏ bé này, niềm mong muốn của tôi là thực sự thấy được Cái Đình hồi sinh, để tôi lại được đến bên sân đình, gặp gỡ những người bạn thân cũ, hỏi thăm nhau xem ai còn ai mất, để làm quen thêm những khuôn mặt mới, và nghe kể chuyện thơ văn nhạc trong tình thân bằng hữu nơi đất khách quê người.’

Khi hỏi anh Hiền về điều này, anh cho biết: ‘khó khăn trong sinh hoạt của Cái Đình cũng là một vấn đề nan giải của những tổ chức sinh hoạt trong lãnh vực văn hóa và văn học của người Việt ở hải ngoại. Người Việt hải ngoại khi ra đi mang theo hành trang văn hóa trong thời điểm họ rời nước và họ coi đó như là một giá trị cần phải được giữ bằng mọi giá. Đây là điểm tốt, nhưng đã dẫn đến tình trạng sợ tiếp cận với những cái mới, vì thế nên nhiều người trong chúng ta vẫn còn ít mở lòng tiếp nhận những nét văn hóa bản xứ, hay do không có điều kiện hoặc không thấy hứng thú đã không theo dõi những chuyển biến liên tục của xã hội, trong đó bao gồm những sinh hoạt văn hóa và văn học. Đó là chưa kể đến dòng văn hóa văn học trong nước đã bị chỉ đạo theo đường lối phục vụ cho nhu cầu thỏa mãn mục tiêu chính trị của một đảng, đã chuyển biến theo đường hướng khó được người Việt hải ngoại chấp nhận. Tổ chức những buổi thảo luận về văn học nếu chỉ loanh quanh ở những chủ đề cũ sẽ đưa đến chuyện học cho thuộc bài, rồi lo trả bài cho đúng. Tìm những bước khai phá trong khi người đến nghe chưa có chút chuẩn bị nào về đề tài sẽ dễ dẫn đến ‘sốc’ hay lạc đề.’

Thấy thế tôi liền hỏi anh xem Cái Đình có dự kiến gì mới trong thời gian tới không? Anh phân bua: ‘về mặt những hoạt động cổ điển như xuất bản tác phẩm hay tổ chức những buổi sinh hoạt văn thơ, chúng tôi vẫn tiếp tục quan sát và tìm cơ hội thuận tiện. Hình thức sinh hoạt, theo chúng tôi nhận định, sẽ phải thay đổi, phải sống động hơn. Chúng tôi vẫn thường xuyên tìm và tham dự những buổi sinh hoạt của các hội đoàn bạn để mong tìm ra một phương thức tổ chức mới lạ, khả thi. Trong trang mạng, chúng tôi cố gắng tìm và thông báo những sinh hoạt có liên quan đến người Việt ở Hòa Lan. Trang web cần phát triển thêm với những mục âm nhạc, thể thao và những bài viết về lễ hội dân gian Hòa Lan. Tóm lại, có nhiều hướng phát triển, nhưng điều cần nhất vẫn là sự giúp sức của mọi người. Vấn đề chúng tôi thấy còn rất thiếu sót nơi người Việt ở Hòa Lan là những tiếp cận với người bản xứ hay với những cộng đồng khác trong những sinh hoạt ngoài quan hệ bắt buộc trong công việc làm hàng ngày. Chúng ta phải công nhận một thực trạng đáng buồn là số người viết dường như ngày càng giảm. Những người viết thuộc thế hệ thứ nhất đã dần buông bút. Ngay cả sinh hoạt website trong tương lai gần có lẽ cũng sẽ phải biến thái trong hoàn cảnh cư dân những mạng xã hội gia tăng nhanh chóng’.

Tác giả Đào Quốc Bảo nhận xét như sau: ‘hình như cái thú đọc sách của người Việt chúng ta bị sút giảm. Phải chăng vì lạm phát, vì cơm áo gạo tiền hay vì báo mạng tràn lan? Có phải vì thế mà người cầm bút không buồn sáng tác nữa chăng?’ Ông tự hỏi: ‘Cái Đình muốn hoạt động hăng thì phải làm sao?’.

Tôi đến hỏi ý kiến anh Đào Công Long, anh chia xẻ: ‘theo tôi nghĩ thì sinh hoạt của Cái Đình giảm xút rất có thể là do có sự khác biệt giữa phương châm hoạt động và cách hành xử. Cộng đồng từ trước đến nay trong mọi sinh hoạt đều mời Cái Đình tham gia, như Cái Đình đã mở một gian hàng giới thiệu các hoạt động của mình trong kỳ tổ chức 30 năm hội nhập của người Việt tỵ nạn ở Hòa Lan vào năm 2006. Cộng đồng luôn luôn sẵn sàng yểm trợ những sinh hoạt phục vụ cộng đồng và phục vụ quê hương’. 

Chị Miên Thụy là một thành viên của ban chấp hành cộng đồng hiện nay và cũng là người đã có nhiều bài thơ hay đăng trên VNNS và được Cái Đình xuất bản cho biết là: ‘cộng đồng người Việt ở Hòa Lan có mục tiêu sinh hoạt trước sau như một, cộng đồng chú trọng đến những công tác văn hóa như tổ chức ngày tết dân tộc hàng năm để giữ gìn những tập tục tốt của dân tộc và những sinh hoạt văn học nghệ thuật có mục tiêu đốt lên những ngọn lửa thắp sáng quê hương’. Chị cho biết là: ‘Cái Đình trước kia rất năng động và công khai, nhưng hiện nay xem như đã ‘chết’. Chỉ còn thấy hoạt động trên trang mạng. Tuy vậy, tình cảm cá nhân của tôi đối với Cái Đình vẫn còn đó.’

Được hỏi ban chấp hành cộng đồng có dự kiến gì trong tương lai về những sinh hoạt văn học nghệ thuật, chị nói: ‘cộng đồng sẵn sàng hỗ trợ xuất bản và giới thiệu tác phẩm. Cộng đồng muốn đến với mọi người, nhưng mọi người cũng phải đến với cộng đồng’. Chị tâm tình: ‘hiện nay có nhiều người viết về quê hương với những món ăn bất hủ, về thời thơ ấu với những kỷ niệm nhẹ nhàng phóng khoáng. Những tâm trạng hoài niệm, nhớ nhà và tìm về cội nguồn là nhu cầu thực tế, nhưng cũng cần phải thấy là quê hương ta cũng còn nước mắt, còn nhiều bất công xã hội và còn nhiều mất mát’       

Khi hỏi anh Hiền là có thực sự có sự ngoi ngóp trong sinh hoạt của Cái Đình để cần phải ‘hồi sinh’ hay không? Anh trả lời: ‘khi trước Cái Ðình thường chỉ tổ chức 2 buổi sinh hoạt mở rộng mỗi năm. Những buổi tổ chức mở rộng sau này không còn thường xuyên nữa. Những lý do chính là diễn giả đã mời tham dự sinh hoạt một lần rồi thì khó tìm được cơ hội để mời lần thứ hai, bởi vì phải tìm một đề tài mới và vì lý do tuổi tác, nhiều vị không còn muốn xuất hiện trước công chúng nữa, mà chỉ thích chuyện trò với vài người trong vòng thân mật. Ngoài ra cũng phải kể tới không khí nặng phần biểu dương lập trường chính trị trong những buổi sinh hoạt ở Hoa Kỳ đã làm nhiều người không thấy thoải mái khi phát biểu trước một cử tọa xa lạ, họ thích những buổi trà đàm trong vòng chục người trở lại. Ở đây không có chuyện ngoi ngóp hay hồi sinh, mà là trong mỗi hoàn cảnh phải có một phương thức sinh hoạt thích ứng đúng hoàn cảnh đó’.

Đến đây tôi thấy thấm thía lời phát biểu của nhà văn lớn Võ Phiến trong buổi hội thảo mang tên ‘Văn học hải ngoại : thành tựu và tiềm năng’, ông nói: ‘văn nghệ hải ngoại thì được cái tự do, đó là cái thuận lợi, ta mừng cho nó. Nhưng yếu tố ‘hải ngoại’ còn đặt thêm nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Đây là chuyện mới mẻ. Hi vọng rồi từ từ chúng ta sẽ thấy rõ dần.’

 

Tam Hợp

 


Cái Đình - 2012