Thanh Tâm


Tiểu sử Cees Nooteboom


Sinh năm 1933 tại Den Haag, Cees Nooteboom trải qua một thời thơ ấu thiếu tình thương. Cha ông bỏ gia đình đi theo người hầu gái, mẹ ông sau khi tục huyền với một tín đồ Thiên Chúa giáo khắc khổ, đã gửi ông vào những trường Dòng ở miền nam Hòa Lan. Ông đã nhiều lần bị đuổi học vì nhà trường sợ ông reo rắc tư tưởng xấu vào các học sinh khác.

Nhưng ông biết chắc chắn là mình sẽ trở thành một nhà văn. Ông vào học trong trường Gymnasium ở Venray và Eindhoven. Năm ông 17 tuổi, những xung đột giữa ông và người cha ghẻ đã mỗi lúc mỗi trở nên trầm trọng, để cuối cùng ông rời gia đình đến cư ngụ tại Hilversum, nơi ông tìm được một việc làm trong ngân hàng, sau khi được miễn thi hành quân dịch vì lý do ốm yếu.

Sau khi vừa làm vừa học cho đến hết bậc trung học, ông dốc hết thời gian vào văn chương và bắt đầu bằng nghề ký giả văn học của một vài tờ báo.

Năm 1953 ông quyết định sống đời lang thang khắp Âu châu. Ông quá giang xe xuôi Nam, đến Paris, nơi ông nghĩ là Simon Vinkenoog sẽ tìm giúp ông một công việc ở trụ sở UNESCO tại Paris.

Khi đến Paris, ông làm quen được với nhà nhiếp ảnh Philip Mechanicus. Chuỗi ngày tiếp theo là công việc trong căng tin ở UNESCO vào ban ngày, còn ban đêm ông cặp cùng Philip Mechanicus. Cuối năm, cặp bạn này tiếp tục quá giang xe xuôi Nam, tới một hòn đảo dọc bờ biển Cannes. Khi cạn túi, ông và Philip lại quá giang xe trở về Hòa Lan, dọc đường nghỉ đêm ở những nơi không ai ngờ tới. Những kinh nghiệm này được ông dàn trải trong tác phẩm đầu tay ‘Philip và thiên hạ' (Philip en de anderen). Tên Philip trong truyện là do ông mượn của người bạn đồng hành Philip Mechanicus.

Tác phẩm này đã được nhiều người mang ra phê bình, cả khen lẫn chê, và đã mang lại cho Cees Nootenboom giải văn học Anne Frank. Tuy tác phẩm thành công, nhưng ông cũng không thể sống nhờ vào nó, cũng như sống nhờ những bài thơ đăng báo. Ông tiếp tục làm việc cho một văn phòng quảng cáo và cạnh đó sống nhờ vào tiền nhuận bút từ những bút ký du lịch ông viết cho tuần báo Elsevier.

Từ 1961 đến 1968 ông làm trong ban biên tập nhật báo De Volkskrant.

Năm 1963 ông cho ra đời cuốn tiểu thuyết ‘Người hiệp sĩ đã qua đời' (De ridder is gestorven), cuốn truyện mà trong đó người viết, người kể, nhân vật chính và người đọc bị những tình tiết chồng chéo nhau và cách viết nước đôi liên tục dẫn vào mê hồn trận.

Ngoài tác phẩm này ông còn một tập thơ xuất bản năm 1964 (Những bài thơ khép kín – Gesloten gedichten) và cuốn bút ký du lịch ‘Một đêm tại Tunisie' (Een nacht in Tunisië) ra mắt năm 1965.

Từ 1968 ông làm biên tập viên du lịch cho tạp chí Avenue. Với chức vụ này ông đã du lịch khắp thế giới và đạt được mục đích ông đã tự đặt ra cho mình: trở thành người viết du ký. Ông cũng phụ trách mục thơ trong tạp chí Avenue.

Thời kỳ này kéo dài đến 1980, sau đó ông trở lại thành một người viết tiểu thuyết, với tác phẩm ‘Nghi lễ' (Rituelen)', đoạt hai giải văn học: giải F. Bordewijk năm 1981 và giải Pegasus năm 1982. Tác phẩm này cũng đã được chuyển thành phim vào năm 1989.

‘Nghi lễ' đã làm Cees Nooteboom trở thành nổi tiếng và khi đó người ta mới bắt đầu chú ý đến những sáng tác trước đó của ông, để rồi văn thơ cùng những tập du ký của ông bắt đầu được xuất bản rầm rộ.

Một chủ đề văn học hậu hiện đại hay khai thác là sự xóa mờ ranh giới giữa thực và ảo đã được ông dùng làm nền móng để viết lên tập tùy bút nổi tiếng ‘Bài hát của hư và thực' (Een lied van schijn en wezen, 1981). Và năm 1984 ông đã được trao giải văn học Multatuli với tác phẩm ‘Ở Hòa Lan' (In Nederland).

Năm 1991, trong Tuần Lễ Sách Tặng, ông đã cho ra đời cuốn tiểu thuyết ‘Het volgende verhaal'. Tác phẩm này đã được trao tặng giải văn chương Âu châu Aristeion năm 1993 và đã được nhà văn/thơ Cao Xuân Tứ dịch sang Việt ngữ với tựa đề ‘Câu chuyện tiếp theo'.

Ngoài những tác phẩm kể trên, chúng ta cũng có thể kể thêm cuốn bút ký

‘Con đường vòng đi tới Santiago' (De omweg naar Santiago), viết năm 1992.

Cũng trong năm này ông đã được trao giải văn học Constantijn Huygens.

Hiện ông cư ngụ tại Amsterdam và thường xuyên đi diễn thuyết về văn chương trên khắp thế giới.

Cees Nooteboom hiện được coi là người viết sau Thế chiến II ở Hòa Lan có nhiều tác phẩm được đọc và được dịch nhất. Tác phẩm của ông thường xoáy vào sự căng thẳng giữa cái vô cùng tận chung quanh Ý Nghĩa Của Cuộc Sống với Sự Sống mà tự thân nó đã có khởi đầu lẫn kết cuộc. Trong thơ, ông thường đưa ra những cảm nghĩ về Thời Gian và về Cái Chết, trong đó Cái Chết được diễn tả như sự trôi đi của Thời Gian, như sự đổi mùa và chu kỳ ngắn ngủi của một ngày.

 

Thanh Tâm

Trở lại trang chính


Cái Đình - 2005