Minh Hạnh


Tạp ghi
30 năm hội nhập

 

'30 năm hội nhập' chắc chắn là một chủ đề hấp dẫn nhiều người Việt lẫn người Hòa Lan, để buổi chiều ngày 16/09/2006 cùng rủ nhau đến Trung tâm Nghị hội De Meijert ở Mijdrecht. Xem thử trong 30 năm người Việt ở Hòa Lan đã hội nhập thế nào.

Cấu trúc đặc sắc của hội trường đã cất đi một phần gánh nặng cho Cộng Đồng Việt Nam Tỵ nạn Cộng sản tại Hòa Lan trong buổi tổ chức. Người đến tham dự cũng không thấy cảnh nhốn nháo hỗn độn thường gặp trong những buổi đại nhạc hội hay tết nhất. Vách sảnh đường dùng làm khu triển lãm được trang trí bằng những tấm hình khổ lớn, giới thiệu một số ‘nhân vật' thành danh người Việt, và một số hình ảnh ghi lại cuộc hành trình tìm tự do bằng đường biển. Khu triển lãm được xếp đặt ngăn nắp, những gian hàng cùng một thể loại được sắp gần nhau. Cách một lối đi là hội trường với những dãy ghế ngay ngắn, sân khấu bài trí trang nhã. Cạnh đó, gần quầy bar, là căn phòng để bạn bè có thể nói chuyện với nhau không cần lớn tiếng.

Tôi gặp lại ‘chị Ly' (bà Ashmann), người cán sự xã hội đã có nhiều tiếp xúc với người Việt trong những năm đầu thập niên 80. Đã 82 tuổi nhưng ‘chị' vẫn còn nhanh nhẹn, và vẫn xưng hô chị em, dường như thời gian đã đọng lại trong con người lúc nào cũng vui vẻ ấy. Chị chỉ tôi xem những cuốn sách bầy trong gian hàng triển lãm của Cái Đình, nói với giọng xúc động: ‘những sách này làm chị nhớ đến ngày xưa…' Tên của vài vị đã nhiều năm hoạt động với chị nhưng nay đã ‘treo kiếm' được chị hỏi đến: “Em có còn gặp anh Đáo, chị Hồng, chị Diệu Đế không? Cho chị gửi lời hỏi thăm đến các anh chị ấy nhé.” Tôi gật, mặc dù chẳng biết đến bao giờ mới có dịp thấy mặt nhau. Thời gian và sự đứt đoạn sinh hoạt đã làm người ta xa nhau… Chị Ly và linh mục van der Heijdt (cha Văn Hai) là hai người Hòa Lan lúc nào cũng ân cần hỏi thăm người Việt, đúng là những ân nhân mà ai đã có dịp tiếp xúc khó mà quên được. Trong buổi tối này, chị Ly đã làm nhiều em nhỏ tròn mắt ngạc nhiên khi thấy chị nói tiếng Việt còn rõ ràng hơn chúng, tôi hy vọng sau buổi này các em sẽ tự hào hơn về tiếng Việt và sẽ cố gắng học ngôn ngữ cha mẹ chúng vẫn thường sử dụng. Cha Văn Hai nghe nói có đến dự, nhưng tôi không hân hạnh được gặp. Chắc cha ngồi trong hội trường.

Trong những bức hình treo trên vách phòng triển lãm, và đọc trong tờ Việt Nam Nguyệt San số tháng 9 do anh chị coi quầy triển lãm của Cộng Đồng tặng khách thăm gian hàng, tôi thấy có giới thiệu vài người đã gia nhập quân đội. Với cái nhìn tích cực, những thanh niên thuộc thế hệ thứ hai đang phục vụ trong quân đội Hoàng Gia Hòa Lan là những người hội nhập số một, vì quân đội là lực lượng bảo vệ quốc gia, các em hẳn đã chấp nhận Hòa Lan là quốc gia đã và đang cưu mang mình, và mình có nhiệm vụ bảo vệ. Còn gì hơn. Chỉ có điều dường như người mình vẫn trọng quan hơn lính, cho nên chỉ thấy nhắc đến hai vị sĩ quan cấp úy người Việt trong binh chủng không quân và hải quân (y sĩ đại úy không quân Trần Nguyễn Vĩnh Toàn và y sĩ hải quân Đỗ Anh Vũ), nhưng tôi biết chắc chắn còn có nhiều người Việt đang mặc quân phục có gắn cờ Hòa Lan.

Chủ đề 30 năm hội nhập thực ra là một chủ đề khó khai triển. Nhìn chung, có lẽ mọi nỗ lực dồn vào việc giới thiệu những gì người Việt đã đạt được tại Hòa Lan, và những đóng góp của người Việt vào xã hội Hòa Lan trong suốt ba mươi năm qua. Thực ra, giữa hai chuyện này (đóng góp vào xã hội và hội nhập) có một lằn ranh nhỏ. Trong lãnh vực văn hóa, xã hội, hay thương mại người ta còn có thể trưng ra những hoạt động nhắm đến một sự giao lưu giữa hai nền văn hóa. Với những tổ chức có hoạt động trong lãnh vực chính trị, quả thực là khó. Người Việt ở Hòa Lan chưa mấy ai nghĩ đến chuyện tham gia chính quyền, nói chi đến nỗ lực vận động để đưa một đại biểu người Hòa Lan gốc Việt vào trong guồng máy chính phủ, một sự hội nhập có ý nghĩa nhất. Đây có lẽ cũng là một lời giải thích cho sự vắng bóng những tổ chức chính trị trong khu triển lãm. Quầy triển lãm của đảng Việt Tân phân phát những tài liệu vận động trả tự do cho một số nhân vật bất đồng chính kiến ở Việt Nam , một chuyện nên làm nhưng không dính dự gì đến vấn đề hội nhập vào xã hội Hòa Lan. Cũng như quầy của Gia đình Quân Cán Chính, chỉ có hai bà ‘vợ lính' ngồi sau hai chậu cắm đầy bông hồng. “Họ bán bông để gây quỹ giúp thương phế binh ở Việt Nam ,” tôi đã trả lời một người Hòa Lan khi được hỏi về ý nghĩa của gian hàng. Rất tiếc. Trong thâm tâm tôi rất muốn thấy một số hình ảnh sinh hoạt của hội để có thể nói thêm về những người có số phận hẩm hiu này, kết quả của cuộc chiến Việt Nam .

Bên tay phải là một cuộc hòa đồng tôn giáo. Mấy vị giữ quầy triển lãm của Hội Phật giáo than trời. Do trục trặc trong thông tin với ban tổ chức, giờ chót chỉ còn cách mang những kinh sách sẵn có ra chưng. Giáo hội Tin Lành với mục sư Công có đầy một bàn những lời Chúa dạy bằng tiếng Việt mang từ Mỹ tới. Thiên chúa giáo cụ bị một chồng hình ảnh sinh hoạt để treo tường, đủ trang trí cho một nhà thờ cỡ nhỏ, nhưng bị hạn hẹp trong phạm vi ba thước bề rộng, đành xếp thành một chồng trên bàn, cạnh những Bản Thông tin Công giáo ghi dấu sinh hoạt con chiên người Việt tại Hòa Lan, vẫn được tổ chức thường xuyên.

Tình trạng thiếu không gian rõ nét nhất ở cánh trái khu triển lãm. Quầy triển lãm của Cái Đình may nhờ trưng dụng được chiếc bàn bi-da trong góc, nhưng cũng chỉ tạm đủ cho số lượng sách và hình ảnh trưng bày. Bên cạnh đó, Nguyễn Quyết Thắng vò đầu bứt tai than cho gian hàng Du Ca, số lượng nhạc phẩm dưới dạng sách và băng đĩa của riêng anh đã chiếm hơn một bàn, cho dù trước khi khai mạc anh đã nài nỉ được thêm một bàn nữa nhưng vẫn hút. Thêm vào đó anh còn phải chịu đựng cảnh lấn sân của gian hàng Western Union bên cạnh, với tấm quảng cáo gần mười thước vàng choé treo phía sau. ‘ Western Union – Dịch vụ chuyển tiền'. Vài người xì xào: chuyển tiền Việt cộng. Ông Long, chủ gian hàng, thì luôn miệng giải thích cho những khách ghé qua về chủ trương,


cơ cấu tổ chức của Western Union cũng như về chính sách của các tài phiệt Hoa Kỳ, là một dấu hiệu cho thấy những tin đồn loại đó về Western Union không phải là ít.

Đối lại, khu vực giữa phòng triển lãm tương đối thoải mái. Gian hàng Trang trí nhà cửa Asian Home Decor chiếm dụng một khoảng sàn lớn, tràng kỷ, tủ gỗ nhái kiểu xưa… đầy một khoảng. Tôi đã trao đổi với vị chủ nhân về cách trang trí nhà cửa theo Phong Thủy, một hướng mà ông rất thích, và say mê nghe ông bàn luận về vị trí và cách thức tạo sự hài hòa cho chiếc bàn thờ (tổ tiên hay Phật giáo) trong căn nhà ở Hòa Lan, một đề tài rất lý thú. Qua gian hàng tranh, nghe chị Nguyệt nói về những bức tranh chị vẽ. Chị chỉ mang theo một số tượng trưng, nhưng cũng được nhiều người Hòa Lan chú ý. Có người nhìn ra được nét đông phương trong một vài bức, nhưng tôi không thấy, mới biết mình còn kém về cảm nhận hội họa. Cạnh đó, gian hàng tạo mẫu thời trang La Belle cũng quyến rũ được nhiều bà. “Không mắc – Niet duur” là lời nhận xét của khách tò mò muốn biết giá. Chủ nhân thực của gian hàng lại đang bận rộn với việc điều động nhân sự và với giàn bếp. Vì qui luật không cho nấu trong phòng, nên chỉ có ít thứ: bánh mì kẹp, mì xào, gỏi cuốn, bánh bèo… Khi nói đến thành công của người Việt ở Hòa Lan, trong đầu của dân bản xứ chỉ nghĩ đến ‘Vietnamese loempia'. Món này phải được trao giải ‘vô địch hội nhập'. Từ chiếc chả giò ăn với bún và rau thơm, chan nước mắm pha, nhưng khi ‘nhập cư' ở Hòa Lan đã biến thể thành một món ăn dặm phổ thông đại chúng. Bản sắc đã mất gần hết, chỉ cái vẻ bề ngoài là còn giữ lại. Thế nhưng trong ngày hội tính sổ thành tích hội nhập, món này chưa được tuyên dương đúng mức. Vietnamese loempia chìm khuất trong những món ăn khác bày trên một dãy bàn dài!

Hai gian hàng có bề mặt (và nội dung) hội nhập nhất có lẽ là gian hàng của Caplare Energy BV , công ty cung cấp điện và ga; và Văn phòng Tư vấn Bảo hiểm Transfina. Từ cách trang trí đến cách tiếp xúc với khách hàng, qua nói chuyên hay các folder, cho thấy không có gì khác biệt với những cơ sở cùng loại của người Hòa Lan. Gian hàng Đá Thiên Nhiên cũng trình bày và giới thiệu đúng bài vở, nhưng chủ nhân lại rỉ tai một câu rất ‘phản hội nhập': “tôi chỉ làm riêng cho người Việt Nam thôi anh!”

Ồn ào nhất là khu chơi game điện tử và khu thiếu nhi. Các em nhỏ đang loay hoay vẽ, tranh nào xong đem khoe ngay với bạn và được treo lên vách. Tôi hỏi vài em vẽ tranh cho ai, thì phần lớn nhận được câu trả lời: em vẽ tranh cho mẹ, em vẽ tranh cho cô giáo… Phụ nữ rõ ràng vẫn đóng vai trò quan trọng trong giáo dục thiếu nhi.

Bên trong hội trường, những màn phát biểu và trình diễn vẫn tiếp tục. Nhiều người khi xem xong khúc phim ngắn về ba mươi năm người Việt ở Hòa Lan do hai cha con anh Trần Hữu Sơn bỏ công thực hiện trong những điều kiện vật chất tối thiểu và hoàn cảnh khó khăn nhất đã không dấu nổi sự xúc động khi nhìn lại quãng đường mình đã trải qua. “Ba mươi năm mà mấy vị trong Ban Tổ chức bắt tôi gom lại trong vòng hai mươi phút”, anh Sơn nói trong phần dẫn nhập đoạn phim. Nhưng cuối cùng rồi cũng phải được. Bài phát biểu của ông Jan van Breukelen, Phó thị trưởng Mijdrecht tuyên dương người Việt với những đức tính cần cù, ham học… đã làm nhiều người thế hệ thứ nhất nở mũi. Duy chỉ vắng bóng truyền thông Hòa Lan, thật uổng, nếu không thì cả nước sẽ được biết thêm về người Việt sau 30 năm. Có người còn tiếc sao ban tổ chức không mời bà Bộ trưởng Rita Verdonk, người chăm lo sự nhập cư và hội nhập, đến phát biểu ít lời, và để cho bà thấy người Việt cũng bắt tay và ôm hôn nhau. như người Hòa Lan. Thôi chín người mười ý, biết chiều ai. Ba vị chủ tịch Cộng Đồng tiền nhiệm đồng họ Nguyễn (Nguyễn Văn Miễn, Nguyễn Văn Lợi và Nguyễn Đắc Trung) cũng bày tỏ ý kiến về chặng đường đã qua. Nhưng như những người lớn tuổi, thấy quá khứ là quan trọng, nên đề cập quá sơ lược về chặng đường trước mặt, cho dù nó cũng chông gai không kém, nhất là trong thời buổi ‘nhân tài (tham dự sinh hoạt cộng đồng) như lá mùa thu' hiện nay. Những vị khách Hòa Lan (theo lời giới thiệu có nhiều vị là bạn gia đình và một số thuyền trưởng, thủy thủ những chiếc tàu đã ra tay nghĩa hiệp giữa biển) chăm chú theo dõi những bản nhạc khi hùng mạnh, khi du dương, đệm cho buổi chương trình. Hầu hết ca sĩ Việt ở Hòa Lan đã góp tiếng hát trong phần văn nghệ phụ diễn. Du ca Nguyễn Quyết Thắng vẫn phong độ như xưa qua ca khúc ‘Anh em tôi' thật cảm động. Miên Thụy ca ‘Nhớ chiều mưa', bản nhạc phổ từ bài thơ của chính mình. Ban nhạc Rạng Đông chơi càng ngày càng xuất sắc. Nghe nhạc cây nhà lá vườn cũng có cái hay riêng của triết lý ‘ta về ta tắm ao ta', có gì chơi nấy. Vòng loại cuộc thi ‘Hoa hậu Áo dài Vương quốc Hòa Lan 2006-2007' có đệm theo tiếng huýt gió và tiếng la hò ‘Boehoe' khi cô thí sinh có ba vòng gần giống nhau mặc bộ đồ chẽn ‘tự chọn' mỉm cười đi một vòng sân khấu. Cô bé thì tỉnh queo. Đây là một màn khá lộn xộn, lý do người điều khiển không rõ mặt các thí sinh dự thi. Chưởng môn Vovinam Nguyễn Trung Cang hỉ hả nhìn đám đệ tử bay lên, dùng chân cặp cổ nhau trên khoảng sàn trước sân khấu. “Có đệ tử nào người Hòa Lan không?” “Có chứ!”, anh trả lời kiêu hãnh. Vovinam Việt Võ Đạo có lẽ là một tổ chức đã trao truyền gia tài tinh thần cho thế hệ sau thành công nhất. Nói chuyện với Lưu Phát Tấn, người đầu đàn của nhóm ‘Thanh niên Thiện chí', nay đã thành ‘Cao niên thiện chí'. Anh hể hả kể lại thành tích đi bộ chặng đường tám mươi cây số vài tháng trước đây, tuy mệt nhưng vẫn cương quyết không bỏ cờ và biểu ngữ vinh danh người Việt. Nhưng Thanh niên thiện chí giờ đây ít còn đá banh ngoài sân như xưa, mà đá trong nhà (zaalvoetballen). Gặp vợ chồng ông Wim Klaassen, một phóng viên tự do, người đã viết cuốn ‘Een ander land' ca tụng sự hội nhập và thành công của người Việt, hai ông bà đang chăm chú nghe lời giải thích qua tiếng Hòa Lan. “Ông ở đây, để sách cho ai bán?”. Ông cười bảo sách để ngoài đó, ai muốn mua thì liên lạc, bây giờ xem cái này hay hơn.

Khi buổi lễ chính thức chấm dứt, nhường chỗ lại cho phần disco, những gian hàng triển lãm đang thu dọn giang sơn, tôi hỏi chị phụ trách Cái Đình về kết quả của cuộc thăm dò ý kiến về vấn đề hội nhập mà chị đã suốt buổi giới thiệu đến mọi người, chị cho biết đã nhận được khoảng trên dưới 20 bản thăm dò. 20 trong số bốn năm trăm người tham dự là một kết quả khiêm nhường, nhưng chị cho biết thêm: ông Phó thị trưởng rất vui khi nhìn thấy một số tác phẩm văn học Hòa Lan đã được dịch sang tiếng Việt, bầy trên quầy triển lãm.

 

Minh Hạnh

 


Cái Đình - 2006