Cưỡi Ngọn Sấm, tập 1


 

Một Câu Chuyện Về Vinh Dự Và Chiến Thắng Trong Cuộc Chiến Việt Nam
Nguyên tác: Ride The Thunder: A Vietnam War Story of Honor and Triumph

Lời tựa

Cuốn sách“Cưỡi Ngọn Sấm” đã lột tảđược tinh thần và lòng quyết tâm của một nhóm "huynh đệ chi binh" khác thường - một toán nhỏ cố vấn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ và các chiến binh TQLC VNCH bạn trong một tình hình đặc biệt khó khăn của cuộc chiến Việt Nam.
Richard Botkin đã ghi chép lại những chiến công của các TQLC Hoa Kỳ và bạn đồng minh VNCH từng lãnh trách nhiệm chính trong công cuộc đẩy lui cuộc xâm lược của Bắc quân tại địa đầu miền Nam Việt Nam, được biết đến như là cuộc Tổng tấn công mùa Phục Sinh (Mùa Hè Đỏ Lửa) 1972 đối với người Tây phương, một cuộc tấn công nhằm đánh gục một quốc gia.
Mặc dù tất cả những ai hiện diện tại nơi đó không ít thì nhiều đều có dính dáng đến những trận đánh khốc liệt trong những chuyến công vụ trước và những hành vi anh hùng và chỉ huy dũng cảm xảy ra khắp nơi, nhưng Botkin đã chú trọng vào ba nhân vật chính.
Trung tá Gerry Turley là người đã có mặt trong vùng hai ngày trước cuộc tấn công để tiến hành một cuộc viếng thăm tưởng chừng như thường lệ trong một thời kỳ yên lắng. Hoàn cảnh và một loạt các yếu tố bất thường đã đưa đẩy ông lên một vai trò chỉ huy đặc biệt trong đời. Ông đã phải đối diện với các toan tính hủy diệt của bọn Bắc quân ngoan cố cũng như các trở ngại của bộ máy quan liêu của quân đội Hoa Kỳ và VNCH đã không đánh giá đúng sự suy xét của ông lúc ban đầu.
Ngoại trừ đối với những người đã quen thuộc với những câu chuyện về thành tích của Đại úy Ripley tại cây cầu Đông Hà, rất khó mà không xác nhận giá trị tác động chiến lược do sự phá hủy cây cầu đó đối với những trận đánh còn lại tại Việt Nam sau buổi chiều Chủ nhật mùa Phục Sinh năm ấy. Botkin làm nổi bật cho độc giả thấy mối liên quan đặc biệt giữa các cố vấn TQLC Hoa Kỳ và các TQLC Việt Nam mà họ phục vụ. Mối dây chân tình huynh đệ và tình bạn chân thành giữa Đại úy Ripley và Thiếu tá Lê Bá Bình, lúc đó đang chỉ huy bẩy trăm binh lính thuộc Tiểu đoàn 3 TQLC, đối mặt với hơn hai chục ngàn quân Bắc Việt lăm le tiêu diệt họ tại Đông Hà, đã thăng hoa vượt lên trên cả ngôn ngữ và văn hóa khác biệt. Câu chuyện của hai người chiến binh vĩ đại cùng phục vụ cho một mục đích chung thật là hiển nhiên. Nếu đã có thêm nhiều người như Lê Bá Bình thì chắc chắn kết quả của cuộc chiến đã khác hẳn.
Khác với hầu hết các cuốn sách về thể loại này, Botkin đã theo dõi thật chi tiết cuộc sống gia đình của từng chiến sĩ và kể lại chiến sự qua trải nghiệm cá nhân của họ. Trong lúc nghiên cứu về lịch sử của chiến tranh người ta thường hay chỉ tập trung vào người lính chiến, do đó chỉ diễn tả nổi một nửa câu chuyện mà thôi.
Với tư cách một người đã từng tham dự những trận giao tranh tại đó, đã chứng kiến nhiều cuộc thử thách được ghi chép lại trong khoảng thời kỳ đặc biệt dữ dội lúc đó, tôi vẫn không mường tượng nổi những gì xảy ra cho bạn bè của chúng tôi sau khi phần tham chiến của người Mỹ đã kết thúc. Đối với các sĩ quan TQLC Việt Nam và gia đình họ, cơn ác mộng dường như bất tận của trại tù cải tạo mà Cộng sản đã chụp lên họ một cách tàn nhẫn từ sau tháng tư 1975, trong trường hợp của Lê Bá Bình là gần 12 năm trời, đã nói lên sự kiên trì, lòng nhẫn nại và niềm vinh quang của tinh thần con người.
Nước Mỹ đã có phước được những chiến binh như John Ripley và Gerry Turley phục vụ dưới cờ, nay lại còn may mắn gấp bội khi được kể thêm những người như Bình là công dân Hoa Kỳ. "Cưỡi Ngọn Sấm" là một cuốn sách hấp dẫn, ly kỳ rất đáng đọc, là một mảnh lịch sử chưa hề được nói đến bao giờ.

Chuẩn tướng James Joy TQLC Hoa Kỳ (hồi hưu)
Cố vấn trưởng Lữ đoàn 147 TQLC QLVNCH
 trong khoảng thời gian 1971-1972

***

Lời Giới Thiệu

 

Chiến thắng lan rộng của Cộng Sản trong khu vực Đông Nam Á năm 1975 và thảm kịch chụp lên đầu nhiều người dân miền Nam Việt Nam đáng lẽ ra đã xảy ra từ năm 1972 rồi. Trong tháng 3 năm đó, miền Bắc tung ra một cuộc tổng tấn công với nhiều sư đoàn nhằm áp đảo Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH) và tiêu diệt một nền dân chủ còn non trẻ. Trong lúc Hoa Kỳ đang tiến hành cắt giảm quân số và chương trình Việt Nam hóa chiến tranh của Tổng thống Nixon còn ì ạch thì QLVNCH buộc phải trải mỏng lực lượng dọc theo các đường biên giới với trách nhiệm giữ nền tự do tránh khỏi sự thống trị của Cộng sản. Binh đoàn Thủy Quân Lục Chiến (TQLC) Việt Nam với quân số ít ỏi cùng với vài sĩ quan cố vấn Hoa Kỳ đã được giao trấn thủ ngõ vào chiến lược vùng Tây Bắc của đất nước.
Rất ít người Mỹ biết rằng miền Nam Việt Nam đã thành lập được cả binh chủng TQLC. Quân số TQLC Việt Nam chưa bao giờ vượt con số mười tám ngàn người, tức 2% của QLVNCH. Họ là một sự pha trộn tinh hoa kỳ lạ của tinh thần thượng võ Tây và Đông phương. Các cố vấn TQLC Hoa Kỳ đã đóng một vai trò then chốt trong sự thành lập của đơn vị này vào năm 1954 và trong suốt hai mươi mốt năm sau đó đã giúp định hình, đào tạo và nuôi dưỡng tinh thần chiến đấu tuyệt vời của họ. Không nghi ngờ gì là cái binh đoàn nhỏ bé này đã có một tác động quyết định vượt xa tầm cỡ của nó trong cuộc chiến sống còn của đất nước VNCH. Đối với những người trong chúng ta đã được cử đến để cố vấn cho các đơn vị khác nhau của TQLC Việt Nam thì đó là một nhiệm vụ thật đặc biệt, có nhiều lúc bực bội nhưng tựu chung đều mang lại niềm tự hào khi sát cánh chiến đấu bên cạnh họ ngoài chiến trường.
Thành phần QLVNCH rộng lớn hơn, lại không được biết nhiều về lòng dũng cảm của họ ngoài mặt trận, nhưng TQLC thì liên tục được cải tiến dần theo nhịp độ chiến tranh lan rộng và ngoại trừ một vài trường hợp ngoại lệ, họ đều là những thành phần xuất sắc. Nhiều người trong số các sĩ quan ít ỏi nhưng rất chuyên nghiệp đã được huấn luyện tại Hoa Kỳ. Họ đã cùng học hỏi và sống với chúng ta, giống như chúng ta đã làm khi được giao nhiệm vụ cố vấn cho họ. Tính kỷ luật và tinh thần đã được thấm nhuần từ trong trại huấn luyện, ở một chừng mực nào đó tương tự như trại tuyển mộ huấn luyện của TQLC Hoa Kỳ tại Parris Island và San Diego. Theo thời gian, TQLC Việt Nam đã giành được sự kính nể bất đắc dĩ của các đồng đội QLVNCH khác và chắc chắn của cả bọn Cộng quân Bắc Việt. TQLC Việt Nam khác hẳn các đơn vị bạn, tương tự như TQLC Hoa Kỳ mà họ phát sinh ra cũng có nhiều khác biệt với các đơn vị khác. Sự khác biệt này được thể hiện rõ ràng trong cuộc "Tổng tấn công mùa hè đỏ lửa."
Cái gọi là "cuộc tấn công Tết Mậu Thân" năm 1968 vẫn còn âm vang trong tâm trí của nhiều người Mỹ, nhất là những người có tuổi đủ để nhớ về cuộc chiến Việt Nam. Tuy nhiên vào ngày 30 tháng 3 năm 1972 cộng quân Bắc Việt đã tung ra một cuộc tấn công làm "lu mờ" "Tết Mậu Thân" với một mức độ lớn hơn nhiều. Ban đầu bị bất ngờ và đụng phải cường độ tiến công trực diện của cộng quân, các đơn vị QLVNCH khắp nơi bị áp lực nặng nề đến mức tối đa và trong một vài trường hợp bị tràn ngập hoàn toàn bởi số lượng và hỏa lực áp đảo của cộng quân. Lúc đó TQLC Việt Nam đang được phối trí tại những địa điểm chiến lược phía Bắc miền Nam Việt Nam sát cạnh vùng phi quân sự, cùng với Sư đoàn 3 bộ binh vừa mới thành lập xong.
Hướng về phía Tây, nhìn về trận địa Khe Sanh cũ là hai Lữ đoàn TQLC vào khoảng năm ngàn người. Sư đoàn 3 bộ binh lo bảo vệ phía Bắc. Chọi với tuyến phòng thủ mỏng manh này, quân Bắc Việt đã tấn công với 3 Sư đoàn bộ binh và cái gọi là "mặt trận B5" gồm 4 Trung đoàn bộ binh tăng viện, 2 trung đoàn pháo binh và 2 trung đoàn thiết giáp. Thành phần trong các sư đoàn Bắc Việt tham chiến có sư đoàn 304 và sư đoàn 308 là hai sư đoàn đã từng đánh nhau với Pháp tại Điện Biện Phủ và được mệnh danh là các "Sư đoàn thép." Việc sử dụng hai đơn vị này chứng tỏ đây là một cuộc tổng tấn công lớn và hai sư đoàn này là mũi nhọn chính của cuộc "tổng tấn công mùa hè đỏ lửa 1972." Quân Bắc Việt đã tập trung được một lợi thế về quân số là 3 chọi 1 đối với các lực lượng VNCH.
Thật đáng buồn là đến ngày thứ tư của cuộc tàn sát hầu hết SĐ3BB đã bỏ chạy trong hỗn loạn hay đơn giản là đã bị tan tác hết. Trách nhiệm phòng thủ phần đất phía Bắc đè nặng lên TQLC và một Lữ đoàn Nhẩy Dù. Thật không hay cho những ai trong chúng tôi còn trấn giữ địa hình. Tình hình của Tiểu đoàn mà bản thân tôi và Đại úy Ray Smith (sau này lên Thiếu tướng) làm cố vấn là điển hình cho hầu hết các cố vấn đồng nghiệp đã phải đối đầu. Sau khi chống cự mãnh liệt lúc ban đầu và chịu tổn thất nặng nề, chúng tôi đơn giản là đã bị tràn ngập bởi làn tấn công toàn diện. Chúng tôi bắt đầu triệt thoái về hướng Đông trong lúc lực lượng Bắc Việt đông hơn gấp bội rượt đuổi theo. Mục tiêu của chúng tôi là cổ thành Quảng Trị.
Điều mà hầu hết chúng tôi không biết là ngay lúc đó một đoàn chiến xa Bắc Việt đang di chuyển về phía Nam trong mưu đồ cắt đứt đường rút của chúng tôi. Giữa chúng tôi và nguy cơ bị tiêu diệt là chiếc cầu Đông Hà bắc ngang sông Cửa Việt. Con sông đó là một trở ngại lớn và chiếc cầu hết sức trọng yếu trong kế hoạch của quân Bắc Việt. Đại úy John Ripley (sau này thăng cấp lên Đại tá) trong một hành động đã trở thành huyền thoại trong quân sử của TQLC Hoa Kỳ, đã bò dưới gầm cầu nhiều lần dưới làn đạn để gài mìn nổ. Ông đã giật sập được cây cầu trong lúc toán tiền quân của đoàn chiến xa Bắc Việt đang cố gắng vượt qua. Đối với chúng tôi, những người đang thoát theo hướng Đông hay đơn giản hơn đang cố sống sót, đó là một hành động dũng cảm mà chúng tôi mãi mãi ghi ơn. Nếu Ripley không phá sập cây cầu, tôi tin là hầu hết các TQLC Việt Nam và cố vấn Mỹ đều đã bị bắt hoặc bị giết chết rồi. Nhân vật đã cố gắng tái tạo lại trật tự từ sự hỗn loạn và ra lệnh cho Ripley phá hủy cây cầu chính là Trung tá Gerry Turley (sau này lên Đại tá). Bị đẩy vào một tình thế gần như siêu thực, lòng quả cảm, sự điềm tĩnh và tính chuyên nghiệp của ông là mối keo kết dính giữ toàn bộ không bị đổ vỡ. Tác giả Botkin đã cho chúng ta hiểu được tầm cỡ của hành động của Turley và nhận thức được những sự kiện kỳ quái và điên rồ có thể diễn ra trong cuộc giao tranh.
Mặc dù TQLC bị đặt trong những tình huống quẫn bách, cuộc triệt thoái nói chung có trật tự. Tất cả những khẩu trọng pháo đều được phá hủy không để rơi vào tay kẻ thù. Các Đại đội và Tiểu đoàn tập hợp lại và còn nguyên vẹn với các cố vấn Mỹ sát cánh bên họ. Điều này trái ngược hẳn với các đơn vị như pháo binh SĐ3 đã mở ngỏ cửa cho quân Bắc Việt tấn công vào và để lại cho chúng hàng chục khẩu đại bác còn nguyên si cùng với hàng tấn đạn dược. Tại sao có sự khác biệt về hiệu năng chiến đấu như vậy? Tôi nghĩ rằng đó là nhờ sự đầu tư toàn diện về huấn luyện giống như mô hình TQLC Hoa Kỳ đầy kinh nghiệm và một thế hệ cố vấn đã hết lòng truyền đạt sự hiểu biết và niềm tin qua cho các bạn TQLC Việt Nam.
Bọn Bắc Việt tưởng chừng như đã thành công. Được trang bị dồi dào gần như vô tận về chiến xa và pháo binh cùng với vũ khí phòng không tối tân nhất của Liên Sô, bọn chúng xâm nhập vào vùng chiến trường phía Bắc với hy vọng sẽ tung cú phủ đầu đánh gục miền Nam. Mất các tỉnh phía Bắc bao gồm Quảng Trị và cố đô Huế sẽ là một thảm trạng về tâm lý chiến đối với chính phủ VNCH. Tuy nhiên tình báo Bắc Việt trước khi xâm lăng đã quên không tính đến sự kiên cường của TQLC Việt Nam. Quảng Trị cuối cùng đã bị thất thủ nhưng chỉ có TQLC Việt Nam là đã chiếm lại được vào ngày 15/9/1972.
Trong trận đánh bẩy tuần tái chiếm cổ thành Quảng Trị, lực lượng TQLC đã chịu 3.658 thương vong. Đó là một trận đánh tàn khốc chống lại một kẻ thù dai dẳng nhưng chiến thắng sau cùng đã đủ chứng minh tính chuyên nghiệp và sự dũng cảm của TQLC Việt Nam. Bắc Việt cuối cùng đã thành công vào năm 1975. Nhưng ít nhất miền Nam đã được ba năm tạm yên nhằm củng cố lại đất nước hầu chống lại quyết tâm của miền Bắc muốn xâm chiếm họ. Buồn thay là ba năm chưa đủ.
Nếu bạn có khuynh hướng cho rằng chiến thắng của Cộng sản không đáng buồn, "Cưỡi Ngọn Sấm" sẽ làm bạn tỉnh ngộ về quan điểm đó. Dệt trong lời kể là câu chuyện của Trung tá Lê Bá Bình: một TQLC, một người yêu nước, một người chồng và một người cha. Bình là sĩ quan Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn TQLC mà John Ripley làm cố vấn. Câu chuyện của Bình sẽ làm bạn nổi giận, gây cảm hứng và cuối cùng sưởi ấm trái tim bạn. Đoạn kết bất thành của cuộc chiến và ảnh hưởng bi thảm của nó đối với hàng triệu người miền Nam đã được biểu lộ qua cuộc hành trình của Bình. Ngoài ra "Cưỡi Ngọn Sấm" cũng đã diễn tả chuyện gia đình của nhiều TQLC, Việt Nam cũng như Hoa Kỳ khác mà sự hy sinh và lòng can đảm rất điển hình cho các gia đình quân đội trong quá khứ và hiện tại. Đối với những người trong chúng tôi đã chọn binh nghiệp thì sự hỗ trợ, lời khuyến khích và sự trung thành của họ vẫn mãi mãi là một niềm cảm hứng. Lịch sử về chiến tranh thường được viết bởi kẻ thắng cuộc và bọn Cộng sản đã cố gắng xoá hết vết tích ghi chép, không nhắc nhở đến các thành tích đáng ca ngợi của TQLC. "Cưỡi Ngọn Sấm" bắt đầu viết trở lại vào lịch sử câu chuyện chưa được kể về những người lính TQLC Việt Nam và gia đình; họ chưa bao giờ đầu hàng, chưa hề bỏ cuộc và chưa khi nào mất niềm tin. Đối với những người đã từng chiến đấu, đã chịu đau khổ và vươn lên quá nhiều để đạt được sự Tự Do cho chính họ với tư cách là các công dân mới của đất nước Hoa Kỳ, thì "Cưỡi Ngọn Sấm" là một câu chuyện xứng đáng được chia sẻ với các thế hệ tiếp nối của nước Mỹ, đặc biệt là người Mỹ gốc Việt. Tôi hy vọng cuốn sách này sẽ giúp họ hiểu được cái giá mà cha ông họ đã phải trả nhằm bảo tồn nền Tự Do mà ngày nay họ đang được hưởng. Và sau cùng, trong khi cái danh xưng "Thủy Quân Lục Chiến" đã chiếm một vị trí đặc biệt trong tim người Mỹ, công việc kể lại các thành tích và lòng phục vụ của Lê Bá Bình và những nhân vật như ông sẽ làm cho độc giả cũng sẽ trân trọng cái tiếng gọi đó trong lòng những người Việt vậy.

Đại Tướng Walter E. Boomer, TQLC Hoa Kỳ (hồi hưu)

 

***

 Cưỡi Ngọn Sấm, tập 1

Chương 13

Mỹ Lai


Cuộc thảm sát hơn ba trăm thường dân vô tội tại ngôi làng nhỏ Mỹ Lai, một hành động ghê tởm nhất kể từ thời của các cuộc chiến tranh chống lại người da đỏ gần một trăm năm về trước lại gây nên bởi một đơn vị bộ binh Hoa Kỳ, đã xảy ra vào ngày 16 tháng 3 năm 1968. Biến cố này xảy ra trong phạm vi Vùng I Chiến Thuật một vài tuần trước khi George Philip đến. Mặc dù sự việc đã không được công bố với dân chúng Mỹ cho đến năm 1969 nhưng nó đã trở thành nguyên nhân đình đám cho tất cả những người phản đối sự tham gia của Hoa Kỳ trong chiến tranh Việt Nam.

Đối với những người được thông tin một cách sai lạc hay họ cố tình không chịu tìm hiểu, chữ "Mỹ Lai" đã trở thành một tĩnh từ có tính cách diễn tả, một biện pháp mà mọi người cho rằng đó là phương cách mà giới quân sự thường sử dụng để hoạt động và thực hiện các cuộc hành quân. Trên thực tế, cuộc thảm sát tại Mỹ Lai là kết quả của sự yếu kém trong vai trò chỉ huy của một số đơn vị thuộc Sư Đoàn Americal  và là một điều sai lầm, hoàn toàn đối nghịch với đường lối tiến hành các cuộc hành quân tác chiến.

Sự kiện tại Mỹ Lai thật ra chỉ là một trang sách phụ so với sách lược của Việt cộng, một sự lặp lại, ở một quy mô nhỏ hơn rất nhiều, của các hành động của quân đội Bắc Việt tại Huế vừa rồi, hoặc những chuyện xảy ra thường xuyên trong các cuộc tổng công kích của Cộng sản vào những năm 1972 và 1975. Tất cả những điều này đã làm cho sự kiện Mỹ Lai trở thành gần như vô nghĩa nếu so về số lượng tuyệt đối và sự độc ác tàn bạo.

Các tin tức trong nước và quốc tế, tuy sự kiện về Mỹ Lai chưa được tiết lộ, cũng không được khích lệ lắm trên quan điểm chính trị của người Mỹ. Xung đột về chủng tộc và các cuộc biểu tình phản chiến liên tục và quá nhiều ở các trường đại học trên toàn quốc đã làm chuyển hướng, làm loãng và tiêu tan đi quyết tâm của chính phủ đã có từ trước nhằm chấm dứt chiến tranh bằng một sự chiến thắng truyền thống nào đó.

Vụ chiếc tầu USS Scorpion (SSN-589) - một chiếc tầu ngầm xung kích nguyên tử - bị đắm một cách bí ẩn vào ngày 22 tháng Năm đã gây bối rối lớn cho Hải quân Hoa Kỳ nói chung và Toán Công Tác Thầm Lặng (Silent Service) nói riêng. Chưa đầy năm năm sau khi bị mất chiếc USS Thresher (SSN-593) và ngay tức thời sau khi chiếc USS Pueblo bị vây bắt, sự mất mát của chiếc Scorpion chỉ là một sự kiện phụ trội làm giảm sút thêm niềm tin của công chúng vào tiềm năng phục vụ của quân đội.

Việc chiếc USS Scorpion bị chìm là mối quan tâm lớn cho các cấp cao nhất của chính quyền và giới quân sự. Vụ này xảy ra chỉ khoảng 10 tuần sau khi chiếc tầu Xô Viết K-129 bị mất, một chuyện mà công chúng Hoa Kỳ không hề biết, và có những câu hỏi được đặt ra là liệu chiếc Scorpion đã bị đánh chìm bởi hành động thù địch hay thật sự là bị hỏng máy móc? Có khi nào người Nga đã hiểu lầm rằng chiếc K-129 đã bị tấn công bởi một tiềm thủy đĩnh hay lực lượng chống tầu ngầm nào đó của Hoa Kỳ, thành thử họ đã tấn công chiếc Scorpion để trả đũa chăng? Đó là câu hỏi mà Tổng thống và các cố vấn của ông đã đặt ra mặc dù vấn đề này không thể công bố ra ngoài được.

Ngay cả việc, dù đã có một số lượng lớn quân Bắc Việt và Việt cộng bị giết và bị bắt trong cuộc tấn công tết Mậu Thân, nhưng những người Mỹ trước kia vẫn tin tưởng vào lời tuyên bố của các nhà lãnh đạo cho rằng đã thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm thì nay càng lúc họ càng thấy có quá nhiều rối rắm xảy ra. Ý chí quốc gia phải tiếp tục đầu tư xương máu và tài sản đến tận mạng vào Đông Nam Á đã nhạt dần đi. Quyết định của Tổng thống Johnson từ chối lời yêu cầu của Đại Tướng Westmoreland về việc cho bổ sung hai trăm ngàn binh sĩ và sự không tỏ thiện chí trong việc gọi thêm quân trừ bị cho thấy sự do dự của ông. Vấn đề này đã không tránh khỏi sự chú ý của các lãnh đạo ở Hà Nội, Bắc Kinh, và Moscow.

Việc Robert Kennedy bị bắn sau khi thắng cuộc bầu cử sơ bộ trong kỳ tranh cử Tổng Thống tại California vào buổi tối ngày 5 tháng 6 và cái chết của ông vào sáng sớm hôm sau đã khép lại mãi mãi hoài vọng luôn ấp ủ của nhiều người Mỹ, đặc biệt là những người phản chiến, hầu có thể trở lại những ngày tháng dường như là huyền diệu trong nhiệm kỳ tổng thống của ông anh trai.

Vào cuối tháng Sáu, cuối cùng căn cứ Khe Sanh đã chính thức được đóng cửa và bị bỏ phế. Ngày 1 tháng Bẩy, Đại tướng Westmoreland chuyển giao nhiệm vụ Chỉ Huy Yểm Trợ Quân Sự tại Việt Nam (MACV) lại cho Đại tướng Creighton Abrams. Đại tướng Westmoreland lên làm Tham mưu trưởng quân đội. Sự ra đi của ông khỏi vùng Đông Nam Á sau bốn năm nắm quyền chỉ huy cũng - ít nhất là trong thời khắc đó - đã làm tiêu tan đi hết các kế hoạch trọng yếu tấn công thẳng ra miền Bắc bằng các lực lượng bộ binh, tấn công vào các sào huyệt của Cộng sản bên Lào hay vào hệ thống hạ tầng cơ sở vĩ đại của con đường mòn Hồ Chí Minh

Nuôi dưỡng con quái vật

Khi Gerry Turley kết thúc thành công chu kỳ nhiệm vụ đầu tiên tại Việt Nam với tư cách là một sĩ quan Trung đoàn và sau đó là sĩ quan hành quân và Tiểu đoàn phó của tiểu đoàn 3, Sư đoàn 7 TQLC Hoa Kỳ; và khi John Ripley bàn giao quyền chỉ huy của Đại đội Lima, có thể nói là họ đã chiến thắng. Hay ít nhất là Turley và Ripley, cùng tất cả các TQLC khi chung sức với nhau đã nghĩ như vậy. Nhìn dưới bất cứ khía cạnh nào mà đầu óc người Mỹ hay người phương Tây có thể lý luận được thì đều thấy là người Mỹ đang chiến thắng tại Việt Nam.  Ngày qua ngày rồi tháng qua tháng đã có thêm nhiều đồng đội bị hy sinh. Nhiều người khác nữa bị thương trầm trọng. Nhưng cũng trong những ngày tháng đó, trong những trận đánh hầu hết không có tên gọi, họ đã chiến đấu rất dũng cảm, đôi khi uyển chuyển nhưng không bao giờ chịu thua, và đã giành lấy vinh quang trong mỗi lần đụng độ. Trong tất cả những lần ra trận. Ít nhất là họ đã trở về nhà, trong lòng tin tưởng họ đã chu toàn nhiệm vụ, tin chắc là những sự hy sinh đều có giá trị và chiều hướng cuộc chiến đang thuận lợi cho họ.

Mùa xuân Praha

Mùa Hè năm 1968 không thể gọi là "Mùa Hè của tình yêu, phần hai"* nổi. Trong giai đoạn này của cuộc chiến, với những cuộc nổi loạn lan rộng về chủng tộc và biến động xã hội mà phần lớn có vẻ như được gắn liền với sự mục ruỗng thấy rõ của các chính sách ngoại giao và đối nội Hoa Kỳ, thật khó mà còn nhớ nổi là nước Mỹ không phải là nguồn gốc phát sinh duy nhất của tội ác. Các trang nhất trên báo, và tin tức truyền hình đều thiếu vắng tin tức về các cuộc đàn áp thực tế đang diễn ra tại một số quốc gia độc tài cảnh sát trị.

Sự gia tăng chậm rãi nhưng liên tục về các lợi ích tất nhiên của nền Tự Do và kinh tế tự do đang được thúc đẩy ở khắp mọi nơi tại Châu Á ngoại trừ Trung Cộng và Bắc Triều Tiên cũng không được tường trình đầy đủ. Trung Hoa Quốc Gia, Hồng Kông, Singapore, Nam Hàn, Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Philippines, và đặc biệt là Nhật Bản, không ở đâu là không có vấn đề, nhưng tất cả đã cho thấy những dấu hiệu của sự tăng trưởng về kinh tế và sự phát triển của những nước không theo chủ nghĩa cộng sản.

Hầu hết người dân Nhật Bản đã vượt qua thời đại của "ba báu vật" (máy giặt, tủ lạnh và truyền hình đen trắng) và đang tiến vào thời kỳ “ba chữ C” (Car/Xe hơi, Color television/Truyền hình màu, và Cooler-Air conditioner/Máy lạnh-Máy điều hòa). Các nền kinh tế khác nhỏ hơn đang cố gắng bắt theo sau. Một khi đã được tiếp xúc với những tiện nghi của nền Tự Do và đạt mức sống căn bản cao hơn thì rất khó mà quay đầu ngược trở lại.

Cùng lúc đó và gần như không ai ở phương Tây để ý đến là sự thù hận ngày càng lớn giữa hai nước đàn anh chính của Bắc Việt. Đến tháng Tư năm 1968 Liên Xô đã bắt đầu điều động một phần ba lực lượng bộ binh tác chiến đấu hầu chống lại một lực lượng tương đương của Mao Trạch Đông cũng đang trải dọc theo đường biên giới chung dài bốn ngàn dặm. Thật không may cho Lê Bá Bình, George Philip, và tất cả các chiến hữu có liên quan là các chính trị gia Hoa Kỳ đã thiếu khả năng trong việc khai thác thuận lợi từ sự rạn nứt giữa hai cường quốc đỏ này.

Trong hơn hai mươi năm, "nữ thần" Tự Do đã bị cố tình nhốt chặt vào trong cái bình thần bởi Hiệp ước Warsaw - đưa ra bởi Liên Xô - tại những nơi như Hungary, Ba Lan và Đông Đức. Các nỗ lực để phá vỡ luôn luôn bị nghiền nát, bị áp đảo bởi cảnh sát và quân đội. Bấy giờ, vào mùa Hè năm 1968, các sinh viên Tiệp Khắc đã bị nhiễm con "vi trùng" tự do và dường như bệnh dịch này được truyền qua những người khác trong dân chúng và họ bắt đầu đứng lên đòi hỏi một sự thay đổi. Để đè bẹp căn dịch này, các thầy thuốc Liên Xô đã đề ra một toa thuốc mạnh là 600.000 quân lính và hàng ngàn chiến xa - một lực lượng đông hơn quân số của Hoa Kỳ tại Việt Nam trong cùng thời điểm, hay bất kỳ lúc nào - để chữa con bệnh.

Phải mất ba tuần liều thuốc kiểu Liên Xô mới có hiệu quả trong việc "chữa bệnh" cho bệnh nhân. Hàng ngàn người Tiệp Khắc vô tội, hầu hết là tay không hoặc nếu có võ trang thì chỉ có các vũ khí thô sơ đã bị tàn sát mà không có một cơ quan truyền thông nào tường trình lại. Giống như các hành động giết người của quân Bắc Việt tại Huế chỉ sáu tháng trước đó, sự kiện này cũng chẳng gây ra sự bất mãn tại Hollywood và cũng chẳng có một cuộc biểu tình để lên án các hành động của Liên Xô tại bất cứ một khuôn viên Đại học nào đó tại Hoa Kỳ.

Trong khi đó, trở lại chiến trường - tháng Chín 1968

Đại đội Bravo và phần còn lại của 1/26 tiếp tục đụng trận trên khắp Vùng I Chiến Thuật và chuyển quân như những con cờ  đến những nơi mà những người quyền hành ở trên cao quyết định họ cần có mặt tại chỗ nào trọng yếu nhất. Giống như trước đây, các cuộc hành quân không bao giờ kết thúc. Khác với  hầu hết các binh sĩ đã biết chính xác họ còn bao nhiêu ngày nữa trong chu kỳ nhiệm vụ của họ, George Philip còn chưa khởi đầu đồng hồ đếm ngược thời gian để hồi hương.

Tính chất và cường độ tác chiến bao gồm những cuộc đụng độ nhỏ với súng cá nhân cho tới các trận đánh lớn mà cả Tiểu đoàn phải tham gia vào. Đó là những lúc mà George chứng kiến được là trong hầu hết các trường hợp, mọi chuyện có vẻ ăn khớp với nhau, sự phối hợp các loại vũ khí với nhau như không quân và pháo binh (và hải pháo nếu các chiến hạm ở gần bờ), mọi bộ phận đều cố gắng hết mức để yểm trợ cho bộ binh, y chang như những gì "quảng cáo" trong trường Huấn Luyện Căn Bản.

Trong suốt thời gian đại đội Bravo ở ngoài chiến trường, thường thì những kỳ nghỉ ngắn ngủi lại trở nên là giai đoạn đáng nhớ nhất. Với sự đều đặn và vật vã trong suốt thời gian lăn lội trong rừng bụi, ngoại trừ những lần đụng độ lớn hay có chuyện xấu xảy ra cho đồng đội thân cận, những gì còn lưu lại trong hồi ức của một người chiến binh là những điều nhỏ nhoi, thỉnh thoảng lại là những điều hay, có khả năng phá vỡ được cái nhịp đều đặn thường ngày.

Không rõ vì lý do gì đối với thiếu úy George Philip, và cũng giống như những ngày khi họ được lệnh di chuyển đi từ nơi này qua nơi khác bởi các ông thần vẽ kế hoạch hành quân, có một hôm họ đang làm việc ở một nơi nào đó thuộc phía Nam của Đà Nẵng rồi, không một lời giải thích, lại được lệnh lên xe vận tải bốc thẳng từ chiến trường về hậu cứ tại Đà Nẵng.

Luôn luôn là một sự bất ngờ khi trở về từ mặt trận, được trở lại với những người còn sống, còn thở, được tiếp xúc với những tên TQLC chưa bao giờ ra ngoài chiến trường, những tay được nhận thư từ hằng ngày, được "ị" trong nhà cầu đàng hoàng, được tắm rửa đều đặn, được mua sắm tại PX hay được đi phố với các "em." Những tên này được ngủ trên giường tử tế và thường xuyên được ăn mỗi ngày hai bữa nóng với trái cây thật sự cùng bánh mì và sữa tươi. Nhóm TQLC rừng rú, những tay TQLC thứ thiệt gọi bọn này là bọn REMFs (Rear Echelon Mother F...s). Bọn này rất dễ nhận ra. Họ đi giày bốt láng bóng và quân phục phẳng phiu còn mới tinh. REMFs thường mày râu nhẵn nhụi và béo tốt hơn nhóm đồng đội bụi đời thiếu thốn bơ sữa và thức ăn. Nhóm TQLC thứ thiệt thường vừa có cảm giác bực mình ra mặt nhưng đồng thời cũng thầm ganh tỵ với bọn REMFs đó.

Vào cái ngày mà George và hầu hết các sĩ quan Bravo khác đến Đà Nẵng thì trạm dừng chân đầu tiên của họ là một trụ sở câu lạc bộ sĩ quan tại thành phố này. Giống như vừa trở về sau vài tuần ngoài mặt trận, mà họ đã như vậy, mình mẩy hôi hám mùi rừng rú và mồ hôi đã thấm vào tận da thịt và quân phục, họ bị dính chấu như dân da đen lọt vào phòng họp của bọn KKK và bị đối xử đúng y như vậy.
Sau khi sắp hàng và mỗi người chất đầy đĩa thức ăn của mình với một khối lượng không thể nào ăn hết nổi, sau khi đã thưởng thức vài ly sữa tươi mát lạnh và "Bug Juice" ** lúc đang sắp hàng, rồi lại rót đầy thêm ly trước khi tìm chỗ ngồi, xa bọn REMFs, nhóm George Philip nhận ra một điều khá đặc biệt.

Trong vô số những chuyện căn bản mà các chàng trai trẻ bị thiếu thốn do phải lặn lội hằng tuần trong những khu rừng già và các đồng lúa hôi hám cùng khắp Việt Nam là cái niềm vui thật đơn giản được ngắm nhìn và nói chuyện với một phụ nữ Hoa Kỳ bằng xương bằng thịt.

Những gì có sẵn cho các binh lính và TQLC ngoài tiền tuyến về phương diện liên hệ với phụ nữ tại Việt Nam, nếu đàng hoàng thì bọn REMFs đã dành mất rồi. Họ chỉ thường có cơ hội giao dịch với vài "bà má" luống tuổi để họ dọn dẹp chỗ ở hay giặt giũ quần áo, hoặc nếu có thân mật hơn chút nữa thì là một cuộc trao đổi tình dục có thể đưa đến chuyện bị mắc một vài chứng bệnh xã hội nào đó. Còn khả năng được tiếp xúc với một hay nhiều phụ nữ Hoa Kỳ, các nữ y tá, tiếp viên hàng không, phóng viên, hay bất kỳ lãnh vực nào luôn luôn là một chuyện đáng nhớ bởi vì nó ít khi nào xảy ra.

Ngay lúc George và các sĩ quan khác của Đại đội Bravo đã vào bàn rồi và anh nhìn lên thì chợt bàng hoàng khi thấy ba người phụ nữ. Những phụ nữ người Mỹ. Họ là nhóm y tá Hồng Thập Tự Hoa Kỳ "Búp Bê Donut," có lẽ đang làm việc cho “USO” (United Service Organizations), và dường như muốn bước về hướng các sĩ quan của đơn vị Bravo đang ngồi.

Mang thức ăn cho họ và ngoan ngoãn đi theo sau là ba anh chàng sĩ quan cấp úy REMFs mặt mũi nhẵn bóng, quần áo ủi hồ phẳng phiu. Những tay này chưa nhận ra nhóm của George. Anh ra hiệu cho đồng đội chú ý, ngưng ăn uống để ngắm cái phép lạ đang diễn ra. Cả toán sĩ quan Bravo đồng loạt thẳng lưng lại và sửa soạn cho một cuộc tiếp chuyện văn minh, bất kỳ kiểu nào cũng được. Cả bọn ý thức được là bề ngoài và tình trạng vệ sinh của họ còn thiếu sót đáng kể nhưng họ tin vào sự độ lượng vượt mức của các kiều nữ "Florence Nightingale" thời đại mới này. Vào thời điểm này của chu kỳ nhiệm vụ, họ sẵn sàng làm bất cứ thứ gì để tạo sự chú ý của nữ giới. Nhóm "búp bê Donut" không hẳn tuyệt đẹp như tài tử Ann Margret nhưng thời gian dài lặn bờ lặn bụi đã làm cho tiêu chuẩn của gã đàn ông sút giảm nhiều lắm. Trang bị đầy đủ các thứ và y phục cần thiết, ít nhất họ là phụ nữ.

Phút chờ mong ngắn ngủi thật là tuyệt vời. George Philip cảm thấy mình như một cậu bé lớp bẩy phải lòng cô nữ sinh trung học trong toán múa "cheerleader." Tất cả chỉ xảy ra trong vòng một vài giây đồng hồ thì thực tế phũ phàng chụp xuống. Bọn REMFs nhận ra sự hiện diện của các sĩ quan Đại đội Bravo nên đột ngột dẫn nhóm "búp bê Donut" đi qua khu vực khác, lịch sự hơn trong câu lạc bộ. Thật là một sự bẽ bàng. Nhóm sĩ quan Bravo tiếp tục ăn uống lại, miệng lẩm bẩm những lời nhận xét khác nhau nhưng cùng một nghĩa chung là "bọn chó đẻ REMFs..."

Mặc dù chẳng ai bàn tán gì nhiều về độ thâm niên của các thiếu úy nhưng khi George bắt đầu thời kỳ sáu tháng của anh với tư cách sĩ quan đề lô của B 1/26, thì anh đã trở thành  một TQLC khá dày dạn kinh nghiệm, ít nhất là theo tiêu chuẩn của người Mỹ. Bởi đã sống sót được từng ấy thời gian nên đối với các lính mới nên anh đã là hàng trưởng lão. Kinh qua hàng chục lần xáp trận rồi nên chẳng có chuyện gì có thể làm anh giao động được nữa. Anh có thể bung ra trong nháy mắt một khối lượng hỏa lực khủng khiếp gieo rắc sự chết chóc và tàn phá một cách chính xác. Anh đã ghi nhận lời khuyên của Đại tá Helmer, đã áp dụng nó và truyền lại cho những người khác.

Vào tháng Chín năm 1968 George Philip, anh bạn Matt Dillon, và nhiều người khác trong nhóm kỳ cựu TQLC của Đại đội Bravo bị mắc một chứng bệnh ngoài da trong rừng rậm - một loại bệnh kỳ cục chưa ai biết là thứ gì, chỉ tấn công ngoài da, đặc biệt là những vùng nhậy cảm. Cách chữa trị đúng duy nhất là phải từ giã Việt Nam và đến một nơi nào đó an lành hơn như quê nhà chẳng hạn.

Mặc dù có những cơ hội được ăn uống thả dàn như trong câu lạc bộ sĩ quan Đà Nẵng nhưng hiện nay George chỉ cân nặng vào khoảng từ 120 tới 125 cân Anh, sụt khá nhiều so với 150 cân trước kia, tuy lúc đó anh vẫn bị coi là gầy. Bề ngoài của George bây giờ trông khá giống một trong những ông già vừa thoát ra khỏi trại Đức quốc xã Auschwitz hay Buchenwald vào giữa năm 1945. Toàn thân anh được bôi vàng bởi một thứ kem gì đó đáng khả nghi mà các y sĩ quân đội hay dùng để chữa tất cả các loại bệnh ngoài da. Nếu mẹ anh mà thấy được bộ dạng anh bây giờ ra sao thì chắc bà sẽ bị đứt gân máu mất.

Trở lại Pháo đội Alpha 1/13

Vào khoảng giữa chu kỳ nhiệm vụ 13 tháng, theo thông lệ đối với các sĩ quan pháo binh, đã đến lúc George phải thuyên chuyển về lại pháo đội trọng pháo. Nhiệm vụ này tuy không hẳn là dễ dàng gì nhưng thật khác xa, không khắc khổ và nguy hiểm như thời gian nửa chu kỳ đầu nhiệm vụ lặn lội trên các con đường mòn và ruộng lúa với đám lính bộ binh.

Tháng 12 năm 1968 là một cái mốc đã đánh dấu tháng thứ 45 kể từ khi TQLC Hoa Kỳ đổ bộ lên bờ biển Việt Nam và bắt đầu các nỗ lực đánh lớn của Hoa Kỳ tại Đông Nam Á.

Vào tháng thứ 45 trong cuộc nội chiến Hoa Kỳ, miền Nam Hoa Kỳ đang trên bờ của sự sụp đổ. Tướng William Tecumseh Sherman, tay sát nhân đối với dân miền Nam mà tên tuổi xấu xa vẫn còn được nhắc mãi đến một trăm năm sau ở dưới lằn ranh Mason-Dixon, đang tụ tập quân lính tràn xuống Georgia và sau đó nhanh chóng chuyển qua các tiểu bang Carolinas, tiêu diệt hết mọi thứ trên đường tấn công của hắn.

45 tháng sau khi Hoa Kỳ tuyên chiến với Đức vào tháng Tư năm 1917, "cuộc chiến để chấm dứt tất cả các cuộc chiến" đã diễn ra hơn hai năm rồi. Người Mỹ đang sửa soạn để hưởng một sự thịnh vượng chưa từng có bao giờ và múa may theo các điệu Jitterbug và Charleston suốt cho đến thập niên 1920 đầy sinh động.

45 tháng sau khi Nhật Bản tấn công Trân Châu Cảng, Hoa Kỳ đang chuẩn bị để "bắn phát súng ân huệ" bằng cách thả trái bom nguyên tử "Fat Man" xuống Hiroshima và "Little Boy" xuống Nagasaki. Chán chiến tranh rồi, người Mỹ lại một lần nữa hướng về hòa bình - điều mà sau đó tỏ ra là hoang tưởng và không thực tế - bằng cách tiêu xài hết tiền bạc dành dụm được trong chiến tranh vào những thứ được sản xuất bởi một nền kỹ nghệ đã thoát ra khỏi các sự trói buộc trong thời chiến.

45 tháng sau khi các chiến xa T-34 do Liên Xô viện trợ lăn bánh lần đầu tiên vào Seoul, hiệp ước ngưng bắn đã có hiệu lực được chín tháng rồi.

45 tháng sau khi khởi đầu cuộc chiến tại miền Bắc Á Châu, ca sĩ Bill Haley và ban nhạc Comets đã thâu xong bản "Rock Around the Clock."

Khi năm 1968 sắp kết thúc, ngay cả với việc quân Bắc Việt và Việt Cộng đã chết chồng lên nhau như củi khối, cũng không có bằng chứng nào khả dĩ để người Mỹ tại hậu phương nghĩ rằng phe ta đang thắng thế trong trận chiến này khi nó đang đi vào một cái năm đẫm máu và tốn kém nhất trong suốt cuộc chiến tranh. Mặc dù đã nỗ lực tối đa trong suốt 12 tháng đó, chỉ cần liếc vào bản đồ là thấy chẳng có gì thay đổi khá hơn. Các cuộc đụng độ vẫn xảy ra khắp nơi trên toàn cõi Việt Nam Cộng Hòa. Cả nước bắt đầu mệt mỏi thấy rõ vì sự cam kết đã chỉ mang lại một kết quả cay đắng. Nếu như quân Bắc Việt và các lực lượng còn lại của Việt Cộng có mất tinh thần chiến đấu hay không  thì với cấp bậc của George Philip và đồng đội, họ cũng không thể biết được.

Cuộc sống vẫn tiếp diễn/Bình gặp Cầm/Cuộc chiến của người cha

Trong những tháng tiếp theo thời gian phục vụ tại cầu Bình Lợi, tiểu đoàn 3 và tất cả các đơn vị lưu động khác của TQLC Việt Nam tiếp tục nhận nhiệm vụ ở bất cứ nơi nào cấp trên quyết định rằng sự hiện diện của họ là khẩn thiết nhất. Tuy nhịp độ hành quân khá lộn xộn nhưng ai nấy cũng đều tuân theo một phương pháp và thông lệ nào đó.

Lợi dụng những khoảng thời gian ngắn lúc Tiểu đoàn 3 luân chuyển về Thủ Đức nhằm tái trang bị và bổ sung quân số, Đại úy Bình tranh thủ nhanh chóng về nhà thăm gia đình và bạn bè. Giống như mọi lần và theo lệnh cấp trên, anh luôn luôn đi với một toán vệ sĩ và tà-loọc bây giờ đã cảnh giác hơn đối với sự nguy hiểm rình rập sau biến cố Tết Mậu Thân vừa qua. Sự hiện diện và đi lại của anh khiến cho hàng xóm vừa cảm thấy nghiêm trọng, lại vừa yên tâm hơn vì nhiều gia đình cũng có con em đang phục vụ trong quân ngũ.

Đối với những người Mỹ chỉ thấy chiến tranh trên truyền hình hoặc đọc về nó trong các tập san và báo chí, nhận thức của họ về cuộc sống thường nhật ở Việt Nam gần như không thể nào hiểu nổi. Với hầu hết những người này, mọi miền đất nước dường như tràn ngập VC và lính Bắc Việt, dày đặc các nhà sư Phật Giáo chỉ tìm cớ để châm lửa vào bộ tăng bào màu vàng nghệ của họ. Những đường phố chính trong thành phố thì đầy rẫy những tên bán dạo lừa đảo và gái điếm. Chuyện mạch sống vẫn trôi như từ trước tới nay chỉ được biết đến bởi những người đang sống thực tế trong đó. Và rồi cuộc sống, trong mọi hướng đi và trong mỗi chu kỳ, vẫn diễn ra đều đặn với chỉ một vài thay đổi nhỏ.

Lễ cưới Yến, em gái của Bình vào ngày 17 tháng 11 năm 1968 đặc biệt đáng ghi nhớ đối với vị đại úy TQLC dày dạn trận mạc này. Yến làm việc trong văn phòng kế toán của Trung Tâm Buôn Bán PX quân đội Hoa Kỳ từ năm 1966. Trong số các bạn bè thân nhất của cô, Bành Cầm là một phần tử trong cái nhóm nhỏ phụ nữ trẻ hấp dẫn và đang tuổi cập kê. Giống như mọi cô em hãnh diện về anh của mình, Yến đã liên tục ca ngợi lòng tốt và sự hào hùng của ông anh mình với Cầm từ nhiều tháng trước khi đám cưới. Bình hầu như lúc nào cũng phải đi hành quân xa còn mẹ của Cầm vẫn giữ lề lối xưa thành thử họ chưa có cơ hội nào để được chính thức giới thiệu với nhau. Đám cưới của Yến đã tạo một cơ hội hay nhất. Phần còn lại, như họ vẫn thường nói, chỉ là duyên số.

Mặc dù chiến thắng ở Đông Nam Á có vẻ khá mơ hồ, không phải tất cả mọi thứ vào tháng Mười Hai năm 1968 đều báo động sự sụp đổ của văn minh Tây phương. Đất nước đã thật sự vui mừng khi thủy thủ đoàn chiếc USS Pueblo được trở về, những người mà đã phải chịu đựng suốt cả 11 tháng trời dưới sự tra tấn và hành hạ trong tay bọn Bắc Triều Tiên.

Mặc dù quân đội Hoa Kỳ có vẻ bị lún sâu vào các bãi sình lầy và ruộng lúa tại Việt Nam nhưng vụ phóng phi thuyền Apollo 8, lần đầu tiên con người tiến hành bay vào quỹ đạo của mặt trăng đã đánh dấu tính ưu việt về khoa học kỹ thuật của Hoa Kỳ. George Philip và một số ít đồng đội TQLC đã nghe được tin này qua hệ thống truyền thanh của quân đội Hoa Kỳ vào ngày Giáng Sinh, tức chiều hôm trước Giáng Sinh tại quê nhà. Họ nghe được những lời chào mừng Giáng Sinh bất ngờ của ba phi hành gia Apollo 8 cách xa hằng trăm ngàn dặm từ trong cái phi thuyền tý hon của họ.

Trong lần phát sóng có lẽ đã được chú ý nhiều nhất lúc bấy giờ, các phi hành gia William Anders, Jim Lovell, và Frank Borman mỗi người đọc một đoạn ngắn từ cuốn "Sáng-thế Ký" (Genesis) của Cựu Ước. Anders bắt đầu:

Đối với tất cả những người trên trái đất phi hành đoàn Apollo 8 chúng tôi có một thông điệp muốn gởi đến các bạn: Ban đầu Ðức Chúa Trời dựng nên trời đất. Vả, đất là vô hình và trống không, sự mờ tối ở trên mặt vực; Thần Ðức Chúa Trời vận hành trên mặt nước. Ðức Chúa Trời phán rằng: Phải có sự sáng; thì có sự sáng. Ðức Chúa Trời thấy sự sáng là tốt lành, bèn phân sáng ra cùng tối.

Lovell đọc tiếp:
Ðức Chúa Trời đặt tên sự sáng là ngày; sự tối là đêm. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhứt.  Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có một khoảng không ở giữa nước đặng phân rẽ nước cách với nước.  Ngài làm nên khoảng không, phân rẽ nước ở dưới khoảng không cách với nước ở trên khoảng không; thì có như vậy.  Ðức Chúa Trời đặt tên khoảng không là trời. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ nhì.

Borman kết luận:

Ðức Chúa Trời lại phán rằng: Những nước ở dưới trời phải tụ lại một nơi, và phải có chỗ khô cạn bày ra; thì có như vậy.  Ðức Chúa Trời đặt tên chỗ khô cạn là đất, còn nơi nước tụ lại là biển. Ðức Chúa Trời thấy điều đó là tốt lành. (Genesis 1:1-1:10)

Và từ phi hành đoàn Apollo 8, chúng tôi xin chấm dứt với lời chúc một đêm ngủ ngon, chúc may mắn, một mùa Giáng Sinh vui vẻ, và xin Thiên Chúa ban ơn cho tất cả mọi người... tất cả nhân loại sống bình yên trên trái đất." (nguồn: NASA, Wikipedia).

Thật khuya trong đêm Giáng Sinh hôm đó, George ngồi bên ngoài hầm chỉ huy nhìn lên mặt trăng đã gần tròn, mơ màng như các thanh niên trẻ vẫn thường làm. Anh nghĩ về những người thân, về các anh chị em, về chiến tranh, về các đồng đội mà anh đã thấy là họ ngã xuống hoặc bị thương. Anh nghĩ thật kỳ lạ là gần nửa triệu thanh niên Mỹ đang chiến đấu ở Việt Nam trong những hoàn cảnh thô sơ nhất trong khi có ba người khác thì đang bay vòng quanh mặt trăng. Thật là vô ích nếu anh cố hiểu những gì không thể hiểu nổi. Anh miên man suy nghĩ thêm, suy nghĩ mãi rồi trở vào hầm trú ẩn.

Giống như các TQLC đã quá bận rộn đánh nhau với quân Bắc Việt đến nỗi không nghe được lời phán tháng Hai của Walter Cronkite rằng họ sắp bị khốn khổ tại Khe Sanh tới nơi rồi, thật cũng là một điều hay là hầu hết các binh sĩ tại Việt Nam đã tránh không phải nghe đến kết quả một cuộc thăm dò năm ngoái cho thấy là nhân vật mà các sinh viên đại học tại Hoa Kỳ hâm mộ nhiều nhất lại là Che Guevara. Năm 1968 đã sắp chấm dứt, George Philip vừa được thăng cấp lên Trung úy, vậy mà mỗi lúc liên tưởng đến những gì đã xảy ra và có thể sẽ xảy ra, anh đều trở lại tâm trạng trước kia, khi anh vẫn thường nghĩ rằng "đây không phải như là cuộc chiến của cha mình."
__________________________________________________________

* Mùa Hè năm 1967, mệnh danh là "Mùa Hè của Tình Yêu," đã được liên kết chặt chẽ với phong trào hippy và phong cảnh của San Francisco, và đã trở thành bất tử bởi mùa hội Monterey Pop Festival năm 1967 cùng với các bài hát như "San Francisco - Be Sure to Wear Some Flowers in Your Hair" của Scott McKenzie.

** Bug Juice - cái tên dùng để mô tả loại nước uống có pha mùi như kiểu Kool-Aid thường được phân phát trên tầu, trong các câu lạc bộ, ngay cả cho binh lính ngoài mặt trận nữa trước khi có kỹ thuật làm các loại thức uống có ga. Bug Juice về căn bản chỉ là nước đường có màu nhân tạo. Bug Juice cũng là tên của một loại thuốc đuổi muỗi chứa trong những lọ nhựa nhỏ mà các TQLC và binh lính gắn lên nón sắt bằng những sợi băng cao su.

***

 

 

 


Cái Đình - 2015