Cao Xuân Tứ


Quy Luật

 

 

 

Lời tựa tác phẩm 'Quy Luật' của Connie Palmen

 

Connie Palmen sinh năm 1955 ở một làng nhỏ thuộc tỉnh Limburg, nam Hà Lan – là một hiện tượng độc đáo trên văn đàn Hà Lan đương đại. Với tác phẩm đầu tay De Wetten (Quy Luật) xuất bản năm 1991, nữ tác giả này không chỉ khẳng định tên tuổi của mình với giải 'Tiểu thuyết châu Âu năm 1991' mà còn trở thành nhà văn có sách bán chạy hàng đầu ở Hà Lan. Tác phẩm thứ hai De Vriendschap (Tình bạn) ra đời bốn năm sau đoạt giải 'Arco', một trong những giải thưởng văn chương cao quý của Hà Lan. Kể từ đấy, đều đặn vài năm Connie Palmen lại cho ra đời một tác phẩm mới, đưa tổng số sách đến tay người đọc lên tới hàng triệu cuốn. Bà là đối tượng của trên dưới trăm bài điểm sách, phỏng vấn, phóng sự;  khuôn mặt quen thuộc trên các chương trình truyền thông địa phương, nhiều lần đại diện cho Hà Lan tại các diễn đàn văn chương, hội chợ sách quốc tế. Sách của bà đã dược dịch ra nhiều thứ tiếng.

Ta thử tìm hiểu quá trình tìm kiếm những “Quy luật” như thế nào?

Có thể nói là đây là câu cuyện theo dõi sự phát triển của nhân vật chính từ tuổi thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Đề tài chính trong "Quy Luật" là đi tìm ý nghĩa cuộc sống và tình yêu.

Nhân vật nữ Marie Deniet (dưới danh xưng 'tôi') là sinh viên khoa văn và triết. Cô muốn tìm hiểu thế giới vận hành như thế nào, đời sống qui định ra sao bằng trải nghiệm với một số đàn ông khác nhau vào những năm 80. Cô nghiệm ra rằng đàn ông đặt ra các quy luật, qua đó họ kết nối những thái cực với nhau, trời/ đất, hồn/ xác, thực/hư… để soi rọi thế giới chung quanh. Cô nghe họ phán/tán về tôn giáo, văn chương, thế giới, về chính cô, đồng thời cô cũng quan sát họ với con mắt nhạy bén, không nhân nhượng của mình.

Cô tin là chẳng có ai trong đám đàn ông đó thật lòng yêu cô, mà cô chỉ tìm được tình yêu duy nhất với một người.

Người đầu tiên cô gặp là nhà chiêm tinh Miels Eysden. Theo ông mọi chuyện trên đời đã được sắp đặt đâu vào đấy, như những vì tinh tú trên trời. Theo lá số tử vi thì cái phận của Marie là thích học hỏi tìm kiếm, “bán tâm linh để lấy chút tri thức… càng có dịp vắt óc thì càng thích”, và cái nghiệp của cô là viết (văn). Bản tính cô lại muốn mọi thứ sắp xếp quy củ, theo một mô hình nào đó. Còn ông chiêm tinh – thực là “tử vi xem bói cho người, số thầy thì để cho ruồi nó bâu” – chuyện người thì rõ vanh vách mà cuộc sống riêng của mình thì rất cô độc thảm thương, lang bang đó đây, không chịu nổi sự dửng dưng của định mệnh.

Tại trường đại học, cô quen anh sinh viên Daniel Daalmeyer, kẻ mắc chứng động kinh. Họ cùng tham gia nghiên cứu đề tài hợp giảng giữa bộ môn văn và triết: thế nào là văn bản ''văn chương'', văn bản “triết học”. Anh chia sẻ với cô những suy ngẫm về căn bệnh của mình, xem nó như kẻ có cá tính “vào một ngày nào đó đã bám theo anh rồi ở lì mãi”. Anh dần quen với nó, và qua nó anh trở thành con người khác – kẻ khiến anh tò mò muốn biết bởi tự bản thân anh là kẻ động kinh khó có thể tiên liệu hành vi của mình. Daniel là anh chàng đẹp mã, “mỗi tội trẻ”, mà Marie vốn không thích kẻ cùng lứa. Lúc còn ở trung học Marie từng yêu ông giáo lớn hơn cô cả ba chục tuổi cơ mà. Cô thấy anh chàng Daniel như một con yêu bơ vơ, ranh mãnh, nhìn đời với trực giác của một con thú, “anh trông chờ người ta bảo bọc anh nhưng lại thầm khinh họ, sao mà ngu ngơ không nhận ra cái trò bịp của mình”.

Người thứ ba cô gặp là ông giáo sư triết học Guido Wataerlinck, người nhận đỡ đầu luận văn tốt nghiệp của cô. Đây quả là một nhà mô phạm mẩu mực, “tuy không phải là kẻ đẻ ra cái triết học riêng, nhưng có tài kết nối các tiết mục khác biệt với nhau qua các bài giảng của mình”. Ông giáo sư tôn sùng Hegel như bậc thánh, theo ông thì mấy ông triết gia hiện đại người Pháp tuy văn bản tinh tế, cú pháp bay bổng thực đấy nhưng tất cả đều được Hegel nghĩ ra từ thế kỷ 19. Cô học trò thì say mê Foucault  như điếu đổ, “người đâu mà hay thế, viết triết cứ như là viết tiểu thuyết”. Foucault cho rằng những hành vi, nếp nghĩ mà ta ngỡ là tự phát thực chất đã bị ngôn ngữ và khoa học lén buộc vào mà ta chẳng nhận ra. Nếu ông giáo sư  luôn bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ người ta phải chết như thế nào thì cô sinh viên Marie lại quan tâm đến việc phải sống sao cho ra hồn.

Để viết luận án tốt nghiệp, Marie tìm gặp ông (cựu) tu sĩ Clemens Brandt. Đó là một nhà văn/triết gia kiến thức thâm hậu, nhưng xấu trai lại gù, cái nhìn đầy nhục cảm. Brandt khuyên cô nếu muốn đào sâu thế nào là 'văn bản', thì nên đọc Derrida, người 'giải cấu trúc' về sự xóa mờ lằn ranh giữa các thể loại văn chương nghệ thuật, trong trường hợp của cô là giữa triết học và văn chương. Marie cho rằng trong sáng tác, tác giả là "ông thần vắng mặt, người quyến rũ giấu mình, dùng cuốn sách làm trung gian giữa bản thân và thế giới", còn theo Brandt thì thế gới ngoài sách vở là bất khả hữu. Tuy vậy Brandt là người trần mắt thịt, mê cô da diết  nhưng cô lại tởm cái tính cách tục tằn của ông ta; chính ông ta thú thực với cô là thích chơi những trò kỳ quái với gái điếm (“cùm tay, treo lên”...). Và rồi cô không chịu để cho ngài tu xuất mó vào người mà chỉ giúp ông thỏa mãn cái thú riêng bằng cách "nắm chân, xoa mu, nắn lòng chân, liếm sạch từng kẽ ngón chân" ông.

Nhân đám tang nhà chiêm tinh, Marie gặp bạn ông: nhà vật lý thiên thể Hugo Morland, có vợ người Pháp;  họ trở thành tình nhân, bên nhau ba ngày liền. Lần đầu tiên trong đời cô biết cái thú nhục cảm là gì, đấy cũng là lần đầu Morand ngoại tình. Ông vừa dạy cô làm tình vừa giải thích cho cô về thế giới vật lý, nó  khác với thế giới của ông chiêm tinh như thế nào. Nhà chiêm tinh cần một hình ảnh thẩm quyền, cần quy luật để vẽ ra cảnh quan tâm linh con người, còn nhà vật lý  thì cố phá bỏ những quy luật thẩm quyền, không chấp nhận bất cứ gì là tuyệt đối. Morland bảo vật lý học không còn quan tâm đến vật thể mà thiên về xu hướng, biến cố, và với sự ra đời của thuyết lượng tử, cái thế giới tưởng như hoàn hảo ấy không còn nữa. Một người như Einstein ra công giữ một điều như tính ngẫu nhiên ở ngoài phạm trù vật lý học vì ông còn tin ở Thượng đế

Cuối cùng Marie gặp điêu khắc gia Lucas Asbeek. kẻ nghệ sĩ cô đơn, bế tắc trong sáng tác. Chưa bao giờ Marie yêu người nào đến thế, yêu điên dại, muốn có con với ông, nhưng ông ta hững hờ, ông muốn làm cái gì tự thân nó có ý nghĩa, vẫn mãi tìm kiếm, theo ông phần trưng bày cho kẻ khác thưởng thức chỉ là trò rởm. Marie khuyến khích ông sáng tác, theo cô tác phẩm là cách kết nối hiện hữu của ta với thế giới bên ngoài. Không thuyết phục được Lucas, cô tuyệt vọng, mắc chứng ‘nhịn ăn tâm thần’ (anorexia nervosa), người còm cõi, thổ huyết. Họ đành xa nhau.

Marie thuật lại mọi chuyện cô kinh qua cho nhà phân tâm học – người thứ bảy cô gặp - trong bốn bức thư, kèm theo những suy ngẫm riêng về đức Chúa Trời, đàn ông, đàn bà, nghề viết, v.v... Xin trích một đoạn cô bàn về đàn ông:

“…Đàn ông biết nhiều về thế giới nhưng rất ít về chính họ. Họ giăng mạng lưới chằng chịt đan xen giữa những giá trị khác biệt nhau …họ không lưu ý một điều là kiến thức của họ cũng chỉ là một phương cách để giữ vững ngôi vị…Theo sau những người đàn ông này là từng lũ đàn ông khác và đấy là những người nằm lòng các định luật... Khi họ kể xong chuyện của họ, tôi cho họ nghe chút ít về chính họ, phần lớn về những tội lỗi họ chôn giấu, để sau đó phán đoán về họ một cách nhân từ…Tôi yêu đàn ông. Họ cô đơn… Bọn đàn ông chỉ muốn tôi lắng nghe họ và tha thứ họ. Chỉ một chút xíu thôi cũng đủ khiến họ hài lòng và cái chút xíu ấy tôi thí cho họ…”

“…Thực ra tất cả (đàn ông) đều muốn một thứ như nhau, được thành ông thánh ông thần. Nhưng mục đích con người không phải là để trở thành thánh thần. Con người vốn nhân bản và để được như thế là đủ khó rồi…”

Giờ xin mời độc giả vào truyện.

 

Cao Xuân Tứ
Amsterdam, Tiết lập xuân 2009

Mời quí vị xem một trích đoạn từ tác phẩm ‘Quy Luật'.

 


Cái Đình - 2007