Khế Yêm


 

Lời bạt cho tập thơ "Rốn Lún

 

Có lẽ một tập thơ lôi cuốn người đọc, là khi nào chúng ta cảm thấy có một điều gì khác lạ so với những tập thơ đã đọc trước đó. Tôi đã có những cảm giác rất rõ như vậy khi đọc tập thơ “Rốn Lún” của Biển Bắc. Rất rõ vì ngôn ngữ thơ của anh là loại ngôn ngữ khác hẳn. Nhưng không phải tác giả cố tình làm mới ngôn ngữ, mà là một thứ ngôn ngữ tự nhiên thuần khiết. Tôi cố lắng nghe, và ngờ rằng, ngôn ngữ thơ mà chúng ta đang thừa hưởng, từ những tiếng mẹ ru thuở ấu thơ tới những năm tháng tôi luyện ở trường họcvà trường đời, đã mang những dấu ấn từ nhiều thế hệ truyền thừa. Và nếu như thế, phải chăng ngôn ngữ vô tình đã mang trên vai gánh nặng và kinh nghiệm, hình ảnh, tư tưởng của quá khứ? Và phải chăng những đau đớn, quằn quại, lãng mạn, siêu hình, siêu thực, đôi khi chẳng phải là những xúc cảm thực của chúng ta mà được nhân lên từ những người đi trước, và những người đi trước lại nhân lên từ những nguồn tham khảo khác nữa? Ðôi khi có những nhà thơ cố thoát ra khỏi những con đường mòn, đổi mới ngôn ngữ, nhưng khi đổi mới chúng ta đã dùng tâm trí can thiệp vào tiến trình ngôn ngữ, đánh mất đi sự tự nhiên của ngôn ngữ. Chúng ta có thể đổi mới thi pháp hay phương cách diễn đạt nhưng không thể đổi mới ngôn ngữ, ngôn ngữ phải tự nhiên mới.

Trong phần tiểu sử, chúng ta đọc thấy anh “Rời Việt Nam năm lên 12, hiện sống và làm việc tại Hà Lan. Ði chu du tứ xứ và cứ sống, thế thôi!”. Như vậy đã rõ, anh sống trong môi trường giáo dục và đời sống khác, và ngôn ngữ tiếng Việt anh mang theo, đúng là không còn vương vấn bất cứ hệ lụy nào của quá khứ. Anh là nhà thơ duy nhất ở trong lẫn ngoài, và cũng là một trường hợp đặc biệt, đến với thơ bằng một ngôn ngữ hồn nhiên và lý tưởng nhất của thơ. Chúng ta ai chẳng có lúc ao ước nắm bắt được cái ngôn ngữ nguyên ròng ấy để sống với thơ. Thơ tân hình thức, khi muốn quay về với ngôn ngữ đời thường, hẳn cũng muốn giải thoát thơ khỏi những nếp gấp ngôn ngữ như thế?

Ðọc thơ Biển Bắc như một thế hệ này đọc thế hệ khác, từ nội dung, ngôn ngữ tới cách diễn đạt khác hẳn với thế giới quen thuộc của mình.

phóng vào cái nhập nhằng của tâm trí
cứ tới lui chung quanh cái chết của tôi
vẫn chẳng rẽ vào
cái tôi của chết
Cà Phê với Times

Khi tâm trí can thiệp vào thơ, bị vướng vào giữa cái chết của tôicái tôi của chết, thơ ngừng lại và bế tắc, và chỉ còn cách

để uống nốt ngụm cà phê (nóng)
khuấy loãng màn sương vật vờ trên mí mắt

Và như thế, thơ đi thẳng tới người đọc chứ không cần qua trung gian diễn giải. Ðó cũng là cách giải quyết khác hẳn với thơ truyền thống và thơ tự do viết từ trước tới nay.

Tôi đoán rằng, trước khi làm thơ tự do, Biển Bắc đã làm thơ vần điệu, nhờ vậy, thơ có được nhạc tính. Thơ vần điệu là phương tiện tốt nhất để chúng ta nắm bắt ngôn ngữ và nhạc tính ngôn ngữ. Nhưng điều đó có đúng như vậy không, không có gì chắc chắn. Bởi vì, ngôn ngữ tiếng Việt của tác giả có thể ảnh hưởng âm điệu từ một ngôn ngữ khác. Trong thời đại của di dân và đa văn hóa, ngôn ngữ cũng không thể không biến dạng và lai giữa nhiều ngôn ngữ. Như vậy, cái chân chất của ngôn ngữ được lọc thải một lần nữa qua thực tại đời sống, mang thêm sắc thái mới cho thơ. Và thể loại thơ vần cũng chỉ là một phương tiện làm nhuần nhã nhạc tính ngôn ngữ trong thơ? Bài thơ sau đây cho chúng ta thấy được điều đó.

ta chẳng thể chia bóng đêm thành nửa
để ngủ vùi trên những áng mây xưa
nên quầng mắt thâm sì nâu
luống tuổi lốm đốm sâu
trên nương tóc
lệch ngôi rồi vẫn cứ
vọng trong người chẳng thấy
vẫn biền biệt xa lắm (!)
vẫn… mưa bay

Có thể chuyển lại thành thơ 8 chữ như sau:

ta chẳng thể chia bóng đêm thành nửa
để ngủ vùi trên những áng mây xưa
nên quầng mắt thâm sì nâu luống tuổi
lốm đốm sâu trên nương tóc lệch ngôi
rồi vẫn cứ vọng trong người chẳng thấy
vẫn biền biệt xa lắm (!) vẫn… mưa bay

Về kỹ thuật, anh dùng ký hiệu “׀ ” để làm cách đọc bị ngắt quãng

sẽ làm nổ tung ‌׀ tơi bời khối óc ׀   con tim
bằng những thất vọng ׀ quay lưng… não nề

Bài tường trình hỗn loạn

Thay vì viết theo kiểu bậc thang như sau:

sẽ làm nổ tung
    tơi bời khối óc
               con tim
bằng những thất vọng
          quay lưng… não nề

Hoặc làm cho ngôn ngữ cặp đôi của tiếng Việt bể ra:

- khi bực ׀ tức mà không được nông nổi;
- khi oan ׀ ức mà chẳng được giãi bày;
- khi đau ׀ khổ không có ai chia sẻ;
- khi tủi ׀ hờn chẳng có ai vỗ về;

Hét ở bờ ghềnh

Thay vì “bực tức”, “oan ức”, “đau khổ”, “tủi hờn”, ý nghĩa thế nào thì thật khó có thể suy diễn tùy tiện, có thể chỉ là nhu cầu trong tiến trình sáng tác.
Ðọc tập thơ này của Biển Bắc, tôi có cảm tưởng như đây mới là bản phác thảo thơ, để từ đó tác giả chuẩn bị cho một bước tới khác, thơ tân hình thức. Bởi vì, cùng một lúc xuất bản tập thơ này, anh cũng xuất bản một tập thơ tân hình thức, dày dặn hơn về sáng tác, và nhuần nhuyễn hơn về ngôn ngữ và kỹ thuật. Có lẽ những nguyên tắc rõ ràng của dòng thơ tân hình thức làm cho thơ của anh dễ thăng hoa hơn? Hoặc là, theo những ghi nhận trên, anh đã tìm được một thể loại thơ phù hợp với cách diễn đạt thơ của thời đại và thế hệ mình? Nếu đóng góp của thơ cho văn học gồm hai yếu tố, ngôn ngữ và phong cách, thì thơ Biển Bắc đã đạt tiêu chuẩn. Bài viết ngắn, vì thế không phải là để giới thiệu thơ anh, mà như một lời bạt, chuyển tiếp giữa hai thể loại thơ tự do và thơ tân hình thức. Hy vọng, bạn đọc sẽ đón đọc cả hai tác phẩm của anh để có thể so sánh.

 

Khế Yêm

*****

Tiểu sử Biển Bắc

Tên ký cho tác phẩm: Biển Bắc
Tên ghi trong sổ khai sanh: Vũ Nguyên Quang Vũ
Sinh quán: Sài Gòn, Việt Nam
Thuộc thế hệ sinh vào thập niên 1970
Rời Việt Nam năm lên 12, hiện sống và làm việc tài Hà Lan. Ði chu du tứ xứ và cứ sống, thế thôi!
Giải thơ Tân Hình Thức (2007) của www.thotanhinhthuc.org

Tác phẩm:

 


Cái Đình - 2011