Trần Công Nhung


Chủ đề trong nhiếp ảnh

Khi đưa máy ảnh lên ngắm tất nhiên chúng ta đã có chủ đích chụp cái gì, không ai nhìn vào máy, bấm máy mà lại không biết cái mình chụp. Chính sau giây phút bấm máy hình ảnh vẫn còn đọng lại trong trí, có khi ám ảnh người chơi cho đến lúc ra ảnh mới thôi. Cái mà chúng ta chọn lựa để chụp, đó là chủ đề. Tùy theo nội tâm, tùy theo chủ đích của mỗi người mà chủ đề ảnh được chọn lựa khác nhau. Trước cùng một cảnh vật không phải ai cũng chọn chung một chủ đề. Chủ đề cũng có thể thay đổi từng lúc theo cảm hứng của người cầm máy. Một người nhạy cảm và có cái nhìn rành mạch dứt khoát thường quyết định nhanh trong việc chọn chủ đề cho tác phẩm, người mới tập chơi, thường loay hoay tìm kiếm, ngắm lui ngắm tới, tự hỏi Chụp cái gì, chọn thứ gì, gì cũng đẹp cả, biết bỏ cái nào. Vì chưa quen trong cách nhìn để chọn chủ đề nên sinh lúng túng. Khi bị khựng trong việc chọn chủ đề thì rất dễ mất cơ hội làm bàn. Bởi thế trong những chuyến đi săn ảnh chung, người thì được nhiều tác phẩm, người không có tấm nào.

Vậy chủ đề trong nhiếp ảnh là gì ?
Chúng ta đã biết, việc chọn chủ đề tùy theo trình độ và cảm thức của mỗi người. Người thiên về mô tả sinh hoạt xã hội, người thiên về tình cảm, người thích diễn đạt một ý tưởng, một cảm xúc, có người ngả hẵn về trừu tượng...Do đó có những nhà nhiếp ảnh chỉ chuyên về một loại đề tài. Chụp người, chụp cảnh, chụp dã thú vv..vv

Như vậy hình tượng của chủ đề rất đa dạng, khó có một mẫu mực tiêu biểu. Tuy nhiên chúng ta có thể đưa ra một vài trường hợp để thấy rõ hơn.
Bước đầu chụp ảnh, chủ đề bao giờ cũng là con người. Đi thực tập sáng tác mà không có người mẫu là không xong. Con người dễ nhận ra, dễ xếp đặt, hơn nữa, giữa người mẫu và người ảnh dễ có những cảm ứng giao hòa về cảm xúc, một yếu tố quan trọng cho tác phẩm.
Người mẫu là một khuôn mặt đẹp duyên dáng, có nét độc đáo khác thường (một thiếu nữ đương thì, một lão ông râu tóc bạc phơ) lại càng lôi cuốn người chụp, giúp người chụp nhạy bén hơn. Làm nghệ thuật mà lúc nào cũng bằng chân như vại (cứng đơ), thì khó có tác phẩm mê người xem, lôi cuốn người đọc. Người mẫu được đặt vào bối cảnh chọn sẵn, bao nhiêu máy ảnh hướng về chủ đề. Trước một hoạt cảnh ngày mùa nơi thôn dã, hay giữa đường phố đông người, người ảnh sẽ focus vào cái gì. Câu hỏi mở ra vô số cách nhìn khác nhau tùy vào tâm thức mỗi người.
Những người mới vào làng ảnh, lòng còn tươi rói chất nghệ thuật, chắc chắn sẽ có cái nhìn dung dị, độ lượng, sẽ đưa chủ đề (người mẫu) vào một khung trời thoáng rộng, có nhà cửa cây cối, có xe cộ với bao người qua lại. Người mẫu được sống trong một khung cảnh quen thuộc của xã hội mình, những tay ảnh thâm niên hơn, tâm hồn không còn bồng bột sẽ đóng khung chủ đề vào một góc nào đó của họat cảnh, lại cũng có những người cầm máy đã thấm mệt với nhân tình thế thái thì nhìn chủ đề dưới góc độ nghiệt ngã hơn, đẩy chủ đề vào một bóng tối, cắt một nửa người, có khi chỉ còn lại chòm tóc bay trước gió như muốn trả lại tất cả cho đời mà theo hư không. Chẳng ai giống ai, đó là yếu tính của sáng tạo trong nghệ thuật. Nhưng, hoàn toàn không phải vin vào lẽ đó mà sáng tác cách bừa bãi.
Năm 74, trong một buổi thực tập sáng tác, tôi đưa một số anh em lên xóm dừa Chợ Mới (Nha Trang). Thấy có nếp nhà tranh vách đất, thềm đá lổ chổ khá hay. Tôi nhờ một bà già ngồi khâu áo trước thềm. Bài học ai cũng thuộc, bây giờ là phút thể hiện cái nhìn của mỗi người.
Lúc ra ảnh, hầu như ai cũng giống nhau. Ảnh nào cũng có nguyên ngôi nhà, có cả Bàn Thiên trước sân, cây cối quanh vườn, chủ đề (bà già) còn lại tí ti.
Khi được hỏi chụp vậy để làm gì ? Thử phân tích cái đẹp trong ảnh. Không ai nói được, và ai cũng thấy cái hớ của mình. Đã ôm đồm quá nhiều để cuối cùng chẳng nói được bao nhiêu. Trong số người tham dự buổi chụp có anh Trần Đăng Vĩnh (Thiếu Tá Không Quân), anh hiện định cư ở Úc, qua mục Góc Ảnh anh em vừa liên lạc lại với nhau. Anh không quên nhắc lại buổi đi chụp Trăng trên đèo Rù Rì (Nha Trang) để rồi đêm sau lo tìm đường vượt biên.

Nghệ thuật luôn gắn liền với cuộc sống, thế nên thường bị cuộc sống chi phối. Người sáng tác cố giữ trung đạo cho đến khi mình trở thành Siêu Sao, lúc ấy đường ta, ta cứ đi. Trong tác phẩm, con người là chủ đề thì tất yếu con người phải có vai trò xứng đáng, nghĩa là khi xem ảnh, vị trí con người trong tác phẩm phải được nổi bật. Không phải từ ý nghĩ lấy con người làm chủ đề rồi muốn đặt vào xó xỉnh nào trong ảnh cũng được. Trong các hoạt cảnh xã hội : Bến tàu, sân ga, nơi sân trường hay trong đình chợ, con người bao giờ cũng là chủ đề của ảnh. Sự khéo léo hơn nhau ở đây là biết chọn lựa chắt lọc, sắp xếp cho một chủ đề, nghĩa là nói được cái dụng ý của người cầm máy. Có những tác phẩm nhìn vào thấy người là người, màu sắc đẹp, nhưng không nói được điều gì cả, một tấm ảnh vô tội vạ.

Chủ đề là trái tim của tác phẩm, là tâm sự của tác giả, là câu chuyện gởi đến người xem. Xem một tác phẩm mà không nhận ra chủ đề thì sẽ không hiểu tác giả nói gì, diễn đạt cái gì, tất nhiên tác phẩm sẽ không tạo được cảm xúc nơi người xem, người xem luôn luôn là kẻ xa lạ đối với tác giả. Nhưng, làm sao để chủ đề được nổi bật, được nhận ra ? Chúng ta đã sang vấn đề khác : Bố cục, đừng nét, ánh sáng, trước đây tôi đã nói qua, có dịp sẽ bàn lại.

Có người đặt câu hỏi : Có thật sự lúc nào ảnh cũng cần có chủ đề, và chủ đề phải là con ngườỉ ?

Tất nhiên là không. Có muôn trùng loại chủ đề, từ nhân dáng con người, cỏ hoa sông núi, đến những ý nghĩ trừu tượng, đều có thể là những chủ đề của người làm nghệ thuật. Lắm khi có sự hiện diện của con người lại làm hỏng tác phẩm. Một ngọn lá, một phiến đá, một đóa hoa tàn cũng có thể làm chủ đề, điểm chính là nói cho được dụng tâm của người sáng tác. Có những tác phẩm nhìn qua chẳng thấy gì là chủ đề, nhưng lại tạo được rung cảm sâu đậm nơi người xem. Vấn đề xem ra không đơn giản, chúng ta sẽ trở lại trong những kỳ tới.

Trần Công Nhung
Tháng 9 - 2002


Vài dòng về tác giả

Trần Công Nhung, gốc Quảng Bình, học ở Huế từ nhỏ cho đến lúc đi làm. Trước 75 dạy học tại Nha Trang. Năm 92 định cư Hoa Kỳ. Thú tiêu khiển gồm có:
• Ảnh Nghệ Thuật
• Cây Kiểng (Bonsai)
• Non Bộ
• Du lịch
• Bút ký

Ảnh Nghệ Thuật:
Giải Đặc Biệt (Trophy) và Huy Chương Vàng (70) Huy Chương Đồng (71). Triển lãm cá nhân tại Nha Trang (72). Huy Chương Bạc PSA (2000) đã dự nhiều cuộc triển lãm Quốc nội và Quốc tế từ 1970. Sáng lập và làm Chủ Tịch Hội Nhiếp Ảnh Khánh Hòa (70). Sáng lập và Chủ Tịch Hội Nhiếp Ảnh South Bay (California) 1998. Giám Khảo nhiều cuộc thi ảnh trong nước và hải ngoại. Đã mở nhiều khóa nhiếp ảnh (trong nước 1970, Hoa Kỳ 98 - 2001).

Cây Kiểng:
Giải Đặc Biệt, Huy Chương Vàng, Bạc, Đồng tại Hội Hoa Xuân Tao Đàn (88 và 90).

Đã viết cho các báo:
Việt Báo, Người Việt, Thằng Mõ, Viethome Magazine, Trẻ Magazine (California) Hương Quê (TX) Nguyệt San Giao Mùa (Net) Washington, Saigon Times (Australia) Hương Văn. Hiện phụ trách mục Quê Hương Qua Ống Kính trên Nhật Báo Người Việt.
Tự lo trang nhà (Homepage) hàng tuần trên địa chỉ: www.ltcn.net

Tác phẩm đã in và phát hành:
• Quê Hương Qua Ống Kính (tập 1) Quảng Bình Quan xb 2002
• Quê Hương Qua Ống Kính (tập 2) Quảng Bình Quan xb 2003
• Buồn Vui Nghề Chơi Cây Kiểng Quảng Bình Quan xb 2003
• Bộ 3 DVD với 150 ảnh màu về Quê Hương Quảng Bình Quan xb 2004


Cái Đình - 2003