Nguyễn Thị Quỳnh Anh


Tư duy tỉnh lẻ

 

Cách đây 45 năm khi Nelson Mandela còn nằm trong phòng giam ở Robben Island, Neil Amstrong là người đầu tiên đặt chân trên mặt trăng. Từ một mặt phẳng trơn trụi của một thiên thể khác những phi hành gia của Apollo đã nhìn thấy thế giới quê nhà của họ, với những dân tộc, những nền văn hóa và tôn giáo khác biệt nhau trong đó, như là một quả cầu tròn nhỏ, xanh dương, mong manh đang lơ lửng trong không gian tối đen. Mandela có thể cảm thấy nó rất đẹp.

Ðã có nhiều thay đổi kể từ năm 1969. Trong thời gian đó việc chạy đua lên cung trăng là một tiêu biểu của Chiến Tranh Lạnh. Internet chỉ hiện hữu trong các sách khoa học giả tưởng. Tác phẩm 1984 của Orwells là một cơn ác mộng trong tương lai. Trung Quốc chỉ là một quốc gia xa lạ cho nhiều người Tây Phương.

Bây giờ là năm 2013, thế giới đan chéo vào nhau thành một mạng lưới dữ liệu khổng lồ, mọi người biết tất cả về nhau và Trung Quốc đã thực hiện một cuộc hạ cánh êm ái trên mặt trăng. Tin đó không lên trang đầu của báo chí. Chúng ta không còn có cái nhìn thán phục nữa: tất cả đều có thể thực hiện được ngày nay. Thực tại mặt trăng đó còn ít ngoạn mục hơn thể giới giả tạo của Hollywood và của PlayStation 4. Chúng ta đã quá được nuông chiều. 

Khiếm khuyết nể nang và sự hào hứng có thể đưa đến châm chọc hay chỉ trích. Có lợi ích gì về việc đáp xuống mặt trăng đó? Bộ Trung Quốc không có những vấn đề lớn lao hơn để bận tâm hay sao? Nó đem lại điều gì và có giá trị kinh tế hay khoa học gì? Ðó là những câu hỏi thích đáng và may mắn là được đặt ra một cách nghiêm chỉnh vào lúc này.

Kế bên đó hãy còn một thành phần văn hóa quan trọng thường bị bỏ qua. Việc thám hiểm không gian cho chúng ta một cái nhìn bên ngoài về trái đất và đặt chúng ta trước một tấm gương vũ trụ. Tất cả chúng ta cùng ngồi trong một chiếc ghe nhỏ, chúng ta là những người có cùng số phận hành tinh và chỉ có thể cùng học hỏi để sống chung với nhau. Sự ưu tư về môi sinh, việc bảo vệ những nhóm người yếu đuối hơn, sự kêu gọi và hòa bình và công lý: chúng nhập vào nhau thật khít khao trong hình ảnh sâu sắc của cái chấm tròn màu xanh dương đó.

Có thể chẳng còn bao lâu nữa Chang’e 3 sẽ chụp một tấm hình của quả địa cầu. Trên đó chúng ta thấy Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nga…  Bạn có thể chỉ Hòa Lan nằm ở nơi nào, và kế bên đó: Lampedusa, Kiev và Syria. Và hãy nhìn đàng kia: Robben Island. Tấm hình đó có thể sẽ được đăng trên trang đầu. Sự tranh đua háo chiến trong việc du hành trong không gian đã nhường chỗ cho sự hợp tác hòa bình, Và sợ hãi nhường chỗ cho hy vọng. Hy vọng cho một thế giới tốt đẹp hơn không chỉ vì do các áp dụng lợi ích như các vệ tinh khí hậu, vệ tinh truyền thông, mà nhất là do một nhân ảnh có ít tính cách tỉnh lẻ hơn trong tâm trí con người.

Như thế có ngây thơ và lý tưởng hay không? Có thể lắm. Nhưng người ta cũng từng nói điều đó về Nelson Mandela.

 

Nguyễn Thị Quỳnh Anh,
trích và lược dịch từ “Bijdrage aan een Minder Provinciaal Mensbeeld”, Govert Schilling, de Volkskrant  16-12-2013

 


Cái Đình - 2013