Nguyễn Lân Thắng


Xã hội dân sự ở Việt Nam

Dưới đây là bài phát biểu của blogger Nguyễn Lân Thắng, được đưa lên YouTube ngày 20/09/2013

 

Xem video

 

Xin chào các bạn,

 

Tôi là Nguyễn Lân Thắng, một người hoạt động xã hội ở Hà Nội. Vì tôi được nhiều người biết tôi dưới dạng là do tôi đã chụp được nhiều bức ảnh về các hoạt động dân sự, những điều mà báo chí chính thức Việt Nam bị kiểm duyệt.

Những bức ảnh đó đầu tiên tôi chỉ đưa lên Facebook cá nhân, nhưng ngay sau đó nhiều blogger và truyền thông nước ngoài tỏ ý đặc biệt quan tâm. Và tôi đã gửi cho họ. Một cách khác, tôi đã trở thành nguồn tin của họ để hệ thống truyền thông quan tâm đến điều gì thật sự đang xẩy ra ở Việt Nam.

Truyền thông xã hội đã mang lại cho tôi một phương tiện cực kỳ quan trọng để diễn đạt suy nghĩ, nguyện vọng của mình, đồng thời nó mang đến cho tôi nhiều người bạn cùng chung lý tưởng và cả sự rắc rối nữa. Tôi nói đến sự rắc rối bởi vì tôi đã bị đặt vào tầm ngắm của cơ quan an ninh từ rất lâu rồi. Ðiều đó là do những vấn đề tôi đề cập trên Facebook phần nào đã bẻ gẫy được cách thông tin một chiều của hệ thống truyền thông khổng lồ của Việt Nam bấy lâu nay vẫn làm. Có rất nhiều ví dụ về chuyện đó. Như một ví dụ cụ thể là chuyện xẩy ra ở Văn Giảng năm 2012 khi có khoảng 5000 công an tràn đến đây để hỗ trợ chuyện cưỡng chế.

Hệ thống tuyên truyền của nhà nước nói đây chỉ là một cuộc cưỡng chế đất đai từ tay những người nông dân thiếu hiểu biết pháp luật và không có ai bị đánh đập. Vài tiếng sau, tôi tung lên YouTube và Facebook đoạn video do tôi và một người bạn quay ở hiện trường cảnh công an đánh đập người dân, nhà báo một cách hết sức khủng khiếp. Ðoạn video đã có cả triệu lượt truy cập và được cóp-pi khắp nơi. Hệ thống truyền thông nhà nước không còn cãi được điều gì nữa.

Khi truyền thông xã hội phát triển mạnh, người dân dần dần bắt đầu thay đổi nhận thức. Họ được biết những điều mà từ trước đến nay chính quyền che dấu nhân dân một cách có hệ thống. Người dân bắt đầu học sử dụng truyền thông xã hội để tự bảo vệ quyền của mình và nhà nước thì có vẻ bớt hung hăng khi nói với công chúng về vấn đề chính trị xã hội. Theo tôi, truyền thông xã hội vừa làm tăng cả số người hoạt động xã hội tự do, vừa cung cấp thêm phương tiện để những người hoạt động trước đây có công cụ để hoạt động. Trước đây những người hoạt động như tôi rất là ít và họ thường trả giá bằng những năm tù. Ðối với tôi, họ là những anh hùng. Nay thì một bà già 70 có thể tham gia mạng xã hội và phản ánh thực tiễn cũng như chỉ trích chính phủ trên mạng. Họ quá đông và họ không thể bắt được.

Ðể đối phó với truyền thông xã hội, nhà nước đã dùng tường lửa chận Facebook, blog và các trang truyền thông nào đó nói về những điều mà họ cho là không có lợi. Họ đe dọa, họ ném chất bẩn vào nhà, họ triệu tập thẩm vấn, thậm chí họ bắt tù những người vốn rất ôn hòa, chỉ phản kháng nhà nước bằng những giòng chữ. Tại những điểm “nóng” xẩy ra biểu tình hay những phiên tòa xử những người bất đồng chính kiến, họ tiêu diệt những người cầm máy ảnh, điện thoại thông minh đầu tiên và có rất nhiều người bị đập máy ảnh điện thoại bởi lực lượng cảnh sát thường phục cực kỳ hung hãn. Việc đó xảy ra thường xuyên ngay cả thời điểm khi bạn đang nghe tôi nói đây. Tuy nhiên, các nhà hoạt động xã hội vẫn có những biện pháp để chống lại điều này mặc dù chuyện bị đánh đập, bị bắt bớ chưa bao giờ dừng lại. Tự do phải trả bằng máu là như thế đó.

Thời gian gần đây Việt Nam xuất hiện nhiều cây viết tự do chuyên tập trung vào các vấn đề môi trường, y tế, văn hóa, giáo dục. Họ không bình luận trực tiếp về chính trị nhưng những phát hiện của họ rất thú vị và thu hút được sự quan tâm lớn của cộng đồng. Nó củng cố những luận điểm mà những cây viết chuyên về bình luận thời sự chính trị trở nên gần gũi và xác thực hơn. Người dân coi những bài viết của họ, dần dần nhận thức ra những vấn đề xã hội đang diễn ra bắt nguồn tứ chính mô hình độc đảng phi dân chủ. Sự phản kháng dân sự bắt đầu hình thành và chính những cây viết có tên tuổi hầu hết đều trở thành những nhà hoạt động xã hội có vai trò kết nối rất quan trọng trong phong trào dân sự đang nổi lên. Ðể chống lại các nhà hoạt động xã hội, nhà nước sử dụng không chỉ sử dụng điều 88 của bộ luật hình sự là tội “tuyên truyền chống nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” mà còn dùng điều luật 258 của bộ luật này với tội danh “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức công dân.”. Ðây là một hành vi đàn áp có hệ thống của nhà nước chà đạp lên tự do ngôn luận và các quyền chính đáng khác của con người. Ðể chống lại việc sử dụng điều 258 này cũng như các điều luật khác nhằm bắt bớ tùy tiện blogger bất đồng chính kiến, một liên minh những người viết và sử dụng blog đang hình thành lấy tên là Mạng Lưới Blogger Việt Nam. Mạng lưới này đang tổ chức các cuộc vận động vào tầm cỡ quốc tế để trao tuyên bố 258 đến nhiều tổ chức quốc tế và cơ quan ngoại giao nhằm yêu cầu Việt Nam nếu muốn trở thành thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2014-2016 thì phải tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Ba trường hợp mới đây nhất bị bắt giữ là Trương Duy Nhất, Phạm Viết Ðào, Ðinh Nhật Uy cũng là do điều luật 258 của bộ luật hình sự. Bản tuyên bố này cho thấy bất cứ ai dùng blog hay mạng xã hội để nói lên những chính kiến của mình đều có thể bị bắt. Cuộc vận động này bước đầu đã thu hút được sự quan tâm ủng hộ của rất nhiều tổ chức quốc tế lớn như là HRW, SEAPA, Front Line Defenders, CPJ, Freedom House…

Tự do ngôn luận là một trong những quyền tự do con người cực kỳ quan trọng. Nếu ngăn chặn nó, xã hội sẽ phát triển méo mó nghiêm trọng vì sẽ không có ai phản biện lại những chính sách của nhà nước. Nhưng nếu để tự do ngôn luận, lợi ích nhóm của những kẻ cầm quyền sẽ trở nên lung lay và những đặc quyền của họ giành được sẽ mất. Chính vì vậy, chính quyền Việt Nam từ khi hình thành đã ra sức bóp nghẹt tự do ngôn luận, bịt miệng những tiếng nói trái chiều hòng ngu dân để dễ bề cai trị bằng những thủ đoạn trấn áp một cách có hệ thống từ những năm 1950. Việt Nam hiện nay có khoảng 800 tờ báo và đài phát thanh truyền hình khác nhau, nhưng tất cả chỉ nghe lệnh từ một nơi duy nhất, đó là Ban Tuyên Giáo Trung Ương.

Ðây là nơi hình thành những chính sách tuyên truyền của Ðảng Cộng Sản Việt Nam và ra lệnh ngầm về việc đưa tin viết bài đến tất cả các tờ báo. Bất cứ chủ đề nào nhạy cảm mà báo chí đưa ra có thể dẫn đến việc chỉ trích chính sách của chính phủ đều bị nơi này can thiệp. Nhiều tờ báo ngành sống lay lắt bằng một ngân sách nhà nước không có bài vở gì đặc sắc mà chủ yếu khai thác thông tin lá cải. Nhưng khi có lệnh từ Ban Tuyên Giáo, những tờ báo này sẵn sàng đưa ra các bài viết nhằm tuyên truyền hoặc là bôi nhọ uy tín, nhục mạ những người bất đồng chính kiến hòng chuẩn bị dư luận và để tạo cớ cho công an bắt bớ họ dễ dàng. Tôi đã nhiều lần bị bắt giữ trái phép khi có mặt để chụp ảnh tại các điểm “nóng” như biểu tình ôn hòa, hội họp, xử án người bất đồng chính kiến… Mục đích chính của cơ quan an ninh là ngăn chận tất cả những ai có thể quay phim chụp ảnh và đưa tin trực tiếp lên các trang mạng xã hội. Thường thì họ giữ tôi khoảng nửa ngày để thẩm vấn, lục lọi máy ảnh, điện thoại, máy tính hòng tìm bằng chứng nào đó để bắt giam tôi lâu hơn. Tuy nhiên mọi thứ nhạy cảm đều nằm ở trong đầu tôi thôi, và họ không có bằng chứng nào hết và tôi thì tôi cũng quá quen với việc bắt giữ trái phép như thế này.

Tôi có rất nhiều người bạn dùng nick ẩn danh trên mạng. Thực ra điều đó rất nguy hiểm vì an ninh Việt Nam có ngân sách dồi dào và kỹ thuật hùng hậu. Họ có thể truy tìm được hầu như mọi blogger ngay lập tức. Có nhiều blogger an ninh họ đã biết nhưng chưa bắt bởi vì ảnh hưởng của blogger này chưa đủ tầm nguy hiểm. Họ chỉ không thể làm gì khi blogger ở nước ngoài hoặc nếu blogger đó có nhiều bạn bè sống xung quanh, có tên tuổi đàng hoàng, được truyền thông độc lập bên ngoài hỗ trợ. Rất nhiều blogger mặc dù khá nổi tiếng, ví dụ như là ông Phạm Viết Ðào, ông Trương Duy Nhất… họ vẫn bị bắt dễ dàng bởi vì ngoài những bài viết trên mạng họ không tham gia phong trào ngoài đời, không có quần chúng ủng hộ sát bên cạnh. Trường hợp của blogger Ðinh Nhật Uy thì do blogger này quá cô đơn và sống ở Long An, khi an ninh gây hấn và bắt bớ rất khó có ai xung quanh để bênh vực. Có rất nhiều ví dụ khác cho thấy nhiều người hoạt động bị bắt rồi đến khi tòa xử án mà cộng đồng mạng hoàn toàn không biết người đó là ai, hoạt động những gì trước đây để lên tiếng bênh vực. Chính vì lẽ đó, tôi nghĩ rằng việc công khai danh tính là việc cực kỳ quan trọng để nhận được sự ủng hộ của truyền thông xã hội, nhưng quan trọng hơn là các blogger phải hòa mình vào các hoạt động dân sự ngoài đời, bởi vì khi có chuyện xẩy ra, những người sống bên cạnh bạn cực kỳ quan trọng. Chính thái độ và hành động của họ là những điều an ninh ngại nhất. Là một người chuyên chụp ảnh về các sự kiện về xã hội dân sự, tôi mong muốn là không còn có bàn tay nào che vào máy ảnh của tôi nữa.

Tôi mong muốn mình được tự do ghi lại những điều gì xẩy ra ngoài xã hội. Tôi muốn mình không phải trốn ra khỏi nhà trước các cuộc biểu tình. Tôi muốn mình không bị thẩm vấn hay bắt giữ trái phép khi mà tôi chỉ làm điều duy nhất, đó là phản ánh sự thật cho người dân. Chỉ có tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do truyền thông mới thúc đẩy Việt Nam thoát khỏi cảnh nghèo nàn lạc hậu, người dân mới được sống hạnh phúc.

Cách đây hơn một năm tôi bị công an theo dõi gắt gao, bị bắt giữ trái phép nhiều lần vì những bức ảnh. Lúc đó có quá ít người tham gia việc chụp ảnh và đưa tin lên truyền thông xã hội hay tin tức của các cái cuộc biểu tình hay cưỡng chế, vì vậy họ dễ dàng khoanh vùng và tìm cách khống chế những người như tôi. Bây giờ thì quá đông, họ không thể bắt hết. Người Việt Nam khắp nơi nhanh chóng nhận ra sức mạnh của truyền thông xã hội khi họ sử dụng nó như công cụ bảo vệ mình trước những bất công. Hàng ngày những dòng tin, hình ảnh, video chẩy tràn trên các mạng xã hội, Facebook, YouTube, blog để tố cáo những bất công trong xã hội. Truyền thông xã hội đã gột tẩy não trạng nô lệ của người Việt Nam. Ngày càng có nhiều nhóm hoạt động dân sự hình thành thông qua mạng xã hội.

Nhà nước điên cuồng tấn công các blogger bằng những phương pháp triệu tập, thẩm vấn và nhà tù nhưng họ gần như bối rối, bất lực trước sự phát triển ồ ạt của truyền thông xã hội. Những gì đang xẩy ra ở Việt Nam ba năm qua nhanh hơn 30 năm trước gộp lại. Nhất định chúng tôi, những người dân Việt Nam sẽ chiến thắng.

Truyền thông xã hội theo tôi là một hình thức truyền thông mở, ngay tất cả những ai tham gia đều có quyền bình đẳng, có quyền đưa ra những sản phẩm thông tin của mình đến với thế giới. Nó trở thành phương tiện quan trọng để bảo vệ lợi ích của những nhóm thiểu số chống chọi lại hệ thống tuyên truyền khổng lồ của nhà nước độc tài để kết nối tất cả những người dân khắp nơi trên thế giới nhằm xây dựng một cuộc sống tốt đẹp hơn, lấy con người với những quyền cơ bản của nó làm giá trị trung tâm để phát triển.

Xin chào các bạn.

 

Nguyễn Lân Thắng

 


Cái Đình - 2013