Đỗ Quý Toàn


 

Tuyển tập nhạc
Tình Yêu - Quê Hương và Thân Phận

Được thực hiện với sự hỗ trợ của Hoàng Ngọc Tuệ-Hoàng Vĩnh. Trình bày và hình ảnh: Minh Chiến.
In tại Trung Tâm nhật báo Người Việt, California Hoa Kỳ, 2012.

Tuyển tập gồm 50 ca khúc do tác giả cùng ý kiến đóng góp chọn lọc của bằng hữu và người thân quen ưa thích:

– Ca khúc được sáng tác xưa nhất: Vắt Tay Lên Trán (1967), Gọi Tên Đất Mẹ (1967). Ca khúc được sáng tác gần nhất: Đừng Quên (2012).
– 27 ca khúc do Nguyễn Quyết Thắng viết nhạc và lời.
– 8 ca khúc do Nguyễn Quyết Thắng soạn nhạc, bằng hữu viết lời (Nguyễn Minh Nữu, Võ Văn Bửu Thiết, Đoàn Văn Khánh, Nguyễn Uyển Thượng).
– 15 ca khúc do Nguyễn Quyết thắng phổ nhạc từ thơ của Cung Vũ, Đoàn Bằng Hữu, Nguyễn Minh Nữu, Phan Các Chiêu Hằng, Phan Ni Tấn, Nguyễn Hoàn Nguyên, Thái Trung, Cao Bá Hưng, Du ca Kiên Giang, Y Dịch, Nguyễn thị Vành Khuyên và ý thơ của Hoàng Khởi Phong.
– Ngoài ra còn có những bài viết vể nhạc sĩ Nguyễn Quyết Thắng cùng  các sáng tác của tác giả và phong trào Du Ca của Đỗ Quý Toàn, Phương Oanh, Nguyễn Thị Vành Khuyên, Nguyễn Minh Nữu, Lý Thảo Yên, Đào Quốc Bảo.

 

Lời giới thiệu của Ðỗ Quý Toàn

 

Nghe Những Bài Ca Nguyễn Quyết Thắng

Nguyễn Quyết Thắng thuộc thế hệ thanh niên Việt Nam được giáo dục trong một nền nếp cũ. Trong gia đình cũng như trong trường học các thanh thiếu niên được cha mẹ và thầy cô dạy các quy tắc đạo lý cổ truyền, phải biết yêu nước, thương nòi, phải biết giúp ích và đặt ích lợi chung của xã hội trên quyền lợi của bản thân mình. Nguyễn Quyết Thắng lớn lên ở miền Nam trong thời chiến tranh, nhưng ở đó giới thanh niên vẫn được thở trong không khí tương đối tự do, được phát triển những lý tưởng trong lành, mong xây dựng một tương lai tốt đẹp cho bản thân mình trong một đất nước đang phát triển. Tâm tư và ước vọng của Nguyễn Quyết Thắng được thể hiện trong các hoạt động và những ca khúc của anh suốt cả cuộc đời, là những dấu tích có thể giúp chúng ta hình dung ra một thời đại qua hình ảnh của một thanh niên yêu nước, yêu đời và muốn góp phần làm đẹp cho xã hội, cho dân tộc và cho tất cả mọi người.

Trong trại công tác của Chương Trình Công Tác Hè 1965, Nguyễn Quyết Thắng đã tình cờ nghe được một số bản nhạc của Nguyễn Đức Quang như: Anh Em Tôi,  Đường Việt Nam, Về Với Mẹ Cha, v.v. Những ca khúc nầy khác hẳn những bản nhạc anh quen thuộc. Những ca khúc được hát chung ở đám đông, không cần ca-nhạc sĩ chuyên nghiệp, không lấy tình cảm cá nhân làm trung tâm mà luôn luôn tác động lòng yêu nước, lý tưởng phục vụ xã hội. Nguyễn Quyết Thắng đã tìm được con đường mới cho đời sống âm nhạc của anh. Từ đó anh dấn thân trên con đường phục vụ dân tộc, xây dựng xã hội bằng tiếng hát, bằng con tim qua các sáng tác của mình.

Nguyễn Quyết Thắng đã tham gia sinh hoạt phong trào và thành lập toán Thanh Ca Tác Động, sau nầy được chính thức đổi tên là Phong Trào Du Ca Việt Nam. Toán du ca "Ban Mê" do anh thành lập hay còn được gọi là "Toán Du Ca Lòng Mẹ" với mục đích phục vụ xã hội bằng lời ca tiếng nhạc. Toán Du Ca Lòng Mẹ đã đi sinh hoạt tại các trường học và chung quanh thành phố Ban Mê. Tâm tư và khát vọng của Nguyễn Quyết Thắng, cũng như của cả Phong Trào Du Ca được thể hiện trong những câu hát thiết tha nồng ấm, những lời ca giản dị nói đến từng hành động cụ thể để giúp ích đồng bào, như trong bài Hãy Đến Với Chúng Tôi:

"Xin hãy cùng chúng tôi, nào cất cao lời hát,
Xin hãy cùng nắm tay và nói lên tình thương,
Tình yêu thương con dân trong một nước đọa đầy,
Triệu từng triệu bàn tay vươn trong lửa khói..."

"Xin hãy cùng chúng tôi nhìn núi sông rực sáng,
Xin hãy cùng đứng lên về phố tan chợ hoang,
Dựng tương lai em thơ cho mạch sống tràn đầy,
Dựng lại nhà Việt Nam quê hương rạng ngời..."

Nguyễn Quyết Thắng mãi mãi kiên trì với sứ mạng tự đặt cho mình "dựng tương lai em thơ cho mạch sống tràn đầy". Anh đã cùng các bạn du ca viên thành lập một đoàn văn nghệ "Âu Thiếu Nhi Việt Nam" quy tụ học sinh các trường tiểu học, hướng dẩn các em trong các sinh hoạt vui tươi lành mạnh phỏng theo phương pháp Hướng Đạo, cùng với các hoạt động Du Ca như ca hát, múa, đóng kịch. Nguyễn Quyết Thắng kể: "Tôi đã được phép (của chánh quyền) đến từng trường học, từng lớp học để dạy cho các em hát những bài ca sinh hoạt vui tươi, những bài hát nói lên tình yêu thương của con người. Tôi cũng gởi cho các em mỗi người một bức thư mang về cho cha mẹ, nêu rõ mục đích, để xin phép cho các em được đi sinh hoạt với chúng tôi hằng tuần. Trong năm đó tôi đã nhận được tất cả 200 em đến sinh hoạt, đa số đều cùng lớp cùng trường cho nên các em càng vui thú hơn. Các em cũng tập hát, tập múa, học thắt gút dây, học đánh  morse, thi đua các trò chơi, thi nấu cơm, thi vẽ, thi đánh vợt và cắm trại ngoài trời..."

Sau khi nhập ngũ, bị thương, trở về với thành phố cũ, Nguyễn Quyết Thắng thành hôn với người yêu Minh Chiến và cùng các bạn hữu tại Ban Mê thành lập một nhóm văn nghệ đặt tên là Cơ Sở Văn Nghệ Con Người, ấn hành các tác phẩm thuộc đủ các lãnh vực thơ, văn, nhạc và triễn lãm hội họa, thể hiện một tâm nguyện: "Mầm yên vui vươn nhanh sẽ tràn lấp hận thù'.

Sứ mạng văn nghệ, giáo dục và tác động nầy, Nguyễn Quyết Thắng còn tiếp tục suốt đời. Sau khi anh vượt biên, định cư tại Hòa Lan từ năm 1981, Nguyễn Quyết Thắng lại tiếp tục con đường văn nghệ để phục vụ, cùng các bạn sinh hoạt phong trào Du Ca Việt Nam ở hải ngoại.

Nhạc sĩ Trần Quang Hải đã giới thiệu: "Nguyễn Quyết Thắng đã sáng tác được trên 100 bản nhạc với nhiều chủ đề ca ngợi tình yêu học trò và tình yêu quê hương. Một số tác phẩm đã được nhiều người biết đến qua phim ảnh, truyền hình, truyền thanh, báo chí hoặc những băng nhạc như: Vắt Tay Lên Trán - Gọi Tên Đất Mẹ -  Suốt Đời Lang Thang -  Những Tối Hoa Xưa -  Hát Tứ Tim, Hát Bằng Hơi Thở v.v.  

Trong bài Hát Từ Tim, Hát Bằng Hơi Thở, Nguyễn Quyết Thắng hé mở tấm lòng ngay thẳng đôn hậu của một chàng trai yêu đời, yêu người:

"Hãy đến từ lòng người và đến chính nơi ta.
 Đến với lòng thật thà đừng dối trá điêu ngoa..."

Sống giữa một thời chiến tranh tàn khốc, con người rất khó giữ được tấm lòng nhân ái như thế. Không ủy mị sầu não, cũng không oán trách, thù hận, những ca khúc của Nguyễn Quyết Thắng là những vần thơ chân phương của một thi sĩ nhìn đâu cũng thấy vẻ đẹp của con người, của thiên nhiên thuần hậu. Và chứa chan hy vọng, mong cho mọi con người đều sống lành, sống thật như chính mình. Những ước mơ Nguyễn Quyết Thắng vẽ ra rải rác trong bài Vắt Tay Lên Trán:

"Cho em tôi giấc mơ đẹp tựa như áng mây mờ...
Một vườn mùa hoa trái lên mầu lúa chín phơi sân...
Đêm đã sắp úa tàn bình minh rồi sẽ huy hoàng...
Quên đi bao oán thù lòng người rộn khúc reo vui..."

Một thanh niên nằm vắt tay lên trán ước mơ cho cả dân tộc, cả quê hương, chứ không cho riêng mình. Nguyễn Quyết Thắng thuộc một thế hệ thanh niên ôm trong lòng những ý tưởng trong sáng, một bầu nhiệt huyết và niềm tin vào tương lai dân tộc, mặc dầu họ đang sống trong bom lửa. Sau khi chế độ Đệ Nhất Cộng Hòa chấm dứt, không khí chánh trị thay đổi. Ngoài các đoàn thể thanh niên đã có sẵn với mục đích giáo dục và tôn giáo, còn có rất nhiều tập họp thanh niên khác ra đời với mục đích phục vụ xã hội. Một phong trào bộc phát, các đoàn thể thanh niên khác tự động thành lập khắp nơi, các tôn giáo phát triển và nhiều nhóm công dân thành lập các hiệp hội riêng tư. Hơn 20 hội đoàn trẻ hoàn toàn tự nguyện đã họp lại thành lập Chương Trình Công Tác Hè 1965, với một nhóm huynh trưởng điều hành ở tuổi giữa 20 và 30, xuất thân từ các nam nữ Hướng Đạo Sinh, Gia Đình Phật Tử, Thanh Sinh Công, Thanh Niên Thiện Chí Nguyện, v.v. Các sinh viên, học sinh, đặc biệt là giáo sư các trường trung, tiểu học trên toàn quốc tổ chức các trại công tác và hội thảo, tham dự các hoạt động trên căn bản tự nguyện, hoàn toàn độc lập với chính quyền và được hoạt động tự do trên hầu hết 40 tỉnh và thành phố miền Nam. Sau năm 1965, các giáo sư trung học trong Chương Trình Công Tác Hè đã được Bộ Giáo Dục trao nhiệm vụ thành lập và điều hành Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Thanh Niên Học Đường, viết tắc là CPS. Một nhóm các huynh trưởng khác đã phát động Phong Trào Thanh Ca Tác Động, do bộ Thanh Niên yểm trợ, đó là khởi điểm đầu tiên để Phong Trào Du Ca ra đời... Sống giữa các đoàn học sinh, sinh viên trong các trại công tác giúp ích đồng bào nông thôn, Nguyễn Quyết Thắng đã góp thêm lời ca khích lệ khi kêu gọi Hãy Đến Với Chúng Tôi:

"Xin hãy cùng chúng tôi về xóm xa đào giếng,
 Xin hãy cầy đất khô và tưới lên mạ non,
 Mầm yên vui vươn nhanh sẽ tràn lấp hận thù,
 Nhà từng nhà Việt Nam vang vang câu cười..."

Những phong trào thanh niên và học đường trên đã tạo cơ hội cho giới trẻ ở miền Nam có dịp làm những công tác giúp đồng bào tị nạn sống trong các trại tạm cư, ủy lạo chiến sĩ, đi về nông thôn vừa giúp ích vừa học hỏi cuộc sống. Các hoạt động đó cũng là cơ hội rèn luyện tính khí, tính yêu quê hương, tinh thần phục vụ. Thanh niên cũng có môi trường để học các kỹ thuật tổ chức và lãnh đạo ngay trong công việc họ đang làm, và đặc biệt là tất cả những người tham dự được thực tập lối sống tự do dân chủ trong sinh hoạt tập thể. Nếu những hoạt động tự nguyện và tự do như vậy được kéo dài trong một đất nước thanh bình thì thế hệ thanh thiếu niên đó lớn lên sẽ tạo thành những cái nhân lành gieo rắc làm nền tảng cho một công dân của một nước Việt Nam dân chủ tự do. Trong môi trường sinh hoạt sôi nổi lành mạnh đó, Nguyễn Quyết Thắng cất tiếng Gọi Tên Đất Mẹ:

" Tôi gọi tiếng Việt Nam bằng niềm thương trải rộng,
Từ khi vừa phôi thai lửa bom cầy mạch sống...
Việt Nam ơi Việt Nam đây quê hương hiền hòa,
Ngạo nghễ giữa Trời Đông, vang danh con Lạc Hồng..."

Thanh niên Việt Nam, trong những năm 1960 và 70 xa xưa đó, cũng như ngay bây giờ và bất cứ lúc nào, đều muốn cất lên những lời ca như Nguyễn Quyết Thắng. Chúng tôi ước ao việc xuất bản tuyển tập nhạc của anh sẽ giúp dựng lại một phong trào thanh niên ca hát vì đất nước, vì tình người, vì tương lai dân tộc.

 

Đỗ Quý Toàn
Tháng Sáu 2012

*****

Tiểu sử Nguyễn Quyết Thắng

Sinh năm 1949 tại Hà Nội
Di cư vào Nam năm 1954.
Sống trên nhiều tỉnh: Quảng Trị, Tuy Hòa, Nha Trang, Thủ Đức, Sài Gòn, Banmêthuột...
Sinh hoạt văn nghệ từ năm 1963.
Gia nhập Phong Trào Du Ca Việt Nam năm 1965.
Sáng tác ca khúc từ năm 1967.
Cư ngụ tại Hòa Lan từ năm 1981.

 


Cái Đình - 2011