Nguyễn Hiền


Trong khuôn khổ Dự Án thu thập dữ liệu để hình thành một bức tranh tổng quát tương đối đa diện của Cựu Thuyền Nhân Việt Nam đang định cư tại Hòa Lan, dưới đây là cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Văn Đáo, một thuyền nhân trong những nhóm đầu tiên đến định cư tại Hòa Lan.

Xem Phác thảo Dự án Phỏng vấn

***

Nguyễn Hiền: Kính chào ông Nguyễn Văn Đáo, chúng tôi rất vui được ông nhận lời mời phỏng vấn. Trước tiên, xin ông cho biết sơ qua về ông và gia đình, ông hiện sống ở đâu và hoàn cảnh gia đình ông hiện nay ra sao?

Nguyễn Văn Đáo:

Kính chào anh Nguyễn Hiền. Tôi hoan nghinh công trình của các anh, nên nhận lời mời phỏng vấn nầy.
Vợ chồng tôi sống chung với gia đình người con thứ ba, tại thị xã Amersfoort.

.

Nguyễn Hiền: Quả thực là chuyện hiếm có ở Hòa Lan.

Nguyễn Văn Đáo:
Đây là một gia đình có ba thế hệ giống như Việt Nam lúc xưa. Già trẻ bên nhau, chúng tôi thấy vui vẻ, ấm cúng hơn…

,

Nguyễn Hiền: Xin được trở lại từ đầu. Ông ra đi vào năm nào? Ông đi một mình hay đi cùng với gia đình? Chuyến đi có được suôn sẻ hay gặp nhiều nghịch cảnh trên bãi, trên biển? Và được tàu nào vớt?

Nguyễn Văn Đáo:

Tôi vượt biên một mình cùng với những người bạn, vì không tin tưởng sẽ còn sống sót khi qua biển. Tôi chấp nhận dễ dàng cái chết để được tự do, nhưng tôi chưa đủ gan dạ phải nhìn vợ con tôi chết.

Tôi là dân miền sông nước nên tôi xử dụng thành thạo các loại ghe tàu đi sông. Tôi chưa hề đi biển, nhưng tự tin mình quen thủy tính, thủy lưu và sức gió, tôi nhận vai trò lái tàu. Thật ra đó chỉ là chiếc ghe cà dom mũi lái đều nhọn, bề ngang 1,5 mét, dài 4,5 mét. Các bạn tôi kiếm mua được một máy dầu lớn đặt trong khoang ghe và hai máy đuôi tôm bên ngoài. Các bạn khác chịu trách nhiệm mua xăng dầu, thức ăn và không bàn, chạy các giấy tờ lưu hành.

Tôi là thầy giáo dạy sử địa, nên tôi dùng bản đồ dạy học để đi biển. Một anh bạn sĩ quan pháo binh Thủy Quân Lục Chiến phụ trách việc định hướng, chấm tọa độ vốn là “nghề của chàng”. Chúng tôi ra đi ngày 09-04-1979. Từ Tà Niên, Rạch Giá, chúng tôi theo tàu cá ra biển, rồi bắt hướng 230 độ mà đi. Khi thấy hòn Thổ Chu, chúng tôi chuyển qua hướng 190 độ. Chỉ sau 3 đêm và 2 ngày, chúng tôi đến căn cứ hải quân gần trại Tiếp Nhận Tỵ Nạn Songkhla (Miền cực nam Thái Lan). Trại này do bà Bùi Tuyết Hồng, phu nhân của đại sứ Hòa Lan tại Thái Lan, ông Frans van Dongen, thiết lập và đỡ đầu.

,

Nguyễn Hiền: Thật là may mắn. Ông là người đã sớm có quyết định ra đi. Nguyên nhân nào đã đưa tới quyết định này?

Nguyễn Văn Đáo:

Tôi là hiệu trưởng một trường trung học đệ nhứt cấp bé hạt tiêu ở nông thôn. Hiệu trưởng một trường như thế, nhưng ở nông thôn hẻo lánh, dưới con mắt của các anh du kích, thì tôi là một thứ gì “ghê gớm” lắm, nên tôi được gán cho một tội danh “có ảnh hưởng giới ngụy quyền cao cấp”. Tôi bị bắt đi tù cải tạo, trại “ngụy quyền”. Trong tù, mỗi khi học xong một bài học chánh trị, phải viết bài “kiểm điểm, liên hệ bản thân”. Tôi viết hai chục lần y chang như bản đầu tiên. Họ đem các bản liên hệ bản thân so sánh để khai thác thêm. Chẳng có gì để khai thác thêm, chỉ là một thầy giáo vườn. Tôi được “ân xá” ngày 02-09-1978. Trong các phiên họp xóm làng để tuyển lao động cho việc đắp đường, đào kinh, tôi bị bắt buộc phải “tự nguyện, xung phong” lãnh trách nhiệm. Tôi vẫn bị quản chế vô thời hạn. Trong giấc ngủ, tôi cứ chiêm bao thấy nửa đêm bị công an đến nhà mời ra sau vườn thủ tiêu. Vì thế tôi quyết định ra đi.

.

Nguyễn Hiền: Rồi từ Songkhla ông đã được đưa đến trại nào ở Hòa Lan? Vì sao ông chọn Hòa Lan làm nước định cư?

Nguyễn Văn Đáo:

Như tôi đã nói bên trên, trại Songkla do vợ chồng bà Tuyết Hồng và ông Frans bảo trợ. Qua những lần tiếp xúc nói chuyện với vợ chồng ông, tôi cảm thấy Hòa Lan là quốc gia thích hợp với tôi. Ngoài ra, nếu định cư ở Hòa Lan, tôi có hy vọng nhanh chóng lập hồ sơ xin đoàn tụ với gia đình.

Từ Trại Tiếp Nhận Tỵ Nạn Songkhla tôi được Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc gởi đến Hòa Lan bằng phi cơ. Tôi đến Hòa Lan ngày 17-11-1979. Cán sự xã hội đón tôi và 4 người khác tại phi trường Schiphol và đưa về trại tỵ nạn De Steeg ở Arnhem.

,

Nguyễn Hiền: Ông là một trong số những người đến Hòa Lan rất sớm. Bằng cách nào người Hòa Lan khi đó có thể hướng dẫn cho ông và những người trong trại về đời sống, về luật lệ xã hội Hòa Lan, ngay cả đến những chuyện nhỏ nhặt như điền giấy tờ, tiếp xúc với các cơ quan? Có thông dịch không, hay mọi chuyện đều phải dựa vào ngoại ngữ? Vào ngày 30/04/1975 tại Hòa Lan có một số người Việt đang làm việc hoặc đang du học, những người này đương nhiên trở thành người tỵ nạn đầu tiên. Họ có giúp được gì cho những thuyền nhân đầu tiên tại Hòa Lan trong những vấn đề trên hay không?

Nguyễn Văn Đáo:

Việc tiếp nhận người Việt Nam Tỵ Nạn Cộng sản tại Hòa Lan vào thời đó được Ministerie van Cultuur, Recreatie en Maatschappelijk Werk (Bộ CRM) ủy nhiệm cho de Vereniging VluchtelingenWerk Nederland (cơ quan VVN). Người Việt Tỵ Nạn Cộng sản tại Hòa Lan lúc đó lên đến con số rất cao, dường như có tới 7.500, được tiếp nhận trong – theo như tôi tìm hiểu sau này – khoảng 50 trại tỵ nạn. Các trại tỵ nạn này thường là các khách sạn, các trung tâm nghỉ hè, các trung tâm dưỡng lão, được cơ quan VVN mướn lại. Mỗi trại được điều hành bởi một hoặc hai cán sự xã hội, một thư ký kế toán, một điện thoại viên, một thông dịch viên, ba bốn giáo viên dạy tiếng Hòa Lan. Thông dịch viên thường là những sinh viên Việt Nam du học trước năm 1975, vài nhân viên trong văn phòng đại diện Việt Nam Cộng Hòa bị kẹt lại (Hòa Lan khi đó chưa thiết lập quan hệ ngoại giao cấp đại sứ với VNCH), hoặc người Việt tỵ nạn cộng sản thuộc nhóm trước, có một ít vốn liếng tiếng Hòa Lan, vừa làm thông dịch viên, vừa học thêm.

Thủ tục hành chánh và tài chánh được văn phòng trại làm hết cho người tỵ nạn trong trại.

Các giáo viên dạy theo chương trình do VVN soạn thảo, gồm các chủ đề thực dụng để ứng phó trong xã hội Hòa Lan, như dạy cách mua vé xe lửa, cách nói chuyện với bác sĩ, cách mua khoai tây chiên, mua kem… Giáo viên dạy xong, dẫn đám học viên đi thực hành. Mỗi người tỵ nạn phải học đủ 400 giờ. Sau đó, người tỵ nạn được phân tán đều về các làng, thị xã nhỏ, tránh việc tập trung một số lượng lớn người Việt tỵ nạn vào một thị xã. Người tỵ nạn lúc đó được cấp nhà ở các làng, hoặc ở các thị xã chịu tiếp nhận họ.

Sau đó ai muốn tiến xa hơn trên con đường học vấn, xin đi học thêm tiếng Hòa Lan ở các lớp bổ túc tại địa phương mình cư trú. Tất cả tốn phí về ăn, ở, học hành, hướng nghiệp lúc đầu của người tỵ nạn đều do bộ CRM đài thọ.

Mỗi người độc thân hay nguyên một gia đình tỵ nạn đều có một người khách gia đình (gastgezin). Người Việt tỵ nạn thường gọi họ là người đỡ đầu. Những người tự nguyện làm khách gia đình được mời đến phòng họp. Cán sự xã hội giới thiệu từng người về nghề nghiệp, tuổi tác, hoàn cảnh gia đình, nét đặc biệt, thông dịch viên dịch lại. Sau đó, người tỵ nạn tự chọn khách gia đình cho mình. Trong trại, người tỵ nạn có khách gia đình ở gần trại. Về địa phương, người tỵ nạn có khách gia đình tại địa phương.

Chính những người khách gia đình nầy đã giúp đỡ người tỵ nạn tất cả các việc, từ việc nhỏ tủn mủn vụn vặt như cách lau cầu tiêu, cách mở bếp ga, lò nướng, đến các việc hệ trọng như việc chọn nghề trong tương lai, điền đơn xin học bổng, chọn phân khoa đại học… Tóm lại, khách gia đình là người hướng dẫn hàng ngày, mọi việc cho người tỵ nạn từ lúc ban sơ, đến lúc an cư lạc nghiệp.

.

Nguyễn Hiền: Ông ra đi một mình, như vậy tới lúc nào ông mới được đoàn tụ với gia đình?

Nguyễn Văn Đáo:

Đến ngày 15-01-1980 tôi nhận được thư trả lời của bộ tư pháp Hòa Lan chấp thuận việc xin đoàn tụ gia đình của tôi. Nhưng vợ tôi ở Việt Nam không xin được giấy xuất cảnh. Mãi đến tám năm rưởi sau, tức 3.153 ngày sau vợ con tôi mới đến được Hòa Lan đoàn tụ cùng tôi.

Ông Nguyễn Văn Đáo gặp vợ con trong ngày đoàn tụ

Nguyễn Hiền: Bao lâu sau khi đến Hòa Lan thì ông tìm được việc? Ông có thể cho biết đó là công việc gì?

Nguyễn Văn Đáo:

Học đủ 400 giờ, tôi chọn về Harderwijk. Tại Harderwijk tôi được cán sự xã hội địa phương hướng dẫn ghi tên học thêm tiếng Hòa Lan. Sau một năm học, tôi có thể nói chuyện một cách đơn giản với hàng xóm khi gặp gỡ ngoài đường. Tôi xin thi tuyển vào trường cán sự xã hội trung cấp (MBO-Maatschappelijk Werker). Với trình độ tiếng Hòa Lan của tôi mà đậu vớt thì cũng là niềm vui lớn. Tôi đứng đầu trong danh sách chờ, nếu có người thi đậu mà bỏ học, tôi mới được nhận vào. Đồng thời, tôi cũng được người khách gia đình của anh Hoàng Phong giúp đỡ tôi vào làm việc trong phòng in nhãn cho hãng sản xuất băng nhạc tại Utrecht. Tôi đi làm hơn một tháng thì nhận được giấy gọi nhập học của trường cán sự xã hội. Tôi phải chọn lựa, hoặc đi học, hoặc đi làm. Tôi chọn đi học.

.

Nguyễn Hiền: Vậy là ngành cán sự xã hội đã hấp dẫn ông ngay từ những ngày đầu tiên. Tuy nhiên, công việc của người cán sự xã hội đòi hỏi, ngoài một trình độ ngôn ngữ tương đối cao, còn phải có kiến thức về tâm lý, về con người với những mối liên hệ với xã hội? Mà để trở thành cán sự, phải qua một chương trình học kéo dài nhiều năm. Là người tỵ nạn không thông thạo ngôn ngữ bản xứ, không am tường luật lệ thì hẳn phải là một cố gắng phi thường. Trong thời gian đó ông xoay sở ra sao?

Nguyễn Văn Đáo:

Tiền học phí, tiền sách vở, tiền xe và các tốn phí khác, tôi được Phòng Lao Động (Arbeidsbureau) của thị xã đài thọ. Ngoài ra tôi vẫn được lãnh tiền trợ cấp xã hội để sống.

Trình độ tiếng Hòa Lan của tôi quá tệ, lại nhập học trễ hơn các sinh viên khác tới hai tuần. Tôi vào lớp ngơ ngáo như chú mán lạc vô nơi thị thành, cái gì cũng không biết, nghe người ta nói lại không hiểu. Suốt ba tháng đầu niên học, tôi không dám mở miệng một lần, cứ sợ nói sai, người ta cười cho. Khi tôi nhận lời thuyết trình, các giáo sư kháo nhau: “Thằng Đáo chịu mở miệng rồi”. Tôi chọn đề tài “Sự phá sản của nền văn hóa Việt”. Đề tài nầy có sức lôi cuốn đặc biệt các giáo sư.

Tôi vượt qua năm thứ nhứt một cách nhẹ nhàng.

Đến năm thứ hai của khóa học, tôi được nhận vào thực tập ở cơ quan cán sự xã hội tư nhân tại Harderwijk.

.

Nguyễn Hiền: Thái độ của những đồng nghiệp và bạn học nói chung, đối với ông lúc đó ra sao? Giúp đỡ, thương hại, kỳ thị…?

Nguyễn Văn Đáo:

Trong trường học, cũng như nơi tôi thực tập, chưa bao giờ tôi cảm thấy mình bị kỳ thị hay được thương hại, nên chẳng có gì phải tự ti hay tự tôn. Trong trường cũng như nơi tôi thực tập, các bạn học, bạn đồng sự sẵn sàng giải thích khi tôi hỏi. Trong giao tế hàng ngày, tôi thấy rất thoải mái, khỏi sợ chạm nọc chỗ này, trúng điểm kỵ ở chỗ khác, cứ nói thẳng cái điều mình nghĩ trong đầu.

Gian khổ nhứt là năm học đầu tiên, tôi học thuộc lòng hầu hết các môn học. Sang đến năm thứ hai và thứ ba, việc đeo đẳng học hành không còn là thứ gian khổ mà mình phải cố gắng để vượt qua. Mọi sự lưu chuyển trôi chảy, và tôi cũng tốt nghiệp. Đến ngày lãnh bằng tốt nghiệp, tất cả các bạn đồng học đều đem thân nhân, bạn bè đến trường để khoe giây phút vinh quang. Khi người lãnh bằng đi xuống, họ ôm nhau chúc mừng. Tôi đến lãnh bằng thui thủi một mình. Tất cả nam nữ sinh viên tốt nghiệp hôm đó liền hè nhau xếp hàng từ lễ đài xuống chỗ ngồi để đón tôi lãnh bằng bước ra. Đó là lần duy nhứt trong đời, tôi nhận được nhiều cái hôn đến thế.

Nguyễn Hiền: Rồi sau khi tốt nghiệp, ông đi làm tại một cơ quan lo về các công tác xã hội?

Nguyễn Văn Đáo:

Không. Tôi biết là tôi phải tiến xa hơn thì mới thỏa nguyện vọng. Tôi là người tỵ nạn cộng sản Việt Nam, tôi đã nếm trải đủ thứ khó khăn, gian khổ, nhục nhã nơi quê nhà. Tôi cũng là người nếm trải đủ thứ khó khăn, bỡ ngỡ, trên một đất nước xa lạ. Tôi nghĩ, tôi có thể dễ dàng hiểu đồng hương của mình hơn, từ các vết thẹo tâm lý ở Việt Nam, đến những ẩn ức không giải tỏa được trong xã hội Hòa Lan. Tôi cũng không đồng ý với đồng nghiệp người bản xứ về sự khuyến khích một thái độ hội nhập toàn diện. Trong khi đó tôi nhận định, trước hết phải hiểu rõ giá trị các yếu tố văn hóa của mình, rồi nhận thêm cái hay của Hòa Lan, không phải hội nhập bằng mọi giá. Hội nhập bằng mọi giá, bỏ qua cái căn gốc văn hóa của chính mình, sau nầy sẽ bị rối loạn bản sắc.

Tôi quyết định học thêm lên cao đẳng cán sự xã hội (HBO- Maatschappelijk Werker). Cá nhân tôi, sự khó khăn trên đường học vấn nằm ở những năm học trung cấp cán sự xã hội. Đến cao đẳng cán sự xã hội, tôi thấy nhẹ nhàng hơn nhiều. Có lẽ ở cao đẳng cán sự xã hội, người ta chú trọng nhiều hơn về triết học, về tâm lý học, về xã hội học và các phương pháp truyền thông. Mấy món nầy, tôi có học ở sư phạm.

Trong thời gian học, tôi ứng cử vào ban chấp hành Cộng Đồng Người Việt Tỵ Nạn Cộng sản tại Hoà Lan và giữ nhiệm vụ Tổng Thư Ký. Tôi xin thực tập ở cơ quan ZOA-Vluchtelingenzorg (Cơ quan giúp đỡ người tỵ nạn Đông Nam Á Châu). Cơ quan ZOA chi trả tiền mướn văn phòng Cộng Đồng và điện nước, chi trả tiền xe theo cây số và tiền tốn phí ăn uống trên đường đi cho tôi. Như vậy được hiểu ngầm là ZOA cố vấn cho Cộng Đồng về mở rộng tầm hiểu biết còn bộ CRM tài trợ phân nửa tốn phí sinh hoạt cho Cộng Đồng, phân nửa còn lại là đồng hương chung góp.

Trong thời gian nầy, tôi đóng ba vai cùng một lúc: Cán sự xã hội thực tập, Tổng thư ký Cộng Đồng và sinh viên trường cao đẳng cán sự xã hội.

Ông Nguyễn Văn Đáo và một cán sự xã hội cùng làm việc tại ZOA

Nguyễn Hiền: Chắc ông còn giữ nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong thời đó?

Nguyễn Văn Đáo:

Trong trường, tôi lãnh thuyết trình một đề tài triết học. Tôi chọn chủ đề “ĐẠO ĐỨC KINH’’ của Lão Tử. Dĩ nhiên là tôi chưa đủ trình độ tiếng Hòa Lan để diễn giải cho sinh viên Hòa Lan. Tôi “mượn đỡ” các từ ngữ triết học trong cuốn Đạo Đức Kinh bằng tiếng Hòa Lan. Tôi áp dụng phương pháp sư phạm và Kỹ Thuật Giảng Huấn của Viện Quốc Gia Tu Nghiệp Việt Nam. (Năm 1973 tôi được Sở Học Chánh Kiến Phong gởi đi học khóa Tổ Chức và Lãnh Đạo Hội Nghị tại Viện Tu Nghiệp Quốc Gia. Trong khóa học nầy, môn Kỹ Thuật Giảng Huấn khiến tôi chú ý đặc biệt. Thật ra khóa học nầy dành cho các vị Phó Tỉnh Trưởng, tôi chỉ đi học ké. Nhờ phương pháp này, sự chuẩn bị chu đáo và nhờ nhiều trợ huấn cụ nên ông giáo sư triết thích quá, ông khen: “Tôi thấy anh đứng trước bảng đen thoải mái, thong dong như cá lội trong nước. Anh đúng là người trong nghề”. Và vì vậy, ông giáo sư triết nầy nhận làm giáo sư hướng dẫn cho tôi.

Đến năm cuối, tôi phải viết tiểu luận tốt nghiệp. Tôi chọn đề tài: “NỖI CÔ ĐƠN CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI HÒA LAN”. Người ta không hiểu người Việt vì khác biệt văn hóa, vì xu hướng chính trị bị dư luận bóp méo, vì các khó khăn nằm ngoài dự tưởng. Buổi supervisie đầu tiên ông phê: phạm vi của vấn đề quá rộng. Lần supervisie thứ hai, ông phê chương một và chương hai của tôi là “Đánh trống bỏ dùi, đặt vấn đề rồi bỏ lửng ở đó, không giải quyết.” Lần supervisie thứ ba, ông nôn nóng phê chương ba và chương bốn: “Vẫn chưa thoát ra được, đã ba mươi trang rồi !” Sau đó, khi ông đọc xong chương năm và chương sáu, ông vỗ đùi la lớn: “Thoát ra rồi, tất cả thoát ra rồi. Vấn đề được giải quyết rốt ráo.” Đến khi ông đọc xong chương bảy, Kết Luận, ông vui mừng và tôi ngồi đó nghe được ông lẩm nhẩm: “Đúng rồi, Đây mới chính là triết lý của sự giúp đỡ.” Đại khái, tôi mượn giáo lý của nhà Phật mà viết rằng mỗi người phải tự thở để mà sống, không ai có thể thở dùm người khác (Tức ngụ ý rằng người cán sự xã hội chỉ có thể chỉ dẫn người ta cách thở, chớ không thể thở dùm thân chủ).

Khi trình tiểu luận tốt nghiệp, mỗi sinh viên chỉ được phép tối đa 25 phút. Tôi là người sau cùng. Vì có dính dáng đến văn hóa, giáo sư tâm lý hỏi, tại sao giữa châu Á lại có một nước Tây Phương lọt vào đó. Tôi hỏi, nước nào. Ông ta nói, Nhựt Bổn. Tôi cãi, đại khái là họ đạt được thành quả của Tây Phương, nhưng họ vẫn là Nhựt, hãy nhìn tổ chức xã hội, cách họ ứng xử trước các sự kiện, cách họ quản lý xí nghiệp… Tôi chợt nhìn thấy nụ cười trên môi của giáo sư tâm lý, tôi ngừng lại hỏi: ông cười cái gì vậy? Ông nói, vai trò đảo ngược. Tôi hỏi nghĩa là sao? Ông nói, lúc trước chúng tôi giảng, anh ngồi nghe, bây giờ anh giảng chúng tôi ngồi nghe. Phần trình bày của tôi mất hết một giờ rưởi mà mọi người vẫn tỏ ra thích thú.

.

Nguyễn Hiền: Rồi sau khi tốt nghiệp HBO về CSXH, ông tiếp tục làm việc cho ZOA? Công việc ông làm có liên hệ đến người Việt hay không? Nếu có thì nó nằm trong các kế hoạch lo cho các trại tỵ nạn Đông Nam Á hay nằm trong mục đích giúp những người tỵ nạn đã đến Hòa Lan?

Nguyễn Văn Đáo:

Sau khi tốt nghiệp HBO-MW năm 1987, tôi xin việc tại cơ quan ZOA-Vluchtelingenzorg, được chấp nhận ngay. Tôi làm những công việc thuộc phòng cán sự xã hội giúp đỡ người tỵ nạn tại Hòa Lan. Phòng này có 4 cán sự người Hòa Lan, 4 cán sự Việt, 1 cán sự người Nam Dương. Ngoài ra, còn có các phòng công tác khác giúp người tại các cơ sở ở Đông Nam Á. Công tác chuyên biệt của tôi là giúp đỡ người Việt Tỵ Nạn Cộng sản tại khu trung và bắc Hòa Lan, giải quyết những khó khăn về tâm lý xã hội.

Người Việt tỵ nạn cộng sản đã trải qua một cuộc chiến tranh khủng khiếp và đã từng nếm trải những kinh hoàng trong lúc tỵ nạn, một số người đã bị hậu chấn thương tâm lý (Posttraumatische Stressstoornis, thường được gọi tắt là PTSS). Nhưng muốn tiếp cận được những khó khăn về tâm lý xã hội, thường thường tôi phải khởi sự từ những giúp đỡ cụ thể, thí dụ như đoàn tụ gia đình, can thiệp với thừa phát lại về nợ nần không trả đúng hạn, xin nhà cửa, xin trợ cấp xã hội, giải thích cho cảnh sát hiểu sự vi phạm nào đó, giải thích cho các bác sĩ hãng hiểu được lý do khai bịnh của công nhân, tóm lại, tất cả các rắc rối về định chế xã hội, tìm việc làm cho người thất nghiệp… Những sự can thiệp như thế, tôi phải nhân danh cơ quan ZOA để làm việc và nhờ thế thường có hiệu quả.

Tôi xin nêu một trường hợp vui vui. Một người chồng nổi điên đòi giết vợ con. Hàng xóm gọi điện thoại tới cảnh sát. Cảnh sát không xác định được thực, hư. Cảnh sát gọi điện thoại cho ZOA yêu cầu tôi đến giúp. Tôi đến nói chuyện với vợ con hắn, sau đó đến sở cảnh sát nói chuyện với hắn. Tôi khuyên cảnh sát xin lịnh giữ hắn một đêm, nhưng đừng coi hắn như một can phạm. Sau đó, tôi giải thích cho cảnh sát rõ, đây chỉ là ẩn ức tình dục, dưới ảnh hưởng của rượu. Sáng hôm sau người chồng thong dong ra về. Qua việc nầy, tôi được cảnh sát tặng cho một cây dù có huy hiệu cảnh sát.

Người Việt Tỵ Nạn Cộng sản tại Hòa Lan được giúp đỡ bởi các cán sự xã hội của VVN, của ZOA, của OPBOUWWERK và của Afdeling PHOENIX thuộc Psychiatrisch Ziekenhuis Wolfheze. Các cán sự xã hội của các cơ quan khác nhau giúp người Việt tỵ nạn, mỗi tháng có một phiên họp trao đổi kiến thức và kinh nghiệm (Intermediaire Bijeenkomst). Tôi vừa đại diện ZOA, vừa đại diện cho Cộng Đồng Người Việt Tỵ nạn Cộng sản tại Hòa Lan đi dự các phiên họp nầy. Tôi cũng có lần đại diện ZOA đi dự phiên họp Liên Hiệp Quốc tại Genève quyết định về số phận của người Tỵ nạn Việt Nam trong tương lai lúc đó. Ngồi trước mặt tôi là ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch. Tôi chẳng cãi cọ được một tiếng nào. Lên tiếng trong đó, toàn là thứ ngoại hạng, không phải thứ như tôi.

.

Nguyễn Hiền: Tôi biết có ông Trịnh Vĩnh Bình (sau này được mệnh danh là vua chả giò và đã có một vụ kiện chính phủ Việt Nam tại tòa hòa giải quốc tế) đã từng làm cho ZOA. Chắc ông cũng có thời làm chung với ông Bình?

Nguyễn Văn Đáo:

Khi tôi vào làm việc cho cơ quan ZOA, ông Trịnh Vĩnh Bình đã thành danh vua chả giò rồi, không còn làm việc cho cơ quan nầy nữa. Ông Trịnh Vĩnh Bình thuộc nhóm người Việt tỵ nạn đầu tiên đến Hòa Lan, năm 1976. Cũng trong năm này, cơ quan Zuid-Oost-Aziatische Vluchtelingenhulp (ZOA) chính thức ra đời. Năm 1979 ông Bình được mời vào làm việc cho cơ quan ZOA với nhiệm vụ của cán sự xã hội. Hình như vào năm 1986 ông Bình xin từ nhiệm tại cơ quan ZOA để dành trọn thời gian cho kinh doanh.

.

Nguyễn Hiền: Trong thời gian ông làm cán sự xã hội, ông có gặp khó khăn khi giải thích cho người Hòa Lan hiểu về bản chất của chủ nghĩa cộng sản? vì theo tôi nhận xét, rất nhiều người Hòa Lan hoạt động xã hội đã tham gia các phong trào chống chiến tranh Việt Nam, cùng biểu tình tuần hành ở Amsterdam v.v.. Ông giải thích cho họ bằng lý thuyết, bằng những trải nghiệm cá nhân hoặc qua kinh nghiệm của bạn bè?

Nguyễn Văn Đáo:

Câu hỏi của anh Hiền rất chính xác. Khuynh hướng thiên tả của quần chúng Hòa Lan rất mạnh. Một số cán sự xã hội người Hòa Lan thiên cộng. Gỡ bỏ thành kiến ra khỏi đầu óc người ta là một công tác khá khó khăn và rắc rối, Tôi vẫn thường bị nhức nhối về vấn đề nầy. Tôi không trực tiếp tranh luận chính trị với những người thiên tả. Tôi chỉ làm các công tác đánh động lương tâm con người. May mắn hơn cho tôi, cơ quan ZOA vốn có nguồn gốc là một tổ chức giúp Miền Nam để đối trọng với Medisch Comité chỉ giúp Miền Bắc, các công tác của tôi được văn phòng của ZOA hổ trợ tich cực. Tôi đi thuyết trình ở các trường học Hòa Lan và tại các buổi họp, hội của những người thiện nguyện về lý do tỵ nạn và các thảm cảnh tỵ nạn. Tổ chức hoặc cùng tổ chức các buổi xuống đường, các cuộc tụ hội lớn ngày Quốc Hận, chống các nhân viên cao cấp của nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đến thăm Hòa Lan. Qua cơ quan ZOA, tôi thường mời các đài truyền hình làm phóng sự một vài trường hợp đặc biệt. Qua những sự kiện nầy, một số người Hòa Lan lần lượt nhìn ra thực chất của nhà cầm quyền cộng sản tại Việt Nam.

.

Nguyễn Hiền: Năm 1987 ông đã viết cuốn tiểu luận “Eenzaamheid van de Vietnamezen in Nederland” mà ông vừa kể. Chắc trong thời gian đó ông đã có dịp tiếp xúc với rất nhiều đồng hương. Giờ đây, nhìn lại, theo ông, nỗi cô đơn của người Việt ở Hòa Lan biến chuyển ra sao: tăng, giảm hoặc vẫn vậy? Vì trong tiểu luận này, một trong những “lối thoát” được ông liệt kê ra là tham gia các hoạt động xã hội, tôn giáo, mà theo tôi, những hoạt động này có chiều hướng tăng, tức đồng nghĩa với gia tăng sự cô đơn. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Nguyễn Văn Đáo:

Vâng, để có thể thu thập dữ kiện viết cuốn tiểu luận “Eenzaamheid van de Vietnamezen in Nederland” tôi đi khắp nước Hòa Lan trong vai trò tổng thư ký cộng đồng, vai trò cán sự xã hội. Vì vậy, tôi có thể nói tầm nhìn của tôi về tình cảnh của người Việt tỵ nạn khá chính xác. Trong cuốn tiểu luận nầy, tôi đề nghị các cán sự xã hôi giúp cho người Việt nên khuyến khích họ tham gia các hoạt động xã hội, tôn giáo, văn hóa và cả chánh trị như một trong những liệu pháp giảm thiểu nỗi cô đơn. Các hoạt động văn hóa, xã hội, tôn giáo hiện nay có chiều hướng gia tăng, tôi nghĩ, vì sự gia tăng phương tiện và sự hiểu biết về đời sống xứ người. Nhưng sự cô đơn không giảm. Tôi nghĩ nguyên nhân chánh yếu chính là sự tha hóa (đánh mất bản thể thực của mình – chú thích của người phỏng vấn). Cái lực nối kết tình tự quê hương giữa những người đồng hương vì thế bị yếu đi. Người ta trơ ra trong một xã hội vật chất hóa. Một cá nhân tham gia các hoạt động văn hóa, xã hội, tôn giáo chưa giảm nỗi cô đơn qua chính cái hành động đi lại, tụ tập nầy. Họ chỉ có thể giảm cô đơn khi qua các công tác nầy, họ nối kết được mối liên hệ về sở thích, về tình cảm, về niềm tin về chánh kiến. Tóm lại, cô đơn giảm khi nối kết được.

.

Nguyễn Hiền: Những năm cuối thập niên ‘70, đầu thập niên ‘80 là thời gian người Việt tỵ nạn ở Hòa Lan vận động thành lập một hội đoàn để nói lên tiếng nói của người Việt tỵ nạn ở Hòa Lan. Xin ông kể sơ những diễn biến trong quãng thời gian này. Và khi tiếp xúc với đồng hương, ông có nghĩ đến mục đích tìm những người có khả năng để kêu gọi họ giúp đồng hương bằng cách chung tay làm công tác phục vụ cộng đồng hay không?

Nguyễn Văn Đáo:

Những năm cuối của thập niên 70, người Việt tỵ nạn tại Hòa Lan còn bận rộn học tiếng Hòa Lan và nỗ lực thích ứng với xã hội Hòa Lan. Cộng Đồng Người Việt Tỵ nạn Cộng sản đầu tiên (Gemeenschap van de Vietnamese Vluchtelingen in Nederland) được thành lập tại Leeuwarden, ông Đỗ Lịnh Khoa là Chủ Tịch, ông Nguyễn Chu Uyên là Phó Chủ tịch. Tất cả chi phí sinh hoạt của cộng đồng được mọi người hoan hỉ đóng góp.

Ông Nguyễn Văn Đáo (mặc áo veste đen) đứng cạnh ông Đỗ Lịnh Khoa
trong một ngày tiếp xúc với người Việt tại một trại tiếp cư

Những năm đầu thập niên 80, đối với người Việt tỵ nạn tại Hòa Lan, có thể nói là thời kỳ mò mẫm dò tìm. Tìm nghề nghiệp, tìm cách xây dựng tương lai bản thân, tìm đường hướng tranh đấu cho quê hương, tìm phương cách xây dựng tổ chức phục vụ đồng hương và xây dựng lực lượng tranh đấu cho quê hương.

Lúc đó ở Âu châu hàng năm có Nghị Hội Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu. Hầu như tất cả các nhà tranh đấu và nhiều bậc trí thức Việt Nam tại Âu Châu đều có mặt trong hội nghị nầy. Năm 1981 hội nghị tổ chức ở Colmar đi đến quyết định thành lập “Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu”. Ban chấp hành trung ương cho Âu Châu ra đời. Các thành viên ở các quốc gia Âu châu ngay khi trở về phải thành lập Khu bộ quốc gia. Ở Hòa Lan, người tỵ nạn Việt Nam ở tập trung trong khoảng trên dưới 50 trại tiếp nhận. Tôi đi một vòng nói chuyện với người Việt tỵ nạn trong tất cả các trại. Lực Lượng Thanh Niên Việt Nam Tự Do Âu Châu, Khu bộ Hòa Lan được thành lập. Chữ “Thanh Niên” được định nghĩa là nam nữ từ 18 tuổi đến 80 tuổi. Ban Chấp Hành và các ban bệ đồng thời cũng được thành lập, có cả ban báo chí. Tôi được bầu làm chủ tịch khu bộ Hòa Lan. Lễ ra mắt khu bộ tổ chức tại trại tiếp nhận tỵ nạn Wijk aan Zee, có Ban Chấp Hành Lực Lượng Âu Châu chứng giám. Đây là lực lượng chính trị đầu tiên của người Việt tỵ nạn tại Hòa Lan.

Sau đó với sự giúp đỡ của các cán sự xã hội VVN, một cộng đồng thứ hai của người tỵ nạn Việt Nam được thành lập (Associatie van Vietnamese Vluchtelingen in Nederland, viết tắt là AVVN), với ông Đặng Minh Kỷ làm Chủ tịch, ông Nguyễn Văn Thế làm Phó chủ tịch. Cộng đồng nầy nhận được trợ cấp của bộ CRM. Ông Kỷ và ông Thế năm 1980 đã tham gia, vận động khá tích cực cho cộng đồng 1 của ông Đỗ Lịnh Khoa, nhưng sau đó hai ông (cùng một số người khác) nhận thấy là người Việt tỵ nạn không thể gồng mình bỏ tiền túi lo cho sinh hoạt hết năm này qua tháng nọ được. Trong khi đó bộ CRM dứt khoát không tài trợ các hoạt động tranh đấu về mặt chánh trị. Đó cũng là một lý do đưa đến sự ra đời của cộng đồng 2.

Đa số người Việt tỵ nạn không hài lòng vì sự có mặt hai cộng đồng trong một quốc gia nhỏ bé. Thế là một Ủy Ban Thống Nhứt Cộng Đồng xuất hiện với các ông Vũ Công Cường, Nguyễn văn Thế… Và sau đó cộng đồng thống nhứt ra đời do ông Lữ Đức Thái làm Chủ tịch. Sự chia rẽ đã qua, nhưng còn để lại nỗi lo cho anh em hoạt động.

.

Nguyễn Hiền: Tôi xem trong internet thấy là khoảng chục năm trước hội ZOA đã chuyển hướng sang giúp những quốc gia ở Phi châu và Trung Đông. Họ giải quyết với những nhân viên có kinh nghiệm về Đông Nam Á, trong đó có ông, ra sao?

Nguyễn Văn Đáo:

Đúng vậy. Phòng cán sự xã hội nội địa của ZOA bị giải tán, tất cả nhân viên được bồi thường đúng theo tiêu chuẩn thâm niên, kể cả trưởng phòng. Tất cả được chuyển qua cơ quan tư vấn tìm việc làm. Tôi không xin việc nữa vì lúc đó đã gần tới tuổi hưu rồi.

.

Nguyễn Hiền: Và từ đó cho tới nay ông đã làm những công việc gì? Tham gia những công tác xã hội, liên lạc thân hữu v.v.? Đôi lần, tôi nhận được từ ông những bài về giáo sư Nguyễn Ngọc Huy cũng như một số bài nghị luận của đảng Tân Đại Việt. Ông có thể cho biết mối liên lạc giữa ông và Tân Đại Việt ra sao? Hay ông chỉ thuần là người đọc, khi gặp được bài hay thì thấy cần phổ biến cho những người ông nghĩ là cũng thích đọc những bài này?

Nguyễn Văn Đáo:

Tôi vốn là đảng viên Tân Đại Việt, sau khi nghỉ hưu, tôi trở lại hoạt động đảng. Tôi nắm chủ nhiệm tổng bộ tuyên huấn, trong tay có tờ nguyệt san online. Hàng ngày liên lạc qua email và điện thoại với nhiều cây viết khắp năm châu. Khi tinh hoa phát tiết hết (thông thường, người ta nói là cạn vốn rồi), tôi xin lui về với cỏ cây, nhưng vẫn giữ liên lạc qua diễn đàn của đảng.

Ngoài ra, tôi vẫn giữ liên lạc trên Diễn Đàn Họp Mặt Dân Chủ. Năm 2013 tôi tổ chức tĩnh hội Họp Mặt Dân Chủ tại De Glind, Hòa Lan. Lần tổ chức nầy được phê là xuất sắc nhứt về mặt tổ chức.

.

Nguyễn Hiền: Trong công việc, ông có dịp nói chuyện nhiều với người Hòa Lan cũng như với người Việt tỵ nạn, cũng như hiểu phần nào đường lối của những đảng chính trị lớn tại Hòa Lan. Ông có ngạc nhiên khi thấy trong khi đảng khuynh tả PvdA đề ra nhiều chính sách giúp đỡ người tỵ nạn và người nghèo thì trong suốt hai thập niên đầu gần như toàn bộ người Việt tỵ nạn lại có khuynh hướng tán thành đường lối của đảng hữu VVD? Do VVD có chủ trương cứng rắn hơn trong đối ngoại với Việt Nam chăng? Tôi liên tưởng đến người Việt tỵ nạn thế hệ thứ nhất ở Hoa Kỳ trong thời gian tranh cử giữa Donald Trump và Joe Biden năm 2020, họ cũng có thái độ tương tự. Ông có thể giải thích vì sao lại có hiện tượng này?

Nguyễn Văn Đáo:

Anh Nguyễn Hiền nói đúng. Các bạn học HBO-MW cũng từng hỏi tôi: “Tại sao đảng PvdA tiếp nhận và cưu mang người Việt tỵ nạn mà người Việt tỵ nạn lại thiên về và thân hữu hơn với đảng VVD”. Tôi nghĩ, có lẽ người Việt tỵ nạn bị nỗi ám ảnh không tháo ra được của chữ dịch PvdA là “Đảng Lao Động”. Tiền thân đảng cộng sản Việt Nam cũng tên “Đảng Lao Động”. Thứ hai nữa là họ bị chạm nọc khi gặp chữ “thiên tả”. Và trong những ngày đầu biểu tình chống cộng, có các chánh khách VVD đến nói chuyện chống cộng, họ khoái. Lúc Nguyễn văn Thế, Hoàng Phong, Nguyễn Quang Tiền và tôi xin gặp ông Joris Voorhoeve nhờ giúp đỡ để thầy Minh Giác được đến Hòa Lan hướng dẫn tinh thần cho người Việt tỵ nạn, ông Voorhoeve và vợ con ra cửa, đứng xếp hàng đón tụi tôi. Cái nghĩa cử đó dĩ nhiên gây một ấn tượng mạnh trong đầu bọn tôi. Ở đây, xin nói rõ, tôi không phê phán đúng/sai, tôi chỉ ghi nhận hiện tượng thôi.

Ông Nguyễn Văn Đáo và dân biểu Joris Voorhoeve trong một buổi hội thảo

Nguyễn Hiền: Một người Việt từng làm cho ZOA, tôi muốn nói đến ông Trịnh Vĩnh Bình, đã có một số hoạt động chính trị trong đảng VVD và tạo được quan hệ khá mật thiết với ông Joris Voorhoeve, một lãnh tụ của VVD thời đó (và đã có thời làm Bộ trưởng Quốc phòng). Ông đã có khi nào nghĩ đến cách phục vụ xã hội và làm cái gì đó cho người Việt tỵ nạn qua con đường này khi ông không còn làm cho ZOA nữa hay không? Ông có nghĩ là người Việt tỵ nạn cũng nên tham chính khi có điều kiện, như 2 ông thị trưởng Rotterdam và Arnhem có cùng tên Ahmed (Aboutaleb và Marcouch) là người Maroc?

Nguyễn Văn Đáo:

Vào đầu thập niên 80, chuyện hội nhập chính trị bản xứ được một số anh em thăm dò, bàn tới, rồi sau đó bỏ qua luôn. Đây quả là điều đáng tiếc. Có lẽ người Việt tỵ nạn cộng sản tại Hòa Lan được đối xử bình đẳng, hợp lý như dân bản xứ, không có gì phải tranh đấu. Khi ở Việt Nam, họ còn bị đối xử phân biệt một cách tàn tệ bởi những người cùng dòng máu cùng màu da nữa kia, cho nên họ thấy rõ ràng Hòa Lan có nhân bản hơn. Thứ hai, đa số người Việt tỵ nạn cộng sản tại Hòa Lan trước kia ở Việt Nam không thuộc thành phần tranh đấu chánh trị, và cũng có rất ít nhân vật cao cấp trong chánh quyền Việt Nam Cộng Hòa. Nói cách khác, người Việt tại Hòa Lan có hơi ít máu hoạt động chánh trị, và cũng thiếu kinh nghiệm hoạt động chánh trị. Chánh trị ở Việt Nam qua nhiều năm đã bị những bè phái lôi đi kéo lại làm cho những người có lòng với nước cũng phải e dè vì sợ mang tiếng. Do đó họ không có nhiều hứng thú sinh hoạt đảng phái với người Hòa Lan.

.

Nguyễn Hiền: Đầu mùa thu năm nay (2020) trong cáo phó của cụ Nguyễn Duy Truy, từng là chủ bút Việt Nam Nguyệt San, cũng như trong đám tang của cụ, ông có nhắc đến Nhóm Diên Hồng với lời ca tụng. Xin ông cho biết thêm về nhóm này, các hoạt động của nhóm v.v., vì một nhóm ở Hòa Lan với chiều dài hoạt động cả 30 năm mà không mấy người biết đến.

Nguyễn Văn Đáo:

Đầu thập niên 80, trước sự xuất hiện của “cộng đồng 2” và các đảng phái chánh trị manh nha thành lập, chúng tôi e ngại là tập thể người Việt tỵ nạn cộng sản tại Hòa Lan sẽ bị xé nát ra. Chúng tôi quyết định thành lập một cơ quan điều hợp. Trong bí mật, chúng tôi thành lập Nhóm Diên Hồng.

Nhóm Diên Hồng gồm tất cả các anh em có kinh nghiệm hoạt động, có tinh thần dấn thân. Ngoài các thành viên sáng lập, Nhóm tuyển dụng thêm các anh em mới nổi, chúng tôi chú ý đến những anh em có khả năng, chấp nhận hoạt động, ít thiên kiến, không cực đoan. Sự đồng thuận được áp dụng khi mời một anh em mới vào Nhóm. Nhóm có chủ trương không can thiệp vào sinh hoạt của các tổ chức khác. Vì lợi ích chung, Nhóm có thể cử một vài anh em thích hợp để giúp đỡ tổ chức khác khi cần. Mỗi tháng Nhóm Diên Hồng họp một lần, từ chiều Thứ Sáu đến trưa Chủ Nhựt. Mọi chuyện được đem ra thảo luận, ngoại trừ vấn đề tôn giáo. Không được nổi nóng, tự ái vì nội dung bàn cãi của người khác. Như anh Đặng Minh Kỷ và tôi, vốn ở thế đối lập nhau, nhưng chúng tôi cãi riết mà trở thành bạn, vì cãi đây là để tìm cách giải quyết, không phải kình chống nhau.

Nhóm Diên Hồng thể hiện hiệu quả trong nhiệm kỳ thứ hai của cộng đồng thống nhứt. Nhóm quyết định mời ông Lâm văn Thế ứng cử chủ tịch, ông Vũ Công Cường Ủy Viên Nội Vụ, Tôi giữ nhiệm vụ Tổng Thư Ký. Những công tác nổi bật trong nhiệm kỳ nầy là: Hội Chợ Tết 3 ngày đêm tại Nijmegen, Kỷ niệm 10 năm tỵ nạn tại Apeldoorn, thành lập stichting Lê Lai, Trại hè Thanh niên tại De Glind với vở “Ngựa Anh Đi Trước Võng Nàng Theo Sau.”

Nhóm Diên Hồng chủ trương nên để cộng đồng nắm các công tác văn hóa, xã hội, nhưng sẽ lập thêm một tổ chức chung của các đảng chánh trị hoạt động song hành: đó là Ủy Ban Thống Nhứt Hành Động Chống Cộng. Hội Đồng Điều Hành của Ủy Ban gồm 5 đại diện của 5 đảng và 6 thành viên không đảng phái. Hội Đồng chỉ định một chủ tịch Ủy Ban Thống Nhứt Hành Động là ông Ngô văn Tuấn. Tôi là Tổng Thư Ký của Hội Đồng Điều Hành.

Nhiệm kỳ cộng đồng sắp hết hạn. Nhóm quyết định mời ông Trần Châu Lam ứng cử Chủ tịch cộng đồng và mời luôn ông gia nhập nhóm. Trong cuộc nói chuyện nầy, chúng tôi đưa ra lịch công tác cho cả một nhiệm kỳ: Trại Hè Hùng Vương I cho Thanh Niên Âu Châu, Nghị Hội Thanh Niên Âu Châu, tổ chức Tết Nguyên Đán với các ca sĩ nổi danh, giỗ tổ Hùng Vương với màn trình diễn của giáo sư Trần văn Khê v.v.. Ông Trần Châu Lam là người có kinh nghiệm sinh hoạt công quyền tại Việt Nam, ông cười hề hề nói: Các anh làm việc có bài bản chu đáo quá. Tôi chưa biết, nếu nhận làm chủ tịch cộng đồng thì phải làm gì, các anh đưa ra luôn một lịch công tác với các dự án thực hiện. Tôi không thể từ chối được.

Diên Hồng làm nhiều chuyện, nhưng Diên Hồng không làm gì cả. Tất cả các thành quả công tác của Diên Hồng được gán cho tổ chức đứng danh. Thí dụ như Trại Hè Hùng Vương I là của Cộng Đồng, Ông Chủ Tịch Cộng Đồng đọc diễn văn khai mạc, trả lời phỏng vấn báo chí, đọc đáp từ cám ơn, tiếp đón khách chánh quyền. Những mục này ông Chủ Tịch phải tự lo liệu. Nhưng ở phía sau, Phối Trí Viên là tôi, người thảo dự án là ông Lê Giao, chỉ huy chương trình là ông Vũ Công Cường… Mặt công khai, trại hè Hùng Vương I không hề có dấu vết gì của Nhóm Diên Hồng hết. Điều đó không cần thiết. Không cần thiết chớ không phải bảo tồn một bí mật. Vì thế, sau ba mươi năm hoạt động, Nhóm Diên Hồng chưa được quần chúng biết đến. Nay Nhóm Diên Hồng đã giải tán, chỉ được nêu danh khi có một thành viên qua đời. Thành viên Nhóm Diên Hồng chịu gian khổ hoạt động vô danh chỉ vì sự hứng khởi của hiệu quả công tác. Vâng, chỉ vì hiệu quả công tác mà thôi.

.

Nguyễn Hiền: Năm 1989 Hòa Lan đã tổ chức được trại hè Âu châu lần đầu tiên cho thanh thiếu niên Việt Nam. Trong khoảng thời gian đó – và cho tới sau này tuy ít hơn, Hòa Lan cũng đã tổ chức được nhiều buổi hội thảo quốc tế, họp mặt thảo luận về dân chủ rộng lớn…. Nhưng dường như lần nào cũng chỉ được một kỳ duy nhất, và sau đó những buổi tổ chức này không quay trở lại Hòa Lan nữa. Ông có cảm thấy tiếc là Hòa Lan đã không thể duy trì những dịp họp mặt này không?

Nguyễn Văn Đáo:

Có lẽ tôi phải bổ túc thêm một chút cho câu hỏi trước. Tham vọng của Nhóm Diên Hồng là thực hiện 18 trại hè Hùng Vương, để qua đó xiển dương công trình dựng nước và giữ nước của tiền nhân. Song song với Trại Hè Hùng Vương là 18 Nghị Hội Âu Châu để các thức giả đưa ra những chương trình giải quyết các vấn nạn Việt Nam. Nhóm Diên Hồng buông tay vì các thành viên hoạt động bị mất hứng khi đối diện với các trò bẩn chính trị. Các anh em không ngờ, mình xả thân hoạt động chỉ vì lý tưởng muốn làm được các việc hay, việc tốt cho đồng hương và cho chính mình, nhưng lại phải ngồi đó tháo gỡ những mắc mứu dơ bẩn của mưu lược chính trị, nên anh em buông tay.

.

Nguyễn Hiền: Thế hệ thứ nhất của người Việt tỵ nạn tại Hòa Lan luôn hô hào giới trẻ cùng tham gia hoạt động với họ và kế tục con đường của các bậc cha ông, nhưng cho tới nay lời kêu gọi này, theo ý riêng tôi, không được đáp ứng bao nhiêu. Ông có đồng ý như vậy không? Nếu có, giả sử bây giờ được quay ngược thời gian, ông có nghĩ là cả hai thế hệ – thứ nhất và thứ hai – phải thay đổi nhiều để không đưa đến cách biệt như hiện nay? Hoặc ông cho đó là quy luật tự nhiên của đất trời và ta phải chấp nhận?

Nguyễn Văn Đáo:

Chủ đề xung đột giữa thế hệ thứ nhứt và thứ hai của người Việt tỵ nạn tại Hòa Lan được cộng đồng thời đó đưa ra trong một cuộc thảo luận, sau đó được cơ quan ZOA tổ chức thảo luận. Nội dung các cuộc thảo luận nầy, tôi ghi nhận rằng, thế hệ thứ nhứt ôm nguyên con khuôn khổ hành xử của xã hội Việt Nam để cố áp dụng nó một cách cứng ngắc trong xã hội Hòa Lan. Trong khi đó con cái Việt Nam sinh ra, lớn lên và đi học tại Hòa Lan. Nó là đứa con nít Hòa Lan da vàng mũi tẹt. Sự xung đột hai thế hệ, thực chất là sự xung đột giữa hai nền văn hóa trong một gia đình.

Tôi trộm nghĩ, người ta sinh ra là để sống hạnh phúc, không phải để thực hiện di chí của ai hết. Điều đáng thảo luận là sống thế nào để được hạnh phúc. Hãy để con cái chúng ta chọn lựa – dưới sự khuyên bảo, chớ không phải áp đặt, cách sống hạnh phúc của riêng chúng nó. Quê hương Việt Nam hay quê hương Hòa Lan trong lòng nó, hãy để nó tự cảm nhận.

.

Nguyễn Hiền: Thời gian sau này ông có viết một số truyện ngắn đậm nét Phật và Lão (1). Ông có nghiên cứu về tôn giáo? Hay đó là cô đọng của những trải nghiệm của ông qua những thăng trầm trong cuộc đời?

Nguyễn Văn Đáo:

Tôi có đọc một ít sách Phật và Lão, nhưng thu hoạch chẳng bao nhiêu. Nói một cách khác, các kiến thức nầy nó từ từ thấm vào mình như nước nuôi cây và chìm xuống tiềm thức. Lần lần đến hạn tốt nào đó, vào một ngày đẹp trời, một khái niệm vỡ ra trong lòng: à thì ra thế. Rồi tôi đem trải nghiệm đó nhét vào truyện. Thí dụ hiện tại tôi mang trong đầu khái niệm vô ngã. Nếu hiểu vô ngã chỉ là không thôi, thì cái chuyện lên niết bàn hay vào cõi súc sinh đâu có mắc mớ gì đến tôi. Vậy thì phải hiểu cái ngã nó biến dịch trong thời không, không xác định được cái nào là bản thể chân thật hết, vì vậy mới cho là vô ngã. Có thể năm ba năm nữa tôi lại ngộ ra vô ngã một cách khác.

.

Nguyễn Hiền: Câu hỏi chót: Ông là một tín hữu Cao Đài, xin ông cho biết các tín hữu Cao Đài người Việt ở Hòa Lan có một tổ chức để giữ những liên lạc với nhau, hoặc có tổ chức chung một ngày lễ nào đó trong năm hay không?

Nguyễn Văn Đáo:

Vâng, tôi là tín hữu Cao Đài. Lúc trước, trong 10 năm đầu ở Hòa Lan, hàng tháng tín hữu Cao Đài trên dưới mười mấy người, có tụ hội lại trong các kỳ lễ cúng kiến, đọc kinh. Lần lần số người ít lại vì già yếu, qua đời, rồi ngưng luôn.

.

Nguyễn Hiền: Cám ơn ông đã dành thời giờ để trả lời rất rõ ràng rành mạch những câu phỏng vấn. Những điều ông vừa trình bày chắc chắn sẽ là những tham khảo hữu ích cho mọi người sau này. Cũng xin chúc ông năm 2021 mọi điều an lành cho bản thân cũng như cho gia đình.

Nguyễn Văn Đáo:

Tôi cũng rất cám ơn anh Nguyễn Hiền.

Cuộc phỏng vấn của anh làm cho tôi hốt nhiên nhìn lại gần cả đời mình và vô tình làm cuộc kiểm điểm, nhận ra nhiều chỗ đúng sai của cuộc đời mình và theo đó những xúc cảm vui buồn cùng kéo về, giống như tôi ngồi xem phim của chính mình. Cám ơn anh.

_________

(1) Xem một số truyện ngắn của Nguyễn Văn Đáo trong website Cái Đình (hoặc link: www.caidinh.com/trangluu/vanhocnghethuat/van/nguyenngon_van.htm)

 

Direct link: http://www.caidinh.com/trangluu/phongvanthuyennhan/phongvannguyenvandao.htm


Cái Đình - 2020